Học sinh lớp 9 Hà Nội “nín thở” chờ công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới việc dạy và học, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng Hà Nội nên bỏ bớt môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023.
Trong khi nhiều địa phương đã công bố các môn thi và phương án tuyển sinh lớp 10, thì môn thi thứ 4 trong kỳ thi này tại Hà Nội vẫn đang là ẩn số. Thêm vào đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù đã mở cửa trường học, nhưng việc dạy và học tại nhiều trường ở Hà Nội vẫn “phập phù” lúc on, lúc off do số ca mắc Covid-19 trong trường học ngày càng tăng cao.
Việc học gặp nhiều cản trở do dịch bệnh, song thời gian diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 lại đang đến gần, lúc này hàng ngàn học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang nóng lòng chờ thông báo về môn thi thứ 4, chạy đua “nước rút” để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Ảnh minh họa.
Ngày nào cũng vậy, thời gian học tập của Lê Mai Trang, học sinh lớp 9 Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) thường bắt đầu từ 7h sáng đến 11h đêm, thậm chí là muộn hơn. Ngoài học theo chương trình trên lớp, học thêm vào buổi tối khoảng 4 buổi/tuần, Trang còn tích cực tự học, luyện các đề thi vào lớp 10 qua các năm của Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác.
Lịch học dày đặc, nhưng nữ sinh này chia sẻ, em không cảm thấy quá mệt mỏi, điều quan tâm nhất lúc này là chuẩn bị thật tốt để giành vé vào lớp 10 công lập.
“Em có nguyện vọng thi vào trường THPT Kim Liên, đây là trường có tỷ lệ chọi rất cao, luôn đứng top đầu của thành phố nên em rất căng thẳng. Thời điểm này, chúng em cũng đang hồi hộp đợi chờ thông báo môn thi thứ 4 của Sở GD-ĐT Hà Nội. Dù vẫn cố gắng học đều các môn có thể thi, song trong 3 năm vừa qua, chúng em phần lớn phải học online, do đó em cũng rất hy vọng sẽ được giảm tải môn thi thứ 4 để giảm bớt áp lực thi cử”, Trang chia sẻ.
Video đang HOT
Ngoài 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Trang cũng như nhiều bạn học khác vẫn phải trải đều thời gian để ôn 6 môn còn lại có thể được chọn làm môn thi thứ 4 vào lớp 10. Khối lượng kiến thức nhiều, để không quá tải, Trang cho biết, em thường phân chia thời gian biểu cụ thể để tự học từng môn trong tuần cũng như thường xuyên tự hệ thống lại kiến thức để biết những lỗ hổng cần bù đắp khi ôn tập.
Trần Thái An, học sinh lớp 9 Trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết, có nguyện vọng thi vào Trường THPT Cầu Giấy, dù gia đình không áp lực nhưng chính bản thân An cũng cảm thấy mình cần cố gắng rất nhiều để sẵn sàng bước vào kỳ thi lớp 10.
“Học online dài ngày nên em cảm thấy lực học của mình bị đuối hơn, có những lúc em cảm thấy hoa mắt vì nhìn máy tính nhiều giờ, nhưng em cũng chỉ dám nhắm mắt nghỉ ngơi một lúc rồi lại học tiếp. Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi không còn nhiều, nếu không khẩn trương ôn tập em nghĩ sẽ rất khó đạt kết quả cao. Đôi khi em thấy thật áp lực”, Thái An chia sẻ.
Trong khi nhiều bạn mong muốn được giảm bớt môn thi, thì Nguyễn Quỳnh Chi, lớp 9A7, THCS Khương Đình lại hy vọng giữ nguyên 4 môn thi vì môn thứ 4 thường giúp thí sinh “gỡ điểm”.
“Trong 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh, em kém hơn ở môn Toán, nhưng trong 3 năm học online em cũng đã nỗ lực, tự học rất nhiều nên em cảm thất tự tin hơn. Theo em việc thi 4 môn sẽ khiến học sinh phải học nhiều và vất vả hơn, nhưng tỷ lệ chọi vào các trường công lập ở Hà Nội rất cao, do đó với nhiều thí sinh môn thứ 4 cũng là môn gỡ điểm, đem lại nhiều cơ hội hơn. Hiện tại dù lo lắng nhưng em vẫn cố gắng lên kế hoạch học tập khoa học nhất có thể, tự nhìn nhận lại điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới”, Chi chia sẻ.
Cần hướng dẫn trọng tâm các môn thi
Thầy Nguyễn Viết Tiến, giáo viên môn Toán Trường THCS Xuân Sơn, Hà Nội cho biết, dù tổ chức dạy học trực tiếp, song công tác dạy và học vẫn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
“Nhiều lớp vừa học được vài ngày đã phải chuyển sang học trực tuyến do số học sinh mắc Covid-19 tăng cao. Không chỉ học sinh mà cả thầy cô cũng phải vừa dạy học vừa cách ly do mắc Covid-19. Hiện nay đã có 2/3 lớp do tôi phụ trách môn Toán phải chuyển sang học online. Giáo viên đến trường vừa phải dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đường truyền nhiều khi không ổn định, học sinh không nghe rõ lời thầy cô giảng, thiếu tập trung, có em đang học vẫn bỏ đi chơi điện tử hay nhắn tin với những bạn khác. Việc thay đổi liên tục hình thực học tập cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học tập của học sinh.
Với tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay, tôi cho rằng Sở GD-ĐT nên bỏ bớt môn thi thứ 4 để giảm tải áp lực cho học sinh và cả giáo viên”, thầy Tiến nêu quan điểm.
Cô Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, ngay sau khi đi học trực tiếp, nhà trường đã yêu cầu giáo viên củng cố kiến thức còn thiếu hụt cho học sinh, dạy đều tất cả các môn, giúp học sinh có tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, tình trạng học online dài ngày, cô Hương cũng cho rằng việc bỏ môn thi thứ 4 sẽ hợp lý hơn cả.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc thi 3 môn hay 4 môn không quan trọng, tuy nhiên, kỳ thi vào lớp 10 nên phụ thuộc vào yêu cầu thi và cách ra đề thi. Không quá lo lắng về việc bớt môn thi, thay vào đó cần làm rõ trọng tâm thi. Yêu cầu của cuộc thi là kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh, khả năng tư duy, không phải kiểm tra số lượng kiến thức. Bởi vậy, khi ra đề thi cần đưa ra bài toán xem năng lực tư duy của học sinh đến đâu, để các em tự đưa ra phương án giải quyết, tự học, tự suy ngẫm, như vậy sẽ giảm được thời gian học.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội nên có hướng dẫn rõ ràng trọng tâm của các môn thi: “Nếu học theo SGK thì rất nhiều, dàn trải, cần phải cho học sinh biết đâu là trọng tâm, đâu là kiến thức cơ bản, ngoài ra cũng cần xem cách các em vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống ra sao. Đó là năng lực cần hướng tới.
Quan điểm của tôi là Sở GD-ĐT Hà Nội cần sớm công bố trọng tâm các môn thi và có định dạng bài giải, rèn tư duy gắn với thực tiễn để học sinh luyện tập chứ không nên cộng nhiều giờ học bù để gắn kiến thức vào. Như thế sẽ không lo học 3 hay 4 môn, không cần chạy theo số lượng”./.
Học sinh Hà Nội mong sớm công bố môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm 2022
Nhiều học sinh, phụ huynh ở Hà Nội mong muốn sớm được công bố các môn thi vào lớp 10 THPT công lập năm nay để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thay vì chờ đợi đến tận tháng 3 như mọi năm.
Thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm 2022, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, ngoài ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, học sinh sẽ biết môn thi thứ tư vào tháng 3 hằng năm. Đây là quy định đã được duy trì trong những năm gần đây.
Sở yêu cầu thời điểm hiện tại, các nhà trường tổ chức dạy học đầy đủ nội dung các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định nhằm bảo đảm học sinh có kiến thức, kỹ năng tốt để tiếp tục học tập có chất lượng khi vào lớp 10.
"Trên cơ sở tham khảo ý kiến chuyên gia và căn cứ tình hình dịch bệnh, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội quyết định phương án thi và sẽ công bố số môn thi cụ thể trong tháng 3/2022", ông Tiến nói.
Ảnh minh họa
Có con tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, chị Nguyễn Thu Nga (quận Hà Đông) tỏ ra không đồng tình khi Sở GD&ĐT không có kế hoạch công bố sớm môn thi thứ tư vào lớp 10 mà vẫn để tới tháng 3 như mọi năm.
Theo vị phụ huynh này thì năm nay là một năm học đặc biệt khi học sinh nhiều nơi học trực tuyến từ đầu năm học. Đó cũng là thiệt thòi với các em nên việc giữ nguyên phương án thi 4 môn và thời gian công bố muộn như những năm trước là không phù hợp.
"Tôi cho rằng việc để đến tận tháng 3 mới công bố môn thi thứ 4 là không hợp lý. Ai cũng biết học online liên tục đã quá vất vả với các con, không những kiến thức mà tâm sinh lý và thể chất cũng bị ảnh hưởng, vì thế Sở GD&ĐT Hà Nội nên công bố sớm cho học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất", chị Nga cho hay.
Ba năm liên tiếp phải học trực tuyến, trong đó có gần 1 năm chưa được đến trường, nhiều học sinh lớp 9 năm nay tại Hà Nội rất lo lắng trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới vì thực tế học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp, không được tương tác với thầy cô nên tiếp thu kiến thức có phần hạn chế.
Em Ngô Thu Quỳnh - học sinh lớp 9 Trường THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy cũng mong muốn sớm biết các môn thi để kịp ôn tập. Như vậy, em sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.
"Năm nay, phần lớn thời gian em học trực tuyến nên việc tiếp thu kiến thức ảnh hưởng ít nhiều. Hiện tại, em vẫn đang tập trung ôn tập đều ở các môn, tận dụng thời gian được đến trường, bồi đắp kiến thức hổng sau thời gian dài học trực tuyến, nhưng nếu được công bố môn thi thứ 4 sớm hơn thì em cũng có nhiều thời gian chuẩn bị trong việc học tập và ôn thi", Quỳnh nói.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Huy Văn (quận Đống Đa) cho biết, trường của cô đóng trên địa bàn phường là tâm dịch của quận và thành phố trong thời gian dài đã gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập của học sinh. Nhiều học sinh nhiễm F0, gia đình bị cách ly, phong tỏa khiến cho học sinh không có điều kiện học tập dù là trực tuyến. Do đó, việc giảm bớt số môn thi vào lớp 10 là hợp lý để giảm bớt áp lực cho các em, hoặc chí ít thì Sở công bố môn thi sớm hơn cho các em có thời gian ôn thi.
Kì thi tuyển sinh vào 10: Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là tới kì thi tuyển sinh vào lớp tại Hà Nội, trong khi phụ huynh và học sinh đang sốt ruột từng ngày "ngóng" môn thi thứ 4 thì cũng xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi này để giảm áp lực cho học sinh. Học "on - off" đã quá...