Học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường vượt cả mong đợi
Hôm qua 11.5, gần 1.900 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn Hà Nội đã chính thức mở cửa đón học sinh trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học chống dịch Covid-19.
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) trong niềm vui trở lại trường sau hơn 3 tháng nghỉ học – TUỆ NGUYỄN
Tổ chức 2 buổi và bán trú
Bà Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết buổi học đầu tiên có 99,3% học sinh (HS) đi học, chỉ khoảng 10 em vắng mặt. Đây là con số vượt cả mong đợi vì trước khi nghỉ vì dịch, nhiều ngày HS vắng mặt có khi lên tới 20 – 30 em.
Cũng theo bà Thắng, dự kiến từ hôm nay 12.5, dựa vào văn bản chỉ đạo của TP cũng như nguyện vọng của phụ huynh, nhà trường sẽ dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bữa ăn bán trú cho HS (với những gia đình có nhu cầu và đăng ký tự nguyện).
Ông Chu Toàn Thắng, Trưởng ban đại diện cha mẹ HS Trường tiểu học Thăng Long, cho hay hầu hết phụ huynh đều mong các con trở lại trường và được học, ăn bán trú như trước. Hơn nữa, đang giữa mùa hè, nếu chỉ học 1 buổi, các con phải ra về giữa trưa nắng sẽ rất vất vả và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thời lượng học tập.
Hồi hộp nhất là các trường mầm non vì không biết phụ huynh đã yên tâm cho con trở lại trường hay chưa. Tuy nhiên, nhiều quận, huyện ở Hà Nội, tỷ lệ trẻ mầm non trở lại trường khá cao. Đây cũng là điều vượt trên mong đợi, dù nhiều trẻ có phần bỡ ngỡ, thậm chí òa khóc vì thời gian nghỉ học quá dài, chưa quen với việc đi học trở lại. Nhiều phụ huynh tâm sự, tình hình dịch bệnh hiện nay cùng với các phương án chuẩn bị cụ thể, chi tiết của các trường khiến họ yên tâm gửi con đi học trở lại.
Tại Trường mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm), Hiệu trưởng Khúc Thị Mai cho biết dù chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện nhưng nhà trường vẫn rất hồi hộp. Thậm chí, các cô còn dự đoán hầu hết phụ huynh vẫn cho con ở nhà để “nghe ngóng” tình hình trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, theo bà Mai, kết quả cũng nằm ngoài mong đợi khi có gần 70% trẻ đã đi học trở lại. Cả 10 lớp của trường, từ nhà trẻ tới mẫu giáo lớn (5 tuổi), đều có HS đến trường trong buổi đầu tiên. Nhiều cơ sở mầm non trên địa bàn Q.Hoàn Kiếm cũng đạt tỷ lệ cao như Mầm non 1.6 (hơn 80%), Mầm non Tháng Tám (78%), Mẫu giáo Quang Trung (76%)…
Video đang HOT
Tại Q.Thanh Xuân, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết HS tiểu học đi học đạt 98,8%, cấp mầm non đạt 74,3%. “Tất cả các trường mầm non và tiểu học trong quận đều dạy học 2 buổi/ngày và tổ chức bữa ăn bán trú cho HS. Mọi việc diễn ra thuận lợi, suôn sẻ”, ông Hữu thông tin. Tương tự, tỷ lệ đi học buổi đầu tiên ở huyện ngoại thành Đan Phượng cũng rất cao: cấp tiểu học đạt 99,5%; mầm non đạt 87%…
Phụ đạo riêng cho học sinh không học trực tuyến
Sáng qua, HS tất cả các khối lớp tiểu học tại TP.HCM đã háo hức quay lại trường. Nhiều em không khỏi vui mừng khi gặp lại bạn bè, thầy cô.
Là một trong những trường có số lượng HS đông nhất TP với gần 3.700 em, từ sáng sớm cổng Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) đã rộn ràng với cảnh phụ huynh chở con đi học.
Theo đại diện ban giám hiệu, trường tập trung HS của nhiều phường liền kề (phường 8, 9, 12) nên số HS đông, do vậy chỉ tổ chức được 30 lớp bán trú, còn lại 50 lớp chỉ học một buổi.
Hôm qua, khối lớp 1, 2, 3 chỉ tập trung để giáo viên hướng dẫn cách phòng chống bệnh; còn khối lớp 4, 5 đã bắt đầu vào học chính thức. Trong buổi học đầu tiên, trường vắng 50 HS ở tất cả các khối lớp.
Đại diện Trường tiểu học An Hội cho biết: “Từ hôm nay, lớp một buổi thì sẽ học theo chương trình một buổi, còn bán trú thì học theo chương trình bán trú, trường chuyển hết sang dạy trực tiếp. Trong buổi đầu, giáo viên sẽ đánh giá lại tình hình học tập của từng em trong thời gian học trực tuyến để có kế hoạch dạy cụ thể. Riêng tuần này, trường chỉ ôn tập lại kiến thức chính trong chương trình học trước đó, từ tuần sau sẽ đi vào bài mới”. Đồng thời lãnh đạo nhà trường cũng cho biết trong 3 tháng qua có hơn 80% HS của trường tham gia học trực tuyến. Với những em chưa học, trường sẽ có chế độ phụ đạo riêng.
Với học sinh lớp 1 – lứa tuổi đang tập đọc, tập viết, trường cho biết trong 3 tháng qua, giáo viên vẫn giao bài tập để HS làm ở nhà, tuy nhiên khả năng đọc của các em sẽ không được như những lứa lớp 1 khác. Do vậy, khi HS đi học trở lại, giáo viên sẽ tập trung dạy kỹ năng đọc để đảm bảo khi hoàn thành chương trình lớp 1, HS có thể đọc thông, viết thạo.
Tương tự, tại các trường tiểu học khác, ngày 11.5, HS các khối đã tập trung đến trường như trước đây. Dù đã bỏ quy định giãn cách, không bắt buộc đeo khẩu trang trong lớp nhưng các trường vẫn chủ động lên phương án để đảm bảo an toàn cho HS như: không cho phụ huynh vào trường mà làm lối đi riêng, lắp bồn rửa tay ở sân trường để HS sử dụng, giáo viên cũng hướng dẫn kỹ quy trình phòng bệnh cho HS…
Trường tổ chức bán trú mới cho con đi học lại
Sáng 11.5, trẻ em mầm non trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đi học lại sau nhiều tháng tạm nghỉ để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, có một trường chưa đến 50% trẻ đi học lại. Lãnh đạo các trường cho biết do phụ huynh vẫn còn e dè tình hình dịch bệnh nên xin phép cho trẻ nghỉ thêm một thời gian; một số khác thì chờ đến khi trường tổ chức bán trú lại mới gửi con.
Cô Trịnh Thị Phương Thảo, quyền Hiệu trưởng Trường mầm non TT.Long Hồ (H.Long Hồ, Vĩnh Long), cho biết trường chỉ có 154/280 trẻ các khối đi học lại, có lớp chỉ có 10/30 trẻ, lớp thì hơn phân nửa, chỉ có khối lớp lá tương đối đủ vì chuẩn bị hoàn thành cấp học này. Theo cô Thảo, do tuần đầu trẻ đi học lại nên nhà trường không tổ chức bán trú và chỉ cho học một buổi. Còn ở Trường mẫu giáo Họa Mi (TT.Long Hồ), có lớp chỉ có 8/23 trẻ trở lại trường, thậm chí có nhiều phụ huynh đưa con đến thấy lớp vắng quá đã cho con trở về cho nghỉ thêm vài ngày. – Xuân Phúc
Học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường: Vừa dạy học vừa lo chăm sóc
Hôm nay (11.5), toàn bộ học sinh tiểu học, mầm non của Hà Nội sẽ bắt đầu trở lại trường.
Giáo viên Trường mầm non Bà Triệu (Hà Nội) chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường hôm nay - ẢNH: T.M
Điều này có nghĩa nhà trường sẽ phải vừa dạy học, vừa chăm sóc, vừa lo phòng dịch tỉ mỉ hơn nhiều so với cấp học khác.
Nơi tổ chức bán trú, nơi không
Trong suốt cả tuần qua, các trường mầm non, tiểu học ở Hà Nội tất bật làm mọi công tác chuẩn bị, vệ sinh trường lớp, mua sắm thêm trang thiết bị... để đón học sinh (HS) trở lại trường từ ngày 11.5, sau hơn 3 tháng tạm đóng cửa.
Nếu như ngày 4.5, HS khối trung học trở lại trường đầy căng thẳng với quy định giãn cách HS, không quá 20 HS/lớp, không bật điều hòa, đeo khẩu trang toàn bộ thời gian ở trường, thì từ 11.5, HS tiểu học và mầm non của Hà Nội đến trường khi tình hình đã khác rất nhiều. Nhờ vậy, HS và cả giáo viên đến trường cũng thuận lợi hơn, giáo viên không vất vả vì phải làm thêm khối lượng công việc quá lớn như tuần đầu tiên ở cấp trung học.
Bà Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), chia sẻ trước khi có quy định mới, trường đã lên kế hoạch chi tiết về đảm bảo an toàn và giãn cách HS. Tuy nhiên, cuối tuần qua, khi Bộ và Sở GD-ĐT có văn bản chính thức bỏ quy định giãn cách HS thì nhà trường thiết kế lại, giữ nguyên đơn vị lớp học hiện có và tổ chức cho các con học 1 buổi/ngày, 5 buổi/tuần, kết hợp với dạy học trên truyền hình, dạy học trực tuyến. "Sau 1 tuần, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, nguyện vọng của cha mẹ HS và chỉ đạo của cấp trên để điều chỉnh nếu cần thiết", bà Thắng cho hay.
Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm (Hà Nội), cho biết các trường mầm non trên địa bàn quận đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức hoạt động dạy học bình thường cho trẻ. Theo đó, trẻ sẽ được học tất cả ngày trong tuần và ăn trưa tại trường. Trường tiểu học thì tùy từng điều kiện, mỗi trường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể và phòng GD-ĐT góp ý, phê duyệt trước khi triển khai. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận tạm thời chưa tổ chức dạy học 2 buổi/ngày và ăn bán trú cho HS trong tuần đầu. HS sẽ học đủ 5 buổi/tuần theo quy định tối thiểu của chương trình hiện hành và kết hợp với các hình thức dạy học từ xa.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết từ 11.5, hầu hết các trường của quận sẽ tổ chức dạy học bình thường. Tất cả trường mầm non, tiểu học đều tổ chức bán trú, với cấp THCS khối lớp 6 và 7 trên toàn quận cũng sẽ học 2 buổi/ngày. Nếu phụ huynh nào chưa yên tâm và muốn đón con về nhà ăn trưa thì đăng ký với nhà trường.
Lo nhất là trẻ mầm non
Bà Khúc Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non Bà Triệu (Q.Hoàn Kiếm), cho biết suốt gần 1 tuần, toàn bộ đội ngũ của nhà trường được huy động đến tổng vệ sinh, dọn dẹp, khử trùng từng vật dụng, đồ chơi để sẵn sàng đón các con.
Bà Mai cho hay tâm lý chung của các trường mầm non là khá hồi hộp, không biết số lượng trẻ quay trở lại trường ra sao. Do quy định giãn cách đã được nới lỏng nên các trường mầm non sẽ tổ chức bán trú ngay từ ngày đầu các con trở lại trường. Nếu các lớp, đặc biệt là khối nhà trẻ không vắng quá thì vẫn giữ nguyên đơn vị lớp học để các con có điều kiện chăm sóc cẩn thận hơn; nếu nhiều lớp chỉ có vài trẻ thì sẽ tính toán phương án dồn lớp hợp lý nhưng đảm bảo sĩ số thấp.
Cũng theo bà Mai, việc chăm sóc trẻ mầm non vốn tỉ mỉ, nay lại càng phải chi tiết hơn nữa. Thực đơn cho các con phải tính toán sao vừa đủ chất dinh dưỡng, vừa an toàn, phù hợp với thời tiết nắng nóng; trẻ xa lớp, xa trường lâu ngày đi học trở lại, giáo viên xác định sẽ rất vất vả vì nhiều trẻ sẽ khó khăn khi làm quen từ đầu với cô với bạn; với nề nếp sinh hoạt khác ở nhà...
Tại Q.Hà Đông (Hà Nội), Trưởng phòng GD-ĐT Phan Thị Lệ Hằng, cho biết do không bắt buộc giãn cách nên quận cũng chỉ đạo các trường bỏ kế hoạch chia tách lớp được xây dựng trước đó và tiến hành xếp thời khóa biểu gần như bình thường. Tuy nhiên, bà Hằng cho rằng dù các quy định được nới lỏng nhưng vì lứa tuổi HS mầm non, tiểu học còn rất nhỏ nên yêu cầu hàng đầu đặt ra là các trường phải thật thận trọng, vô cùng chi tiết trong suốt quá trình dạy học và chăm sóc các con. Các trường lắp thêm rất nhiều bồn rửa tay với đầy đủ xà phòng, nước sạch; vật dụng cá nhân của trẻ phải đảm bảo được vệ sinh, khử khuẩn trước và sau khi trẻ sử dụng và đặc biệt là không dùng chung, giáo viên có nhiệm vụ nhắc nhở, hướng dẫn các con đeo khẩu trang, rửa tay trước và sau khi ra khỏi lớp học...
Việc tổ chức ăn bán trú ở trường, bà Hằng cho biết các trường sẵn sàng phục vụ 100% HS nhưng trong thời gian đầu trẻ trở lại trường lớp, sẽ hoàn toàn để phụ huynh tự nguyện đăng ký có cho con ăn bán trú hay không. Trên cơ sở đó, mỗi trường sẽ tổ chức theo số lượng phù hợp.
Với trẻ mầm non, bà Hằng cho rằng quan điểm là ưu tiên, động viên gia đình cho trẻ 5 tuổi đi học đầy đủ để chuẩn bị tâm thế cho các con vào lớp 1. "Với lứa tuổi nhà trẻ, từ 3 tuổi trở xuống, chúng tôi khuyến khích các gia đình nếu có người chăm sóc thì tiếp tục cho các con ở nhà vì việc trở lại trường, thay đổi nề nếp sinh hoạt giữa tháng 5, cao điểm nắng nóng là điều không tốt cho sức khỏe của các bé, đặc biệt với những bé có cơ địa dị ứng, dễ phản ứng khi thay đổi thời tiết", bà Hằng chia sẻ.
TPHCM: Nhộn nhịp ngày đầu tiên đón học sinh tiểu học trở lại trường sau dịch Covid-19 Sáng 8-5, có mặt tại Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp), một trong những trường tiểu học có tổng số học sinh cao nhất TPHCM với hơn 3.700 học sinh, ghi nhận cho thấy học sinh hai khối 4, 5 đã được tập trung trở lại. Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) được đo thân nhiệt ngay...