Học sinh sai thì kỷ luật, không nên trừng phạt
Kỷ luật khác với trừng phạt, kỷ luật trong môi trường giáo dục càng phải hết sức thận trọng vì có thể vực dậy hoặc dập tắt tương lai của một đứa trẻ
Ngày 10-12, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh An Giang, cho biết vừa có buổi làm việc với tập thể Trường THPT Vĩnh Xương để họp kiểm điểm, phân tích những sai phạm của lãnh đạo đơn vị trong việc để nữ sinh Y., học lớp 10 của trường, nghi uống thuốc tự tử sau khi bị xử lý kỷ luật do vi phạm nội quy nhà trường.
Phản sư phạm
Cũng theo bà Trần Thị Ngọc Diễm, qua xác minh vụ việc cho thấy em Y. có vi phạm nội quy trường như sử dụng điện thoại di động trong lớp học khi chưa có sự cho phép của giáo viên và điều khiển phương tiện giao thông không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ ( xe có dung tích xi-lanh trên 50 cm3). Từ đó, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp với cha mẹ của em Y. để giáo dục em. Lúc đầu, gia đình và em Y. thừa nhận khuyết điểm nhưng sau đó em Y. không nhận lỗi của mình.
Chính vì vậy, ban giám hiệu đã quyết định áp dụng các biện pháp nhằm giáo dục đối với em Y. theo nội quy nhà trường trong giáo dục học sinh (HS). Cụ thể là ngày 23-11, lãnh đạo trường đã nêu tên HS vi phạm nội quy trường trong giờ sinh hoạt đầu tuần và 4 ngày sau đó tới lượt hiệu trưởng nhà trường ban hành thông báo “cấm túc” HS trong 2 tuần.
Cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học chính là “con dao hai lưỡi” Ảnh: TẤN THẠNH
Trường THPT Giồng Ông Tố (quận 2, TP HCM) vừa họp hội đồng kỷ luật và thống nhất mức kỷ luật tạm dừng học tập 1 năm đối với 2 HS nam đặt camera điện thoại quay lén trong nhà vệ sinh nữ (Báo Người Lao Động đã phản ánh). Nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý và các nhà giáo cho rằng đây là hình thức kỷ luật quá nặng, phản sư phạm và không có tác dụng giáo dục.
Theo lãnh đạo Trường THPT Giồng Ông Tố, trong thời gian tạm đình chỉ học tập 1 năm, trường sẽ tư vấn cho gia đình để giúp 2 nam sinh có thời gian chiêm nghiệm về sai lầm của mình, đồng thời cũng để cho tâm lý những HS nữ bị quay lén sẽ nguôi ngoai. Trong khi đó, theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, sở đang yêu cầu Trường THPT Giồng Ông Tố báo cáo cụ thể vụ việc để có một hình thức kỷ luật phù hợp với quy định.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã phản ánh, tại Trường THPT Giồng Ông Tố, một số nam sinh lớp 12 đặt máy quay lén nữ sinh của trường trong nhà vệ sinh. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết phương tiện quay là điện thoại, sự việc đã được báo cáo lên cơ quan công an.
Đừng để trường lớp thành nỗi ám ảnh
TS tâm lý Bùi Hồng Quân, giảng viên Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng trong bất cứ môi trường nào thì khen thưởng cũng đi kèm với kỷ luật. Mục đích của kỷ luật là giúp HS nhận thức cái không đúng và sửa đổi để tốt hơn. Tuy nhiên, nếu các hình thức kỷ luật không phù hợp thì sẽ xảy ra những hệ lụy, như sự việc HS tự tử ở An Giang là minh chứng rõ nhất cho việc kỷ luật thiếu tình và lý, gây ra hậu quả như chúng ta đã thấy.
Video đang HOT
TS Bùi Hồng Quân cũng phân tích trước khi muốn kỷ luật HS, chúng ta cần đặt câu hỏi, mục tiêu có giúp HS nhận ra sai lầm hay không? Xu hướng của giáo dục hiện nay là kỷ luật tích cực. Trong khi với HS, ở bất kỳ lứa tuổi nào các em cũng có sự nhạy cảm riêng.
Thiếu kỷ luật cũng không được nhưng kỷ luật phải hợp tình hợp lý và quan trọng là phải có tính giáo dục, giúp HS sửa sai và tiến bộ. Trong nhà trường hiện nay, thầy cô cũng gặp nhiều áp lực, sẽ có nhiều giáo viên không lường hết được những hệ lụy sau đó nhưng trước hết, mỗi thầy cô hãy kiên nhẫn, bao dung với học trò, giúp các em hiểu những sai lầm để thay đổi. “Từ 2 sự việc ở 2 ngôi trường cũng là một bài học để các nhà trường áp dụng, làm sao kỷ luật cho HS hiểu, chứ không phải đẩy các em ngày càng rời xa, sợ hãi và ám ảnh trường học” – TS Bùi Hồng Quân nói.
Nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý và các nhà giáo cho rằng chưa đề cập đến hình thức kỷ luật HS ở 2 ngôi trường có đúng với quy định của ngành GD-ĐT hay không, thế nhưng trước sự việc vì không phục quyết định kỷ luật của nhà trường mà HS phải tự tử thì đó là biểu hiện của mối quan hệ thầy – trò đã gãy đổ, rời rạc. Nhà trường không còn là nơi an toàn cho HS, còn giáo viên thì thiếu sự bao dung, thấu cảm, thậm chí còn quyết “ăn thua đủ” với HS, trong khi ở góc độ tâm lý, các em là đối tượng yếu thế trong nhà trường và cần được bảo vệ.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), nhận định điều đầu tiên chúng ta không nên bàn luận em nữ sinh có uống thuốc để tự tử hay chỉ là dọa mọi người. Em đó bình an là may mắn của thầy cô và nhà trường.
Chúng ta cần thấy lá thư em viết là thật. Những ấm ức và sự dồn nén tâm lý của em là có thật. Bấy nhiêu cũng đủ để thầy cô cần quan tâm tới em HS đó. Sự việc ở An Giang, có lý khi nhà trường nhắc nhở 2 lỗi vi phạm của HS này, một là “áo quá mỏng”, hai là chạy xe phân khối lớn.
Nhưng cách xử lý của nhà trường quá “thô”. Ở độ tuổi trăng tròn, các em nữ sinh thích ăn diện, thích trang điểm hoặc phá cách trong cách ăn mặc. Giáo viên chủ nhiệm (nếu là cô giáo) nên nói chuyện riêng, phân tích cho em hiêu hoặc mời phụ huynh đến trao đổi.
Nếu sau khi đã thông báo cho phụ huynh mà HS vẫn cố tình vi phạm thì ban phụ trách kỷ luật có thể yêu cầu phụ huynh viết cam kết. Nếu em đó vẫn không thực hiện đúng nội quy thì có thể họp hội đồng kỷ luật để đưa ra hình thức nhắc nhở, khiển trách phù hợp, có thể lưu trong hồ sơ học bạ.
Tuy nhiên, việc nhà trường đưa ra hình thức “cấm túc”, liên tục trong 2 tuần em Y. phải đi học sớm, phải trình diện giáo viên và ngồi nghe giáo viên nhắc nhở. Đây là hình thức “khủng bố tinh thần” rất nặng nề. Còn trường hợp HS bị đình chỉ học 1 năm ở Trường THPT Giồng Ông Tố là hình thức kỷ luật quá nặng, HS còn nhỏ, có thể bồng bột, cần giáo dục để HS thấy được khuyết điểm và biện pháp khắc phục.
“Trước đây cũng có một sự việc tương tự tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM – PV), mức kỷ luật HS lúc đó chỉ là khiển trách trước hội đồng. Nếu có đình chỉ học thì chỉ đình chỉ 1 tuần nhưng vẫn vào trường để lao động hoặc thực hiện yêu cầu của nhà trường để cải tạo hạnh kiểm” – thầy Chính thông tin, đồng thời cho rằng mọi hình thức xử lý phải hướng đến mong muốn HS nhìn ra lỗi sai, chứ không nên lấy lỗi sai để chì chiết hay xúc phạm nhân phẩm HS.
Trước hành vi sai trái của HS, thầy cô cần phân tích tác hại, chỉ rõ lý do cần phải nghiêm cấm hành vi đó. Và quan trọng là không nên chỉ lấy cái lý để cân đo, thầy cô cần đem cái tình, để HS đón nhận bằng sự kính trọng.
Cần theo hình thức tích cực
Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy – giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM – cho rằng kỷ luật không có nghĩa là trừng phạt, việc HS bị đình chỉ học 1 năm là quá nặng và phản giáo dục. Theo TS Thúy, trong thời gian 1 năm, các em sẽ đi đâu, làm gì? Nếu trong thời gian đó, các em không có sự quan tâm của gia đình, hổng kiến thức thì liệu còn quay lại trường được nữa hay không?
“Rõ ràng, đây là hình thức trừng phạt, không còn là kỷ luật nữa. Hiện nay, ở các ngôi trường đang đi theo xu hướng kỷ luật tích cực, kỷ luật phải mang tính nhân văn, giáo dục, giúp HS nhận ra sai lầm, sửa chữa, chứ không phải là đẩy các em vào ngõ cụt” – TS Thúy nhận định.
Xem xét kỷ luật Ban Giám hiệu Trường THPT Vĩnh Xương
Tại buổi làm việc với tập thể Trường THPT Vĩnh Xương, tinh thần của buổi làm việc là xem xét một cách thấu đáo, hợp lý hợp tình và thực hiện quy trình xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng và phó hiệu trưởng.
Theo đó, tập thể đề xuất hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Việt Hùm (hiệu trưởng) và khiển trách đối với bà Nguyễn Ngọc Hạnh (phó hiệu trưởng). Trên cơ sở này, hội đồng kỷ luật của Sở GD-ĐT sẽ họp và quyết định hình thức kỷ luật theo đúng quy định. Đại diện lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương là ông Hùm cũng đã có lời xin lỗi đối với gia đình em Y. khi đã để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Ngoài ra, nhà trường còn mắc sai phạm là tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng với quy định (dạy đại trà) đối với các lớp Anh văn hệ 7 năm.
Từ những sai phạm này, Sở GD-ĐT quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Hùm và bà Hạnh trong thời hạn 15 ngày. Riêng trường hợp giáo viên chủ nhiệm của em Y. là bà Huỳnh Thị Thu Huệ sẽ được làm rõ và có hướng xử lý phù hợp trước ngày 19-12 do có liên quan vụ việc và đăng thông tin trên mạng xã hội (sau khi sự việc xảy ra), gây bức xúc dư luận.
“Do gia đình em Y. có đơn tố cáo gửi đến Sở GD-ĐT cùng các ngành chức năng đối với ban giám hiệu nhà trường và cô giáo chủ nhiệm nên chúng tôi vẫn chưa thể đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Hùm và bà Hạnh” – bà Trần Thị Ngọc Diễm cho biết.
Kỷ luật học sinh, làm sao cho đúng
Kỷ luật học sinh thế nào để vừa có tác dụng giáo dục, vừa nhân văn mà lại làm các em tâm phục khẩu phục là điều không dễ.
Ảnh minh họa
Vấn đề kỷ luật học sinh lại nóng lên sau vụ nữ sinh ở Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) để lại thư tuyệt mệnh, uống quá liều thuốc trợ tim để tự tử vì bị nhà trường nêu tên trước cờ. Nhà trường cho biết nữ sinh này bị nhắc nhở nhiều lần do "mặc áo mỏng", "đi xe phân khối lớn", đã yêu cầu nữ sinh viết bản kiểm điểm, học nội quy trong 2 tuần. Còn theo gia đình, con họ tự tử vì cảm thấy uất ức, bị xúc phạm.
Trước đó, Trường THCS Ngô Quyền (Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cũng gây xôn xao dư luận khi bắt một học sinh đứng trước toàn trường đọc bản kiểm điểm. Đáng nói là nhà trường đã quay video và đưa lên trang cộng đồng của trường khiến dư luận bức xúc. Không chỉ vậy, học sinh này còn bị đình chỉ học 4 ngày, bị phạt lao động công ích trong suốt thời gian bị kỷ luật và hạ đánh giá hạnh kiểm từ trung bình đến yếu trong học kỳ 1... Nguyên nhân của hình phạt này là nhà trường cho rằng em đã xúc phạm một nhóm nhạc ở Hàn Quốc trên mạng, vi phạm Luật An ninh mạng.
Đó là chuyện kỷ luật học sinh trước toàn trường. Còn trong phạm vi lớp học, tình trạng học sinh bị phạt, bị phê bình trước lớp diễn ra phổ biến hơn nhiều. Năm 2019, dư luận trên mạng xã hội ồn ào sau khi xem bức ảnh nam sinh bị phạt quỳ giữa giờ học ở lớp 9B, Trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội). Rồi vụ học sinh lớp 2 của Trường Tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị giáo viên chủ nhiệm phạt bằng cách cho bạn cùng lớp tát 50 cái vào má vì nói tục.
Hậu quả của những vụ việc học sinh bị kỷ luật nói trên là các em bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề; giáo viên, lãnh đạo nhà trường bị kỷ luật; mối quan hệ học sinh-nhà trường-gia đình căng thẳng; dư luận xã hội có cái nhìn thiếu thiện cảm về môi trường giáo dục.
Đáng nói, vụ mới nhất xảy ra ở An Giang lại diễn ra không lâu sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 1/11/2020). Theo đó, nhà trường không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường. Thay vào đó, học sinh vi phạm sẽ chỉ bị xử lý kỷ luật bằng các hình thức như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác.
Không rõ tại sao đã có quy định mới mà trường Vĩnh Xương vẫn phê bình học sinh trước cờ để học sinh phản ứng bằng cách cực đoan, nông nổi. Nếu chẳng may học sinh không được phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời, hậu quả của vụ việc sẽ thực sự nghiêm trọng.
Ai cũng biết lứa tuổi học sinh, đặc biệt là các em ở tuổi dậy thì, có tâm lý rất nhạy cảm, phức tạp khi các em muốn thể hiện cái tôi, muốn khẳng định mình, không muốn bị áp đặt, kiểm soát. Do đang ở tuổi hình thành tính cách nên các em dễ mắc sai lầm, dễ phạm lỗi mà nếu giáo viên, nhà trường xử lý cứng nhắc, thiếu tế nhị, các em sẽ hình thành tâm lý bất mãn, bất phục, thách thức, phản ứng cực đoan, dẫn tới vi phạm càng nhiều. Khi đó, kỷ luật đã thành phản tác dụng và không khác gì trừng phạt.
Ngoài kiến thức, điều mà học sinh cần ở thầy cô, nhà trường chính là sự bao dung, sự chỉ bảo như "mẹ hiền" - từ được dùng để mô tả nghề giáo viên.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Môi trường giáo dục, mối quan hệ thầy cô-học sinh hiện nay không còn như xưa mà đã trở nên bình đẳng, tự do hơn, mang tính thị trường hơn. Trong khi học sinh, gia đình, xã hội đòi hỏi giáo viên, nhà trường phải tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, hoàn hảo về học thức, nhân cách để cho học sinh phát triển, thì ở chiều ngược lại, giáo viên và nhà trường cũng cần sự hợp tác, cảm thông của học sinh, gia đình và xã hội.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra thông tư mới cấm đuổi học, cấm kỷ luật học sinh trước lớp, trước trường, dư luận đều đồng tình vì tinh thần nhân văn đối với học sinh. Dù vậy, cũng có một số ý kiến nói rằng ngành giáo dục không cho giáo viên quyền hạn gì cụ thể để kỷ luật học sinh cá biệt ngoài những hình thức chung chung như khiển trách, báo cáo với phụ huynh.
Học sinh thời @ không còn "lành" và dễ bảo như trước, thậm chí có những học sinh mà các thầy cô giáo đành bất lực trong uốn nắn, thừa nhận không thể cải tạo. Để giữ an toàn cho uy tín nghề nghiệp của mình, họ buộc phải nhắm mắt làm ngơ thay vì sử dụng những biện pháp kỷ luật mà nếu làm không khéo, không đúng quy định, họ sẽ là người chịu trận trước phụ huynh và xã hội.
Có thể nói chưa bao giờ nghề giáo viên lại chịu nhiều áp lực từ dư luận như hiện nay. Áp lực tới mức mà kể cả khi có phụ huynh yêu cầu thầy cô phạt con mình, họ cũng không dám làm. Dựa vào cái bóng quyền lực của phụ huynh, một số học sinh không còn coi trọng thầy cô giáo ở mức độ cần phải có.
Những gì mà cô giáo, nhà trường ở An Giang hành xử với học sinh là đáng phê phán, nhưng cách phản ứng tiêu cực của học sinh cũng không phải là điều nên làm. Học sinh hoàn toàn có thể chọn cách khiếu nại hình thức kỷ luật của nhà trường nếu cảm thấy oan ức, không phục. Em cũng có thể trình bày quan điểm với người thân, thầy cô đáng tin cậy để nhờ tư vấn cách giải quyết. Còn nếu ai cảm thấy mình bị oan ức cũng chọn cách phản ứng dại dột như trên, người thiệt hại đầu tiên chính là bản thân và gia đình.
Sự việc ở An Giang là một bài học nữa về hình thức kỷ luật, không chỉ cho ngành giáo dục mà còn cho cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Suy cho cùng, không ai muốn kỷ luật và bị kỷ luật. Khi buộc phải làm vậy, kỷ luật học sinh cần dựa trên mục đích uốn nắn, thay vì trừng trị.
Dừng học 1 năm để học sinh biết lỗi: Sao buông tay? Các chuyên gia đều cho rằng, dừng học 1 năm với hai nam sinh quay lén bạn nữ thay đồ là chưa khoa học. Hội đồng kỷ luật trường THPT Giồng Ông Tố (TP.HCM) vừa thống nhất quyết định hình thức kỷ luật tạm dừng học tập 1 năm đối với hai nam sinh lớp 12 quay lén một nhóm nữ sinh lớp...