Học sinh nước ngoài được bảo mật điểm thi, tại sao Việt Nam lại công khai?
Nhiều nước trên thế giới coi trọng quyền riêng tư, họ coi điểm số của học sinh thuộc về thông tin cá nhân và cần được bảo vệ. Trong khi đó ở Việt Nam, điểm thi được công khai trên mạng internet, ai cũng có thể xem. Chưa kể có tình trạng, học sinh nếu lỡ bị điểm kém, có thể phải chịu sự trừng phạt là bị giáo viên bêu riếu, quát mắng trước mặt bạn bè.
Các nước vẫn gửi thư cho từng thí sinh để báo điểm
Câu chuyện công khai điểm thi của thí sinh thi vào lớp 10, kỳ thi THPT quốc gia 2017 vẫn đang nhận ý kiến trái chiều từ dư luận. Người cho việc làm này vi phạm quyền riêng tư, người lại nghĩ đây là cách làm cần thiết để bảo đảm yếu tố minh bạch trong thi cử.
Hiện nay, nếu muốn tra cứu điểm của thí sinh, chỉ cần gõ họ tên hoặc số báo danh sẽ có điểm của tất cả các thí sinh cùng tên trên cả nước. Đối với thí sinh thi vào lớp 10, nhiều trường chọn cách dán công khai điểm thi của thí sinh ở trường để mọi người cùng xem.
Từng có thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng việc công khai điểm thi theo cách này sẽ làm lộ thông tin thí sinh, có thể khiến các em bị lợi dụng để nhục mạ và gây sức ép công khai trên mạng xã hội.
“Nhiều trường hợp học sinh bỏ nhà ra đi hoặc tệ hơn là tự tử, do bị tổn thương về tâm lý, vì xấu hổ với bạn bè, thầy cô, hàng xóm vì điểm thi thấp. Bây giờ, việc công bố điểm một cách công khai trên mạng được cho là một hướng đi đúng, tiết kiệm, tiện lợi mà ai ở bất cứ đâu cũng có thể tra cứu được. Nhưng trên thực tế, cách làm này có một bất cập lớn, nó không bảo vệ được danh tính và kèm theo nó là thông tin cá nhân của các thí sinh, nhất là trong thời đại xã hội mạng mà thông tin cá nhân có ý nghĩa lớn như thế nào”- nhà báo Trương Anh Ngọc bày tỏ quan điểm.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng cho rằng hiện nay nhiều nền giáo dục trên thế giới vẫn dùng phương pháp thủ công, là gửi thư cho từng thí sinh để báo điểm cho họ, báo cho họ biết là trúng hoặc trượt. Việc làm này vừa đảm bảo được bí mật cá nhân, vừa cho thấy sự trân trọng đối với thí sinh.
Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn (phải) người sáng lập tổ chức dạy Toán bằng tiếng Anh UberMath.
Video đang HOT
Cả hệ thống giáo dục nên thay đổi tư duy!
Chia sẻ quan điểm về cách công bố điểm thi THPT của Bộ GDĐT hiện nay, thầy Đặng Minh Tuấn – từng được đào tạo tại Pháp, là một thạc sĩ tại ĐH Lyon 1, người sáng lập tổ chức dạy Toán bằng tiếng Anh UberMath – cho rằng điểm số của thí sinh thuộc về riêng tư. Ở Pháp, những thông tin này không bao giờ thông tin công khai cho cả lớp, để mọi người cùng biết như ở Việt Nam.
“Điểm của học sinh thì chỉ học sinh đó biết, trừ phi chính bạn ấy chia sẻ điểm của mình với người khác. Ngay cả việc giảng dạy ở trên lớp, giáo viên ở nước ngoài cũng rất ý thức câu chuyện bảo vệ quyền riêng tư của học sinh. Còn ở Việt Nam, nhà trường, giáo viên, phụ huynh không ý thức nhiều về điều đó. Một bạn bị điểm kém là cả lớp biết, một phụ huynh có con học kém thì các phụ huynh khác cũng biết, vì được công bố công khai trong cuộc họp.
Hơn nữa học sinh, phụ huynh cũng chẳng ý thức việc mình bị xâm phạm quyền riêng tư, ngành giáo dục cũng thấy việc công khai những thông tin đó là hiển nhiên. Khi có chuyện xảy ra, có trường hợp học sinh bị sốc tâm lý, hay tự tử thì mới bắt đầu đặt ra vấn đề đó. Tôi nghĩ đã đến lúc mỗi giáo viên phải ý thức ngay trong công tác giảng dạy hằng ngày, cả hệ thống cũng cần thay đổi tư duy, từ Bộ đến Sở trong việc tôn trọng quyền riêng tư của học sinh” – Thạc sĩ Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Thầy Tuấn cho rằng rất khó để thông báo kết quả đến từng học sinh như cách làm của một số nước trên thế giới, vì kỳ thi vừa qua nước ta có trên 800.000 thí sinh tham gia. Cách để Bộ GDĐT có thể bảo vệ quyền riêng tư của thí sinh, vừa tiện lợi trong việc công bố điểm thi là nên thêm thông số trước khi truy xuất được kết quả.
“Nếu chỉ cần gõ tên hay số báo danh thôi thì sợ rằng nhiều người sẽ biết. Những kẻ xấu có thể dùng nó để bôi xấu một cá nhân nào đó trên mạng xã hội. Cách làm hiện nay của Bộ GDĐT không sai, nhưng cách lấy thông tin ra quá dễ dàng. Bộ nên cung cấp mật khẩu cá nhân, email để chỉ thí sinh tra cứu được điểm của mình”. Thầy Tuấn cũng cho rằng để làm được điều này, người dân cần có niềm tin nhất định vào hệ thống giáo dục, về yếu tố minh bạch, công bằng trong thi cử.
Theo laodong.com.vn
Công khai điểm thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT có phạm luật?
Hiện nay, 63 tỉnh thành trên cả nước đã công bố điểm thi THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn việc, điểm từng môn thi được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các em.
Ảnh minh hoạ
Bất cứ ai, bất cứ khi nào chỉ cần vào mạng là có thể xem điểm thi của tất cả các thí sinh. Điều này khiến nhiều người lo ngại về tính bảo mật thông tin và xâm phạm quyền riêng tư của các thí sinh.
Nhất là trước đây đã xảy ra không ít vụ việc, thí sinh tự ti về điểm thi nên đã có những suy nghĩ và hành động dại dột, rồi những cuộc chạy đua về điểm số.
Việc Bộ GD&ĐT công bố điểm thi của tất cả các thí sinh có vi phạm quyền riêng tư?
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay: "Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể, chi tiết về hình thức công bố điểm thi của thí sinh THPT nói riêng cũng như thế nào là xâm phạm bí mật đời sống riêng tư của người từ đủ 16 tuổi trở lên nói chung nên không thể nói rằng việc công bố công khai điểm thi tốt nghiệp THPT của tất cả các thí sinh trên mạng là xâm phạm đời sống riêng tư của các em.
Xin giải thích thêm về việc tại sao lại là người từ đủ 16 tuổi trở lên, bởi lẽ người dưới 16 tuổi được coi là trẻ em, mà Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 quy định về việc bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em như sau:
"Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng
1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em."
Theo Điều 33 của Nghị định này thì: "Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em."
Như vậy, việc công bố kết quả học tập của người dưới 16 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và của chính người đó.
Nhưng như đã nêu ở trên, đối với người 16 tuổi trở lên thì pháp luật lại chưa có quy định rõ ràng, nên cách hiểu về vấn đề cung cấp thông tin bí mật đời sống riêng tư của người 16 tuổi trở lên còn chưa thống nhất, trong khi thí sinh tốt nghiệp THPT đều là người đã trên 16 tuổi".
Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh
Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho biết thêm: "Theo quan điểm cá nhân, với những phản ứng mà đa số là không đồng tình của dư luận xã hội hiện nay, có lẽ Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quay trở lại hình thức công bố điểm thi theo cách chỉ có người có điểm mới được biết để tránh gây sự xáo trộn về mặt tâm lý của học sinh. Điều đó cũng không ảnh hưởng đến tính minh bạch mà Bộ coi đó là lý do để công khai điểm thi của tất cả thí sinh, vì minh bạch hay không thể hiện qua các nội dung khác chứ không thể hiện qua việc ai cũng biết điểm thi của ai".
Cũng liên quan đến vấn đề này, cô Lê Thị Loan - nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: "Những thông tin về kết quả học tập của học sinh được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà không được sự đồng ý của các em là vi phạm mục 11 điều 6 Luật trẻ em.
Mặt khác nó có thể ảnh hưởng không tốt tới tâm lý các em, đặc biệt là các em có kết quả không mong muốn. Việc công khai kết quả thi khiến các em dễ cảm thấy thua kém, tự ti trước bạn bè, người thân và rất có thể là nguyên nhân dẫn đến những suy nghĩ, hành động dại dột.
Trên thế giới nhiều nước có nền giáo dục phát triển như nước Anh, điểm thi của học sinh được coi là những thông tin cá nhân và phải được giữ bí mật.Vì thế nên toàn bộ thông tin này được mã hoá thành mã số chứ không côngkhai danh tính học sinh.
Theo tôi, Bộ GD&ĐT không nên công bố công khai điểm thi của tất cả các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia trên các thông tin đại chúng tránh những sự cố đáng tiếc liên quan đến tâm lý thí sinh".
Theo infonet.vn
Công khai điểm thi THPT: Minh bạch hay xâm phạm quyền riêng tư? Để biết điểm thi vào lớp 10 cũng như điểm THPT quốc gia của học sinh, chỉ cần vào một số trang web, gõ họ tên đầy đủ hoặc nhập số báo danh của thí sinh là sẽ biết kết quả ngay lập tức. Cách làm này dù giúp minh bạch trong thi cử nhưng bị cho là xâm phạm quyền riêng tư,...