Học sinh nghỉ học dài do Covid-19 nhưng “thi THPT Quốc gia vẫn đảm bảo”
Nhiều Sở GDĐT cho rằng, nếu đi học trước ngày 15/6, học sinh hoàn toàn có thể học đủ khối lượng và chất lượng kiến thức để tham gia kỳ thi THPT Quốc gia
Nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19 đang khiến không ít học sinh, phụ huynh lo lắng, đặc biệt là những học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia.
Mới đây, việc có nên tổ chức thi THPT quốc gia hay không đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia giáo dục. Còn theo nhiều lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo các tỉnh cả đồng bằng và miền núi, theo chương trình tinh giản, học sinh lớp 12 của địa phương chỉ cần 6-9 tuần, thậm chí có môn chỉ cần 4 tuần, là hoàn thành chương trình.
Cùng với việc dạy học qua internet và truyền hình hiện nay, nếu đi học trước 15/6, các em hoàn toàn được đảm bảo sẽ được học đủ khối lượng và chất lượng kiến thức để hoàn thành chương trình và dự kỳ thi THPT quốc gia.
Việc nghỉ học kéo dài khiến không ít học sinh cuối cấp hoang mang, lo lắng.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định cho biết, từ ngày 2/3, học sinh THPT tỉnh này đã đi học trở lại đến 23/3 khi tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam phức tạp hơn. Báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đa số trường phổ thông cho biết, còn cần 8-9 tuần để hoàn thành chương trình giáo dục.
Ông Cao Xuân Hùng cho biết, với tình hình đó, tỉnh này hoàn toàn có thể đáp ứng được việc kết thúc năm học trước 15/7 như khung thời gian quy định của Bộ. Học sinh lớp 12 cũng đảm bảo được cung cấp đầy đủ kiến thức cơ bản theo chương trình đã tinh giản và ôn tập dự thi THPT quốc gia.
Thời gian vừa qua, Nam Định đã dạy học trên truyền hình và internet cho học sinh, tuy nhiên mới chỉ tổ chức ôn tập các nội dung đã dạy học trực tiếp. Nếu hết tháng 4 học sinh đi học trở lại thì tỉnh này không cần dạy bài mới qua internet, trên truyền hình. Nhưng nếu qua tháng 5 các em vẫn nghỉ thì Sở sẽ chỉ đạo dạy bài mới qua các hình thức này.
Những khu vực khó khăn, học sinh không có điều kiện học qua internet, tỉnh đã tính toán để tổ chức cho các em học tập trung theo từng nhóm 5-7 người ở trường hoặc nhà văn hoá xã để dạy và ôn tập bài mới, nhưng vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
“Dạy bài mới qua internet, hiệu quả sẽ không được như dạy học trực tiếp ở trường nhưng chắc chắn kiến thức cơ bản như yêu cầu của chương trình tinh giản sẽ đảm bảo được cung cấp đầy đủ”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định nói.
Video đang HOT
Ông Lương Văn Việt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết, từ ngày 2/3, tỉnh này đã cho học sinh THPT đi học trở lại. Đến thời điểm cả nước thực hiện lệnh giãn cách xã hội, học sinh THPT của Hải Dương đã học tập trung tại trường được 4 tuần.
“Rà soát chương trình tinh giản của Bộ, chúng tôi tính toán khối lượng kiến thức còn phải dạy ở các môn học lớp 12 nhiều nhất là 11 tuần, môn ít nhất cần 4 tuần. Nếu học sinh đi học trở lại từ tháng 5 thì bảo đảm thời gian để dạy học, ôn thi THPT quốc gia cho các em. Nhưng nếu sau 15/6 học sinh vẫn chưa đi học ở trường trở lại được, thì việc tổ chức thi THPT Quốc gia sẽ khó khăn”, ông Việt nói.
Khó khăn hơn trong điều kiện tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, nhưng so với một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, từ Tết đến nay các tỉnh miền núi phía Bắc lại thuận lợi khi đã tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh được nhiều tuần.
Ở tỉnh Bắc Kạn, theo ông Ma Thế Quyên – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, học sinh THPT đã học được hơn 1 tháng kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Theo chương trình chưa tinh giản thì học kỳ 2 lớp 12 có 18 tuần, học sinh tỉnh Bắc Kạn đã học được 5 tuần nên còn 13 tuần. Sau khi Bộ GD-ĐT tinh giản chương trình, khối lượng và thời lượng kiến thức cần học được rút ngắn lại. Chúng tôi tính toán, nếu học sinh đi học dù muộn hơn một chút so với mốc 15/6, thì các em vẫn hoàn thành được chương trình và dự thi THPT Quốc gia”, ông Quyên nói.
Tương tự tỉnh Hà Giang đã cho học sinh đi học ở trường được 3 tuần trước khi nghỉ giãn cách xã hội nên tiến độ thực hiện chương trình của tỉnh này nhanh hơn một số địa phương như Hà Nội, TP HCM học sinh phải nghỉ học suốt từ Tết đến nay. Với chương trình đã tinh giản, học sinh lớp 12 của tỉnh này còn cần 6-8 tuần là hoàn thành chương trình. Do đó, mốc 15/7 kết thúc năm học, tỉnh này hoàn toàn đáp ứng được.
Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang tính toán, nếu trước 10/5 học sinh đi học trở lại thì chỉ cần dạy bài mới trên trường là đủ hoàn thành chương trình, đảm bảo công bằng cho học sinh. Hiện nay tỉnh chưa áp dụng dạy bài mới trên internet cho các em bởi đặc thù vùng núi nhiều khu vực khó khăn, học sinh không tiếp cận được hình thức học tập này. Ở những khu vực đó, hiện nay giáo viên đang duy trì việc ôn tập bài cũ cho học trò bằng cách giao phiếu bài tập để các em hoàn thành bài.
Có nên thi THPT Quốc gia?
Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang, Hải Dương và một số học sinh, giáo viên tỉnh thành khác đều cho rằng, năm 2020 vẫn tiến hành thi THPT Quốc gia sẽ tốt hơn là không tổ chức thi.
“Có nhiều hệ luỵ nếu không tổ chức kỳ thi này”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương – Lương Văn Việt nói. Ông cho rằng, quyết định không tổ chức thi THPT quốc gia sẽ khiến học sinh không có động lực học tập tiếp các nội dung kiến thức còn lại của học kỳ 2.
Ông Nguyễn Thế Bình – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cũng cho rằng, việc tổ chức thi sẽ khiến học sinh và giáo viên có sự nỗ lực hơn trong việc trang bị kiến thức. Chất lượng nguồn nhân lực cung cấp cho đất nước từ lứa học sinh này theo đó cũng được đảm bảo.
“Chúng ta phải nhìn dài hơn vào chất lượng nguồn nhân lực tương lai và vì chính quyền lợi của học sinh khi được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập hoặc làm việc trong tương lai để đưa ra những quyết định liên quan đến kỳ thi THPT Quốc gia này”, Giám đốc Nguyễn Thế Bình nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn – Ma Thế Quyên vẫn cho rằng, tổ chức được kỳ thi sẽ tốt hơn. Lý do là từ những năm học trước, học sinh đã học tập, ôn luyện kiến thức để sẵn sàng tham dự kỳ thi lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ xét tuyển đại học, cao đẳng này. Thời gian vừa qua dù phải nghỉ học ở trường vì phòng chống dịch nhưng học sinh lớp 12 vẫn rất ý thức trong việc học để tháng 8 tới đây sẽ dự thi.
“Mọi thay đổi thời điểm này sẽ làm xáo trộn tâm lý học trò. Các em sẽ băn khoăn, lo lắng không biết nếu xét tốt nghiệp và trường đại học, cao đẳng chủ động tuyển sinh thì phương án như thế nào, sẽ khó khăn ra sao, trong thời gian ngắn các em có đáp ứng được yêu cầu của trường đại học để được vào học tiếp… Nhóm học sinh khá-giỏi ước mơ vào giảng đường đại học đã phấn đấu rất nhiều và sẽ rất tương tư nếu bỏ kỳ thi THPT Quốc gia. Quyết định này, ở khía cạnh nào đó, có thể không công bằng với học sinh. Nên chỉ bất khả kháng khi dịch tiếp tục phức tạp ta mới nên không tổ chức kỳ thi này”, ông Quyên nói./.
Nguyễn Trang
Dạy trực tuyến theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT khi nghỉ dịch Covid-19
Ngày 3.4, Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường THCS, THPT trong việc thực hiện dạy và học qua internet, trên truyền hình trong học kỳ 2 theo chương trình tinh giản của Bộ GD-ĐT vào thời gian tạm nghỉ do dịch Covid-19.
Giáo viên dạy học trực tuyến - Liễu Nguyễn
Theo đó, trong thời gian học sinh tiếp tục nghỉ do diễn biến của dịch Covid-19 và Bộ GD-ĐT đã có những hướng dẫn điều chỉnh nội dung môn học, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường chủ động, linh hoạt trong xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện dạy học thực tế hiện nay của thành phố trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19.
Nhà trường xây dụng kế hoạch khoa học, công bằng
Kế hoạch thực hiện cần đảm bảo tính khoa học, đảm bảo cơ bản chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình phổ thông hiện hành, tinh giản các nội dung theo quy định của Bộ. Nhà trường tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học.
Sở cũng lưu ý các trường xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến để hỗ trợ học sinh học tập tại nhà. Các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả học sinh, đảm bảo mọi học sinh đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng trong giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
Cũng theo hướng dẫn do Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu ký và ban hành đề nghị nhà trường xây dựng các phương án cụ thể khi học sinh đi học trở lại như: Xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Đặc biệt có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho những học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến.
Trong quá trình học do nghỉ ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà trường xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến phù hợp, thông báo lịch học, tương tác với thầy cô phụ trách cho học sinh và phụ huynh học sinh. Xây dựng đầy đủ các phương án tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp cho các đối tượng học sinh. Các hệ thống phải tích hợp được với nhau trong quá trình thực hiện.
Giáo viên phải biết sử dụng công cụ
Về phía giáo viên, Sở cũng yêu cầu phải các giáo viên phải biết cách sử dụng công cụ hoặc dịch vụ công nghệ thông tin để tổ chức dạy học qua internet. Tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên; kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức đã học qua internet khi học sinh đi học trở lại; tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo trong chương trình.
Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến; qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm (được quản lý theo hệ thống), các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh; các bài thu hoạch sau các khóa học của học sinh... gọi chung là kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh.
Phụ huynh tham gia giám sát quá trình học tập qua internet của học sinh
Còn học sinh, có thể tham gia học online trực tiếp tương tác với giáo viên hoặc không tương tác trực tiếp với giáo viên tùy theo điều kiện của mình. Tuy nhiên, học sinh cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ học tập trong thời gian chủ đề dạy học diễn ra. Thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của giáo viên; hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được kiểm tra, đánh giá.
Song song với đó, trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 phải thực hiện các giải pháp học tập, Sở cũng đặt vấn đề gia đình có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của học sinh. Phối hợp, hướng dẫn học sinh hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm học tập cho giáo viên để kiểm tra, đánh giá.
Khi học sinh đi học trở lại sau thời gian gián đoạn việc đến trường do dịch Covid-19, nhà trường tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học, thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ về đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Bích Thanh
Bộ GD-ĐT: 'Không có kịch bản kết thúc năm học sớm' PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ không dừng năm học ở thời điểm này, khi dịch COVID-19 vẫn đang khiến học sinh không thể đến trường. Ảnh: T.L. Ngày 9-4, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT - cho biết cơ quan này sẽ theo...