Học sinh nóng lòng chờ chương trình, sách mới
Từ năm 2018-2019, ngành giáo dục áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới vào dạy học theo hình thức cuốn chiếu ở 3 bậc học phổ thông, nhưng hiện tiến độ thực hiện rất chậm
Theo lộ trình của Nghị quyết chương trình – sách giáo khoa mới (CT-SGK), năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần xây dựng xong CT-SGK mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Văn hóa – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây, từ sau khi chương trình tổng thể được công bố vào tháng 7-2015, tiến độ thực hiện đề án chương trình tổng thể về phổ thông rất chậm.
Chưa chuyển biến
Cũng theo ủy ban này, các điều kiện để bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều chuyển biến. Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa ban hành. Trong khi đó, thời hạn dự kiến đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục mới đang đến gần (năm học 2018-2019).
Một cán bộ thuộc Ban thường trực Đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho biết nếu theo Nghị quyết của Quốc hội, năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT sẽ phải có SGK mới cho lớp 1, lớp 6, lớp 10. Điều này đồng nghĩa việc năm 2016, Bộ GD&ĐT phải xây dựng xong chương trình nhưng đến nay, tất cả vẫn là dự thảo vì còn nhiều vấn đề vẫn chưa được thống nhất.
Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí đánh giá sách giáo khoa. Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.
Khi được hỏi, lãnh đạo một sở GD&ĐT cho biết đến thời điểm này, sở chưa nhận được văn bản chính thức nào từ Bộ GD&ĐT về chủ trương đổi mới CT-SGK. Do đó, sở không có căn cứ nào để triển khai hay lấy ý kiến giáo viên về việc thực hiện.
Người này cũng nói thêm mặc dù được Bộ GD&ĐT và Viện Khoa học giáo dục mời tham gia hội thảo, tọa đàm mang tính nội bộ để lấy ý kiến về CT-SGK, đến nay vẫn chưa thấy bộ quyết định đi theo hướng nào, trong khi đó lại có rất nhiều đổi mới trong thi cử.
TS Nguyễn Kế Hào – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT – nhận xét chương trình tổng thể mà Bộ GD&ĐT đưa ra góp ý từ 1 năm trước dù có một số ưu điểm nhưng vẫn còn nhiều bất cập như định hướng xây dựng chương trình các môn học còn thiếu chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng vào quá trình học tập tiếp và vào cuộc sống hằng ngày.
Video đang HOT
Điều kiện thực hiện chương trình được nêu khái quát, khá đầy đủ nhưng chưa có điều kiện bảo đảm cho những điều kiện đó có được khi triển khai thực hiện CT-SGK mới.
Chỉ chăm chăm đổi mới thi cử
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay bộ này đã xây dựng kế hoạch triển khai tổng thể cũng như ban hành quy định tiêu chuẩn chương trình giáo dục phổ thông, tiêu chuẩn người tham gia xây dựng, người tham gia thẩm định chương trình, quy định về tổ chức và hoạt động của Ban Xây dựng, Hội đồng Quốc gia thẩm định chương trình.
Đồng thời, thí điểm triển khai các mô hình, phương pháp dạy học mới nhằm chuẩn bị triển khai CT-SGK giáo dục phổ thông mới, hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tổ chức làm việc với một số nhà khoa học, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế để trao đổi, tiếp thu các ý kiến góp ý về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng tiêu chí đánh giá SGK và Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK, sau khi ban hành chương trình thì sẽ ban hành đồng bộ các văn bản này để định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn SGK.
Các chuyên gia giáo dục đều khẳng định để thực hiện đúng lộ trình đổi mới, bảo đảm hiệu quả dạy và học, trước tiên, ngành giáo dục cần tập trung vào làm cho xong chương trình. Nếu áp dụng nhiều đổi mới trong thi cử nhưng cách dạy, cách học vẫn theo phương pháp cũ, chương trình cũ thì chưa thể đổi mới toàn diện.
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng khâu chính trong đổi mới là đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đây là việc cần thiết, giải quyết được những vấn đề tồn tại nhưng hiện nay Bộ GD&ĐT lại chọn khâu thi cử là đột phá.
Cũng theo GS Thi, đổi mới chương trình tổng thể phải cần nhiều thời gian, cũng không thể thay đổi ngay ở lớp 12 trong khi lớp 1 chưa thay đổi.
“Để giảm bớt thời gian, ban soạn thảo chương trình cần cân nhắc đổi mới cuốn chiếu theo từng cấp học. Tuy nhiên, phải có ít nhất 3 năm cuốn chiếu xong với bậc THPT, bậc tiểu học cũng phải mất khoảng 5 năm”, GS Thi đề nghị.
Chờ chương trình để soạn giáo án
Ông Chử Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho hay khi có chương trình từng môn học, các trường sẽ tổ chức xây dựng chương trình dạy học cho trường mình, các giáo viên sẽ căn cứ vào các tài liệu sẵn có để soạn giáo án cho mình hoặc viết thành những tài liệu có tính chất SGK.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
'Kêu trời' với sách giáo khoa mô hình trường học mới
Theo lộ trình, năm học 2018-2019, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa cùng lúc.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã chọn lựa, chỉnh lý tài liệu dạy học của mô hình trường học mới (VNEN) thành một trong những bộ sách giáo khoa (SGK) dạy học đổi mới.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên lo ngại, bộ sách này vẫn còn nặng về nội dung và phụ thuộc nhiều vào nỗ lực giảng dạy của từng giáo viên.
Nội dung văn bản hướng dẫn triển khai mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam, năm học 2016-2017 của Bộ GD&ĐT gửi các Sở nêu: Bộ SGK của mô hình này sẽ được chỉnh lý, hoàn thiện để trở thành một trong những bộ sách phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới, áp dụng bắt đầu từ năm học 2018-2019.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chờ khung chương trình tổng thể, bộ môn được ban hành để bắt tay vào thực hiện. Chương trình mới sẽ tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học, phù hợp với định hướng của VNEN.
Bộ sách này được thực hiện phù hợp với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK đã được Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt.
Ảnh: Tiền Phong.
Cô Nguyễn Quỳnh Trang, giáo viên dạy Khoa học xã hội, Trường THCS Nam Hà (Hà Tĩnh) cho biết, dạy học theo SGK của mô hình VNEN giáo viên không phải soạn giáo án.
Về cơ bản, tài liệu đã biên soạn sẵn các hoạt động trong một giờ dạy từ xác định mục tiêu bài học, khởi động đến hoạt động cơ bản, thực hành...
"Tuy nhiên, để giờ học có chất lượng giáo viên chỉ dựa vào tài liệu là chưa đủ mà cần phải tìm hiểu nhiều thông tin, chuẩn bị nhiều phương án để trao đổi với học sinh", cô Trang nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, nếu SGK của mô hình VNEN trở thành một trong những bộ SGK phục vụ chương trình đổi mới giáo dục phổ thông bà cảm thấy lo lắng vì lượng kiến thức ở bộ sách này vẫn rất nặng nề.
Theo bà Hồng, sau hơn một năm áp dụng mô hình trường học mới VNEN nhiều phụ huynh kêu trời không thể hướng dẫn con học bài vì nội dung quá khó.
Giáo viên mang tiếng không phải soạn giáo án nhưng phải lên kế hoạch dạy học, chuẩn bị nhiều tình huống để thảo luận với học sinh rất vất vả.
Bà Hồng cho biết: "Có những tiết học, giáo viên phải viết kế hoạch bài giảng dài 7-8 trang giấy, chưa kể có những giờ học phải chuẩn bị dụng cụ thực hành, thực nghiệm. Nếu SGK như vậy, giáo viên chỉ dạy 10 tiết/ tuần thì có thể tải được nhưng để hoàn thành 19 tiết/tuần thì giáo viên khó có thể làm tròn nhiệm vụ", bà Hồng nói.
Hiệu trưởng một trường THCS đang thực hiện mô hình VNEN cho rằng, không phủ nhận khi học chương trình VNEN, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn nhưng lớp học quá đông sẽ không hiệu quả.
Theo hiệu trưởng này, nội dung trong tài liệu hướng dẫn vẫn không hề giảm tải, có chăng chỉ là thay đổi phương pháp dạy học. Nếu SGK mới vẫn nặng về kiến thức như vậy làm sao đáp ứng được mục tiêu đổi mới chú trọng giáo dục phẩm chất, năng lực?", vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh chia sẻ, hiện nhiều trường vẫn đăng ký dạy học theo mô hình VNEN, tuy nhiên Sở khá dè dặt khi quyết định cho các trường theo mô hình này.
Theo bà Lý: "Điều sợ nhất là giáo viên cho rằng, dạy học theo mô hình này sẽ rất nhàn vì không phải soạn giáo án". Bà Lý phân tích, phương pháp hay nhưng nếu chỉ dạy chung chung, nhóm học sinh khá giỏi sẽ không có ưu thế phát triển. Vì thế, quyết định thành bại của chương trình này phụ thuộc nhiều vào giáo viên.
Mô hình trường học mới (VNEN) áp dụng tại Việt Nam từ đầu năm 2013, đến nay đã nhân rộng trên toàn quốc với 2.365 trường tiểu học và hơn 1.000 trường THCS.
Theo kế hoạch, đến tháng 5/2016 đề án sẽ chấm dứt giai đoạn hỗ trợ kinh phí, tuy nhiên đến nay nhiều trường vẫn đăng ký dạy học theo mô hình này.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong
'Tiến sĩ chỉ làm mấy thứ lặt vặt như thạc sĩ?' "Do trước đây không quy định tiến sĩ là nghiên cứu, đề tài có thể không có gì mới, chỉ làm mấy thứ lặt vặt như thạc sĩ", Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Tinh thần điều chỉnh Quy chế đào tạo tiến sĩ lần này của Bộ GD&ĐT là siết chặt chất lượng, xem...