Học sinh Phần Lan chơi nhiều, học ít, không áp lực thi cử
Học sinh 15 tuổi ở Phần Lan không mất nhiều thời gian “đánh vật” với bài tập về nhà so với bạn cùng trang lứa ở một số nước khác. Thầy cô cũng nói không với học thêm, phụ đạo.
“Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan?”, đó là chủ đề tọa đàm do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC) và Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức ngày 13/1, tại Hà Nội.
Theo đại sứ Phần Lan Ilkka-Pekka Simila, nếu không có hệ thống giáo dục trình độ cao và chuyên nghiệp, đất nước của ông sẽ không bao giờ phát triển như hiện nay.
“Phát triển giáo dục bình đẳng và giáo viên được đào tạo bài bản là hai yếu tố tạo nên sự thành công của giáo dục Phần Lan”, ông nói.
Bên cạnh đó, các chuyên gia giáo dục nước này cho rằng có 3 yếu tố tưởng như là nghịch lý lại góp phần tạo thành công cho sự nghiệp trồng người của “xứ nghìn hồ”.
Cấu trúc của nền giáo dục Phần Lan tính đến năm 2015. Ảnh: K.L.
Dạy ít, học nhiều
Tại hội thảo, các chuyên gia thông tin trong khi một số nước khắc phục thực trạng học hành chưa được như kỳ vọng của học sinh bằng cách tăng thời gian dạy và khối lượng bài tập về nhà, Phần Lan làm ngược lại.
Bà Riikka Hassi – giáo viên ở Phần Lan – cho biết trẻ em bắt đầu đi học khi 7 tuổi. Bà dẫn thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho hay học sinh 15 tuổi ở Phần Lan dành ít thời gian hơn cho bài tập về nhà so với bạn cùng trang lứa ở quốc gia khác. Thầy cô cũng nói không với học phụ đạo, học thêm.
“Học sinh Phần Lan được về nhà vào buổi chiều và tham gia vào các hoạt động ngoại khóa”, bà Riikka Hassi nói.
Video đang HOT
Ở trường phổ thông cơ sở và tiểu học, trung bình giáo viên Phần Lan dạy khoảng 590 đến 670 giờ mỗi năm (800 đến 900 tiết học 45 phút). Con số này tương đương khoảng 4 tiết mỗi ngày.
Giờ dạy ít tạo cơ hội cho giáo viên tham gia công tác cải thiện trường học, lên chương trình phát triển nghề nghiệp, nâng cao chuyên môn cá nhân…
Một khái niệm thiết yếu trong hệ thống giáo dục Phần Lan là “lòng tin”. Cha mẹ học sinh tin tưởng rằng nhà trường sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn và mang lại nền giáo dục tốt cho con em họ. Trong khi đó, nhà trường đặt lòng tin vào đội ngũ giáo viên.
Các chuyên gia trao đổi về định hướng phát triển giáo dục thông qua mô hình của Phần Lan. Ảnh: M.A.
Kiểm tra ít hơn học
Giáo viên đến từ nơi được biết đến với tên gọi “vùng đất Mặt Trời lúc nửa đêm” khẳng định thầy cô gần như không kiểm tra.
Học sinh trải qua 3 kỳ thi quen thuộc là thi đầu vào, thi cuối kỳ và kỳ kiểm tra quốc gia. Các bài kiểm tra cũng không nặng về lý thuyết mà thiên về đánh giá tính cách hay những dự định tương lai. Vì thế, bạn trẻ ít áp lực thi cử.
Phần Lan không lãng phí thời gian và tiền bạc vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn dày đặc nhưng không đem lại kết quả. Thay vào đó, trẻ em được đánh giá mỗi ngày qua quan sát trực tiếp, đăng ký và các câu đố.
Trong lớp, trẻ được vui chơi, cười đùa và mơ mộng cả ngày. Người Phần Lan luôn nói: “Hãy để trẻ em là trẻ em”, “Công việc của một đứa trẻ là chơi đùa”, “Trẻ em học tốt nhất qua việc chơi”.
Tăng cường công bằng thông qua thúc đẩy đa dạng
“Bình đẳng giới” là từ khóa quan trọng của nền giáo dục Phần Lan. Nguyên tắc mang tính chủ đạo của cuộc cải cách giáo dục là tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người, không kể nam hay nữ.
Bà Riikka chia sẻ trong một lớp học, người ta có thể thấy thầy cô dạy cho học sinh khác nhau, tùy theo năng lực, mối quan tâm và nguồn gốc chủng tộc…
Mục tiêu lớn nhất của nền giáo dục Phần Lan là tạo ra môi trường công bằng để không đứa trẻ nào bị bỏ lại đằng sau. Họ không phân biệt lớp chọn hay lớp thường, không có học sinh ngoan hay cá biệt, không có học sinh giàu và nghèo.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), không phải mọi chính sách của giáo dục Phần Lan đều thích hợp với Việt Nam nhưng có nhiều điều đáng học tập.
Nói về cuốn sách Bài học Phần Lan 2.0 của tác giả Pasi Sahlberg – câu chuyện về quá trình thay da đổi thịt của nền giáo dục nước này – ông Phạm Chí Cường – Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) khẳng định đây là cách tiếp cận mới.
“Cuốn sách này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam chúng ta đang đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, chuẩn bị cho một chương trình đổi mới giáo dục phổ thông”, ông Cường nói.
Theo Zing
Sự thật về việc học sinh Phần Lan không có bài tập về nhà
Rất nhiều nhà nghiên cứu và thực hành giáo dục tìm đến Phần Lan để làm rõ lý do học sinh ở đây có thể đạt thành tích rất cao trong các bài kiểm tra, đánh giá quốc tế.
Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan từng nói, học sinh Phần Lan không có bài tập về nhà. Thực tế học sinh Phần Lan vẫn có bài tập về nhà. Nhưng hãy xem học sinh Phần Lan có những bài tập về nhà thế nào nhé!
Thứ hai đầu tuần, cô Paivi (giáo viên đã được đổi tên) dạy cho trẻ lớp 3 của mình ở một trường tiểu học thuộc TP Turku bài Các phương tiện giao thông và lưu ý khi đi bộ trên đường phố.
Sau khi cô trò xem các hình ảnh phương tiện giao thông từ máy bay, xe hơi, tàu hỏa, tàu điện, xe đạp... thì cô dạy trẻ vài biển báo dành cho người đi bộ. Cô cũng gợi ý trẻ suy nghĩ những vấn đề như: nếu trên đường không có đường dành cho người đi bộ thì chúng ta làm sao? Khi đi bộ ban đêm, không có cảnh sát trên đường, không có xe cộ, chúng ta có cần chờ đèn báo được phép băng qua đường mới qua không?
Chốt lại bài học, cô Paivi hỏi trẻ: khi đi trên đường, chúng ta có nên chơi Pokémon Go không? Tại sao? Khá dễ dàng, trẻ nhận ra được bài học là không nên như vậy và sẽ rất nguy hiểm cho bản thân lẫn người điều khiển phương tiện giao thông.
Một bài tập về nhà khác được dành ngay cho trẻ: Hãy liệt kê những mối nguy hiểm em có thể gặp trên đường đi học từ nhà đến trường. Một bài tập rất thiết thực và hữu ích, trẻ tự khám phá và sẽ dễ ghi nhớ bài học cho riêng mình.
Một lớp học tại Phần Lan. Ảnh: Pháp Luật TP HCM.
Ở lớp cô Paivi, cô có mua một con khỉ nhồi bông và một quyển sổ nhật ký. Quyển sổ và con khỉ được trẻ truyền tay nhau, mỗi em giữ vào một kỳ cuối tuần. Trẻ sẽ ghi lại những điều mình đã làm với con khỉ vào kỳ cuối tuần đó. Bài tập đơn giản để rèn cho trẻ thêm kỹ năng viết, mô tả, kể chuyện và cũng để lưu giữ, chia sẻ những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thơ.
Hôm nay, cô giáo Emmi dạy lớp 3 ở một trường tiểu học thuộc thủ đô Helsinki, dạy cho trẻ bài học về Sự tồn tại của con người, một phần trong môn Giáo dục tín ngưỡng.
Khác với suy nghĩ của nhiều người, môn này phải dạy về lịch sử, quan điểm của các tôn giáo, tín ngưỡng thì ở Phần Lan, nội dung khá đa dạng, tùy vào lựa chọn của giáo viên. Trong bài học, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra để học sinh suy nghĩ như: con người khác với các sự vật vô tri ở chỗ nào? Chúng ta giống nhau hay khác nhau?
Điều gì xảy ra nếu tất cả mọi người đều giống nhau? Cái chết nghĩa là gì?...Kết thúc bài học học sinh được giao bài tập về nhà: hãy viết ba điều tốt ở bản thân em. Bài tập như một cách để học sinh nhận ra rằng chúng ta đều là con người, ai cũng có điểm tốt nhưng chúng ta khác nhau và cần tôn trọng những khác biệt ấy. Ngày hôm nay cũng là thứ Sáu nên học sinh lại có thêm một bài tập về nhà cần hoàn thành vào cuối tuần.
Bài tập này diễn ra đều đặn hằng tuần: mỗi học sinh phải viết một bản tự nhận xét, đánh giá về bản thân trong tuần qua bao gồm mình đã làm điều gì tốt, chưa tốt trong tuần, mình đã trò chuyện hay kết bạn với ai, điều gì làm mình vui, điều gì làm mình buồn, mình sẽ thay đổi điều gì ở bản thân trong tuần mới...
Những bài tập về nhà nhẹ nhàng, có khi vui tươi nhưng chứa đựng nhiều giá trị giáo dục của giáo viên Phần Lan khiến học sinh khá hào hứng và thích thú. Thời gian hoàn thành các bài tập không quá 30 phút, không yêu cầu độ dài, có khi trẻ chỉ cần viết ba bốn dòng là đủ, chủ yếu trẻ được rèn thêm thói quen suy nghĩ và liên hệ bài học với đời sống hay bản thân.
Có lẽ một phần nhờ vậy mà trẻ Phần Lan luôn thích được đến trường, học trong trạng thái vui vẻ nên cũng tiếp thu tốt hơn và kết quả giáo dục của họ cao như vậy!
Theo Nguyễn Thị Thu Huyền/Pháp Luật TP HCM
Dư luận Nhật phẫn nộ vụ cha đâm chết con vì không ôn thi Vì con không chịu làm bài tập trong thời gian ôn thi vào trường tư thục danh tiếng, người đàn ông Nhật Bản đâm chết con. Vụ việc khiến nhiều người bàng hoàng và phẫn nộ. Japan Today đưa tin, khoảng sáng 21/8, Kengo Satake, 48 tuổi ở quận Aichi trên đảo Honshu (Nhật Bản), đâm chết con trai 12 tuổi là Ryota....