Học sinh tốt nghiệp THCS lên thẳng cao đẳng: Giảm lãng phí đào tạo nhân lực
Nhiều năm qua, phân luồng giáo dục vẫn luôn là vấn đề khó khăn, dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ảnh minh họa. Ảnh Hải Nguyễn.
Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản…, học nghề sớm là lựa chọn được ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Ở Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 rất thành công.
Trong khi đó, nước ta có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp hoặc qua đào tạo nghề nghiệp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông. Nếu lực lượng này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho rằng, ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí trong đào tạo nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9 dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Mô hình 9 đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn quốc.
Video đang HOT
Theo Thứ trưởng, học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3 – 5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng cao đẳng, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.
Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học. Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT để đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học.
Những chính sách cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp như học sinh tốt nghiệp THCS được miễn học phí khi học tiếp lên trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, người học sau tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng.
Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam chủ yếu trong các nhóm ngành, nghề Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Dịch vụ thẩm mỹ; Điều dưỡng – hộ sinh…
LÊ HOA
Theo laodong.vn
Đào tạo cử tuyển: Không nên áp dụng với ngành y dược, sư phạm
Thực tế hiện nay chế độ cử tuyển đã không còn ý nghĩa như trước. Số lượng học sinh được cử đi học không còn nhiều, các tỉnh cũng không mặn mà. Ngay ở Trường dự bị ĐH TP.HCM chỉ còn... 1 sinh viên học hệ cử tuyển do địa phương gửi đến học.
Chỉ một sinh viên cử tuyển
Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ ĐH, CĐ, trung cấp (TC) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Nhưng trước đó, chính sách cử tuyển dành cho học sinh (HS) người dân tộc được thực hiện từ những năm 1990 với chỉ tiêu phân bổ rất lớn (3.000 - 4.000 chỉ tiêu/năm). Thống kê của Bộ GD-ĐT, trong 11 năm (1999 - 2009) cả nước cử tuyển được 19.720 HS các dân tộc thiểu số vào học tại 109 trường ĐH, CĐ trong cả nước.
Tuy nhiên, càng về sau số lượng người thuộc diện cử tuyển được cử đi học tại các trường ĐH ngày càng giảm. Năm 2015, nhiều tỉnh như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Yên Bái... đã ngừng việc đưa người đi học cử tuyển. Sở GD-ĐT Yên Bái ngừng đề xuất chỉ tiêu cử tuyển cho ngành từ nhiều năm nay.
Theo thạc sĩ Lê Hữu Thức, Hiệu trưởng Trường dự bị ĐH TP.HCM, 2 năm nay các địa phương không gửi HS về học nữa. Hiện tại, ở trường này chỉ còn... 1 sinh viên (SV) học hệ cử tuyển do địa phương gửi đến học.
Tại TP.HCM, không chỉ trường dự bị ĐH không còn SV mà các trường ĐH cũng không còn nhiều SV học cử tuyển như trước. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, trước kia trường có rất nhiều SV cử tuyển, thậm chí mở riêng một lớp. Nhưng hiện nay mỗi năm chỉ còn lác đác vài SV. Lý do là những năm qua, trường có thêm một yêu cầu về ngoại ngữ là điểm trung bình môn tiếng Anh ở năm dự bị phải 7.0 nên rất ít SV đủ chuẩn theo học. Hiện trường học theo chuẩn quốc tế, học tiếng Anh rất nhiều, nếu không đủ chuẩn này thì SV cử tuyển sẽ không theo kịp.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương cho biết thêm: "Những năm đầu triển khai, SV cử tuyển theo học tại trường khá nhiều, có thời điểm khoảng 30 SV/năm. Các năm sau này, chỉ tiêu cử tuyển giảm dần như năm ngoái chỉ có 7 - 8 SV, năm nay chưa thấy địa phương nào gửi danh sách".
Trong 4 năm nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có tất cả 16 SV diện cử tuyển, thời điểm hiện tại chỉ còn 8 người đang theo học tại trường. Trong khi đó, trước đây trung bình mỗi năm trường có trên dưới 20 chỉ tiêu cử tuyển.
"Có rất nhiều nguyên nhân nhưng theo trường nắm bắt, chủ yếu HS hệ cử tuyển phải bố trí việc làm nhưng biên chế ở các tỉnh đã đủ rồi. Trong khi, nếu cử HS đi học, các tỉnh phải chịu toàn bộ chi phí. Thời gian học khá dài, số tiền lại lớn. Nhu cầu của các địa phương đối với HS cử đi học cũng không còn nhiều như trước", thạc sĩ Lê Hữu Thức cho biết.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết số lượng SV hệ cử tuyển ngày càng ít hơn. Đa số ở tỉnh giải quyết HS theo học chế độ này cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, học dự bị ĐH tại Trường dự bị ĐH Nha Trang, sau đó chuyển về các trường ĐH. Nhưng những năm gần đây, tỉnh gặp khó khăn trong việc bố trí công việc phù hợp cho SV cử tuyển tốt nghiệp hoặc công việc được bố trí cũng không đúng chuyên ngành của SV theo học.
Giảm số lượng trình độ ĐH-CĐ, tăng TC
Ngày 13.8 vừa qua, tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cũng thừa nhận, trong hoạt động vừa qua, chính sách này đã phát sinh một số bất cập và cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Ngày 18.1, trong một bài viết trên website của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hùng, Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT), cho rằng trong giai đoạn hiện nay, chính sách đào tạo cử tuyển đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: giữa đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm; quy hoạch và cơ cấu cán bộ theo dân tộc và ngành nghề đào tạo... Cần phải có những định hướng giải pháp mới để hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách cử tuyển đối với HS-SV là người dân tộc thiểu số, gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương.
Ông Hùng cho biết Bộ GD-ĐT đã tiến hành nghiên cứu để đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm thực hiện hiệu quả công tác cử tuyển đối với HS-SV là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo với nhu cầu và bố trí việc làm tại địa phương.
Theo đó, điều chỉnh quy định cử tuyển theo hướng: giảm số lượng HS-SV cử tuyển ở trình độ ĐH-CĐ và tăng dần đào tạo bậc TC và dạy nghề; giảm các ngành y - dược, sư phạm, tăng hợp lý các ngành kỹ thuật, kỹ sư thực hành phù hợp với nhu cầu của vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra đào tạo cử tuyển. Quy trình xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chặt chẽ, chỉ cử đi học những chuyên ngành tại địa phương còn thiếu, có cơ chế cam kết bố trí việc làm đối với người được cử đi học sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, đào tạo cử tuyển phải gắn liền với quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn cán bộ của địa phương, của vùng.
Nên có sơ tuyển đầu vào
Theo đề xuất của thạc sĩ Lê Hữu Thức, các địa phương cần có hình thức sơ tuyển để "lọc" người cử đi học diện cử tuyển. Cụ thể là xét qua học bạ THPT hoặc điểm thi THPT quốc gia, dù bằng hình thức nào cũng cần đạt tối thiểu học lực khá trở lên. Nếu cử người đi học với năng lực trung bình, trung bình khá thì rất khó và khi đầu vào không tốt thì đầu ra cũng không thể đảm bảo. Trong đó, những ngành có yêu cầu quá cao như y khoa đòi hỏi thật giỏi mới đáp ứng được. Dù địa phương cần nhưng lực học không tốt sẽ không hiệu quả.
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương thì không nên áp dụng hình thức đào tạo cử tuyển với một số ngành đặc thù như y khoa, sư phạm
Theo thanhnien.vn
"Các trường đại học không thể tự nhận trường tốt, trường lớn được" Việc hội nhập quốc tế của giáo dục đại học là cả một quá trình dài để ta xác định đâu là chuẩn, đâu là điều kiện mà chúng ta phải phấn đấu, không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các trường không thể tự nhận là trường tốt, mà phải dựa vào đánh giá của các tổ chức kiểm định...