Học sinh lớp 12 ráo riết tập dượt trước kỳ thi chính thức
Học sinh lớp 12 Trường THPT Đống Đa trong giờ ôn tập.
Ngày 2-7 tới, học sinh trên toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia, đây là năm đầu tiên thi theo phương án mới với nhiều thay đổi. Để giúp học sinh làm quen với thi cử, các trường THPT ở Thủ đô đang ráo riết ôn luyện, tổ chức cho học sinh thi thử.
Kết thúc đợt bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, qua thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, số thí sinh (TS) tham gia kỳ thi THPT quốc gia là hơn 83.490 học sinh, tăng khoảng 10 nghìn học sinh so với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Do thành phố không tổ chức thi thử kỳ thi THPT quốc gia tập trung như ở một số địa phương khác, cho nên các trường tự đứng ra tổ chức thi thử cho học sinh, để các em được làm quen với cách ra đề, làm bài thi trước khi bước vào kỳ thi chính thức.
Em Nguyễn Quang Anh, học sinh lớp 12C Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) cho biết, đến thời điểm này, các thầy, cô giáo đang tập trung cho các học sinh ôn luyện, ngoài ba môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, các thầy, cô giáo tăng cường ôn cho các môn Địa lý và Lịch sử. “Em học ban C, do vậy môn Lịch sử và Địa lý là hai môn thế mạnh của em, kỳ thi THPT quốc gia sắp tới ngoài ba môn thi bắt buộc, em đăng ký thi thêm môn Địa lý để xét vào đại học. Để giảm căng thẳng và bớt lo lắng cho học sinh, nhà trường đã tổ chức thi thử mỗi tháng một lần. Có thể nói, đến thời điểm này, không chỉ riêng em mà cả các bạn trong lớp đều thấy tự tin hơn, không còn lúng túng trong các thao tác, cũng như kỹ năng làm bài như lần thi đầu nữa”, Quang Anh chia sẻ. Em Tuấn Anh học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) tâm sự: “Kiểm tra, thi thử rất bổ ích cho chúng em, trong những kỳ thi thử, các thầy, cô giáo trông thi rất nghiêm. Đề thi các thầy, cô giáo đều ra theo dạng đề mẫu của Bộ GD-ĐT, giúp bọn em cảm thấy vững tâm hơn” . Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, sau nhiều lần thi thử, học sinh đã có kinh nghiệm làm bài thi với quy trình, cách thức ra đề như đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Nhiều phụ huynh, học sinh qua việc thi thử đã tự đánh giá được năng lực để có những điều chỉnh phù hợp trong việc lựa chọn đăng ký môn thi cũng như quá trình ôn thi.
Trường THPT Đồng Quan (huyện Phú Xuyên) đã tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 ngay từ học kỳ II, với những môn tự chọn trường phải ghép lớp, ghép nhóm. Ngoài ra, trường cũng tăng cường tổ chức lớp học nâng cao ba môn cho những học sinh có nguyện vọng xét vào các trường đại học. Đầu tháng 5 nhà trường đã tổ chức kỳ thi thử cho học sinh, cách ra đề dựa vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Công tác coi thi làm chặt chẽ như một kỳ thi thật, qua mỗi kỳ tập dượt như vậy học sinh sẽ có kinh nghiệm, kỹ năng làm bài thi, sẽ đỡ lúng túng trước kỳ thi. Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Nam Từ Liêm) cho biết, lượng học sinh đăng ký ôn thi tại trường lên tới gần 90%. Việc đăng ký ôn thi hoàn toàn tự nguyện, theo nhu cầu của học sinh. “Thực tế cho thấy, việc ôn tập ở trường có nhiều thuận lợi vì các thầy, cô giáo nắm được năng lực học sinh, ôn tập phù hợp với trình độ học sinh. Nhà trường xây dựng riêng một chương trình ôn thi theo hệ thống, chuyên đề, chứ không phải để các thầy, cô giáo tự xoay xở”, đại diện nhà trường cho biết.
Phần lớn lãnh đạo các trường THPT đều cho rằng, học sinh cần phải được hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng làm bài thi, hệ thống lại kiến thức, bám sát hướng ra đề của Bộ GD-ĐT thay vì học tủ, học tràn lan. Với môn Ngữ văn, học sinh được khuyên cần tập trung luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản; môn Toán cần đạt điểm tối đa ở những câu dễ, câu cơ bản, ở môn Tiếng Anh cần cho các học sinh tăng cường luyện tập dạng bài luận.
Với một kỳ thi có nhiều đổi mới, nhất là việc khai, đăng ký nộp hồ sơ, dễ xảy ra những sai sót. Tuy nhiên, chung quanh vấn đề này, lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Nội nhấn mạnh, thí sinh không phải quá lo lắng nếu phát hiện sai sót trong hồ sơ vì vẫn có thể sửa đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký dự thi của mình. Theo quy định của Bộ GD – ĐT, sau khi kiểm tra thông tin về hồ sơ theo tài khoản của mỗi cá nhân, nếu phát hiện sai lệch thông tin, ngày 30-6-2015 (trước ngày thi một ngày), TS sẽ đến các điểm thi để làm thủ tục dự thi, chỉnh sửa các sai sót trong hồ sơ đã đăng ký. Lãnh đạo Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, hiện Sở đang đối chiếu thông tin các môn thi theo đăng ký của TS với số liệu được nhập để kịp thời điều chỉnh nếu phát hiện sai lệch
Theo nhandan.org.vn