Học sinh TP.HCM sẽ nghỉ Tết Nguyên đán 2020 16 ngày
Ngày 18.9, theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM, học sinh TP.HCM sẽ được nghỉ Tết Nguyên đán 2020 tổng số 16 ngày.
Giáo viên và học sinh tham gia lễ hội xuân – B.THANH
Theo hướng dẫn triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Sở GD-ĐT TP.HCM, khung kế hoạch thời gian năm học thực hiện như sau: Học kỳ 1 bắt đầu từ ngày 19.8.2019 đến ngày 3.1.2020, học kỳ 2 từ ngày 5.1.2020 đến ngày 23.5.2020. Đồng thời lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2020 được bắt đầu từ ngày 20.1.2020 (tức ngày 26 tháng chạp) đến hết ngày 2.2.2020 (tức mùng 9 tết), học sinh trở lại trường vào ngày 3.2.2020 (tức mùng 10 tết).
Sở yêu cầu các trường THCS, THPT tập trung vào các nội dung: Tiếp tục rà soát nội dung sách giáo khoa, tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục, bổ sung, cập nhật những thông tin mới phù hợp thay cho những thông tin cũ, lạc hậu…
Về việc tổ chức ôn tập cuối năm học cho các lớp cuối cấp, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ đạo các trường tổ chức dạy học và ôn tập từ sau kiểm tra học kỳ 2 đến ngày 23.5.2020 và được thực hiện chính khóa, nhằm hoàn tất chương trình và củng cố, bổ sung, luyện tập, ôn tập. Việc tổ chức các chuyên đề ôn tập cần được thực hiện khoa học về nội dung và thời gian.
Cũng theo chỉ đạo của ông Hiếu, thời gian học chính khóa của học sinh khối 12 được dùng để thực hiện và hoàn tất chương trình lớp 12. Việc ôn tập chương trình lớp 11 và lớp 10 được thực hiện trong thời gian ôn tập cuối năm học và trong chương trình buổi 2 (với các trường dạy 2 buổi ngày), chương trình ngoại khóa các chủ đề văn hóa theo hình thức tự nguyện (với các trường dạy 1 buổi/ngày).
Các điểm dạy thêm, học thêm trong khuôn viên nhà trường phải được cấp phép của cơ quan quản lý, thực hiện đúng quy định hiện hành…
Video đang HOT
Được biết, vào năm học trước, Sở GD- ĐT TP.HCM cũng quy định thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh từ mầm non đến THPT là 16 ngày.
Theo Thanh niên
Quảng Nam: Nỗi nhọc nhằn của giáo viên khi vận động học sinh ra lớp sau Tết
Sau Tết Nguyên đán mỗi năm, sĩ số học sinh thường sụt giảm vì nhiều lý do khác nhau; vì vậy để đảm bảo sĩ số, nhiều thầy cô giáo ở miền núi Quảng Nam phải đến tận thôn, nóc và vào nhà dân để vận động phụ huynh đưa con đến trường.
Thầy giáo Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Trà Don (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) - chia sẻ, sau Tết các em thường nghỉ học ở nhà để đi bứt đót bán cho họ làm chổi, đi lột vỏ quế... vì vào thời gian này cũng là vào mùa đót, quế.
Các em học sinh Trường PTDT BT THCS Trà Don, xã Trà Don, huyện Nam Trà My
Vì thế, cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thông thường sĩ số của nhiều trường học trên địa bàn huyện Nam Trà My học sinh nghỉ học khá nhiều. Để đảm bảo sĩ số học sinh, cứ sau kỳ nghỉ Tết, các thầy cô giáo ở vùng cao Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng phải đến tận nhà để vận động phụ huynh cho học sinh ra lớp.
Thầy Chín chia sẻ câu chuyện vừa xảy ra trong đợt nghỉ Tết Kỷ Hợi vừa qua. Sau khi nghỉ Tết, thầy Nguyễn Mạnh (Phó Hiệu trưởng PTDT BT THCS Trà Don) và thầy Nguyễn Văn Ái (Bí thư chi đoàn trường) xuống thôn 1 xã Trà Don để vận động phụ huynh cho học sinh ra trường, lớp.
Xuống nhà dân, để có thể nói chuyện cho "hanh thông" với bà con đồng bào Xê-đăng ở vùng cao huyện Nam Trà My này, hai thầy này "phải" uống rượu với phụ huynh. Hậu quả là hai thầy bị ngộ độc rượu, phải nhập viện cấp cứu. May mà sau đó, hai thầy đã nhanh chóng khỏe lại.
Cơ sở hạ tầng, giao thông khó khăn, nhất là mùa mưa bão cũng là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm sĩ số học sinh ở huyện Nam Trà My
Theo thầy Chín, trước đây tình trạng học sinh bỏ học sau Tết rất nhiều, nhưng vài năm gần đây tình trạng này được kéo giảm đáng kể nhờ công tác vận động của các cấp chính quyền từ xã đến thôn và cùng với lực lượng thầy cô giáo của trường.
Thường sau Tết là vào mùa đót và quế, các em ở nhà để đi làm kiếm thêm. Các em nghỉ năm bữa, nửa tháng sau Tết là chuyện bình thường. Hết mùa các em lại đến trường nên nhiều khi các em bị hỏng kiến thức, theo không kịp các bạn khác.
Vậy các em tự nghỉ học hay phụ huynh bắt ở nhà đi làm? Thầy Chín cho biết, hầu hết các em nghỉ học đều là tự nghỉ, vì các em muốn đi làm để kiếm ít tiền, có khi chỉ để... ăn kẹo, ăn bánh. "Thực ra phụ huynh không cho các em nghỉ mà các em thích kiếm ít tiền để tiêu vặt", thầy Chín chia sẻ.
Để hạn chế tình trạng nghỉ học sau Tết trên địa bàn huyện Nam Trà My, các trường làm việc với địa phương và quán triệt từ xã xuống thôn trưởng, khối trưởng, Bí thư chi bộ vận động các em không bỏ học.
Đối với các thầy bị ngộ độc rượu trong dịp sau Tết Kỷ Hợi vừa qua, theo thầy Chín là do các em học sinh lớp lớn, có ý định ở nhà đi làm kiếm tiền, các thầy của trường PTDT BT THCS Trà Don phải trực tiếp đến nhà vận động, không thông qua cán bộ xã, thôn vì họ không nắm kỹ.
"Chỉ có một vài trường hợp, các thầy cô mới trực tiếp đến nhà vận động, còn đa số là hiện nay phụ huynh đã ý thức rồi nên công tác vận động cũng nhẹ nhàng, không như trước đây", thầy Chín cho hay.
Trường PTDTBT THCS Trà Don hiện có gần 200 em, trong đó có 4 em học sinh là người Kinh, còn toàn bộ là con em đồng bào Xê-đăng. Trong số gần 200 học sinh này có 138 em được hưởng chế độ bán trú, còn các em ngoại trú thì đi về trong ngày. Các em học sinh bán trú được Nhà nước cấp 40% lương cơ bản. Số tiền này các em ăn uống, sinh hoạt trong tháng.
Trao đổi với PV Dân trí về công tác vận động học sinh bỏ học sau Tết, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng giáo dục Nam Trà My - cho biết, vài năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học sau Tết đã được khắc phục.
Theo thầy Thuận, học sinh không phải bỏ học luôn mà chỉ nghỉ học do các phong tục tập quán trong làng, cúng cử sau Tết, có một số học sinh bị ốm đau..., nhất là vào mùa đót, quế. "Vừa rồi tôi cũng đã làm việc với các xã, trên tinh thần vận động của các đoàn thể, các tổ chức xã hội nên năm nay, tỉ lệ học sinh đi học sau Tết tương đối tốt với tỉ lệ trên 95%", thầy Thuận cho hay.
Thầy Thuân cho biết, hiện có phần mềm theo dõi chuyên cần của các trường. 8h sáng, các trường nhập số liệu vào là Phòng Giáo dục biết rõ số lượng học sinh đến trường hàng ngày trên địa bàn huyện.
Làm sao để các em ra trường 100%, nhất là dịp sau Tết? Thầy Thuận cho hay, chủ yếu là vận động phụ huynh học sinh nhận thức được việc đi học là vấn đề quan trọng. Nếu trong nhà có cúng cử thì vẫn để cho con em đi học bình thường, không để các em ở nhà. Thứ 2 là sau mùa đót, quế thì phụ huynh cho các em đi học bình thường.
"Ở miền núi, vấn đề đảm bảo sĩ số học sinh đi học chuyên cần 100%, nhất là dịp sau Tết thì yếu tố đầu tiên là phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó tốt lên, nhận thức của người dân, đời sống kinh tế người dân khá lên; thứ 3 là cơ sở hạ tầng giao thông, trường lớp ở địa phương tốt lên thì điều kiện học sinh đi học đảm bảo", thầy Thuận chia sẻ.
Công Bính
Theo Dân trí
Vì sao GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM không dự khai giảng năm học mới? Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có phản hồi về thông tin ông Lê Hồng Sơn-GĐ sở không dự lễ khai giảng năm học mới 2019-2020. Lễ khai giảng năm học mới - Ảnh: P.V Ngày 28.8, UBND TP.HCM có văn bản khẩn số 3547/UBND-VX về việc "Lãnh đạo Thành phố dự Khai giảng năm học 2019 - 2020". Công văn của UBND TP.HCM nêu:...