Học sinh lớp 12 sẽ nuối tiếc, nếu…
Chỉ còn vài tháng nữa bạn sẽ kết thúc thời học sinh đẹp nhất. Đây là lúc bạn sống trọn vẹn, ý nghĩa cho khoảng thời gian còn lại… Và có thể bạn sẽ hối hận nếu như…
Không viết lưu bút
Thu Tuyền (sinh viên năm 1 ĐH Ngân Hàng) chia sẻ: “Điều mà mình hối hận nhất vào năm lớp 12 là không chịu viết lưu bút. Bây giờ, thi thoảng nhớ về những kỉ niệm năm xưa, nhớ về bạn bè, thì một số người đã mất liên lạc rồi, một chút kỉ niệm về họ cũng không lưu giữ. Năm lớp 12, mình bận học quá, phần vì sợ nhờ mọi người ghi lưu bút sẽ rắc rối, ảnh hưởng đến việc học, rồi mất thời gian, lại… “sến” vì thời buổi này chỉ cần có nick là không bao giờ mất liên lạc được… Nhưng mình đã lầm. Không phải bạn nào cũng thích online liên tục và đôi khi nói chuyện trực tiếp sẽ đỡ nhạt hơn là nói chuyện qua câu chữ…”.
Đừng nghĩ rằng viết lưu bút là “sến”, “không hợp thời”, “màu mè”… Thật ra, dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì việc kí họa cảm xúc bằng các con chữ luôn thật sự có ý nghĩa. Sẽ có một lúc nào đó trong đời, khi bạn đã thật sự trưởng thành và nhớ về những kỉ niệm xưa cũ, thì lật từng trang lưu bút, kí ức sẽ hiện về rõ mồn một. Đến lúc ấy, quyển lưu bút được xem như báu vật vô giá vậy.
Không cần cầu kì đâu. Mua một quyển sổ thật lớn và chuyền tay nhau viết, vẽ, trang trí và dán hình nhé. Lưu lại thông tin cá nhân cũng như địa chỉ và đặc điểm nhận dạng nữa. Sẽ đến lúc bạn cần liên lạc với bạn bè cũ, và bạn chỉ việc lật giở quyển sổ để tìm.
Chỉ biết học và học
Có thể nói, năm 12 là năm học vất vả nhất trong suốt hành trình học tập của đời người. Bởi nó quyết định cả tương lai, quyết định số phận và là bước đệm để vào đời. Áp lực tinh thần là rất lớn, nhưng không thể vì vậy mà các bạn 12 vùi đầu vào sách vở và quên mất những thứ xung quanh.
“Có bao giờ bạn hối tiếc vì năm 12 học quá nhiều? Mình thì đã hối tiếc rồi đấy… Trong khi bạn bè có vô số kỉ niệm để nhắc lại, thì bây giờ mình gần như mất hết liên lạc với hội bạn cũ, mà nếu có, mình cũng chỉ trò chuyện xã giao. Mình tự cô lập bản thân và đề cao quyết tâm đậu đại học. Khi đậu rồi, mình lại cảm thấy mình đã đánh mất quá nhiều thứ… Nhưng quá muộn để có thể bắt đầu lại” – Phi Vân (sinh viên năm 1 ĐH Kinh Tế) tâm sự.
Sống vì tình yêu, bỏ quên tình bạn
Video đang HOT
Năm cuối cấp, rất có thể nhiều bạn đã có một tình yêu trong sáng, lãng mạn và tràn đầy hy vọng về tương lai. Áp lực có thể biến thành động lực để bạn phấn đấu vì “ai đó”. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng, bạn bè cũng rất quan trọng?
Ai là những người luôn sát cánh bên bạn, ai là người bạn có thể chia sẻ tất tần tật mọi điều, ai là người luôn nâng đỡ tinh thần bạn, tạo cho bạn sự ấm áp khi bạn đau khổ vì tình yêu? Chỉ có thể là bạn bè. Và có những khoảnh khắc chẳng bao giờ trở lại. Lên đại học, thật khó để kiếm được những người bạn có cùng sở thích với mình, sống vô tư giống mình, và hài hước khi mình cần. Do vậy, nếu đang yêu, cả hai bạn cũng phải dành chút thời gian để tán gẫu cùng bạn bè, đi ăn kem với họ, đi sinh nhật nếu họ mời, tham gia nhiệt tình các hoạt động phong trào cùng họ…
Hướng nội hơn hướng ngoại
Nhiều bạn tự cho mình đã lớn nên thường dành nhiều thời gian suy ngẫm, chiêm nghiệm hơn là hành động. Trong đầu các bạn cuối cấp bây giờ là một mớ bong bong những suy nghĩ về sự nghiệp, tương lai, tình yêu, tình bạn, gia đình, cuộc sống, xã hội… Họ nghĩ và họ bắt bản thân phải chìm trong những suy nghĩ ấy, nên đôi lúc hay buồn vu vơ, hoặc thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ, mặc cho bạn bè đang đùa giỡn, mặc cho mọi người rủ đi chơi thể thao…
Bạn à, suy nghĩ nhiều cũng tốt, điều đó chứng tỏ bạn trưởng thành, nhưng không nên khép kín, chui vào trong vỏ ốc tự tạo và rồi suốt ngày chỉ biết suy nghĩ, chẳng màng đến mọi thứ xung quanh, chẳng hề cảm nhận được giá trị sống đích thực. Đôi khi, chính những điều đơn giản lại mang đến cho ta niềm vui, hơn là những điều hư ảo làm tinh thần ta mệt nhoài.
Lời khuyên khác
Nếu là học sinh năm cuối cấp, bạn hãy:
Nhiệt tình làm quen với những người bạn cùng lớp mà trước nay bạn gần như chưa trò chuyện bao giờ. Rồi bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị trước khi rời xa họ
Chụp ảnh! Lưu giữ lại những khoảnh khắc đáng yêu để rồi 10 năm sau khi đi họp lớp lại lôi ra để cùng nhau cười đùa, ôn lại kỉ niệm xưa…(không phải lo xa đâu, thật ra thời gian trôi qua cũng nhanh lắm đấy)
Ngoan ngoãn học tập để thầy cô không phiền lòng. Hăng hái giơ tay phát biểu. Bày tỏ lòng biết ơn thầy cô và nói ra những suy nghĩ của mình (điều này không phải học sinh lớp 12 nào cũng làm được đâu nhé!)
o0o
Những kì thi quan trọng sắp đến, chúc các bạn học sinh cuối cấp sẽ gạt bỏ mọi áp lực và thành công. Đừng quên rằng, thời gian không thể quay trở lại, nên hãy dành một chút thời gian để lưu giữ lại những khoảnh khắc quý báu, bạn nhé!
Theo Mực Tím
Bí quyết làm bài thi Văn tốt nghiệp đạt điểm cao
Một mùa thi lại đến mang theo bao hy vọng đan xen bao âu lo trong các em học sinh lớp 12. Để giúp các em có thể ôn tập và làm bài tốt môn Ngữ Văn, cô giáo dạy văn Trương Thị Hiền Lương chia sẻ bí quyết để đạt điểm cao môn Văn.
Ôn luyện là công việc bắt buộc cho tất cả các học sinh cuối cấp. Ôn là học lại những kiến thức của 12 năm đèn sách và để xem khối kiến thức ấy các em đã nắm được bao nhiêu phần trăm. Còn luyện là việc các em vận dụng kiến thức để đi vào làm các bài văn cụ thể.
Một điều rất cần thiết là các em luôn phải nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nắm vững được bài giảng của các thầy cô trên lớp về nội dung và nghệ thuật của từng tác phẩm văn học cụ thể. Ví dụ như học về bài thơ Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng, các em không thể không biết về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ này, về hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ - những người con của đất Thăng Long Hà Nội đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, đã được Quang Dũng xây dựng thành bức tượng đài bi tráng trong tác phẩm Tây tiến như thế nào. Hay như học về tác phẩm Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn, các em không thể không hiểu về hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người mang theo các lớp nghĩa hàm ẩn như thế nào.
Học Văn tối kỵ là học vẹt, học tủ. Các em phải biết hệ thống hóa kiến thức và phải biết chốt lại những kiến thức trọng tâm của tác phẩm, để tránh lan man xa đề, lệch đề khi làm bài.
Các em nên tạo thói quen học tập hàng ngày, không nên để bài vở dồn lại và thức trắng đêm để giải quyết chúng. Hãy luyện cho mình giống như một chú kiến chăm chỉ cần mẫn tha dần từng khối lượng kiến thức về cho mình. Có được thói quen chăm chỉ đó các em vừa hoàn thành được bài vở của mình mà vẫn có thể vui chơi cùng bè bạn trong năm học cuối cấp này.
Hãy lên một kế hoạch thật cụ thể, tỉ mỉ và chi tiết để có được một thời gian biểu hợp lý: học tập, ăn uống, nghỉ ngơi hài hòa thì mới có được sức khỏe để vững vàng bước vào những kỳ thi đầy thử thách ở phía trước. Trong thời điểm này sức khỏe là yếu tố tiên quyết giúp các em có được 50% thắng lợi.
Bên cạnh đó để làm bài thi cho thật tốt, các em hãy bám sát vào cấu trúc đề thi mà các thầy cô giáo đã hướng dẫn các em trên lớp. Bắt đầu từ năm học 2008-2009, học sinh khối 12 trong cả nước đã được học theo chương trình và sách giáo khoa mới. Bộ GD-ĐT đã có thông báo về cấu trúc đề thi tốt nghiệp và đại học theo hai phần rất rõ rệt:
I. Phần chung cho tất cả các thí sinh (5 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam và tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài.
Câu 2 (3 điểm): Vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn khoảng 400-600 từ để nghị luận về một tư tưởng đạo lý hoặc một hiện tượng xã hội.
II. Phần riêng - Phần tự chọn: Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu 3a hoặc 3b theo chương trình Chuẩn hoặc Nâng cao. Đó là phần vận dụng khả năng đọc hiểu và kiến thức văn học để các em có thể viết được hoàn chỉnh một bài nghị luận văn học.
Khi vào phòng thi các em hãy luôn giữ bình tĩnh không tự tạo áp lực cho bản thân. Hãy đọc kỹ đề bài và lựa chọn những câu hỏi phù hợp với khả năng của các em để làm trước.
Một điều tối cần thiết là các em phải phân bố thời gian hợp lý khi làm bài để tránh hết thời gian mà bài vẫn chưa hoàn thành. Thay vì làm lan man mỗi câu một chút, các em nên tập trung vào từng câu một để có thể chắc chắn có những cơ số điểm thích hợp.
Chúc các em một mùa thi thành công!
Cô giáo Trương Thị Hiền Lương
Giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội
Theo Dân Trí
SV bị buộc thôi học có được dự thi ĐH? Ngành Hóa dầu ra trường làm việc ở đâu? Trường ĐH Tài Nguyên Môi trường đã tuyển sinh chưa? Tương lai ngành Kinh tế có bão hòa? Xác nhận hồ sơ ĐKDT ở nơi thường trú hay nơi cư trú? SV năm thứ 4 bị thôi học do lực học kém, có được dự thi ĐH? ảnh nguồn google Em tên Đại, hiện...