Học sinh mê toán từ ‘bài ca định lý’ do thầy phổ nhạc
Một số định lý quan trọng trong môn hình học được thầy Lê Hùng Việt, giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang) phổ nhạc thành những ‘bài ca định lý’, giúp học sinh khắc sâu kiến thức và hứng thú hơn trong giờ học.
Thầy Lê Hùng Việt hướng dẫn học sinh hát bài định lý “Tỷ số không quên” – ẢNH: HOÀNG TRUNG
Thầy Việt quê ở tỉnh Tiền Giang. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp sư phạm, thầy dạy ở cù lao Phú Đông (H.Gò Công). Đến năm 1987, thầy xung phong ra đảo Phú Quốc công tác, làm giáo viên Trường THCS Dương Đông 1 (H.Phú Quốc, Kiên Giang), dù thời điểm đó đời sống ở đảo còn rất nhiều khó khăn. Hơn 30 năm công tác, thầy đã có rất nhiều sáng kiến hay và độc đáo trong giảng dạy.
Ôm ghi ta sáng tác trong thư viện
Không chỉ là giáo viên dạy toán giỏi, thầy Việt còn hiểu biết khá nhiều về hội họa và âm nhạc. Sau giờ lên lớp, thầy thường ôm đàn ghi ta cùng đồng nghiệp ca hát cho vơi đi những mệt nhọc.
Gần đây, nhận thấy nhiều học sinh (HS) thường không nhớ một số định lý quan trọng trong môn hình học dẫn đến không thể vận dụng vào việc giải bài tập nên thầy nảy sinh ý tưởng phổ nhạc vào các định lý rồi hát trước lớp cho các em nghe. Sau đó, thầy tập cho các em hát theo cho đến khi thuộc mới thôi. Hai tác phẩm thầy phổ nhạc mới đây nhất là “Định lý Py-ta-go” của chương trình hình học lớp 7 và “Tỷ số không quên” của chương trình hình học lớp 9.
Thầy Việt nhiệt tình dạy cho học sinh hát những bài ca định lý – ẢNH: HOÀNG TRUNG
Vì thời gian lên lớp khá nhiều nên thầy chỉ tranh thủ phổ nhạc vào những giờ trống tiết. Khi ấy, thầy lặng lẽ một mình trong thư viện, mượn cây ghi ta của trường ngồi đàn, hát và ký âm. Phải sau nhiều lần, tác phẩm mới hoàn thiện. Sau khi hoàn thiện tác phẩm, thầy viết ra trên tờ giấy lớn để đến các lớp dán lên bảng rồi hát cho HS nghe. Giai điệu bài hát vui tươi, mộc mạc và tiết tấu khá đơn giản giúp HS dễ hát, dễ nhớ và hứng thú hơn với môn học. “Đặc biệt, những lúc HS bị quên hoặc nhầm kiến thức dẫn đến sai sót khi làm bài tập thì tôi lại cho các em hát lại bài hát liên quan (một phần hoặc cả bài) để giúp HS nhớ lại và viết lại cho đúng. Khi đó không khí lớp học cũng khá thoải mái, vui nhộn và sinh động hơn”, thầy Việt chia sẻ.
Thầy Việt lặng lẽ sáng tác trong thư viện của trường – ẢNH: HOÀNG TRUNG
Bên cạnh đó, đối với những HS khá giỏi, đã nắm vững kiến thức thì việc học toán kết hợp với âm nhạc sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức hơn và cũng cảm nhận được niềm vui, ý nghĩa của việc học tập với đời sống âm nhạc và thực tiễn cuộc sống. Điều này vẫn hợp và đúng với những đối tượng học sinh khác.
Video đang HOT
Về hiệu quả, thầy Việt cho biết tâm trạng học môn toán của HS thoải mái hơn nhiều, tiến bộ và thân thiện hơn. Đặc biệt đối với các em “sợ” môn toán đã có tiến triển nhiều hơn, các em đã biết làm bài tập, mạnh dạn giơ tay phát biểu ý kiến, một điều mà trước đây rất ít xảy ra.
Ngạc nhiên khi thầy ôm đàn vào lớp
Gặp gỡ những học sinh đã học thầy Việt và được thầy dạy những “bài ca định lý”, tất cả các em đều cho rằng những tiết học đó đều rất đặc biệt, các em rất thích tiết toán và luôn mong được học giờ toán, đặc biệt là tiết học của thầy Việt.
Cùng học sinh hát vang những “bài ca định lý” trong sân trường vào giờ ra chơi – ẢNH: HOÀNG TRUNG
Em Phạm Huỳnh Thảo Vy, học sinh lớp 9/3, cho biết em rất hứng thú với tiết học của thầy Việt, bởi với cách dạy định lý bằng các bài hát giúp các em rất dễ hiểu. “Trước đây, không khí tiết toán của lớp em khá trầm, có thể nói là hơi nặng nề vì bạn nào cũng nghĩ môn này khó. Từ khi được học toán qua những bài hát của thầy, không khí lớp lúc nào cũng sôi nổi, ngay cả các bạn chậm hiểu nhất cũng hăng hái tham gia phát biểu, chứ không mệt mỏi, uể oải như trước”, Thảo Vy chia sẻ.
Còn em Trần Ngọc Sáng, cũng là học sinh lớp 9/3, thì cho biết em thật bất ngờ vì thầy Việt là giáo viên toán mà lại biết âm nhạc, lại còn biết đánh đàn. “Thầy quả thật là đa tài, em ngưỡng mộ và thán phục!”, Sáng nói.
Cùng nhận xét như Thảo Vy, em Trần Ngọc Huỳnh Trâm, học sinh lớp 9/5, cho rằng thầy dạy thật dễ hiểu, với việc phổ nhạc cho các định lý, tiết toán của lớp em đã trở nên sôi nổi và vui hơn nhiều so với trước đây.
Nhận xét về việc này, thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng Trường THCS Dương Đông 1, cho biết đây là phương pháp dạy hay, nói đúng hơn là rất độc đáo. Phương pháp này giúp ích trong việc dạy học môn toán của trường, đặc biệt là những em còn yếu môn học này. “Tôi mong rằng những giáo viên khác trong trường có thể giới thiệu những bài ca định lý của thầy Việt đến học sinh lớp mình dạy để phương pháp này được nhân rộng hơn”, thầy Trí nói.
Trước sự tiến bộ của học sinh sau khi áp dụng phương pháp của mình trong giảng dạy, thầy Việt đã quyết định chọn viết sáng kiến kinh nghiệm với đề tài “Tích hợp bộ môn âm nhạc trong phân môn hình học”. “Bản thân tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi phần nhiều học sinh các lớp tôi giảng dạy đều vận dụng tốt những bài ca định lý mà tôi đã dạy vào các bài toán liên quan. Tôi đặc biệt vui khi nghe đâu đó trong sân trường vang lên bài hát mà tôi đã dạy các em”, thầy Việt chia sẻ.
Theo thanhnien
Thương học trò, anh công nhân mở lớp dạy miễn phí, quên cả hạnh phúc riêng tư
'Tôi thương các cháu. Lương công nhân quá thấp nhưng khi nhìn chúng, tôi không nỡ bỏ để tìm một công việc khá hơn'.
Người không chịu làm 'thầy'
Chúng tôi đến thăm lớp học trên đường 22 (P. Phước Long B, Q. 9, TP.HCM) vào một buổi tối. Bước vào bên trong, ở tầng trệt, 6 học sinh cả nam lẫn nữ ngồi quanh 2 chiếc bàn tròn cặm cụi làm bài. Thấy chúng tôi vào, một em đứng lên khoanh tay cúi đầu: 'Thưa bác, bác kiếm ai'?. 'Bác cần gặp thầy của con'. 'Mời bác lên lầu, chú ấy đang dạy lớp trên'.
Nhóm học sinh chăm chỉ học tập.
Trên lầu, 10 học sinh lớp 7 đang lắng nghe lời giảng của 'chú'. Đó là một thanh niên đứng tuổi thấp người, gầy guộc. Anh mặc chiếc áo thun đỏ, quần đen giản dị. Anh giảng bài bằng giọng Huế lơ lớ.
Thấy tôi, anh nói, chú cố gắng đợi anh đến 21h, tan lớp. Chúng tôi gật đầu, ngồi xem anh và các học sinh dạy và học.
Tranh thủ lúc ngưng giảng, chúng tôi trò chuyện với nữ học sinh tên là Haphi Sáh, dân tộc Chăm. Em theo gia đình từ An Giang lên vùng đất này từ nhiều năm nay. Cha mẹ em đều là lao động thuộc diện khó khăn. Hiện em theo học lớp 7 trường THCS Đặng Tấn Tài.
Em được nhận vào lớp học này để bổ sung cho các môn Hình học, Đại số và Anh văn đang rất yếu. Em nói: 'Nhờ có chú giảng nên con hiểu được bài vở ở trường. Rất may được chú thương, con được lên lớp và đạt được những danh hiệu mà có mơ con cũng không tìm được'.
Các em được cho bài tập ngồi làm. Anh xuống tầng trệt giảng bài cho học sinh lớp dưới.
' Chú chỉ muốn các con gọi là chú bởi chú không muốn làm thầy. Chữ 'chú' vừa thân tình vừa gần gũi. Không phải chỉ đơn thuần là giảng bài cho các con, chú còn muốn trang bị cho các con lễ giáo để trở thành người tốt trong xã hội'.
Nên người nhờ 'chú'
Giờ tan học, các em lễ phép chào thầy ra về. Chỉ còn mình anh ngồi lại với chúng tôi. Anh là Hoàng Trọng Khánh, 37 tuổi là công nhân lao động phân xưởng thuốc sát trùng của một công ty liên doanh.
Năm 2000, học xong hết lớp 12, gia đình khó khăn anh phải vào Đà Nẵng làm công nhân ngành gỗ. Ròng rã suốt 10 năm vẫn không khá được, anh vào TP.HCM làm công nhân.
Vào một buổi chiều nọ, sau khi đi làm về anh ngồi uống cà phê với một người bạn tại một quán ở đầu đường 22 gần khu gò mả.
Học sinh lớp 7 đang chăm chú nghe giảng.
Trước mắt anh, trên một ngôi mộ, 4 chị em đang cặm cụi nhìn vào trang sách. Không được bao lâu, chúng xếp sách ngồi cúi đầu buồn bã. Anh đến bên cạnh chúng hỏi 'Vì sao?'. Các em cho biết, muốn học lắm mà không hiểu bài. Anh bảo đưa cho anh xem.
Lần lượt, anh chỉ bài cho từng đứa. Chỉ đến đâu nét mặt chúng tươi đến đó. Cuối cùng chúng nở một nụ cười rạng rỡ, 'Con cám ơn chú. Không có chú con không biết hỏi ai'.
Cứ thế, chúng bấu víu vào anh hết ngày này đến ngày khác. Từ 4 đứa này, con số đến hỏi bài ngày càng nhiều. Có nhiều phụ huynh khá hơn đã dựng lên tại nghĩa trang này một chòi nhỏ để làm nơi học tập. Số lượng cứ tăng dần. Hầu hết đều là con em lao động nghèo không có điều kiện học thêm. Chòi không còn khả năng chứa...
Một người bạn chủ trại mộc cho mượn chỗ làm lớp học nhưng chỉ một thời gian ngắn phải ngưng vì mùi vẹc-ni, dầu bóng lan tỏa khắp nơi khiến cho các em không chịu nổi. Lớp học phải dời đi nhiều nơi trước khi về nơi đây. Tầng trệt và lầu 1 mỗi nơi một lớp. Cứ từ 17h đến 19h, ở dưới lớp 6 thì trên lớp 8, rồi từ 19h đến 21h dành cho lớp 7 và lớp 9.
Các em ôn lại bài đã học.
Trải qua gần 10 năm, đến nay đã có nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3. Tôi giúp các cháu hoàn toàn miễn phí. Rất may, nhiều phụ huynh có điều kiện góp lại thuê căn nhà này và chính chủ nhà cũng tạo điều kiện cho tôi được tiếp tục làm công việc đáng yêu này.
Nhiều người thắc mắc, tại sao tôi mới học hết lớp 12 mà có thể chỉ dạy được các cháu? Theo tôi, điều quan trọng để làm được việc là kiến thức. Tôi không có bằng cấp cao nhưng tôi thường xuyên trau dồi và học hỏi khắp nơi. Nhờ vậy tôi mới chỉ cho các cháu được. Mà tôi chỉ hướng dẫn các cháu học thôi, không phải dạy nên tôi không nhận là thầy.
Tôi thương các cháu. Lương công nhân quá thấp nhưng khi nhìn chúng, tôi không nỡ bỏ để tìm một công việc khá hơn. Tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để tìm cho mình một hạnh phúc riêng nên đến nay vẫn còn độc thân. Các cháu học giỏi, ngoan và nên người là niềm hạnh phúc vô bờ của tôi ...', anh nói.
Ngày 25/12/2017, ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9 đã biểu dương việc làm của anh Khánh 'Có thành tích đóng góp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn quận'.
2 năm sau, chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tiếp tục khen tặng anh 'Đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện các chương trình xã hội - từ thiện liên tục nhiều năm'.
Theo vietnamnet
Bạn đọc viết: "Quý phụ huynh ơi, hãy đồng hành cùng giáo viên nhé!" Công việc "dạy người" chưa bao giờ là dễ dàng cả, tôi muốn nói đến nghề "đưa đò" của tôi và đồng nghiệp. Câu chuyện giáo dục những học sinh chưa ngoan trong một tập thể lớp của cô em đồng nghiệp làm tôi đau đáu mãi. Ảnh minh họa Cô em đồng nghiệp của tôi tốt nghiệp Sư phạm đã được 3...