Học sinh lớp 12 kiểm tra giữa kỳ trên máy tính và điện thoại
Trước lộ trình sau năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức thí điểm thi trên máy tính, các trường THPT đã có bước chuẩn bị cho học sinh, bắt đầu ngay từ bài kiểm tra giữa kỳ.
Học sinh Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) làm bài kiểm tra trên điện thoại – B.THANH
Biết kết quả ngay sau khi nộp bài
Vào giữa tháng 10, gần 1.000 học sinh (HS) từ lớp 10 đến lớp 12 của Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM) lần lượt thực hiện các bài kiểm tra giữa kỳ (trừ môn thể dục, ngữ văn, giáo dục quốc phòng) theo hình thức trực tuyến. Trên cơ sở giải pháp trường học thông minh, mỗi HS được cấp tài khoản cá nhân và có thể làm bài kiểm tra của mình bằng điện thoại thông minh, máy tính để bàn, máy tính bảng, máy tính cá nhân…
Tương tự, HS Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) cũng thực hiện bài kiểm tra giữa kỳ tại phòng máy thay cho hình thức làm bài kiểm tra trên giấy như những năm trước. Đến giờ kiểm tra từng môn, nhà trường sẽ chuyển đề bài vào tài khoản cá nhân của từng HS, các em sẽ tính toán trên giấy nháp và điền kết quả vào bài làm trên máy.
Với hình thức kiểm tra mới này, Nguyễn Trần Gia An, HS lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du, cho biết: “Sau khi bấm nút nộp bài, bài kiểm tra được chấm ngay lập tức trên hệ thống và chúng em biết kết quả bài làm sớm hơn rất nhiều so với cách kiểm tra truyền thống. Và nếu như năm 2021, Bộ bắt đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên máy tính thì việc trải nghiệm hình thức kiểm tra này khá thú vị và là cơ hội để chúng em làm quen dần”.
Ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang, cho biết: “Để chính thức quyết định thay đổi hình thức kiểm tra từ giấy sang trực tuyến, nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, đường truyền internet và tập huấn cho giáo viên về cách biên soạn đề, sau đó cho HS làm bài kiểm tra thử trên máy để tập dượt. Cả giáo viên và HS đều tỏ ra hứng thú với hình thức kiểm tra này nên nhà trường mạnh dạn triển khai”.
Video đang HOT
Hạn chế gian lận
Việc thay đổi hình thức kiểm tra truyền thống sang áp dụng công nghệ, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), đó không chỉ là xu thế mà còn là sự chuẩn bị theo lộ trình đổi mới hình thức thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH trong thời gian tới.
Để vận hành phương thức kiểm tra này, nhà trường không chỉ cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất mà giáo viên cần bổ sung kỹ năng về tin học. Nếu không có kỹ năng môn học này thì rất vất vả khi làm đề đặc biệt với những môn tự nhiên, đòi hỏi sử dụng nhiều công thức…
Ông Võ Thiện Cang cũng nói, với khả năng sử dụng tin học nhất định, mỗi giáo viên bộ môn sẽ biên soạn đề kiểm tra theo ma trận đề, nộp cho tổ trưởng chuyên môn và ban giám hiệu duyệt đề kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, mỗi đề thi tự động đảo thành 8 mã đề và phần mềm ứng dụng sẽ tự động chấm bài, gửi kết quả cho HS.
Giáo viên Thiều Quang Thịnh, Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè (TP.HCM), nhận xét: “Hiệu quả nhận thấy trước mắt là mỗi HS có một mã đề và các em chỉ tập trung vào bài làm của mình trên hệ thống mà không có thời gian quan sát, trao đổi, hạn chế gian lận trong khi làm bài. Thứ hai là, HS sẽ biết điểm của mình ngay lập tức và điểm số này hoàn toàn chính xác nhờ vào việc đã lập trình, không có chuyện chấm sai sót, thiếu điểm. Còn về phía giáo viên thì giảm được khâu chấm điểm và nhập điểm lên hệ thống sẽ dành thời gian chăm chút, cẩn trọng trong việc ra đề kiểm tra cho chuẩn xác”.
Ngoài ra, giáo viên Thiều Quang Thịnh cũng chỉ ra lợi thế khi để HS làm kiểm tra trên điện thoại vì HS tại TP.HCM sở hữu điện thoại thông minh khá nhiều và cũng đã hình thành thói quen sử dụng các giải pháp công nghệ và các tiện ích phục vụ cho bản thân mình. Vì vậy bên cạnh việc sử dụng máy tính bàn, laptop hay máy tính bảng thì việc biến điện thoại trở thành công cụ phục vụ học tập, kiểm tra cũng sẽ khiến HS thích thú, dễ dàng tiếp cận và tích cực, đạt hiệu quả trong việc đánh giá năng lực học tập.
Còn thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng qua những bài kiểm tra của HS được lưu giữ trên hệ thống sẽ giúp giáo viên bao quát được quá trình học tập của các em. Từ đó, sẽ có sự bổ sung bài tập về lượng và chất để giúp HS tiến bộ. Ngoài ra, khi áp dụng hình thức kiểm tra này thì giáo viên cũng phải chủ động cập nhật nhiều dạng bài tập, câu hỏi kiến thức để bổ sung nguồn đề dự trữ.
Theo lộ trình đã công bố thì lứa HS lớp 10 và lớp 11 năm học này sẽ là những thí sinh đầu tiên tham dự kỳ thi THPT quốc gia bằng hình thức trên máy. Vì vậy, để cơ hội cọ xát và giúp HS có sự chuẩn bị tốt nhất, thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, Tổ trưởng Tổ Toán Trường THPT Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), còn cho rằng nếu có thể thì các tổ bộ môn của các trường phối hợp với nhau để tạo ngân hàng đề kiểm tra. Việc làm này giúp nguồn đề bài phong phú, đa dạng và HS có nhiều cơ hội để trải nghiệm.
Theo Thanh niên
Kiểm tra trực tuyến - làm sao nhân rộng?
Mới đây, trong đợt kiểm tra giữa kỳ khối 12 tại TPHCM, Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5, đã tổ chức cho học sinh kiểm tra theo hình thức trực tuyến.
Ảnh minh họa/ INT
Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại cá nhân. Mỗi em được cấp một tài khoản, đến giờ làm bài, nhà trường gửi đề kiểm tra vào tài khoản của học sinh. Các em sẽ tính toán trên giấy nháp và điền kết quả bằng điện thoại/máy tính.
Sau khi thí sinh bấm nút nộp bài, bài thi được chấm ngay lập tức trên hệ thống, tự động vào sổ điểm, và báo điểm ngay cho thí sinh. Hình thức kiểm tra này, năm học trước, cũng được Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM tổ chức với đợt kiểm tra giữa học kỳ II khối 12 môn Toán trên máy vi tính kết nối mạng.
Thi hay kiểm tra trực tuyến là một hình thức kiểm tra, đánh giá được các trung tâm dạy học, khảo thí ngoại ngữ, các trường học trực tuyến, trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng... áp dụng khá phổ biến hiện nay. Lợi ích rõ nhất với kiểm tra/thi trực tuyến là khá minh bạch, đánh giá đúng năng lực học sinh, khó gian lận. Về phía giáo viên thì tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho việc soạn đề, tạo các tổ hợp đề và chấm điểm bài làm. Học sinh hứng thú vì kết quả làm bài sẽ hiển thị ngay sau khi trả lời tất cả câu hỏi.
Tuy vậy, trong nhà trường phổ thông, nhất là hệ thống công lập, cách thức kiểm tra đánh giá này vẫn là khá mới mẻ và... còn khó nhân rộng. Bởi để tổ chức kiểu thi này trong trường phổ thông đòi hỏi nhà trường cần phối hợp với một đơn vị triển khai phần mềm khảo thí trực tuyến - phần mềm có các chức năng như giao bài tập về nhà cho học sinh, chấm điểm tự động ngay khi các em hoàn thành bài tập, quản lý ngân hàng đề thi riêng, tạo ma trận đề thi, trộn đề thi trắc nghiệm thành nhiều nhóm mã đề thi khác nhau...
Việc xây dựng ngân hàng đề thi của phần mềm trực tuyến cũng rất kỳ công, với hàng trăm nghìn câu hỏi, dù đơn vị phần mềm có sẵn kho tham khảo nhưng tổ chuyên môn của trường vẫn phải chịu trách nhiệm chính.
Hạ tầng kỹ thuật cho tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến đòi hỏi phải đồng bộ: Học sinh có đủ smartphone hay phòng máy của trường phải sẵn sàng, năng lực mạng/phần mềm kiểm tra trực tuyến phải đủ tải hàng trăm, thậm chí hàng nghìn đề cho học sinh/đợt thi/kiểm tra, nếu không sẽ có nguy cơ... sập.
Chi phí cho phần mềm, nhân sự, hạ tầng mạng... không phải nhỏ, vì thế, việc tổ chức thi/kiểm tra trực tuyến thuận tiện hơn với các trường tư thục, tự chủ tài chính, trường tiên tiến. Còn ở trường công lập thuần túy, muốn làm phải "xã hội hóa", nghĩa là phụ huynh phải đóng góp trên tinh thần tự nguyện (không dưới 300 nghìn/năm/học sinh). Thêm một gánh nặng chi phí mà được phụ huynh đồng thuận, không phải là chuyện dễ dàng đối với các trường, nhất là vùng khó khăn.
Ngoài ra, một rào cản khác cho việc triển khai kiểm tra/thi trực tuyến trong trường phổ thông là sự thiếu đồng bộ về chính sách kiểm tra/thi cử. Hình thức kiểm tra trực tuyến cơ bản chỉ áp dụng với loại hình trắc nghiệm nhưng trong nhà trường phổ thông, không phải môn học nào, kỳ thi nào cũng áp dụng thi trắc nghiệm. Ở nhiều địa phương, hướng dẫn kiểm tra, đánh giá của Sở vẫn quy định một tỷ lệ không nhỏ cho hình thức tự luận, có nơi 30%, có nơi 50% cho kiểm tra giữa/cuối kỳ, tùy theo cấp lớp, môn học...
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra đánh giá với sự ứng dụng CNTT là chủ trương lớn của ngành. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã dự kiến từ năm 2021 - 2023 có thể tổ chức thi THPT quốc gia trên máy tính một số lần/năm ở những vùng miền thuận lợi trước, hình thành dần các test site (vệ tinh của trung tâm khảo thí quốc gia) để tiến tới thi THPT quốc gia đại trà trên máy tính.
Việc các trường phổ thông tổ chức thi trực tuyến trên máy tính, smartphone là một trong những chuyển động tích cực nhằm đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá, phát huy tính năng động, sáng tạo, giúp học sinh sớm thích nghi với đổi mới thi THPT quốc gia, tuyển sinh ĐH về sau, tiết kiệm thời gian cho giáo viên. Song, để mô hình này nhân rộng, phát huy hiệu quả, về lâu dài, không nên chỉ trông đợi hoàn toàn vào sự nỗ lực của từng đơn vị.
Tâm An
Theo GDTĐ
Thi cử trên điện thoại, máy tính: Nếu không hiệu quả sẽ rơi vào lãng phí Không chỉ tại kỳ thi THPT Quốc gia dự kiến từ năm 2021 mới tổ chức trên máy tính, thời gian qua, nhiều trường THPT cũng đã cho học sinh làm quen, tham gia kỳ thi giữa kỳ trên điện thoại, máy tính. Hiện nay có một số trường THPT thử nghiệm thi giữa kỳ trên máy tính, điện thoại. Ảnh minh họa:...