Học sinh ở Sài Gòn đề xuất có thêm nhiều tiết học dạy về kỹ năng sống
Học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh lại than học nhiều, thiếu các tiết thực hành và đề xuất cần có thêm nhiều tiết học dạy kỹ năng sống.
Ngày 24/10, thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ban thường vụ Thành Đoàn, Hội Sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi gặp gỡ các học sinh, sinh viên tiêu biểu, nhằm lắng nghe các đóng góp để hiến kế, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ nhằm cải tiến môi trường học tập, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Chương trình dạy nặng về lý thuyết, thiếu tiết dạy kỹ năng mềm
Nói về chương trình học tập hiện nay, em Mai Hải Yến (học sinh Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, quận 6) chia sẻ: Chương trình hiện nay nặng về lý thuyết, chưa tạo điều kiện cho học sinh ứng dụng kiến thức vào thực tế, thiếu các tiết học dạy về kỹ năng mềm và ứng xử giao tiếp.
Em Mai Hải Yến đề xuất cần có thêm nhiều tiết học dạy về kỹ năng sống, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm, rèn luyện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ.
Em Ngọc Thương phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: P.L)
Đồng quan điểm này, em Nguyễn Lưu Ngọc Danh (Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, quận 5) cho rằng, hầu như các tiết học dạy về kỹ năng thực hành, học sinh chỉ nghe báo cáo viên nói về kiến thức mà ít có cơ hội đi ra ngoài, nên cũng cần nghiên cứu, tăng cường các hình thức học tập trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh.
Em Phan Ngọc Thảo Vy (học sinh Trường trung học phổ thông Thủ Đức, quận Thủ Đức) nêu quan điểm: Chương trình học tiếng Anh hiện nay chỉ chú trọng đến kỹ năng đọc, viết mà chưa quan tâm đến kỹ năng nghe, nói, nhiều nội dung thì lặp đi lặp lại rất lãng phí.
Học sinh Nguyễn Ngọc Anh Phú (Trường trung học phổ thông Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình) thì đề nghị: Ngành giáo dục nên phát triển nhiều hơn nữa các hình thức đánh giá học sinh đa dạng, bằng nhiều hình thức khác nhau, tạo ra động lực học tập cho học sinh.
Em Ngọc Thương (học sinh Trường trung học phổ thông Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức) đề xuất: Lùi giờ học bắt đầu từ 8h thay vì 7h sáng như hiện nay, nhằm làm giảm tình trạng kẹt xe cho thành phố, học sinh thì sẽ có tinh thần thoải mái học tốt hơn.
Video đang HOT
Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nêu 3 “đặt hàng”
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Hoài Nam cho biết: Hiện nay, các trường học đã tăng cường thêm nhiều tiết học trải nghiệm, chương trình kỹ năng sống, thực hành.
Dù vậy, ông Lê Hoài Nam vẫn thừa nhận: Hiện chương trình văn hóa hiện nay khá nặng, chiếm hầu hết thời gian lên lớp, nên các tiết học ngoài nhà trường bị hạn chế. Việc lùi giờ học hiện nay cũng khó thực hiện, vì còn liên quan đến giờ làm việc của phụ huynh, đảm bảo giờ kết thúc buổi học không quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi gặp gỡ (ảnh: Hồng Đăng)
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Thành Phong nói, ông rất trân trọng những ý kiến đóng góp của các học sinh, sinh viên tham dự buổi gặp gỡ này.
Để thành phố luôn dẫn đầu cả nước về kinh tế, năng suất lao động, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, cần tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, trong đó có vai trò của thế hệ trẻ, nhất là với học sinh và sinh viên.
Từ đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu ra 3 “đặt hàng” cho các bạn trẻ tham dự buổi gặp gỡ này.
Đó là: Cần chủ động hơn trong học tập, rèn luyện các kỹ năng, nhất là ngoại ngữ, bên cạnh đó là tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội.
Thứ hai: Cố gắng biến những suy nghĩ, ý tưởng mới thành hiện thực. Hiện thực hóa các ý tưởng, dự án thông qua sự hỗ trợ của các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thứ ba: Do dân số phát triển quá nhanh, thành phố hiện phải đối mặt những vấn đề về hạ tầng đô thị. Học sinh, sinh viên được khuyến khích thỏa sức suy nghĩ, nêu ý tưởng, góp phần giải quyết những bài toán cụ thể như ách tắc giao thông, ngập nước, quá tải đô thị…
Cuối cùng, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị: Các trường đại học cũng cần có trung tâm đổi mới sáng tạo, giúp hỗ trợ những dự án của sinh viên.
Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước cũng cần được gắn kết, nhằm hướng đến sự sẵn sàng cho đổi mới, sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Phương Linh
Theo giaoduc.net
Trải nghiệm để thêm niềm vui đến trường
Nhà giáo Tô Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) là người có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quản trị nhà trường, có nhiều sáng kiến trong tổ chức các hoạt động giáo dục, nhất là các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm kỹ năng sống để học sinh thêm niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.
Nhà giáo Tô Thị Bích Liên (đứng thứ 3 bên trái) trao tặng quà cho học sinh tiêu biểu
Để học sinh được trải nghiệm nhiều hơn
Là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng, cô Liên luôn dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đề xuất, tham mưu với Phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ đổi mới hình thức tổ chức các chuyên đề dạy học, sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng và nâng cao phương pháp dạy học cho giáo viên.
Vốn là Tổng phụ trách Đội trong 16 năm liền, cô đã có nhiều sáng kiến trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm kỹ năng sống... giúp học sinh của mình hăng say trong học tập, thêm niềm vui, hứng thú khi đến trường.
Ngoài việc chú trọng dạy các môn văn hóa, để kích thích tư duy và tăng cường các kỹ năng sống cho học sinh, Trường THCS Đông Sơn thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
"Chính các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, trải nghiệm kỹ năng sống này đã giúp phong trào dạy và học của nhà trường đi vào nền nếp, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên; học sinh hứng thú đến trường và hăng say học tập" - nhà giáo Tô Thị Bích Liên chia sẻ.
Theo cô Liên: Mấy năm gần đây, mỗi tháng nhà trường tổ chức từ 1 - 3 hoạt động ngoại khóa theo từng chủ điểm gắn với các dịp kỷ niệm của đất nước, Thủ đô. Hoạt động ngoại khóa của nhà trường được tổ chức với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: Đóng tiểu phẩm, thi văn nghệ, dàn dựng hoạt cảnh, hoạt động vui chơi tập thể, thi rung chuông vàng... Điều đáng nói, các hoạt động này được tổ chức linh hoạt, không trùng lặp để tránh sự nhàm chán, được đại đa số học sinh hào hứng tham gia.
Học sinh Trường THCS Đông Sơn trải nghiệm gói bánh chưng xanh trong hoạt động "Xuân yêu thương"
Lan tỏa lòng nhân ái
Được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (năm 2017), cô Liên đã xây dựng được một tập thể sư phạm đoàn kết, vững mạnh; Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Với mục tiêu giáo dục học sinh nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, hoạt động giáo dục của Trường THCS Đông Sơn hướng đến các nhiệm vụ trọng tâm: Giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề; Củng cố vững chắc và phát huy các điều kiện, tiêu chí phổ cập giáo dục; Huy động nguồn lực cùng nhà trường để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục học sinh; Xây dựng văn hoá nhà trường tạo môi trường giáo dục lành mạnh, kỷ cương, nền nếp.
Trường THCS Đông Sơn đã gìn giữ được nền nếp xây dựng nhà trường xanh - sạch - đẹp. Để có cảnh quan sư phạm xanh, mát, nhà trường phát động phong trào trồng hoa, cây xanh để làm đẹp khuôn viên nhà trường. Học sinh đến trường đều phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của nhà trường, có ý thức giữ gìn vệ sinh, không vứt rác bừa bãi...
Là trường ở vùng nông thôn, nhiều học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, cô Liên thường tổ chức vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm khuyến học, trao học bổng cho học sinh nghèo và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập. Trong dịp Tết Nguyên đán các năm, nhà trường tổ chức các hoạt động trao tặng quà cho trẻ em trong chùa gần trường, tặng quà cho gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
"Tôi luôn mong muốn mang tới những điều tốt đẹp cho học sinh của mình. Ngoài các sân chơi bổ ích, tạo hứng thú học tập cho các em, với các hoạt động thiện nguyện của cá nhân và tập thể nhà trường, tôi mong rằng những việc làm này sẽ lan tỏa rộng rãi trong học sinh, để các em không chỉ có kiến thức văn hóa mà còn có kỹ năng sống và giàu lòng nhân ái, biết sẻ chia với cộng đồng, với những bạn hoàn cảnh còn khó khăn" - nhà giáo Tô Thị Bích Liên chia sẻ.
Bá Hải
Theo GDTĐ
Cô hiệu phó mở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí cho học sinh "Con đường để rèn mình trở thành người tử tế bắt đầu từ những việc tử tế" - cô Phạm Thị Thùy Loan - Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng) đã nhắn nhủ như thế đến các học trò của mình ở lớp dạy kỹ năng sống miễn phí do cô đứng lớp vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần....