Học sinh lớp 12 sốc vì cú “bẻ lái” trong cách tính điểm bài thi tổ hợp
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT, kỳ thi THPT 2020 với mục đích lấy kết quả xét tốt nghiệp sẽ có những thay đổi đáng kể về cách tính điểm, thời gian làm bài và số lượng câu hỏi trong bài thi.
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp năm nay sẽ chỉ quy 1 đầu điểm ở thang điểm 10 và môn thi tổ hợp cũng chỉ tính 1 đầu điểm thay vì 3 bài thi 3 đầu điểm ở bài thi tổ hợp như năm ngoái.
Cách tính điểm trên khiến không ít học sinh bất ngờ và lo lắng. Em Nguyễn Việt Anh – học sinh lớp 12 Hệ thống Liên cấp Newton (Hà Nội) cho hay: “Cách tính một đầu điểm thay vì 3 đầu điểm trong bài thi tổ hợp như năm nay thì thí sinh nào dùng tổ hợp D1 để xét tuyển đại học sẽ có lợi nhất. Bởi lẽ, dù sao Toán, Văn, Ngoại ngữ cũng là môn thi bắt buộc không thay đổi về cách tính điểm, thí sinh không phải lo lắng về thay đổi cách học trong thời điểm nước rút này”.
Việt Anh cho hay, năm nay em chọn khối D07 (Toán, Hóa, Anh) để xét tuyển đại học. Bây giờ, Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thi tốt nghiệp, thay đổi cách tính điểm khiến những học sinh như em chịu thiệt thòi lớn.
Nếu như năm ngoái, ngoài Toán, tiếng Anh thì Việt Anh sẽ chỉ dùng kết quả môn Hóa để xét tuyển. Nhưng bây giờ khi còn vài tháng nữa là kỳ thi đến, Việt Anh phải thay đổi cách học, ôn luyện thêm cả môn Lý, Sinh trong tổ hợp khoa học tự nhiên, trong khi môn Lý, Sinh không thể hiện rõ ràng năng lực của Việt Anh về ngành học liên quan ở trường đại học trong tương lai.
Việt Anh mong muốn Bộ GD-ĐT hãy hiểu cho khó khăn của học sinh. “Sự thay đổi liên tục khiến chúng em không kịp thích ứng. Chúng em đang tăng tốc kế hoạch ôn luyện để về đích, sự thay đổi thế này làm khó hàng triệu thí sinh lớp 12 như em”, Việt Anh chia sẻ.
Video đang HOT
Học sinh lớp 12 sẽ phải thay đổi cách ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 (Ảnh minh họa: H.T)
Cũng có con đang học lớp 12 và sẽ tham dự kỳ thi xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay, chị Nguyễn Ánh Phương (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Được biết, Bộ GD&ĐT thay đổi cách tính điểm trong bài thi tổ hợp là để thí sinh có động lực học đều tất cả các môn học thay vì chỉ học 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học.
Là một người mẹ có con thi tốt nghiệp năm nay tôi cho rằng việc thay đổi cách tính điểm với mục tiêu như Bộ GD&ĐT nói là chưa hợp lý. Việc thay đổi trong thời điểm này đi kèm sẽ là học sinh phải thay đổi cách học, học nhiều môn hơn để thi thay vì học 3 môn như trước.
Như con trai tôi, tôi chỉ muốn con tập trung học 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học còn các môn khác chỉ cần “qua” điểm liệt là được. Nếu thay đổi là để thí sinh học đều tất cả các môn thì Bộ GD-ĐT chỉ cần nâng điểm liệt lên là 3-4 điểm thay vì 0 điểm như trước là có thể giải quyết vấn đề. Cần gì phải thay đổi cách tính điểm trong hai bài thi tổ hợp khiến hàng triệu thí sinh lâm cảnh bất ngờ, khó khăn”.
Liên quan đế vấn đề trên, PGS.TS Mai Văn Chinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD -ĐT) cho hay: “Việc thay đổi cách tính điểm theo mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 chính là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra, hướng tới nền giáo dục toàn diện, không chấp nhận việc bỏ hẳn việc học môn này, chỉ học môn khác để xét tuyển đại học. Nếu thế sẽ không đạt mục tiêu giáo dục, học sinh phải học toàn diện để đảm bảo nền tảng cơ bản để có định hướng cho việc chọn nghề nghiệp sau này”.
Theo PGS.TS Mai Văn Trinh, bài thi tổ hợp vẫn giữ số lượng môn thi như năm ngoái, nếu các em đầu tư môn nào đó là thế mạnh của mình sẽ vẫn được điểm cao.
“Tôi hiểu và chia sẻ với thí sinh vì các em cho rằng không nên lấy 1 đầu điểm, nó sẽ ảnh hưởng đến việc dùng tổ hợp môn thi để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, phương thức của kỳ thi thay đổi thì phương thức tuyển sinh, tổ hợp các điểm tuyển sinh cũng sẽ thay đổi, và chắc chắn vấn đề các em lo lắng sẽ được giải quyết trong thời gian tới” – ông Mai Văn Trinh cho biết.
Hoàng Thanh
Những lý do Bộ GDĐT không tách điểm môn thành phần trong bài tổ hợp
Theo đại diện Bộ GDĐT, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra hướng tới giáo dục toàn diện, nên không chấp nhận việc học lệnh, bỏ môn này hay môn khác.
Những ngày qua, tâm trạng chung của gần 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước là lo lắng, cố gắng tập thích nghi với những thay đổi của kỳ thi THPT năm 2020.
Kỳ thi không chỉ được thay đổi tên, mà thay đổi cả mục tiêu khi kết quả dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chứ không phải mục tiêu "2 trong 1", vừa xét tốt nghiệp vừa là căn cứ để trường đại học tuyển sinh như trước.
Những thay đổi này được đưa ra khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kỳ thi được tổ chức, nó khiến học sinh bối rối, trường đại học cũng phải xoay xở điều chỉnh phương án để tuyển sinh.
Điều khiến cả học sinh và trường đại học đang lúng túng là điểm mới của kỳ thi năm nay, trong đó có việc không tách điểm các môn thành phần trong bài thi tổ hợp, mà sẽ quy về một đầu điểm duy nhất.
Nhiều thí sinh cho rằng điều này khiến các em bị thiệt thòi khi phải tăng cường học một số môn để xét tuyển theo khối, trong khi thời gian để ôn tập không còn nhiều. Thực tế là ngay từ đầu năm học lớp 12, học sinh đã chú trọng, học lệch những môn theo khối thi truyền thống, để phục vụ mục tiêu đỗ đại học.
Lý giải về việc năm nay Bộ GDĐT không tách điểm môn thành phần trong bài tổ hợp, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho rằng, xuất phát từ yêu cầu, mục đích của kỳ thi là đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra của bậc phổ thông hiện nay hướng tới giáo dục toàn diện, cũng như khuyến khích phát triển năng khiếu của mỗi học sinh qua các môn học khác nhau. Vì mục tiêu đó nên chúng ta không chấp nhận bỏ môn này hay môn khác, vì như vậy sẽ không đạt mục tiêu giáo dục.
Những năm qua, Bộ GDĐT đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật, như đặt điểm liệt với các môn thi, cũng nhằm tạo động lực là nếu thí sinh muốn đạt được yêu cầu của chuẩn đầu ra thì ít nhất phải học một cách toàn diện, đạt được mức độ học vấn ở mức cơ bản. Việc thay đổi cách thi cũng nhằm định hướng cách dạy học. Bộ GDĐT không khuyến khích, thậm chí người học cần loại bỏ suy nghĩ học lệnh.
Ông Mai Văn Trinh- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Trinh cũng khẳng định, tất cả các điểm của bài thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp KHTN (gồm 3 môn Vật lý, Hoá học, Sinh học) và bài thi KHXH (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ theo thang điểm 10. Mỗi thí sinh sẽ có 4 đầu điểm để xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Bài thi tổ hợp vẫn gồm các câu hỏi của bài thi thành phần như lâu nay. Trên cơ sở kiến thức cơ bản ấy, học sinh đi sâu vào những phân môn là năng lực sở trường của mình thì vẫn hoàn toàn có lợi. Với yêu cầu này các em phải học toàn diện để đảm bảo nền tảng và học sâu vào môn năng khiếu để có lựa chọn ngành nghề về sau.
Ông Mai Văn Trinh cho rằng, trước thay đổi của kỳ thi năm nay học sinh không nên quá lo lắng vì các em vẫn dự thi tại địa phương của mình. Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ công bố thêm đề minh hoạ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để học sinh, thầy cô có căn cứ hướng dẫn, ôn tập cho học sinh.
ĐẶNG CHUNG
Giảm tải chương trình: Phải đánh giá đúng việc tự học Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố nội dung giảm tải chương trình học các cấp, nhiều giáo viên (GV) tại TP HCM cho rằng giảm tải chương trình giáo dục phổ thông trong giai đoạn này là cần thiết. Ảnh minh họa Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục và các nhà giáo cho rằng liệu nội dung...