Học sinh lớp 9 và 12 ở Bình Thuận được học qua truyền hình
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dạy học qua truyền hình là một trong những giải pháp duy trì hoạt động giáo dục mà vẫn hạn chế được sự lây lan do tập trung đông người.
Ngày 18-3, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở này vừa ký văn bản gửi các cơ sở giáo dục và các đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện việc tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học tập qua sóng truyền hình.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về việc tăng cường dạy học qua internet, qua truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Thuận (BTV) tổ chức dạy học các môn Ngữ văn, Toán học, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9 và lớp 12 qua sóng của BTV.
Học sinh lớp 9 và 12 tỉnh Bình Thuận được học qua sóng truyền hình. Ảnh: BTV
Tham gia dạy học trên sóng BTV là các giáo viên bộ môn cốt cán của tỉnh, có sự tư vấn sư phạm của đội ngũ phụ trách chuyên môn của Sở. Các bài học được phát trên sóng BTV được lựa chọn sao cho vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của mạch kiến thức (không phụ thuộc quá nhiều vào kiến thức cũ), vừa dễ tiếp thu đối với hình thức dạy học qua truyền hình. Thời điểm bắt đầu phát sóng dự kiến là 23-3-2020.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, hiện địa phương đang ghi nhận 9 trường hợp nhiễm Covid-19.
Theo sggp.org.vn
Video đang HOT
'Kịch bản' nào cho học sinh lớp 9 và 12 trong thời gian còn lại của năm học?
Xét tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 không muốn vào đại học, thay vì thi tuyển sinh bằng xét học bạ vào lớp 10 ở những nơi ít thí sinh tham dự kỳ thi là những phương án Bộ GD-ĐT nên tính đến.
Để xây dựng một "kịch bản" cho ngành giáo dục trong thời điểm này thật không dễ dàng chút nào bởi dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến phức tạp trên nhiều tỉnh thành của cả nước.
Rất nhiều "phân cảnh" khác nhau đang diễn ra ở các địa phương sẽ khó cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT có một kịch bản hoàn hảo để tất cả các địa phương đều có thể thực hiện tốt trong thời điểm này.
Vì thế, những phong trào, hội thi, những hoạt động giáo dục nào có thể giảm được, bỏ được thì ngành giáo dục nên làm, để toàn ngành có thể tập trung vào những công việc trọng điểm nhất, mà theo tôi đó là các kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào lớp 10.
Những khó khăn phải đối mặt
Tính đến thời điểm hiện nay, học sinh từ mầm non đến THCS đã được các địa phương cho nghỉ học đến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Ở bậc THPT, hơn 30 tỉnh vẫn tiếp tục cho đi học bình thường và còn gần 30 tỉnh thì nghỉ học. Như vậy, chúng ta đã thấy có sự chênh lệch về lịch học của bậc THPT.
Thực tế, học sinh từ lớp 11 trở xuống không quá lo vì các khối học này không có kỳ thi chung trong cả nước, các địa phương có thể chủ động trong kế hoạch học tập của mình. Chỉ học sinh lớp 9 là có kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chung nhưng do Sở tổ chức nên cũng không quá lo lắng, vì lịch học gần như giống nhau giữa các địa bàn trong tỉnh. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 12 thì lại hoàn toàn khác vì các em có 1 kỳ thi chung nên việc học chênh lệch về thời gian sẽ có nhiều bất cập xảy ra.
Rất nhiều khó khăn, công việc đang chờ đợi các nhà trường ở phía trước
Những địa phương đang cho học sinh nghỉ học đã và đang tổ chức dạy qua truyền hình và dạy trực tuyến. Song, nhìn từ thực tế thì hiệu quả của cách học này chưa cao vì nó còn liên quan đến phương thức tổ chức, cách truyền thụ, động lực và điều kiện học tập của mỗi học trò.
Chính vì thế, dù học sinh lớp 9 hay lớp 12, dù các em đang đi học hay đang nghỉ ở nhà thì đều đang gặp nhiều khó khăn trong quãng thời gian còn lại của năm học này. Giảm áp lực thi cử cho học trò cuối cấp mà vẫn đảm bảo được mục tiêu, tiêu chí của việc tốt nghiệp, tuyển sinh là điều mà ngành giáo dục cần phải tính tới.
Cần linh hoạt trong xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và tuyển sinh lớp 10
Như phần trên đã đề cập, thời điểm hiện nay không có kịch bản nào hoàn hảo mà chỉ có thể vận dụng một "kịch bản" phù hợp, khả thi và thuận lợi cho ngành, cho người dạy và người học mà thôi.
Trong tất cả các cấp học, các hội thi, kỳ thi còn lại của ngành giáo dục trong năm nay, tôi cho rằng kỳ thi THPT quốc gia là quan trọng nhất. Theo Luật hiện hành thì kỳ thi này không bỏ được nhưng có thể điều chỉnh để giảm áp lực cho xã hội, cho ngành mà vẫn có thể đảm bảo được các yêu cầu.
Tôi cho rằng, với tình hình thực tế dịch bệnh như hiện nay thì việc công nhận tốt nghiệp cho những học sinh lớp 12 khi đã hoàn thành chương trình mà không có nguyện vọng học đại học, cao đẳng là điều hoàn toàn phù hợp. Ngành giáo dục chỉ nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho những em học sinh lớp 12 có nguyện vọng xét tuyển đại học mà thôi.
Quỹ thời gian không còn nhiều, nên với học sinh lớp 12 chỉ có nguyện vọng được công nhận tốt nghiệp thì việc tham gia kỳ thi THPT quốc gia vào cuối tháng 7 tới chẳng giải quyết được vấn đề gì mà lại tốn kém, áp lực lại tăng thêm cho ngành giáo dục và bản thân các em.
Nếu thực hiện được thì hàng trăm nghìn học sinh (kỳ thi năm 2019 có tới 279.001, chiếm khoảng 27,8% thí sinh không tham gia xét tuyển đại học) không phải tham gia kỳ thi sẽ làm lợi cho Nhà nước một nguồn kinh phí rất lớn. Điều quan trọng là với thời gian ngắn ngủi của mùa hè năm nay thì việc này sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, vật lực cho kỳ thi.
Ngoài việc công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12 không có nguyện vọng xét tuyển đại học, nếu đủ điều kiện thì kỳ thi vào lớp 10 cũng nên xét tuyển bằng học bạ đối với những trường, những địa phương ít thí sinh tham dự.
Bởi vì, đa phần học sinh lớp 9 đến hết tháng 3 này đã có 2,5 tháng liên tục nghỉ học. Thời gian kết thúc năm học lại liền kề với kỳ thi THPT quốc gia nên các địa phương sẽ rất cập rập khi tổ chức. Điều quan trọng là chỉ tiêu đã được phân bổ cụ thể rồi thì thi hay xét cũng ngần đấy em vào được khối trường công lập mà thôi.
Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta cũng chưa thể khẳng định được hết tháng 3 này thì học sinh lớp 9 đã đi học lại chưa. Vì thế, hình thức xét tuyển đối với những trường có tỉ lệ chọi thấp cũng cần phải được tính đến.
Ngoài ra, đối với các hội thi, kỳ thi nào không quan trọng, hình thức thì nên cắt giảm đi cho thầy và trò tập trung vào việc học chính khóa.
Nếu toàn ngành đồng bộ thực hiện thì vẫn đảm bảo được nội dung cơ bản của chương trình học. Điều quan trọng là giảm được áp lực học tập, thi cử cho học trò, giảm được chi phí của Nhà nước và nhân dân trong một bối cảnh rất đặc biệt như năm nay cũng là điều cần thiết.
Thầy giáo Nguyễn Đăng (vietnamnet.vn)
TP.HCM: Các trường phải triển khai dạy học trực tuyến Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ có văn bản hướng dẫn các trường trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình. Học sinh (HS) TP.HCM tiếp tục được nghỉ học đến hết ngày 5-4 do dịch COVID-19. Để các em không sao nhãng việc học, nhiều trường đã triển khai dạy học trực tuyến. Chủ yếu ôn tập kiến thức cũ...