Học sinh thoát khỏi nỗi lo làm bài kiểm tra
Thay vì làm các bài kiểm tra 15 phút, một tiết bằng giấy, hiện nhiều trường học đã đánh giá học sinh thông qua các bài thu hoạch của hoạt động trải nghiệm, thuyết trình, nghiên cứu khoa học, làm dự án.
Sở GD&ĐT TP.HCM đã ban hành văn bản về thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá năm học 2019-2020. Theo đó, thay vì đánh giá học sinh (HS) qua bài kiểm tra, giáo viên có thể đánh giá HS qua hoạt động nghiên cứu khoa học, các bài thuyết trình và hoạt động trên lớp.
Đi công viên lấy điểm kiểm tra
“Lớp em vừa được tham gia hoạt động trải nghiệm tại Công viên Lê Văn Tám. Đó là một chuyến đi bổ ích. Lần đầu tiên trong giờ học em được cùng các bạn sinh hoạt trong công viên. Thoát khỏi không gian chật hẹp của bốn bức tường, em được hít thở không khí trong lành, lại có dịp quan sát cuộc sống và trò chuyện với mọi người” – em Trần Thị Minh Khuê, HS lớp 7A8, Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, nói.
Cô Nguyễn Thị Hải, nhóm trưởng văn khối 7, cho biết đó là hoạt động học trải nghiệm văn biểu cảm của HS trong khối. Thay vì để HS ngồi trong lớp, nghe cô giáo trình bày và tự tưởng tượng thì việc tổ chức trải nghiệm tại công viên sẽ giúp các em quan sát thực tế. Từ đó giúp các em có những cảm xúc tự nhiên, không gò bó và kích thích sự sáng tạo.
“Sau chuyến đi trên, các em với những cảm nhận chân thực của mình về những hình ảnh, hoạt động tại công viên đã viết bài thu hoạch. Căn cứ vào thái độ học tập cũng như nội dung của bài viết, giáo viên đã lấy điểm 15 phút. Việc triển khai hoạt động trên, giáo viên sẽ cực hơn nhưng cũng vui hơn và học trò cũng thích thú với việc học hơn thay vì suốt ngày phải làm những bài kiểm tra trên giấy theo khuôn mẫu” – cô Nguyễn Thúy, tổ trưởng tổ văn của trường, nói.
Tương tự, tại Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã được nhà trường lên kế hoạch thực hiện từ đầu năm học qua hoạt động trải nghiệm. Nhà trường đã tổ chức cho HS khối lớp 9 đến đường sách Nguyễn Văn Bình để đọc sách và tham quan. “Tới đường sách, em có cơ hội tìm kiếm thêm các tư liệu về môn học, được biết thêm nhiều loại sách và có dịp thảo luận với bạn bè về cuốn sách yêu thích. Bài thu hoạch về chuyến đi được cô lấy làm điểm kiểm tra 15 phút khiến ai cũng thích vì các bạn đều làm tốt” – Nguyễn Thanh Hải Nguyệt, HS lớp 97, bày tỏ.
Là giáo viên luôn thay đổi cách kiểm tra, đánh giá để kích thích sự tự học và chiếm lĩnh kiến thức của học trò, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, đã cho học trò làm bài kiểm tra môn lịch sử bằng việc vẽ sơ đồ tư duy kiến thức, thiết kế brochure, poster thay vì những bài kiểm tra giấy theo mô típ cũ.
Video đang HOT
Học sinh Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) đọc sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1.Ảnh: NH
Mạnh dạn đổi mới
Cô Đào Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, cho biết từ đầu năm học, các tổ bộ môn sẽ xây dựng kế hoạch về giảng dạy, kiểm tra, đánh giá (trên giấy, làm thu hoạch, thuyết trình, tích hợp liên môn) một cách cụ thể.
Việc giáo viên văn tổ chức cho các em ra đường sách là một hoạt động trải nghiệm. Học trò thích thú vì các em được thay đổi không gian lớp học, khuyến khích những ý tưởng mới, rèn luyện nhiều kỹ năng. Còn giáo viên vất vả hơn vì phải chuẩn bị nhiều thứ nhưng tất cả đều hào hứng tham gia vì vừa nâng cao được năng lực giảng dạy, vừa tạo động lực học tập.
Theo quy định, các đề kiểm tra đều phải qua thẩm định của tổ trưởng cũng như ban giám hiệu. Cho nên giáo viên muốn đổi mới sáng tạo cũng phải có giáo án, kế hoạch và thực hiện thế nào cho bài bản, rõ ràng.
Còn cô Nguyễn Thúy, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, cho biết công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá HS đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Đây là chủ trương của nhà trường đi kèm với đổi mới phương pháp giảng dạy. “Ban đầu khi mới thực hiện, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, làm thế nào để phụ huynh đồng ý cho con đi ra ngoài cùng giáo viên; giáo viên lớn tuổi ngại đổi mới, vẫn quen kiểm tra theo cách truyền thống; làm sao có thể thay đổi suy nghĩ của HS và thực hiện sao cho hiệu quả và đảm bảo công bằng… Chúng tôi phải vừa làm vừa học hỏi và lên một kế hoạch cụ thể với từng phương pháp. Sau một quá trình thực hiện, HS hào hứng với việc học, nâng cao được nhiều kỹ năng, giáo viên lớn tuổi cũng hăng hái thực hiện. Đó là kết quả đáng mừng” – cô Thúy nói.
Đề cập đến những khó khăn trong quá trình thực hiện, thầy Thịnh cho biết vẫn còn nhiều em thụ động và chưa quen với hình thức đổi mới này. Những em này giáo viên phải là người giải thích và thuyết phục. Vì thế, việc thực hiện sẽ mất rất nhiều thời gian nên đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó.
Đánh giá học sinh bằng các hình thức khác nhau
Các trường cần thực hiện đánh giá thường xuyên đối với HS bằng các hình thức khác nhau như quan sát các hoạt động trên lớp, qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập, kết quả thực hiện một dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật… Giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra như hiện nay.
Đối với các bài kiểm tra, cần kết hợp giữa lý thuyết và thực hành; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để HS được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
(Trích văn bản hướng dẫn về công tác chuyên môn
năm học 2019-2020 của Sở GD&ĐT TP.HCM)
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Học sinh TP.HCM không nhất thiết phải làm bài kiểm tra 15 phút và 1 tiết
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường học đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau thay cho bài kiểm tra.
Trong hướng dẫn thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá năm học 2019 - 2020, Sở GD-ĐT đề nghị các trường THCS, THPT thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như: đánh giá qua bài thuyết trình, qua thái độ học tập của học sinh; qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm, tiết học trải nghiệm ngoài nhà trường...
(Ảnh: Thanh Tùng)
Sở khẳng định, giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành.
Nhà trường, tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên cần có kế hoạch chi tiết, rõ ràng, đầy đủ và thực hiện theo đúng các quy định về chuyên môn của Sở GDĐT trong đổi mới kiểm tra đánh giá của đơn vị.
Riêng đối với các bài kiểm tra định kỳ trên 45 phút (1 tiết), Sở yêu cầu nhà trường, tổ /nhóm chuyên môn và giáo viên cần 4 mức độ yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao) của mỗi loại câu hỏi/bài tập có thể sử dụng để kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong dạy học.
Xây dựng nội dung đề kiểm tra bao quát, thực tiễn tiếp cận đánh giá năng lực học sinh, tăng dần các dạng câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Bài kiểm tra kết hợp một cách hợp lí giữa kiểm tra lí thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn vào thực tiễn; tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước đối với các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội..
Lê Huyền
Theo vietnamnet
Môi trường giáo dục không áp lực tại trường quốc tế Gateway Các em được học tập trong môi trường cởi mở, khám phá qua hoạt động trải nghiệm, học mà chơi. Học bằng việc làm (Learning by doing) Thay vì phải đối mặt với những áp lực của việc học thuộc, ghi nhớ lời giảng của thầy cô một cách máy móc, học sinh trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway được tự...