Học sinh tiểu học đâm bạn – Mầm mống của bạo lực đang bắt nguồn từ trường học!
Trong lúc đá bóng, K. vô tình làm hỏng điện thoại của bạn B.. Cho rằng K. chưa xin lỗi B., L. (bạn của B.) đã dùng dao bấm đâm vào mông bạn ở trường. Sự việc khiến dư luận lo ngại về vấn nạn bạo lực học đường ngày càng phức tạp, tính chất ngày càng nghiêm trọng.
Bàng hoàng học sinh lớp 5 dùng dao đâm bạn
Trao đổi với PV, lãnh đạo phòng GD&ĐT TP.Vinh, tỉnh Nghệ An xác nhận ở trường tiểu học Cửa Nam 1, phường Cửa Nam, TP.Vinh đã xảy ra vụ việc học sinh tiểu học dùng dao đâm bạn. Phòng này cũng đã chỉ đạo trường xử lý vụ việc.
Ngôi trường xảy ra sự việc.
Theo thông tin ban đầu, vào 7h ngày 2/4, giữa 4 nam sinh cùng học lớp 5 xảy ra xích mích. Lúc này, em N.Q.L. (học sinh lớp 5D) bất ngờ dùng một con dao bấm đâm vào vùng mông em L.T.K. (học sinh lớp 5E). Thấy L. đâm bạn, nhiều học sinh hốt hoảng gọi cô giáo để ngăn hai bạn đánh nhau.
Ngay lập tức, K. được cô giáo đưa vào phòng y tế của trường để sơ cứu ban đầu rồi chuyển tới bệnh viện xử lý vết thương. Về nguyên nhân của vụ việc, theo bà Lê Thị Bắc, Hiệu trưởng trường tiểu học Cửa Nam 1, vào ngày 29/3, nhóm học sinh chơi thể thao trong trường nhưng không may K. đá bóng trúng làm hỏng điện thoại của bạn B.. Sự việc xảy ra, em B. yêu cầu K. đền tiền và xin lỗi.
Cho rằng K. không xin lỗi, L. đã cãi nhau với K., từ đó xảy ra mâu thuẫn. Đến sáng 2/4, L. mang theo con dao đến trường và có hành vi được cho là đâm vào vùng mông của K.. Hậu quả, K. bị khâu 2 mũi ở mông.
Ông Lê Văn Bắc, phụ huynh em L.T.K. cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ trước việc cháu bị bạn gây thương tích trong trường học. Với tư cách người làm cha, tôi vừa đau xót, vừa phẫn nộ. Tôi không nghĩ ở độ tuổi các cháu lại có thể mang hung khí đến trường để đánh nhau như vậy. Nhà trường cần có cách để uốn nắn trẻ kịp thời. Cũng may là cháu chỉ bị vết thương ở phần mềm. Con dại thì cái mang, chuyện các cháu ở trường đánh nhau có một phần trách nhiệm của gia đình, không nắm được mâu thuẫn của các cháu để chia sẻ, giải quyết”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, L. và K. là bạn ở cùng khối, có chơi với nhau. Trước đó, hai em này chưa từng xảy ra mâu thuẫn gì. Trao đổi về vụ việc, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng phòng GD&ĐT TP.Vinh cho biết, Phòng đã nhận thông tin và cử lãnh đạo cùng chuyên viên xuống nắm tình hình.
Con dao em L. dùng để đâm bạn.
“Phòng cũng đã phê bình nhà trường chậm trễ thông tin vì sự việc xảy ra. Trường tiểu học Cửa Nam 1 có nhiều học sinh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Sự việc xảy ra, các em đang ở độ tuổi quá nhỏ, mới bắt đầu hình thành nhân cách. Vì vậy, việc xử lý kỷ luật phải hết sức thận trọng, để làm sao vừa răn đe, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập, phát triển”, bà Thảo nói.
Cần xử lý khéo léo và cẩn trọng
Video đang HOT
Sau khi sự việc xảy ra, ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An đã tới thăm hỏi, chia sẻ với nam sinh L.T.K. Hiện tại sức khỏe em K. đã cơ bản ổn định và tâm lý của em đã bình thường. Theo ông Thành đây là sự việc đáng tiếc xảy ra trong môi trường giáo dục. Ông Thành cũng bày tỏ cảm ơn gia đình K. đã đồng hành với nhà trường trong quá trình giải quyết các vấn đề trên tinh thần cùng chia sẻ, thông cảm.
Ngoài ra, vị lãnh đạo này lưu ý đối với lãnh đạo trường Cửa Nam 1 nếu phát hiện xảy ra sự việc mâu thuẫn ở trường học, các giáo viên cần nắm bắt kịp thời và sớm trao đổi với phụ huynh để giải quyết dứt điểm. Đồng thời, yêu cầu trường không bao che và xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, với các cháu học sinh đang ở tuổi tiểu học, nhiều hành động còn bột phát, thiếu ý thức thì cần phải giáo dục một cách khoa học, khéo léo, tránh tổn thương cho trẻ.
Được biết, em L. có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Từ nhỏ ở với ông bà nên thiếu thốn về mặt tình cảm. Các giáo viên cần quan tâm đến những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời động viên, giúp đỡ, uốn nắn; hướng các em đến những hoạt động lành mạnh, bổ ích.
“Đây cũng là bài học cho các trường học khác trên địa bàn để từ đó tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, hạn chế ít nhất tình trạng bạo lực học đường”, ông Thành nói.
Hiện phòng GD&ĐT TP.Vinh đã gửi báo cáo vụ việc đến UBND tỉnh Nghệ An, sở GD&ĐT, Thành ủy, UBND TP.Vinh. Phòng cũng đã chỉ đạo trường tiểu học Cửa Nam 1, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình học sinh làm tốt công tác tư tưởng để ổn định tâm lý cho các em học sinh; họp hội đồng kỷ luật, đưa ra hình thức xử lý phù hợp vừa mang tính răn đe, vừa tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập, phát triển.
Ngoài ra, nhà trường phải nghiêm túc kiểm điểm và nhận trách nhiệm của tập thể, giáo viên nhà trường với sự việc, gửi báo cáo kết quả về phòng GD&ĐT TP.Vinh trước ngày 10/4.
Được biết, sau sự việc này, trường tiểu học Cửa Nam 1 đã phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh gặp gỡ gia đình của các em; tiến hành lập biên bản để làm căn cứ giải quyết, báo sự việc lên Công an phường và phòng GD&ĐT TP.Vinh. Trong cuộc làm việc với các phụ huynh liên quan, L. đã thừa nhận hành vi của mình. L. cho rằng do quá bức xúc nên khua tay trúng vào mông bạn.
Phụ huynh của em K. đã chấp nhận lời xin lỗi của em L. và gia đình, đồng thời bỏ qua sự việc trên và mong muốn các em đoàn kết thương yêu nhau hơn. Phòng GD&ĐT TP.Vinh cũng đã chỉ đạo trường tiểu học Cửa Nam 1, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với gia đình học sinh làm tốt công tác tư tưởng để ổn định tâm lý cho các em học sinh.
Tiến sĩ tâm lý Lê Thục Anh, giảng viên khoa Giáo dục, đại học Vinh cho rằng, một trong những bất ổn tâm lý nhiều trẻ gặp phải đó chính là nạn bắt nạt, bạo lực học đường, nhất là sau hàng loạt vụ việc học sinh bị chính bạn của mình đánh đập, lăng mạ, làm nhục trong thời gian gần đây. Ở lứa tuổi cấp 2, cấp 3 các em thích thể hiện và khẳng định bản thân mà không ý thức được những hành động sai trái của mình. Đây cũng chính là hệ quả của việc các em không được giáo dục cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Nhìn thấy bạn bị đánh nhưng các em không có động thái can ngăn, ngược lại còn reo hò cổ vũ, điều này chứng tỏ các em thiếu tình yêu thương, không có sự đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.
Gia đình chính là gốc rễ của việc hình thành nhân cách của trẻ, giải pháp tốt nhất hiện nay đó là các bậc phụ huynh phải thật sự quan tâm đến con cái và trở thành rào chắn cho trẻ. Cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nắm bắt sự thay đổi trong tâm sinh lý của con cái, từ đó kịp thời điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của các em. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải coi trọng việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử, lối sống để các em có những hành vi đúng đắn, phù hợp với lứa tuổi.
Hà Hằng
Quá mạnh tay với giáo viên chỉ làm thầy cô đề phòng và thu mình lại
Còn gì xót xa hơn khi giáo viên nghe chính học trò của mình lên tiếng "Bả dám đụng vào tao. Ba mẹ tao sẽ lên tận trường làm việc".
Học sinh đánh nhau ở Hưng Yên, giáo viên bị đuổi khỏi ngành.
Phạt học sinh phạm lỗi hay ăn quà vặt trong nhà vệ sinh, cũng một giáo viên ở Hưng Yên tiếp tục bị sa thải.
La, mắng học sinh mắc lỗi, giáo viên bị phụ huynh chửi bới, mạt sát.
Phạt học sinh dù chỉ là một vài roi vào mông, thầy cô cũng bị cha mẹ nhiều em hành hung ngay trong lớp học. Có người còn bị thưa kiện hết cấp này đến cấp khác.
Nhiều khi một cái tát nhẹ cũng bị đuổi khỏi ngành (Ảnh minh họa VOV)
Thực tế đáng buồn này, vẫn đang diễn ra phổ biến ở nhiều trường học trong cả nước.
Chưa bao giờ giáo viên lại cảm giác bất an như thế. Nhiều thầy cô giáo nói với nhau "Hôm nay, mình còn lên trường giảng dạy nhưng chưa biết ngày mai sẽ thế nào?"
Dư luận vốn nghiệt ngã, bất công khi mọi tội lỗi của học sinh đều đổ hết xuống đầu giáo viên, xuống nhà trường. Họ quy kết, nền giáo dục bất lực, thầy cô không biết dạy học trò.
Thế nhưng một cái quyền lực bé tí là quyền được giáo dục, quyền được răn dạy học trò, quyền trách mắng khi trò không vâng lời, quyền nghiêm khắc khi trò phạm lỗi...của thầy cô bây giờ cũng bị tước đoạt hoàn toàn.
Người ta yêu cầu giáo viên phải giáo dục trò bằng tình yêu thương thể hiện ở những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ dịu dàng, âu yếm...
Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào dùng tình yêu thương cũng cảm hóa được học sinh nhất là với những em thường xuyên mắc lỗi.
Nhiều khi mọi lời nói yêu thương cũng trở nên bất lực, cũng chỉ như hòn đá ném ao bèo, cũng chỉ là nước đổ lá khoai chẳng đọng lại điều gì...Sự nghiêm khắc (trong chừng mực cho phép) của thầy cô lại đưa các em vào khuôn khổ, vào nền nếp của lớp, của trường.
Và lúc đó, các em trở nên ngoan hơn, dễ bảo hơn.
Nhưng trước sự phản ứng quá gay gắt của một số phụ huynh, của dư luận và sự mạnh tay của chính quyền với giáo viên đã buộc các thầy cô sống thu mình, tôn thờ tư tưởng "mackeno" để bảo vệ chính mình.
Giáo viên chỉ còn việc lên lớp dạy và dần quên đi vai trò giáo dục (một trách nhiệm cũng như niềm vinh quang của người thầy).
Không ít thầy cô giáo hiện nay vào lớp chỉ cố dạy cho xong kiến thức và xách cặp bước ra xem như tròn trách nhiệm.
Đề cao tư tưởng "mackeno" để đổi lại sự bình yên cho chính mình đã và đang hại chết những điều thiện lương trong từng đứa trẻ.
Đáng buồn thay khi mỗi ngày lên lớp, nhiều giáo viên thường nhắc nhở nhau như tấm bùa hộ mệnh "hãy cẩn thận kẻo không mang vạ vào thân".
Cẩn thận bằng cách "Học sinh lười, không chịu học thầy cô cũng làm lơ. Học sinh quậy phá, vô lễ, thầy cô cũng không nhắc".
Các em chỉ được dạy kiến thức, mà không được dạy cách sống, cách làm người, không được bồi đắp vốn sống, những tình cảm tốt đẹp, cách đối nhân xử thế (những điều đang rất cần trong cuộc sống hôm nay).
Gia đình quá bảo bọc và ngoài xã hội vẫn còn quá nhiều cạm bẫy thì ở trường các em không có được sự tận tâm dạy dỗ, giáo dục của cô thầy, các em sẽ lấy gì bảo vệ mình? Lấy gì chống chọi với những điều không hay ấy?
Lên án những giáo viên hành hung học sinh tàn bạo, kỉ luật những thầy cô phạt trò bằng những hình phạt phản cảm...là điều nên làm.
Kiểu đụng cái là đuổi của cấp có thẩm quyền chỉ làm thầy cô sợ hãi và chối bỏ trách nhiệm thiêng liêng của mình.Kỉ luật giáo viên là đúng nhưng cũng cần tạo điều kiện cho họ sửa sai và có cơ hội rút kinh nghiệm.
Những phản ứng quá gay gắt với thầy cô của một số phụ huynh dù chỉ là vài lời la mắng khi trò có lỗi, chỉ vài roi nhỏ quất vào tay, vào mông, can thiệp quá sâu vào việc giáo dục học sinh của nhà trường lại là điều không nên.
Học sinh đã chẳng còn sợ thầy cô như xưa vì chính chúng cũng biết được thầy cô giáo không dám làm thế.
Còn gì xót xa hơn khi giáo viên nghe chính học trò của mình lên tiếng " Bả dám đụng vào tao. Ba mẹ tao sẽ lên tận trường làm việc".
Sự quan tâm thái quá của nhiều bậc phụ huynh, sự mạnh tay đến vô cảm của cấp có thẩm quyền đang làm nhiều thầy cô giáo run sợ.
Khi giáo viên sợ thì thiệt thòi chính là học sinh, gia đình phụ huynh và toàn xã hội phải gánh chịu.
Phan Tuyết
Theo giaoduc.net.vn
Nữ sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên: Không nên đổ hết lỗi cho thầy cô? Để xảy ra việc nữ sinh bị đánh hội đồng trong thời gian dài, diễn ra ngay tại trường học, đương nhiên giáo viên, lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm. Nhưng nếu đổ hết lỗi cho các thầy cô, liệu có thỏa đáng và công bằng? Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm khi để xảy ra sự việc nữ sinh...