Học sinh miền quê lập nhóm nghiên cứu khoa học
Thành lập hơn 4 năm, CLB Ươm mầm khoa học kỹ thuật phổ thông của học sinh Đồng Nai gặt hái hơn 20 giải thưởng cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
Căn phòng nhỏ chừng 16 m2 của thầy Nguyễn Thanh Phương (giáo viên môn Công nghệ, trường THPT Thống Nhất A) nhộn nhịp hơn mỗi sáng chủ nhật. Hơn 10 học sinh nam nữ cùng cắt, hàn, chạy thử robot… để “hô biến” những ý tưởng sáng tạo của mình thành sản phẩm hữu ích.
Các thành viên hoạt động mô hình Máy rũ phân cút, sản phẩm được giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019. Ảnh: Phước Tuấn.
Bốn năm trước, xuất phát từ Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thấy một số học trò có đam mê nghiên cứu thầy Phương liền động viên các em tham gia. Thầy cũng chính là người hướng dẫn cho các đề tài, giúp những ý tưởng sơ khai thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Năm đó, CLB lần đầu tiên đạt giải khuyến khích đã thôi thúc thầy trò phát huy hơn các giải pháp của mình. Những năm sau, các sản phẩm được đưa ra có tính thực tiễn cao hơn như: máy nghiền đất, thu hoạch nghêu; robot vận chuyển, mô hình giao thông thông minh; robot quản gia; máy rũ phân cút… liên tiếp được giải ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
Để duy trì CLB, thầy Phương phải tự bỏ tiền túi để mua sắm dụng cụ nghiên cứu, làm sản phẩm. Sau khi bắt đầu có tiền từ các giải thưởng, CLB mới đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động. “Các em đến với CLB chủ yếu là đam mê, kinh phí eo hẹp, thầy và trò phải tận dụng tối đa những gì rẻ nhất để sáng chế”, nam giáo viên nói.
Với phương châm “học sinh tự sáng tạo, tìm tòi và tự làm ra sản phẩm”, thầy Phương chỉ là người hướng dẫn. “Từ những ý tưởng của các em học sinh, tôi sẽ đặt ra các câu hỏi và định hướng để các em tự giải quyết vấn đề. Có những lúc thầy trò chưa hiểu nhau, cũng tranh luận dữ lắm mới tìm ra được giải pháp tốt nhất”, thầy Phương cho biết.
Video đang HOT
Em Sầm Đức Anh, trưởng nhóm sản phẩm Máy rũ phân cút, đạt giải nhất cấp tỉnh cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2019 cho rằng, việc tham gia CLB đã giúp cho học sinh phổ thông tiếp cận được những bài học trên lớp về cơ điện, điện tử, công nghệ. “Tham gia ba năm nay giúp em nhiều bài học và sáng tạo hơn, là tiền đề cho chúng em theo đuổi đam mê, vững chắc để bước chân vào giảng đường đại học”, Anh nói.
Trong khi đó, nữ sinh Thanh Trúc (lớp 12, trường THPT Thống Nhất A) cho biết rất bổ ích khi tham gia cùng các bạn. Từ những ý tưởng mơ hồ, cùng trao đổi, tìm hiểu và làm ra sản phẩm đã cho những thành viên nhiều bài học quý báu về tinh thần làm việc nhóm. Trúc chia sẻ: “Tham gia CLB nhưng em vẫn tập trung vào việc học ở lớp, biết phân bố thời gian cho hợp lý nên bố mẹ rất ủng hộ”.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa trao 6 giải nhất, 12 giải nhì, 18 giải ba và 30 giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đồng Nai 2019. Trong đó sản phẩm Máy rũ phân cút của 4 thành viên trong CLB được trao giải nhất và giải Sáng tạo. Ngoài ra CLB đạt nhiều giải nhì, ba và khuyến khích với những sáng kiến của các thành viên.
Máy rũ phân cút hoạt động theo nguyên lý trục xoay chiều cuốn lưới được người dân dùng lót phân dưới chuồng trại. Khi lưới đi qua máy sẽ được gạt phân lại, rũ sạch lưới. Phân được gạt xuống bao chứa. Ngoài ra hệ thống thanh chắn linh hoạt đưa lên cao hoặc xuống thấp phù hợp chuồng cút nhiều tầng. Sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao, mang tính thực tiễn, có thể sản xuất áp dụng vào cuộc sống.
Phước Tuấn
Theo VNE
Người thầy giúp học trò 'gặt' nhiều giải thưởng
So với đi làm thêm dịp hè, việc nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật và "săn" giải thưởng vừa giúp các học sinh học tập được nhiều kiến thức, kỹ năng, vừa kiếm được số tiền nhiều hơn.
Mùa hè này, thầy và trò CLB Ươm mầm khoa học kỹ thuật (KHKT) phổ thông, Trường THPT Thống Nhất A (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bội thu giải thưởng với tổng số tiền thưởng lên đến 120 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí, mỗi thành viên trong CLB được nhận 5-10 triệu đồng. Thầy Nguyễn Thanh Phương, giáo viên bộ môn công nghệ (Trường THPT Thống Nhất A), chính là người đã giúp các học trò đạt được thành quả này.
Bội thu giải thưởng
Mới đây, ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2019 đã công bố danh sách 66 giải pháp đoạt giải. Trong đó có năm giải pháp là sản phẩm của các thành viên CLB Ươm mầm KHKT học sinh Trường THPT Thống Nhất A, gồm một giải nhất, một giải nhì, hai giải ba, một giải khuyến khích. Trước đó, ở cấp huyện, CLB này cũng đã có 10 dự án đoạt giải. Ngoài ra, CLB còn có hai sản phẩm tham dự và đoạt giải hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, gồm một giải nhì và một giải khuyến khích. Tổng số tiền thưởng mà CLB nhận được là 120 triệu đồng.
Trước cuộc thi này, tháng 1-2019, CLB Ươm mầm KHKT phổ thông cũng có một mùa bội thu giải thưởng khác. CLB có năm dự án được chọn đi thi và đều đoạt giải tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh do Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức.
Em Sầm Đức Anh, đồng tác giả sản phẩm "Máy hỗ trợ rũ phân cút" (giải nhất cấp tỉnh), cho biết: "Sau khi chia tiền thưởng và trừ các chi phí khác, em còn dư 6,5 triệu đồng. Số tiền này em dùng để nâng cấp máy tính và mua một số dụng cụ cần thiết phục vụ công việc nghiên cứu KHKT mà em sẽ thực hiện khi bước chân vào đại học". Đức Anh cũng là đồng tác giả của sản phẩm "Xe đa dụng cho người mất khả năng đi lại" (giải nhì cấp huyện, giải ba cấp tỉnh). Hai sản phẩm này đã được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Ngoài ra, em cũng đoạt được nhiều giải thưởng khác từ nhiều cuộc thi nghiên cứu KHKT.
Cũng như Đức Anh, hơn 10 thành viên đang sinh hoạt tại CLB này đều đến với CLB từ sự tò mò. Sau một thời gian được huấn luyện, thực hành, các em đã xác định được thế mạnh của bản thân, dần đam mê và theo đuổi công việc liên quan đến KHKT.
Thầy Nguyễn Thanh Phương (áo trắng) và các thành viên CLB tại nhà riêng của thầy, cũng là nơi làm việc của CLB. Ảnh: LY
Người thầy khơi dậy và nuôi dưỡng đam mê
Người thành lập và hiện là chủ nhiệm CLB Ươm mầm KHKT phổ thông là thầy Nguyễn Thanh Phương, giáo viên bộ môn công nghệ, dạy nghề phổ thông - Trường THPT Thống Nhất A. Do đặc trưng môn học phụ trách, thầy Phương nhận thấy đa số học sinh đều có định hướng học tiếp ở bậc đại học dù năng lực, sở trường của các em có khi không phù hợp. Trong khi đó, khối ngành KHKT đang có nhu cầu lao động cao, mức thu nhập ổn định thì lại có ít học sinh lựa chọn. Vì vậy, thầy Phương đã xin phép nhà trường cho thành lập CLB Ươm mầm KHKT phổ thông.
Mỗi thành viên CLB sau khi được học các kiến thức đại cương sẽ thực hành hoàn thiện một đề án theo định hướng giáo dục STEM: tự lên ý tưởng sáng tạo, tự thực hiện ý tưởng (chủ yếu là ý tưởng kỹ thuật công nghệ), tự nhận xét, đánh giá về ý tưởng và kết quả thực hiện của mình.
Tiếp đó, thầy Phương sẽ phân nhóm để các nhóm thực hiện những đề tài KHKT nhằm tham gia các cuộc thi dành cho học sinh. Với cách làm này, một học sinh tham gia CLB từ năm lớp 10 đến lớp 12 có thể làm được ba đề tài KHKT. Thậm chí như trong dịp hè này, mỗi học sinh có thể cùng lúc làm 2-3 dự án với các vai trò, vị trí khác nhau. Kỹ năng tích lũy được từ quá trình này sẽ giúp ích rất nhiều cho các em khi tham gia học nghề hoặc học đại học.
Để hỗ trợ tối đa cho học sinh, thầy Phương tự bỏ tiền túi để mua sắm dụng cụ thực hành. "Trụ sở" hoạt động chính của CLB chính là căn phòng rộng gần 20 m2 tại nhà riêng của thầy Phương (xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom). Mỗi năm tích lũy một ít, hiện nay CLB đã có đầy đủ đồ nghề cho các thành viên sử dụng. Sau mỗi "mùa thi", các sản phẩm sẽ được lưu lại tại đây để thành viên khóa sau tìm hiểu, học hỏi.
Nhiều người có tâm lý xem thường "môn phụ", tuy nhiên thầy Phương đã cho thấy nếu có cách làm đúng thì những "môn phụ" vẫn có tác động lớn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thậm chí mở ra cho các em một tương lai mới mà trước đó chính các em và cả các bậc phụ huynh cũng chưa từng nghĩ đến.
Khi vào CLB, các em phải tự tay làm mọi việc. Tôi chỉ là người hướng dẫn ban đầu, còn sau này thì cứ đứa trước chỉ đứa sau, đứa biết chỉ đứa chưa biết. Nhờ đó các em không chỉ có kỹ năng thực hành mà còn biết cách làm việc nhóm, tạo nên một tập thể gắn bó, đoàn kết. Nhiều em dù đã học đại học nhưng có dịp vẫn về đây để phụ tôi hướng dẫn cho các em khóa sau.
Thầy NGUYỄN THANH PHƯƠNG
AN AN
Theo PLO
Có thể quy đổi giờ nghiên cứu khoa học ra giờ chuẩn giảng dạy? Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT không hướng dẫn quy đổi giờ nghiên cứu khoa học ra giờ chuẩn giảng dạy và ngược lại, nhằm khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh minh họa Theo phản ánh của bà Phạm Thị Vân Nhâm (Hải Dương), Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT không có hướng dẫn quy...