Học sinh muốn có sân chơi
Ngày 23-3, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã có buổi lắng nghe, đối thoại với 110 học sinh tiêu biểu đại diện cho các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Học sinh ý kiến trong buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM sáng 23-3 – Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN
Năm nay, với chủ đề “Học sinh thành phố phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ”, học sinh đã mạnh dạn bày tỏ những bức xúc, bất cập trong chương trình học và chủ động “hiến kế” giải quyết các vấn đề cho lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM.
Khuấy động tinh thần thể thao
Tại buổi đối thoại, bạn Nguyễn Tấn Đức (Trường THPT Võ Văn Kiệt) ý kiến: “Hiện nay em thấy giới trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh, rất lười vận động và chìm đắm trong lối “sống ảo” trên mạng xã hội.
Sức khỏe các bạn giảm sút rất nhiều. Vì vậy, em mong thầy cô quan tâm hơn về vấn đề sức khỏe; tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa cho học sinh. Ở một số nơi, sân chơi đã có nhưng tinh thần thì chưa. Theo em, quan trọng nhất là phải khuấy động được tinh thần rèn luyện thể dục thể thao trong nhà trường”.
Đồng tình với Tấn Đức, bạn Trần Văn Tài (Trung tâm Giáo dục thường xuyên Q.3) cũng nêu thực trạng trường bạn và một số trường khá chật hẹp, không có đủ không gian cho học sinh tập luyện thể dục thể thao hay thậm chí là vận động, vui chơi.
“Giờ ra chơi, em và các bạn chủ yếu xuống căngtin ăn sáng hoặc ngồi trong lớp làm bài, nói chuyện. Tụi em rất muốn có một sân chơi để có thể tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe, hay đơn giản hơn là có không gian để vận động” – Tài nói.
Nguyễn Thị Nhân (học sinh Trường THPT Tây Thạnh, Q.Tân Phú) đề xuất giải pháp thúc đẩy học sinh tham gia rèn luyện thể chất, văn hóa văn nghệ và trang bị kỹ năng sống: “Nhiều học sinh không chịu tham gia các hoạt động.
Video đang HOT
Theo em, việc đầu tiên là tập trung tuyên truyền. Em có theo dõi một số fanpage của các trường, em thấy việc quản lý, đăng bài hay chia sẻ thông tin trên các trang đó rất hời hợt. Trong khi đó, mọi người đều biết mạng xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn học sinh.
Các bạn làm công tác thông tin cần đầu tư hình ảnh, chăm chút câu văn, bài viết thì các bạn mới tiếp cận được. Đẩy mạnh trang fanpage của trường, của phòng và sở GD-ĐT sẽ thu hút được sự quan tâm nhiều hơn”.
Tăng cường giáo dục kỹ năng sống
Các bạn học sinh cũng đưa ra những băn khoăn về giáo dục kỹ năng sống. Một học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đề nghị đưa vào giảng dạy trong nhà trường các lớp kỹ năng sống sót khi đi lạc trong rừng, thoát hiểm và cứu người trong cháy nổ…
“Rèn luyện thể – mỹ cho học sinh, cụ thể hơn là giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội hiện chúng em đã được học rất nhiều tiết học hoặc những buổi sinh hoạt kỹ năng. Tuy nhiên, các buổi sinh hoạt em đã được học thường có nội dung na ná nhau.
Em vẫn chưa thực sự hiểu được mình cần làm gì khi gặp phải những trường hợp đáng báo động như xử lý thông tin trên mạng xã hội, lộ thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm…
Em mong lãnh đạo ngành giáo dục tổ chức những buổi sinh hoạt lớn hơn, chuyên sâu, thời sự hơn và kết hợp với việc ứng dụng thực hành chúng” – So Qua Ni, nữ sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, ý kiến.
Mong được lắng nghe hơn
Nhiều bạn bày tỏ lo lắng, trăn trở trước việc học sinh với giáo viên không có mối quan hệ khăng khít do thời gian bó hẹp. Thầy và trò không có thời gian sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau. Nhiều giáo viên chủ nhiệm còn phải lấy tiết sinh hoạt để “chạy” bài hoặc làm giờ kiểm tra.
Thậm chí, một học sinh đã bật khóc khi kể về sự im lặng của cô giáo mình. “Bản thân em luôn mong muốn giáo viên của mình nói chuyện với lớp. Chúng em cảm thấy việc giáo viên đến lớp chỉ để giảng bài là một việc vô cùng nhàm chán. Em mong muốn cô nói chuyện với lớp dù chỉ một lần vì ngoài giảng bài ra, cô không nói gì cả”.
PHƯƠNG NGUYÊN
Theo tuoitre.vn
Ưu tiên đặc biệt cho bậc học mầm non
Lứa tuổi mầm non có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển cuộc đời của mỗi con người. Phát triển toàn diện giáo dục mầm non (GDMN) - đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển thể chất, trí tuệ tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ của trẻ em là vấn đề có tầm chiến lược lâu dài, ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển giáo dục phổ thông và các thế hệ tương lai của đất nước.
ảnh minh họa
Đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em
TS Trần Thị Ngọc Trâm, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GDMN, Viện Nghiên cứu GD Việt Nam cho rằng, khoa học đã chứng minh những năm đầu đời, đặc biệt hai năm đầu tiên, là thời kỳ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển trước mắt cũng như lâu dài của một con người, là tiền đề quyết định đứa trẻ sau này có sức khỏe, có khả năng học tập và biết cách ứng xử để thích nghi với môi trường xung quanh hay không.
Những tiến bộ hay tổn thương của trẻ và những tác động qua lại trong những năm đầu tiên sẽ mạnh mẽ hơn bất cứ giai đoạn khác của cuộc đời. Những vấn đề gây khó khăn cho trẻ khi đi học như sức khỏe yếu, suy dinh dưỡng, tự ti, khả năng giao tiếp kém thường là do những nguyên nhân từ lứa tuổi mầm non của trẻ. Vì thế, GDMN có vai trò rất quan trọng.
Phát triển trẻ em lứa tuổi mầm non chính là cơ sở cho sự phát triển lâu dài của trẻ để trở thành công dân có ích trong tương lai. Đầu tư cho phát triển trẻ em là một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phá vỡ vòng đói nghèo từ thế hệ này sang thế hệ khác. Phát triển đầu tư cho trẻ mầm non đem lại lợi ích lớn hơn cho xã hội với khả năng lao động có hiệu quả hơn khi trẻ trưởng thành sau này. Ngoài ra các can thiệp phát triển trẻ em ở các trường mầm non tạo điều kiện giúp các bà mẹ có thời gian tiếp cận được với các cơ hội làm việc, học tập và phát triển bản thân ngoài xã hội.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều nước không đưa GDMN điều chỉnh trong Luật Giáo dục mà điều chỉnh trong lĩnh vực an sinh xã hội, vì GDMN chủ yếu là chăm sóc y tế, phát triển thể chất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, thông qua vui chơi, giải trí để các cháu nhận biết xung quanh. Chính sách Nhà nước tập trung cho tạo điều kiện để người mẹ chăm sóc con trong tuổi mầm non đó là tăng thời gian nghỉ sinh và thực hiện chế độ phụ cấp bằng tiền cho người mẹ khi sinh đẻ và nuôi con.
Tạo điều kiện cho trẻ tiếp cận với dịch vụ chất lượng
Trong một báo cáo quốc tế mới đây về những lĩnh vực hành động mà bất kỳ hệ thống giáo dục nào cũng phải thực hiện để đương đầu với những thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì lĩnh vực đầu tiên là GDMN. Theo đó, chính phủ các nước phải hành động để bảo đảm rằng mọi trẻ em, đặc biệt trẻ em thuộc đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, được tiếp cận GDMN có chất lượng.
TS Trần Thị Ngọc Trâm cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đối với GDMN và phát triển trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em năm 1990. Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một loạt các chiến lược quốc gia liên quan trực tiếp đến phát triển trẻ mầm non bao gồm dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, sức khỏe và giáo dục trẻ MN, chăm sóc và bảo vệ trẻ em được các bộ ngành xây dựng và thực hiện.
Bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, GDMN hiện nay đang đứng trước những khó khăn thách thức. Thực tế hiện nay, quy mô phát triển GDMN chưa đồng đều giữa các vùng miền, cơ hội đến trường của trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở vùng nông thôn, vùng khó khăn còn thấp và còn chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền trong cả nước; những khó khăn, bất cập trong quy hoạch mạng lưới, chính sách phát triển GDMN, các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN và các yêu cầu về nguồn lực, đặc biệt trong phát triển GDMN cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ở một số nơi, GDMN còn thiếu cơ sở vật chất, trường lớp không đủ, mới chỉ ưu tiên phổ cập cho trẻ MN 5 tuổi. Ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, tình trạng thiếu các cơ sở GDMN, người lao động phải gửi con trong các nhóm trẻ tự phát, không đảm bảo an toàn cho trẻ...
Nhấn mạnh phải quan tâm đặc biệt đến đối tượng này, song trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, PGS.TS Trần Thị Tâm Đan cho rằng, đẩy mạnh xã hội hóa trong chăm sóc trẻ em độ tuổi mầm non có ý nghĩa quyết định đến phát triển GDMN theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng.
"Cần có chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các cơ sở GDMN ngoài công lập ở những nơi có nhu cầu cao, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Đối với doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, khi cấp giấy phép thành lập, nhà đầu tư phải cam kết xây dựng nhà trẻ và trường mẫu giáo cho con em của người lao động trong doanh nghiệp" - PGS.TS Trần Thị Tâm Đan khuyến nghị; đồng thời lưu ý cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần ban hành các tiêu chuẩn thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập phù hợp với từng loại cơ sở; quy định lao động trực tiếp chăm sóc trẻ phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức phù hợp.
TS Trần Thị Ngọc Trâm khuyến nghị, cần tạo mọi điều kiện để huy động tối đa cho tất cả trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng - 6 tuổi đều được tiếp cận với dịch vụ mầm non có chất lượng. Mở rộng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở GDMN trên địa bàn dân cư, đảm bảo sự cân bằng trong thụ hưởng dịch vụ GDMN cho mọi trẻ em, đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh, khắc phục cơ bản sự chênh lệch về phát triển GDMN giữa các vùng miền.
Theo Giaoducthoidai.vn
Trẻ phát triển toàn diện hơn nhờ viết thư cho ông già Noel? Ngày càng có ít trẻ em viết thư cho ông già Noel, vì truyền thống này đang bị thay thế bởi... email. ảnh minh họa Truyền thống viết thư cho ông già Noel có thể có từ những năm 1.200, khi một cô bé viết cho vị thánh có thật tên là Nicholas - một giám mục sống ở Myra, nay là Thổ...