Học sinh ngồi nhầm lớp, nếu hỏi cấp trên, lỗi sẽ là của …giáo viên
(GDVN) – Lớp một học âm vần chưa xong, lên lớp hai không thể học được và các em có nguy cơ tái mù rất cao. Mọi người sẽ không thể hình dung ra sự vất vả của thầy cô.
LTS: Tiếp tục các bài viết về “ học sinh ngồi nhầm lớp”, hôm nay, Tòa soạn giới thiệu bài viết của cô giáo Đỗ Quyên-một tác giả quen thuộc.
Cô giáo chỉ ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Nếu làm một cuộc khảo sát thật khách quan và công bằng thì trường học nào trong cả nước cũng có học sinh ngồi nhầm lớp, con số không chỉ vài em mà còn nhiều hơn thế. Bạn muốn hỏi nguyên nhân vì đâu mà đến nông nổi như thế?
Nếu là câu trả lời của cấp trên, chắc chắn sẽ nói tại giáo viên không làm tròn trách nhiệm, giáo viên chưa có biện pháp giúp đỡ các em kịp thời…và muôn vàn những lý do đổ lên đầu những người “thấp cổ bé họng” như chúng tôi.
Dưới góc nhìn của một giáo viên có thâm niên đứng lớp trên 20 năm, đã nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và là người luôn được đồng nghiệp đánh giá là có tâm với học sinh. Tôi sẽ xin được chỉ ra những nguyên nhân cơ bản, trực tiếp dẫn đến trình trạng học sinh ngồi nhầm lớp.
Nguyên nhân chính tạo ra những học sinh ngồi nhầm lớp
Video đang HOT
Ngay từ khi trẻ vào lớp 1, trong số gần 40 em học sinh trên lớp cũng có vài em chậm phát triển nên việc tiếp thu bài rất khó khăn. Đó có thể là học sinh tự kỉ, bị thiểu năng trí tuệ dạng thấp, bị khuyết tật bẩm sinh hoặc có vấn đề về nhận thức. Hầu như lớp nào cũng có vài đối tượng này.
Dù giáo viên có dành thời gian kèm cặp vất vả thế nào, cuối năm học, các em này vẫn ê a theo kiểu “tháng năm một tiếng, tháng mười một tiếng”. Còn các em học sinh bình thường sẽ đọc thông viết thạo.
Thay vì vài học sinh học yếu này, sẽ được học lại lớp một năm nữa cho chắc kiến thức, chắc chắn các em sẽ tiến bộ rất nhiều. Nhưng vì chỉ tiêu thi đua, vì thành tích, vì chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi, nhà trường không thể cho các em ở lại nhiều như thế nên tìm mọi cách hợp thức hóa kết quả để ép các em phải lên lớp.
Lớp một học âm vần chưa xong, lên lớp hai không thể học được và các em có nguy cơ tái mù rất cao. Nếu không phải là giáo viên trực tiếp giảng dạy, mọi người sẽ không thể hình dung ra sự vất vả của thầy cô khi trong lớp có những học sinh như thế.
Thầy cô giảng bài cho cả lớp xong, phải đưa những học sinh này lên bàn giáo viên cho các em đọc lại từng âm, vần và ghép từng tiếng. Giờ ra chơi cũng miệt mài ngồi phụ đạo. Cũng có em tiến bộ đôi chút nhưng cũng khó theo các bạn.
Rồi năm học tiếp theo, những đối tượng này vẫn buộc phải lên lớp…Học yếu lại càng yếu hơn, cứ như thế các em được đẩy dần lên các lớp trên. Vì thế mới có chuyện học tới lớp 7 mà không biết đọc.
Một nguyên nhân tác động đến việc học sinh ngồi nhầm lớp cũng do giáo viên còn ham thành tích nên không cương quyết, nói đúng hơn là không ai dám làm mất lòng Ban giám hiệu để thêm rắc rối về cho mình. Thực ra Ban giám hiệu các trường, không ai chỉ đạo phải cho học sinh yếu lên lớp.
Họ chỉ dùng cái uy quyền của mình để gây sức ép tới giáo viên theo kiểu: “Các thầy cô phải kèm và cho các em thi, lần một không đậu thì lần hai…thi tới khi nào đậu mới thôi. Nếu thời gian rơi vào hè cũng phải xuống mà dạy hoặc đưa về nhà kèm thêm cho đến lúc các em tiến bộ”.
Đề xuất một số giải pháp
Tránh tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp chẳng có gì khó. Không phải vì mấy công văn “hỏa tốc” của Bộ chấn chỉnh là tình hình được cải thiện. Chừng nào còn các chỉ tiêu thi đua, chừng đó sẽ không thay đổi được gì cả.
Chẳng hạn, Bỏ hẳn các chỉ tiêu như trường đạt chuẩn Quốc gia không được lưu ban quá 2%, chỉ tiêu về tỉ lệ lên lớp thẳng, chỉ tiêu về phổ cập đúng độ tuổi, hiệu quả 5 năm đào tạo…Cương quyết cho học sinh còn yếu lưu ban nhưng không đưa vào bình xét các danh hiệu thi đua của giáo viên.
Không được lấy tỉ lệ học sinh yếu để đánh giá xếp loại giáo viên như hiện nay. Vì thực tế, nhiều thầy cô giảng dạy nhiệt tình, chăm lo cho học sinh nhưng trong năm học đó, có hai em trong lớp học yếu, giáo viên đã không đạt các danh hiệu cao hơn còn bị hạ cả hạnh kiểm…
Không nên thực hiện chủ trương dạy trẻ hòa nhập. Trong thực tế, học chung với những trẻ bình thường, bản thân các em bị bệnh không tiến bộ gì còn làm ảnh hưởng đến thời gian dạy dỗ học sinh khác của thầy cô giáo.
Bỏ hẳn việc báo cáo các thành tích đạt được của các trường hàng năm để dựa vào đó xét các tiêu chí thi đua, không dựa vào các tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh đạt phẩm chất hay năng lực ở mức cao giữa trường này với trường khác mà đánh giá.
Không có việc gì khó nếu quyết tâm thì dù khó đến đâu cũng làm được. Chúng ta cứ thực hiện ngay ở bậc học được coi là nền tảng mà trọng tâm phải là lớp một.
Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam hoan nghênh quý độc giả, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các nhà quản lý-chuyên gia giáo dục…viết bài cộng tác cùng Tòa soạn.
Đặc biệt là các bài viết phản ánh, phản biện chính sách giáo dục (chuyện thi cử, tuyển sinh; sách giáo khoa-chương trình; chuyện trên lớp trên trường; mối quan hệ nhà trường-học sinh-phụ huynh…); những tấm gương tốt; những hạn chế cần khắc phục trong công tác giáo dục từ mầm non trở đi.
Tất cả các bài viết đều được chi trả nhuận bút thỏa đáng, kịp thời và đảm bảo tác quyền.
Trong trường hợp tế nhị, tác giả có thể sử dụng bút danh, Tòa soạn cam kết giữ bí mật thông tin tác giả theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bài viết xin gửi về hòm thư điện tử toasoan@giaoduc.net.vn hoặc gọi số 0938766888 để biết thêm chi tiết.
Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng cảm ơn!
Theo giaoduc.net.vn