Học sinh nghỉ học, thầy cô có được nghỉ?
Nhiều ý kiến cho rằng giáo viên vẫn được nhận nguyên lương trong khi không phải đứng lớp, học sinh nghỉ học dài hơi để phòng dịch bệnh là vô lý. Nhưng thực tế, giáo viên vẫn phải làm việc hằng ngày
Học sinh cả nước đang có một kỳ nghỉ dài, nghỉ Tết nguyên đán cộng với nghỉ bắt buộc để chống sự lây lan của Covid-19 đã hơn một tháng. Trong thời gian học sinh nghỉ, giáo viên vẫn phải đến trường, lên các phương án để đón học sinh trở lại trường để các em không bị “sốc” khi làm quen lại với nhịp độ học tập căng thẳng trước đó.
Giáo viên áp lực vì… nghỉ dài
Nhiều thầy cô cho biết học sinh được nghỉ không có nghĩa là giáo viên cũng được nghỉ, nhiều trường, giáo viên vẫn phải đến trường làm công tác vệ sinh, phòng dịch, hoặc hướng dẫn học sinh học tại nhà. Thậm chí, trong giai đoạn này, giáo viên rất áp lực vì nghỉ đột xuất và kéo dài. Giáo viên phải dựng video bài giảng, phải đọc thắc mắc của học sinh để giải đáp, chấm bài, sửa bài, căng thẳng hơn dạy trực tiếp… Nên nói học sinh nghỉ thì giáo viên không được nhận nguyên lương là không cảm thông cho nghề giáo.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), chia sẻ không có một văn bản nào quy định học sinh được nghỉ nghĩa là giáo viên cũng sẽ được nghỉ. Thực tế, tuần nào giáo viên cũng phải họp cùng ban giám hiệu, nắm bắt tình hình học sinh liên tục để báo cáo, tập huấn phòng chống dịch bệnh, dạy học trực tuyến, đôn đốc học trò làm bài tập, làm khảo sát. Thăm dò tình hình sức khỏe của học sinh để báo cáo cấp trên. Thực ra, giáo viên vẫn làm việc, chỉ là thay đổi cách làm việc bằng trực tuyến, vai trò của giáo viên thời điểm này không trực diện, nhưng cũng làm việc chứ không phải là nghỉ.
Giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa vệ sinh trường lớp trong thời gian học sinh nghỉ học
“Có những lúc văn bản chỉ đạo khẩn cấp yêu cầu có ý kiến phụ huynh thì giáo viên phải liên lạc trực tiếp đến phụ huynh dù bất kỳ trong khoảng thời gian nào. Thầy cô đồng loạt làm việc, kịp thời đáp ứng yêu cầu của sở, thống kê học sinh đi nước ngoài thì thầy cô cũng muốn nắm rõ những thông tin đó. Thầy cô tổ trưởng còn phải thay nhau trực trường, vẫn làm việc liên tục chứ không ngưng, phải thống nhất nội dung ôn tập. Giáo viên rất quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh để cùng sát cánh với TP chống dịch bệnh” – thầy Phú nhận định.
Thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cũng cho rằng hằng ngày, giáo viên cố gắng chuẩn bị những bài học cần thiết cho thời điểm trở lại trường của học sinh, không có việc học sinh được nghỉ giáo viên cũng được nghỉ. Ví dụ, những bài sắp kiểm tra thì giáo viên giúp học sinh ôn, phải chuẩn bị nhiều phương án nhưng trước hết là ôn tập bổ sung bài cũ. Cách thức tổ chức thường sẽ quay phim lên mạng, có giáo viên tổ chức lớp học trực tuyến, nhắc nhở học sinh ôn bài từng ngày.
Nghiên cứu giáo án, chuẩn bị dạy bù
Thầy Võ Kim Bảo cho biết khi quay trở lại trường học, giáo viên chưa biết được kế hoạch học tập sẽ ra sao nên thầy cô giáo phải chuẩn bị hết các phương án, chuẩn bị cho kiểm tra, dạy bù bài. Do luôn trong tâm thế trở lại trường dạy nên giáo viên cũng chủ động lên giáo án, chuẩn bị bài giảng, lên kế hoạch dạy học, viết báo cáo, hoàn tất nhiều hồ sơ, sổ sách, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Cùng lúc, phải chuẩn bị nhiều giáo án, trong trường hợp có dạy bù, không dạy bù, các bài kiểm tra sẽ được lưu ý như thế nào.
Video đang HOT
Ngoài ra, giáo viên đến trường để chuẩn bị phân công trực ở cổng để đo thân nhiệt cho học sinh, rửa tay cho các em, tập huấn xử lý những tình huống khẩn cấp. Mỗi một tổ chuyên môn phải có nhóm làm việc, cập nhật những nội dung cần chuẩn bị, giáo viên phải báo cáo liên tục. “Phụ huynh chỉ thấy việc giáo viên đứng trên bục giảng chứ không hiểu hết được những công việc phía sau đó, rất nhiều áp lực trong thời gian này” – thầy Bảo tâm sự.
Hiện tại, khối lớp 1 đang trong giai đoạn tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới và đang chuẩn bị lựa chọn sách giáo khoa nên giáo viên vẫn lên trường thường xuyên để họp chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Bích Duyên, giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú), cho biết trong thời gian học sinh mới được nghỉ, giáo viên lên trường để vệ sinh lớp học, nghe tuyên truyền về dịch bệnh để thông tin đến phụ huynh học sinh. Sau khi vệ sinh trường lớp, giáo viên họp chuyên đề như lịch đã sắp xếp từ đầu năm. Giáo viên tận dụng thời gian này để tìm hiểu sách giáo khoa mới, chuẩn bị những bước cần thiết cho việc lựa chọn sắp đến. Thực tế, giáo viên không được nghỉ, lùi thời gian học lại một tháng thì giáo viên cũng phải dạy thêm một tháng.
Dạy trực tuyến: Cần thời gian
“Việc dạy học bằng những phương pháp trực tuyến đến nay chỉ là để giải quyết vấn đề hiện tại chứ chưa thực sự có hiệu quả. Bởi, cả giáo viên và học sinh vẫn chưa quen với hình thức mới này, nó chỉ thực sự hiệu quả với những em có ý thức tự giác học. Mỗi giáo viên đang rất cố gắng nâng cao hiệu quả của phương pháp này nhưng cần có thời gian” – thầy Võ Kim Bảo nêu quan điểm.
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận
Theo nld.com.vn
Dạy mùa dịch Covid-19: Thiết kế bài giảng online giống trò chơi thu hút học sinh
Học sinh được nghỉ học kéo dài để phòng dịch Covid-19, nhiều trường đã triển khai dạy học online cho các em. Tuy nhiên, làm thế nào để dạy hiệu quả là câu hỏi khiến nhiều giáo viên đau đầu.
Giáo viên một trường phổ thông tại TP.HCM thực hiện buổi dạy học trực tuyến với học sinh - Đăng Nguyên
Nếu quay bài giảng dài 45 phút rồi phát lại là thất bại
Là chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, bà Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng, dạy E-learning có hai cách, thứ nhất là dạy theo phương pháp đảo ngược, nghĩa là giáo viên (GV) quay video bài giảng cho học sinh (HS) xem, sau đó làm bài tập. Thứ hai là GV dạy trực tiếp qua các công cụ kết nối.
Tuy nhiên, để bài dạy học theo phương pháp E-learning hiệu quả, GV không phải lên mạng tìm hiểu rồi giảng một bài liên tục 45 phút. Nếu dạy học E-learning mà GV làm hẳn video 45 phút rồi phát lại cho HS học là sẽ thất bại.
Dạy online cũng không chỉ phải thay đổi vị trí vì tính tương tác với HS không cao như khi dạy trực tiếp nên GV cần chia nhỏ bài giảng. Mỗi buổi, nếu dạy trực tiếp, GV chỉ nên dạy từ 15 phút trở lại, còn nếu quay video bài giảng thì giới hạn mỗi video chỉ nên 3 phút trở lại.
Để dạy hiệu quả, theo bà Quyên, GV nên sử dụng phương pháp microteaching (dạy học vi mô). Mỗi video, GV chỉ nói một nội dung nhỏ, sau đó là làm bài tập vận dụng. Việc dạy online cũng đặt ra nhiều thách thức cho GV. Để HS có hứng thú với việc học, GV phải thiết kế bài giảng, nội dung sao cho hấp dẫn; phải tạo ra tính đối kháng, thách thức trong mỗi bài giống như chơi game để thu hút HS.
Ngoài ra, GV có thể tạo ra các trò chơi để HS vừa học vừa chơi vừa ôn bài. GV cũng nên chia nhóm HS, cho các em kiểm tra chéo lẫn nhau để phát huy tính tự giác, tập thể.
Còn đối với HS, để học hiệu quả cần phải có tính tự giác và thời khóa biểu cụ thể. Các em cần lên lịch, kế hoạch những nội dung học trong ngày. "Việc nghỉ học dài ngày sẽ tạo điều kiện học tập cho các em, đó là ngoài chương trình lên lớp, HS có thể tận dụng thời gian này để học thêm những lĩnh vực mình yêu thích. Ví dụ như học thêm một ngoại ngữ hay nghiên cứu thêm những môn học mới", bà Quyên gợi ý.
Tăng cường tương tác với học sinh
Còn bà Phạm Thúy Hà, chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.4 (TP.HCM), chia sẻ đối với HS tiểu học, việc học chương trình của trường bằng hình thức online tại nhà khá mới mẻ.
Theo bà Hà, để tất cả HS đều tiếp cận được bài giảng thì trước tiên GV phải kết nối được với phụ huynh để thống nhất lịch học cho các em.
Bà Phạm Thúy Hà nói: "GV phải thông báo trước cho phụ huynh để họ hướng dẫn, tạo điều kiện cho HS học bài đúng giờ. Điều này cũng hạn chế được HS dùng điện thoại, iPad để làm những việc khác".
"Việc học online có thể khiến nhiều em bị phân tâm. Trước đây, theo tôi quan sát thì thấy trẻ em học tiếng Anh online rất hiệu quả khi người ta sử dụng cách tương tác trực tiếp, người học có thể trao đổi dễ dàng với GV và những người khác trong lớp. Bây giờ, để dạy hiệu quả, tôi nghĩ GV cũng cần tương tác trực tiếp với HS thay vì quay bài giảng rồi phát lại".
"Dạy ở trong lớp nếu các em chán hoặc ngủ gục, mình còn biết để điều chỉnh, chứ dạy online mình không thể nào kiểm soát được. Nên bài giảng của GV phải làm sao để hấp dẫn được các em từ đầu đến cuối", bà Hà chia sẻ.
Thúc đẩy khả năng tự học
Trong khi đó, nhiều GV cho rằng khi HS tiếp tục nghỉ đến hết tháng 2 thì việc học tại nhà, tự học là cần thiết để duy trì tư duy kiến thức, động lực học tập.
Thầy L.T, dạy tiếng Anh tại Q.1 (TP.HCM), cho hay trong thời gian qua, có triển khai một số tiết dạy trực tuyến, kết nối với học trò nhưng nhận thấy cái khó nhất trong dạy học online là ý thức người học. Do thời gian này, GV có nhiệm vụ ôn tập, củng cố kiến thức chứ không triển khai bài mới, không đánh giá HS, không quy định điểm số nên động lực học tập của HS giảm sút.
Vì vậy, theo thầy L.T cũng như nhiều GV khác, để học trò học tại nhà hiệu quả thì quan trọng vẫn là cách tổ chức lớp học của GV. GV cần tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, liên tục đưa ra các yêu cầu hỏi đáp, thực hiện các trò chơi kiến thức, tạo sự tranh luận để có sự thu hút HS tham gia.
Tương tự, thầy Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết học trực tuyến đòi hỏi bản thân HS phải có ý thức tự giác, phía GV cũng cần phải có sự đầu tư, thay đổi cách giảng dạy. Giảng dạy trực tuyến cần xây dựng chi tiết, đặt ra nhiều tình huống, tăng cường tính tương tác với HS. Đặc biệt, đừng quên lồng ghép kiến thức thực tế để các em không thấy sự nhàm chán.
Để HS tự học có hiệu quả, thạc sĩ Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), chia sẻ: "Nhẹ nhàng là đọc SGK, xem phim, đọc tài liệu có liên quan đến nội dung học tập. Có thể thử ứng dụng kiến thức đã học vào việc làm nước rửa tay, khẩu trang vải, nặn tượng, vẽ... thực hiện theo sở thích của mình". Sau khi liên hệ với thầy cô bộ môn thì đề ra kế hoạch học tập chứ không nên theo tràn lan các chương trình học tập online.
Thầy giáo trẻ Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM), gửi gắm: "HS nên dậy sớm tập thể dục, ăn uống đúng bữa nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Sắp xếp thời gian trong ngày để ôn tập các kiến thức đã học, làm những bài tập trắc nghiệm, làm những đề thi thử. Hãy dành thời gian đọc sách để học hỏi những kiến thức mới và tiếp nhận những giá trị tích cực cho bản thân".
Xây dựng các chủ đề ôn tập
Nhằm hạn chế ảnh hưởng của việc HS tạm nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp xây dựng các chủ đề ôn tập ứng dụng công nghệ thông tin trên các phương tiện, phần mềm dạy học trực tuyến với mục đích hỗ trợ kiến thức cho HS. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, GV bộ môn rà soát các chương trình với các kiến thức trọng tâm, xây dựng các chủ đề ôn tập hỗ trợ kiến thức, kỹ năng giúp HS kịp thời tiếp cận kiến thức sau thời gian nghỉ.
Theo thanhnien
Thủ tướng Nhật kêu gọi đóng cửa trường học đến tháng 4 để đối phó dịch Covid-19 Thủ tướng Shinzo Abe đã kêu gọi tất cả trường công lập trên toàn nước Nhật đóng cửa hết tháng 3 để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Nhật, 27/2 (theo lịch địa phương) ông Shinzo Abe - Thủ tướng Nhật Bản đã chính thức kêu gọi tạm thời đóng cửa tất cả trường...