Học sinh nghèo năm nào cũng phải mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới
Tại huyện Xín Mần, đối tượng học sinh nghèo theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, năm nào cũng phải trích phân nửa tiền Nhà nước hỗ trợ để mua sách giáo khoa mới.
Học sinh càng nghèo, sách vở phải mới, đồ dùng phải “xịn”
Nhiều năm nay, có một chuyện lạ đang xảy ra tại huyện Xín Mần ( Hà Giang) khiến phụ huynh và chính các nhà trường bức xúc: Học sinh nghèo năm nào cũng phải trích phân nửa tiền được Nhà nước hỗ trợ để mua toàn bộ sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới. Trong khi đó học sinh có gia cảnh tốt hơn thì không bị bắt buộc.
Nguồn cơn xuất phát từ một công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần gửi các trường đầu năm học.
Theo nguồn tin phản ánh, phóng viên hiện đang có 4 công văn trong các năm học: 2016-2017; 2017-2018; 2018-2019; 2019-2020. Về cơ bản 4 công văn này có nội dung tương tự nhau nên chúng tôi chỉ đưa ra công văn mới nhất (năm học 2019-2020).
Công văn số 91/CV-PGDĐT: Về việc chuẩn bị sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập năm học 2019-2020 do ông Trần Đức Bảo, phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Xín Mần ký.
Nội dung của công văn này đề cập đến 4 vấn đề: Trong đó điểm quan trọng nhất là việc sử dụng Ngân sách theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, để mua sách giáo khoa, sách bài tập, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo được hỗ trợ. Cụ thể:
Đối với học sinh thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ
1.Căn cứ vào danh sách học sinh được hưởng chế độ chi phí học tập kỳ II, năm học 2018-2019; các trường tổ chức họp và thống nhất với phụ huynh học sinh bằng văn bản, ủy quyền cho nhà trường mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho học sinh từ khoản tiền được hỗ trợ chi phí học tập của học kỳ II năm học 2018-2019 và học kỳ I năm học 2019-2020.
2.Chỉ tiêu về sách và đồ dùng học tập
_Cấp Tiểu học và Trung học cơ sở: Đảm bảo mỗi học sinh có đủ 1 bộ.
_Sách mẫu giáo: 1 bộ/ học sinh
_Vở viết:
Lớp 1: 12 quyển/ học sinh/ năm
Lớp 2,3: 14 quyển/ học sinh/ năm
Lớp 4,5: 16 quyển/ học sinh/ năm
Lớp 6,7: 22 quyển/ học sinh/ năm
Lớp 8,9: 24 quyển/ học sinh/ năm
_Về đồ dùng học tập: Đảm bảo 100% học sinh thuộc đối tượng được hưởng phải có đủ đồ dùng học tập tối thiểu theo quy định của từng lớp học và cấp học.
Công văn này cũng nói rõ: Danh mục đồ dùng học tập trong năm học 2019-2020 do hội đồng lựa chọn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chọn và thống nhất thực hiện chung trong toàn huyện cho từng cấp học, bậc học.
Đi kèm công văn là danh mục sách giáo khoa, đồ dùng học tập và vở viết cho từng khối học.
Kinh phí học sinh phải đóng trích từ nguồn tiền được hỗ trợ khoảng 900.000 đồng/ năm. Cụ thể số tiền học sinh bỏ ra để mua sách giáo khoa, sách bài tập và đồ dùng học tập như sau:
Học sinh khối lớp 1: 500.000 đồng / em
Học sinh khối lớp 2: 501.000 đồng/ em
Học sinh khối lớp 3: 558.000 đồng/ em
Học sinh khối lớp 4: 557.000 đồng/em
Video đang HOT
Học sinh khối lớp 5: 574.000 đồng/em (số liệu năm 2019 và áp dụng dành cho các lớp học Tiếng Anh, tin học).
Đối với học sinh không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP
Trên cơ sở danh mục của Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh học sinh tự mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập năm học 2019-2020 (Không ép học sinh nộp tiền mua tập trung khi phụ huynh không có yêu cầu).
Phát động phong trào quyên góp sách giáo khoa cũ tặng lại cho các nhà trường đồng thời tổ chức kiểm kê số sách giáo khoa cũ và vở viết được cho, tặng còn tồn để đưa vào kế hoạch sử dụng năm học 2019-2020, tránh gây lãng phí.
Thông báo cho học sinh mượn lại sách giáo khoa nếu có nhu cầu, ưu tiên cho số học sinh con hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo không được hưởng Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ hoặc học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua Sách giáo khoa và vở.
Công văn của Phòng giáo dục huyện Xín Mần gửi các trường đầu năm học (Ảnh:V.N)
Dựa trên công văn này, phụ huynh và ngay cả chính những giáo viên cũng thắc mắc: Tại sao đối tượng học sinh nghèo năm nào cũng phải mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập mới? Trong khi những học sinh có hoàn cảnh tốt hơn lại không bắt buộc, có thể tận dụng sách giáo khoa cũ để tránh lãng phí.
Theo phản ánh, mỗi tháng học sinh nghèo sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/ tháng. Như vậy một năm học các em sẽ nhận được 900.000 đồng. Số tiền này phải trích quá nửa để mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập mới.
Trong khi hoàn cảnh của gia đình chẳng dư dả gì, số tiền này đối với phụ huynh không phải là một con số nhỏ.
Ngoài ra, danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập cũng do Phòng giáo dục quyết định.
Với một huyện vùng cao như Xín Mần, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc học sinh nghèo bỏ ra số tiền nửa triệu bạc mỗi năm để mua sách giáo khoa, đồ dùng mới. Như vậy có phải quá lãng phí hay không?
Các trường bức xúc: Bao nhiêu tội nợ đổ hết lên đầu chúng tôi
Sau khi công văn được gửi về, các trường tổ chức cho phụ huynh viết cam kết. Bản cam kết này có nội dung: Phụ huynh ủy quyền cho trường và Phòng Giáo dục giữ lại số tiền để mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho con học sinh trong năm học thông qua bưu điện xã (Tổng số tiền 900.000 đồng).
Trên lý thuyết, việc làm này hoàn toàn đúng quy trình. Nhưng thực tế, bản cam kết trên do Phòng giáo dục gửi đến các trường. Sau đó các trường in ra và cho phụ huynh ký.
Mặc dù cam kết dựa trên tinh thần tự nguyên nhưng trong công văn của Phòng giáo dục lại ghi rõ: “Đồ dùng học tập đảm bảo 100% học sinh thuộc đối tượng được hưởng phải có đủ đồ dùng học tập tối thiểu theo quy định của từng lớp học, từng cấp học”.
Một số hiệu trưởng tại huyện Xín Mần đã làm rõ toàn bộ quy trình trên và khẳng định: Chúng tôi hoàn toàn bị Phòng giáo dục giật dây, bao nhiêu tội nợ đều đổ lên đầu các trường.
Cụ thể, sau khi các trường nhận được công văn từ Phòng giáo dục sẽ làm một động tác đó là triệu tập phụ huynh của học sinh thuộc đối tượng hưởng trợ cấp theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP và cho phụ huynh viết cam kết: Uỷ quyền cho nhà trường mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập. vở viết.
Có những trường, hơn 50% thuộc diện nghèo. Việc ủy quyền trên danh nghĩa tự nguyện nhưng hiệu trưởng thẳng thắn: Bản thân các trường cũng bị sức ép từ Phòng giáo dục (Công văn của Phòng giáo dục nêu rõ: “Quá thời hạn, đơn vị nào không thực hiện phải báo cáo bằng văn bản nêu rõ lý do, tránh việc phải đôn đốc nhiều lần). Từ đó các trường phải nghĩ cách đảm bảo 100% phụ huynh ký bản cam kết.
Danh mục sách giáo khoa và đồ dùng học tập do Phòng giáo dục huyện Xín Mần quyết định (Ảnh:V.N)
Sau khi có bản cam kết của phụ huynh học sinh, các trường sẽ tổng hợp danh sách gửi lên Phòng giáo dục gồm: Danh sách các phụ huynh ủy quyền cho nhà trường mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập trong năm học và danh sách đăng ký mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cấp tiểu học. Số tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập sẽ trích từ số tiền học sinh được hỗ trợ (900.000 đồng/năm học).
Vậy việc lựa chọn nhà cung ứng sách do ai quyết định? Các trường không được phép lựa chọn nhà cung ứng sách, việc này đã do Phòng giáo dục huyện quyết định.
Một hiệu trưởng bức xúc: “Bao nhiêu tiếng ác đổ hết sang đầu các trường. Chúng tôi bị mang tiếng là bớt xén tiền của học sinh. Tuy nhiên có mấy ai hiểu rằng trường chỉ làm theo chỉ đạo của Phòng giáo dục.
Từ ngày có công văn chúng tôi phải tổ chức họp phụ huynh, lấy bản cam kết sau đó đăng ký danh mục sách và đồ dùng về cho trường.
Đến đây Phòng giáo dục tự ý chỉ định cũng như lựa chọn đơn vị cung cấp đồ dùng, sách vở mà chúng tôi không hề hay biết. Chỉ đến ngày nhận được sách thì mới cầm được tờ hợp đồng trong tay.
Như vậy chẳng khác nào Phòng đứng sau giật dây trường. Họ không hề ló mặt nhưng chúng tôi là những người đứng mũi chịu sào, tội vạ đâu các trường phải chịu”.
Nghịc lý: Học sinh càng nghèo, sách vở càng mới, đồ dùng phải xịn (Ảnh:V.N)
Ngoài ra, các hiệu trưởng cũng phản ánh chất lượng sách giáo khoa và đồ dùng học tập không được đảm bảo, bị đội giá so với giá mặt bằng chung.
Qua những điều phân tích ở trên có thể thấy khâu đấu thầu và mua bán sách giáo khoa đang diễn ra tại huyện Xín Mần có nhiều vấn đề.
Phụ huynh và nhà trường mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc và làm rõ, tránh hiện tượng lãng phí và xảy ra các vấn đề tiêu cực, ảnh hưởng đến học sinh.
Thông tư liên tịch: Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021:
“Sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí hỗ trợ chi phí học tập trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ học sinh (hoặc học sinh) trung học phổ thông, học viên học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên và học sinh học tại các cơ sở giáo dục khác do Sở giáo dục và đào tạo quản lý hoặc ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán với Sở giáo dục và đào tạo”.
Như vậy việc ủy quyền là ủy quyền cho cơ sở giáo dục chi trả, quyết toán chứ không phải Phòng được ủy quyền như trong bản cam kết có ghi.
Phòng giáo dục huyện Xín Mần ban hành công văn sau đó gửi mẫu cam kết cho các trường và tự ý thêm câu: “Tôi sẽ ủy quyền cho trường và Phòng giáo dục giữ lại số tiền để mua sách giáo khoa, vở viết, đồ dùng học tập cho con tôi trong năm học thông qua bưu điện” điều này có thỏa đáng không?
Vũ Ninh
Sách giáo khoa tăng giá, hiệu trưởng thương học sinh nghèo
Nhiều hiệu trưởng cho rằng: Nếu tăng giá sách giáo khoa các nhà xuất bản cần có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Có một sự thật là việc tăng giá sách giáo khoa sẽ chỉ làm lợi cho một nhóm người trong khi đó các trường và đặc biệt là học sinh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Khi trao đổi với một số hiệu trưởng tại huyện Xín Mần (Hà Giang) và các trường vùng cao, phóng viên mới vỡ lẽ được nhiều điều.
Hiện nay, trên thực tế việc đăng ký, lựa chọn sách giáo khoa được giao cho các trường trên cơ sở phụ huynh tự nguyện.
Thế nhưng tại một số nơi việc đăng ký mua sách giáo khoa gần như là bắt buộc và vai trò của nhà trường đơn giản là đứng ra mặt làm thay công việc của Phòng giáo dục huyện.
Tại huyện Xín Mần, có những trường có đến trên 50% học sinh thuộc đối tượng nghèo.
Thế nhưng năm học nào, phụ huynh cũng phải bỏ ra khoảng 500.000 đồng - 600.000 đồng để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập.
Đáng nói, số tiền này trích từ tiền hỗ trợ học sinh nghèo theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Nghị định này, mỗi tháng học sinh sẽ nhận được 100.000 đồng tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Như vậy, một năm học,học sinh nghèo tại huyện Xín Mần sẽ nhận được 900.000 đồng tiền hỗ trợ.
Theo nhiều hiệu trưởng: Việc phụ huynh bỏ ra một số tiền 500.000 đồng - 600.000 đồng/ năm học để mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập mới như vậy là rất lãng phí.
Trong khi đó đây đều là những đối tượng học sinh nghèo, gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn.
Hơn nữa, theo thông tin phản ánh trên báo chí, giá một bộ sách giáo khoa mới có thể tăng đến 267%. Điều này sẽ gây áp lực không nhỏ đối với những gia đình nghèo.
Tại một số địa phương học sinh nghèo vẫn phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sách giáo khoa mới và đồ dùng học tập (Ảnh:V.N)
Cô N.T.L, hiệu trưởng một trường cấp 2 tại huyện Xín Mần (Hà Giang) cho biết:
"Từ thực tế tại huyện tôi cho thấy việc bán sách giáo khoa đem lại lợi ích không nhỏ dành cho các nhà cung cấp và một số cá nhân trong ngành.
Từ đầu năm Phòng giáo dục sẽ có một công văn gửi các trường hướng dẫn danh mục mua sách giáo khoa dành cho các đối tượng học sinh nghèo.
Đáng nói tiền mua sách sẽ được trừ vào tiền học sinh nhận được theo hỗ trợ của Nghị định 86/2015. Điều này không khác gì một hành vi tham ô chính sách.
Trong việc mua bán sách giáo khoa vai trò của các trường chỉ là người đứng ra đại diện.
Nói cách khác chúng tôi bị Phòng giáo dục đứng sau chỉ đạo. Với số tiền 500.000 đồng - 600.000 đồng nhân lên hàng chục nghìn học sinh trong huyện sẽ ra con số lớn như thế nào?".
Có hay không nhóm lợi ích trong việc bán sách giáo khoa ở các địa phương (Ảnh:V.N)
Theo cô giáo L. đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp ở đây là phụ huynh và học sinh:
"Việc bán sách giáo khoa từ lâu vẫn mang tính chất lợi ích nhóm. Ở các địa phương đó là bài toán của nhà cung cấp sách, nhà xuất bản sách và một số cá nhân trong ngành giáo dục.
Tất nhiên việc bán sách như này sẽ có hoa hồng. Cho nên người ta cố bán cho nhiều thì hoa hồng sẽ nhiều.
Vì thế mới có chuyện Phòng giáo dục huyện chỉ đạo đối tượng học sinh hưởng Nghị định 86/2015 phải mua hoàn toàn sách giáo khoa mới".
Thương học trò, cô L và một số hiệu trưởng muốn thông qua báo chí để vạch mặt các chiêu trò hưởng lợi từ việc bán sách giáo khoa.
Thầy giáo Đ.C.T (Xín Mần, Hà Giang) bày tỏ:
"Trong việc mua bán sách giáo khoa thực tế các trường chỉ làm theo chỉ đạo của Phòng giáo dục.
Điều bất cập là những đối tượng học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn lại được yêu cầu mua 100% sách giáo khoa mới.
Với mức giá sách giáo khoa mới tăng lên thì rõ ràng gánh nặng sẽ dồn lên vai phụ huynh học sinh. Đáng lẽ với số tiền đó các em sẽ sử dụng và nhiều việc có ích như mua gạo, mua thức ăn hoặc trang trải chi tiêu cho gia đình".
Thực tế là đối với những phụ huynh vùng xuôi việc bỏ ra vài trăm nghìn cho một bộ sách giáo khoa không phải là điều khó khăn.
Tuy nhiên tại một số địa phương còn nghèo như huyện Xín Mần việc phụ huynh bỏ ra nửa triệu đồng để thay sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh là một điều rất lãng phí. Xuất phát từ thực tế này một số hiệu trưởng nơi đây đề xuất:
Thứ nhất: Việc lựa chọn mua sách giáo khoa hoặc đồ dùng học tập phải dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Học sinh có quyền lựa chọn mua sách giáo khoa mới hoặc dùng sách giáo khoa đã qua sử dụng. Phòng giáo dục và các nhà trường không có quyền can thiệp vào vấn đề mua sách giáo khoa của học sinh.
Thứ hai: Đề xuất các Nhà xuất bản, các đơn vị cung ứng sách giáo khoa có chính sách hỗ trợ học sinh nghèo tại các địa phương còn nhiều khó khăn.
Tăng giá sách giáo khoa cũng cần tính đến đối tượng học sinh nghèo (Ảnh:P.T)
Cô L. tâm sự: "Chúng tôi rất thương học sinh ăn chẳng có mà ăn nhưng năm nào cũng phải bỏ tiền ra mua sách giáo khoa mới.
Nếu sách giáo khoa cứ tăng thì đối tượng bị ảnh hưởng nhất là phụ huynh và học sinh. Các trường chúng tôi không bị ảnh hưởng gì vì chỉ đơn thuần là làm theo chỉ đạo.
Trong khi đó sẽ có một nhóm giàu lên nhờ việc bán sách giáo khoa như thế này. Vì thế chúng tôi đề xuất có một phương án hỗ trợ cho nhóm đối tượng học sinh trên".
Vũ Ninh
Sách giáo khoa mới, vẫn nguyên nguy cơ "bia ít, lạc nhiều"! Sách giáo khoa mới có giá hơn 300 ngàn đồng (cả sách Anh văn) nếu vẫn duy trì kiểu bán "bia kèm lạc" như thế thì bộ sách có thể lên đến hơn cả triệu đồng. Lo sợ kiểu bán sách "bia ít lạc nhiều" Một bộ sách giáo khoa tiểu học hiện hành chỉ có giá khoảng 55.000đ nhưng nhiều phụ huynh...