Học sinh trải nghiệm làm bác sĩ
Ngày 21.12, gần 200 học sinh lớp 11, 12 Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM) đã tham gia các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Học sinh tìm hiểu về ngành y – BẢO CHÂU
Theo đó, học sinh tham quan những địa điểm trong khuôn viên nhà trường như các giảng đường, nhà truyền thống, địa điểm sinh hoạt của sinh viên.
Ngoài ra, các giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM đã giới thiệu cho học sinh về bệnh lý tiểu đường và thực trạng hiện tại, cho học sinh trải nghiệm thử đường huyết tại chỗ.
Học sinh thực tập đo đường huyết – BẢO CHÂU
Video đang HOT
Đặc biệt học sinh còn được tìm hiểu quy trình hiến, nhận và xử lý xác phục vụ công tác nghiên cứu giảng dạy tại nhà trường. Bên cạnh đó là hoạt động tìm hiểu ngày lễ tri ân những người hiến xác cho khoa học.
Giảng viên giới thiệu về quy trình hiến xác cho khoa học – BẢO CHÂU
Theo ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, trong học kỳ 1, căn cứ vào đăng ký dựa trên định hướng về ngành nghề của khoảng 1.000 học sinh lớp 11 và 12, nhà trường tổ chức thực hiện hoạt động hướng nghiệp theo hướng trải nghiệm. Tùy vào lựa chọn, học sinh sẽ tham gia các hoạt động trải nghiệm về ngành nghề tại 14 trường ĐH như: Y dược, kiến trúc, luật, sư phạm, khoa học tự nhiên…
Nhiều học sinh tham gia chương trình này cho biết qua hoạt động trải nghiệm, chúng em sẽ có những cảm nhận ban đầu về ngành nghề tương lai, từ đó tìm hiểu xem bản thân có thực sự yêu thích và phù hợp với việc lựa chọn hay không. Đặc biệt với ngành đào tạo có những đặc thù như y dược, sư phạm, kiến trúc…
Theo thanhnien
Thi THPT quốc gia 2019: Tỷ lệ kiến thức trong đề thi sẽ thế nào?
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia 2019, nhiều giáo viên đã đưa ra ý kiến về tỷ lệ kiến thức các khối lớp trong đề thi như thế nào là phù hợp?
Thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia năm 2018 - BẢO CHÂU
10 - 20 - 70 hay 10 - 10 - 80?
Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nói rằng thời điểm này sắp kết thúc học kỳ 1, học sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn nước rút. Vì vậy Bộ GD-ĐT cần sớm công bố đề minh họa để giáo viên và học sinh nhanh chóng tiếp cận với cấu trúc đề thi. Từ đó có phương án ôn tập tập trung hơn.
Còn ông Hoàng Hoài Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) đưa ra nhận định rằng: "Trong phương án xây dựng đề thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ xây dựng theo hướng từ dễ đến khó; trong đó khoảng 60% phục vụ xét tốt nghiệp, 40% còn lại phân hóa cho mục đích xét tuyển ĐH. Dự đoán tỷ lệ kiến thức năm nay khoảng 60% nội dung nằm trong chương trình lớp 12; 25% chương trình lớp 11 và 15% chương trình lớp 10".
Hay ông Nguyễn Hoàng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), nói rằng thực ra để giải quyết các yêu cầu của đề thi thì cần sự tổng hợp và liên thông kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, nếu có đòi hỏi thể hiện kiến thức độc lập, theo tôi có thể sử dụng tỷ lệ kiến thức 10 - 11 - 12 lần lượt là 10% - 20% - 70%.
Còn giáo viên Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM) thì cho rằng nếu như năm trước, tỷ lệ kiến thức lớp 11 và lớp 12 là 20% - 80% thì năm nay có thể giữ nguyên nội dung lớp 12 là 80%, phần còn lại chia đều cho kiến thức của lớp 10 và 11.
Riêng ông Trần Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Anh (Q.6, TP.HCM), cho rằng kiến thức của lớp 12 cũng đã hàm chứa kiến thức lớp 10 và 11. Và kiến thức lớp 12 cũng đủ sức để đánh giá học sinh nên sử dụng các kiến thức có liên quan trong toàn bậc học mà không cần thiết phải đưa các nội dung cụ thể riêng biệt của từng khối lớp.
Tăng tỷ lệ điểm thi xét tốt nghiệp, hạn chế tiêu cực?
Với việc Bộ GD-ĐT dự kiến tăng tỷ lệ trong đánh giá xét tốt nghiệp lên thành 70 - 30 thay cho 50 - 50, ông Phạm Phương Bình thể hiện sự đồng tình và cho rằng sẽ giảm tiêu cực trong trường hợp có trường, có giáo viên cố tình nâng điểm, tác động đến kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ.
Tương tự, thầy Hoàng Hoài Sơn, khẳng định việc thay đổi tỷ lệ 50 - 50 thành 70 - 30 chắc chắn tác động khá lớn đến tỷ lệ tốt nghiệp. Chẳng hạn, học sinh năm 2018 có điểm học bạ 7,0 điểm thi THPT 3,0 (không bị điểm liệt) sẽ được công nhận đậu tốt nghiệp. Nhưng nếu vào năm nay, học sinh có điểm thi như trên sẽ rớt tốt nghiệp (3 x 7 7 x 3)/10 = 4,2 điểm. Tuy nhiên ông Sơn đánh giá, việc thay đổi tỷ lệ này nhằm giảm thiểu sự bất cập khi điểm trung bình lớp 12 chiếm 50% kết quả xét khiến kết quả không thực chất.
Còn ông Trần Trung Kiên phân tích rằng, đứng về góc độ lý luận, tỷ lệ 50 - 50 là hợp lý vì việc đánh giá học sinh cần nhìn nhận một quá trình học tập. Nhưng thực tế quy định này lại bị "lợi dụng, biến tướng" bằng cách đánh gái năng lực học sinh trên lớp thật cao để việc thi không còn là yếu tố quan trọng khi xét tốt nghiệp. Thế nên việc thay đổi tỷ lệ 70 - 30 để giải quyết cái "đuôi" và là "chốt chặn" thực sự cần thiết.
Theo thanhnien
Cần giải pháp cho an toàn trường học Tại một trường học ở Bình Định, học sinh lớp 11 hành hung thầy giáo, khiến thầy phải nhập viện cấp cứu. Lãnh đạo nhà trường và Sở GD&ĐT Bình Định đang tìm hiểu nguyên nhân, chỉ đạo giải quyết vụ việc. Còn đông đảo giáo viên thì hoang mang, lo lắng về sự an toàn của bản thân trong môi trường học...