Học sinh ngây ngô về lịch sử, GS Văn Như Cương: “Lỗi” từ sự thực dụng
GiadinhNet – Hàng loạt học sinh đã “ngây ngô” khi cho rằng, Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai nhân vật khác nhau, thậm chí coi là anh em, bạn bè của nhau… Điều này một lần nữa cho thấy vấn đề dạy và học môn Lịch sử cần phải được thay đổi, tránh hiện tượng học sinh quay lưng, hổng kiến thức ở môn học này.
Những buổi tham quan bảo tàng, di tích lịch sử giúp cho học sinh có những kiến thức thực tế, không khô khan. Ảnh: Chí Cường
Không được coi trọng
Video đang HOT
Chương trình Chuyển động 24 của VTV1 ngày 11/7 đã phát một clip báo động tình trạng thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử của học sinhhiện nay. Các phóng viên của chương trình đã hỏi một số học sinh (độ tuổi bậc THCS) về Quang Trung – Nguyễn Huệ. Một số em cho biết, Quang Trung – Nguyễn Huệ là: hai người khác nhau, có những mối quan hệ như: Hai anh em, bố con, bạn bè cùng chiến đấu??. Một học sinh hồn nhiên: “Quang Trung là tên trường em đang học”. Khi được hỏi tên trường, nam sinh trả lời: “Trường em là trường Nguyễn Du”.
Khi VTV phát đoạn phóng sự nói trên, dư luận xã hội không khỏi xôn xao trước một thực tế đáng buồn hiện nay của môn Lịch sử. Học sinh có thể quên, nhầm lẫn kiến thức, nhưng sự ngây ngô và “phán bừa” như trên khiến người xem phải phì cười, nhưng ẩn sau đó là sự lo lắng đối với thế hệ học sinh hiện nay, khi mà học sinh đã không mấy hào hứng, thậm chí quay lưng lại với môn Lịch sử.
Tuy nhiên, đối với những người đang công tác trong ngành giáo dục, chuyện học sinh ngây ngô về kiến thức lịch sử như thế không có gì phải ngạc nhiên. TS Vũ Thu Hương – Khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Những câu trả lời ngây ngô của học sinh không có gì là bất ngờ. Môn học Lịch sử đã và đang bị coi nhẹtrong chương trình học phổ thông hiện nay. Bài học về Quang Trung – Nguyễn Huệ xuất hiện ba lần trong suốt quá trình học từ lớp 1 đến lớp 12. Ngoài ra, các bài học này kéo dài và luôn là kiến thức quan trọng hàng đầu trong kì học. Học sinh không ghi nhớ lịch sử cũng xuất phát từ việc học môn Lịch sử không được coi trọng”.
Còn nhớ, cuối tháng 3/2013, hiện tượng học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) đã đồng loạt xé đề cương ôn thi môn Lịch sử sau khi Bộ GD&ĐT thông báo không thi tốt nghiệp môn này. Một đoạn clip ghi lại cảnh tượng đề cương môn Lịch sử được học sinh xé vụn, tung từ tầng trên xuống trắng xóa cả sân trường. Sự việc này xảy ra ở một trường học, nhưng có thể thấy một bộ phận học sinh “vui mừng” thế nào khi “thoát” môn Lịch sử ở kỳ thi tốt nghiệp.
Đã đến lúc “cải tổ” môn Lịch sử
Từ năm 2014, do được tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên rất ít thí sinh chọn môn Lịch sử, nhiều hội đồng thi chỉ có 1 – 2 thí sinh thi Lịch sử, thậm chí nhiều trường “trắng” học sinh đăng ký thi môn Lịch sử. Thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Nếu để học sinh lựa chọn thì học sinh sẽ chọn môn thi dễ học. Môn Lịch sử chỉ có 6% học sinh của trường chọn thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Đa phần học sinh tự chọn môn Địa lý vì trong phòng thi được phép sử dụng Atlat Địa lý. Hơn nữa, kiến thức môn Địa lý dễ học và không nặng như môn Lịch sử”.
Chỉ ra một thực tế hiện nay học sinh “rất sợ” môn Lịch sử, PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, rất nhiều học sinh sợ phải học môn Lịch sử. Nguyên nhân chính xuất phát từ, chương trình sách giáo khoa, cách dạy, cách học… nhưng chủ yếu là từ suy nghĩ thực dụng của học sinh và gia đình. Học sinh chọn học ban gì, ngành gì, học xong ra trường có xin được việc làm hay không? Chỉ cần nhìn giáo viên dạy Lịch sử của chính các em cũng thấy không muốn theo rồi.
Chia sẻ về giải pháp cho việc dạy và học môn Lịch sử hiện nay, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Nếu môn Lịch sử được coi là môn thi bắt buộc, chắc chắn môn này sẽ được học sinh đón nhận. Các trường ĐH, CĐ cũng cần có nhiều ngành tuyển sinh hấp dẫn liên quan đến môn Sử để thu hút học sinh. Ngoài ra, chương trình, sách giáo khoa môn Sử cũng phải hướng tới mục tiêu tạo tính hấp dẫn cho học sinh, có thêm các trang ảnh màu… Những hình ảnh khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh”.
Theo phản ánh của một số giáo viên dạy môn Lịch sử, hiện nay nội dung sách giáo khoa Lịch sử khá khô khan, nặng nề về sự kiện, nội dung vừa thừa vừa thiếu. Sách giáo khoa và câu hỏi bài tập chỉ chú trọng đến bắt học sinh thuộc bài hơn là tư duy, sáng tạo để vận dụng trong thực tiễn đã làm cho người học chán nản, không muốn học. Đã đến lúc cần có một cuộc “cải tổ” để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử trong các nhà trường hiện nay.
Trong sách giáo khoa môn Lịch sử ở bậc học phổ thông có nói rõ, năm 1788, trước khi xuất quân tiêu diệt quân Thanh, Nguyễn Huệ chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Trận chiến đại phá quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy là trận chiến lịch sử, được nhắc đến rất nhiều trong chương trình giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy vậy, khi được hỏi đến, một số em học sinh lại đưa ra những câu trả lời ngây ngô, hổng kiến thức.
Theo giadinh.net.vn