Học sinh lớp 1: Trải nghiệm nghề nghiệp qua môn học
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được lồng ghép giáo dục hướng nghiệp qua các hoạt động trải nghiệm và một số môn học như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học.
Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Vietschool (Hà Nội).
Hướng nghiệp trong hoạt động trải nghiệm
Năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 sẽ được học môn học mới, trong chương trình chính khóa với bộ sách giáo khoa riêng là môn Hoạt động trải nghiệm. Môn học nhằm trang bị các kỹ năng mềm cho học sinh, đồng thời giúp học sinh hiểu biết về nghề nghiệp, có khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sự tư vấn của thầy cô và gia đình.
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa – Tổng Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm chia sẻ: Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân và phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình.
Ngoài ra, các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp theo lứa tuổi. Các em sẽ tìm thấy niềm đam mê và hứng thú của mình khi được kích thích sáng tạo, khơi dậy tiềm năng, phát huy tính cá thể, chủ động, tự giác, tích cực và sáng tạo.
Ngoài môn học Hoạt động trải nghiệm, học sinh còn được định hướng nghề nghiệp qua nhiều môn học khác của chương trình giáo dục phổ thông mới như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học…
Cụ thể, chương trình môn Âm nhạc góp phần định hướng nghề nghiệp cho những học sinh có năng khiếu và nguyện vọng được làm việc trong lĩnh vực liên quan. Với học sinh tiểu học, bên cạnh việc hình thành và phát triển các năng lực âm nhạc cơ bản, các em còn được tạo điều kiện để nhận ra sở trường và phát huy năng khiếu âm nhạc của bản thân và bước đầu có ý thức về nghề nghiệp.
Trong môn Mỹ thuật, nội dung giáo dục hướng nghiệp được thực hiện qua mạch mỹ thuật ứng dụng. Chương trình hướng dẫn học sinh tìm hiểu và làm các sản phẩm thủ công, như đồ chơi, đồ dùng học tập, cá nhân, lưu niệm, gia dụng, trang trí nội thất bằng vật liệu sẵn có; thông qua đó, giúp học sinh làm quen với các nghề thủ công phổ biến ở địa phương, góp phần giáo dục hướng nghiệp.
Theo ông Bùi Văn Linh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cùng với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đang hoàn thiện Thông tư, đưa ra quy định cụ thể đối với công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm, nhiệm vụ của các cấp học sao cho phù hợp với trình độ hiểu biết, năng lực và nhận thức, sức khỏe của học sinh.
Video đang HOT
Đối với cấp tiểu học, giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.
Học sinh được rèn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng cơ bản như: Kỹ năng quản lý bản thân, xã hội; tìm hiểu về gia đình, cộng đồng; phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Ảnh minh họa
Giúp học sinh nhận thức đầy đủ về thế giới nghề nghiệp
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, quy định, học sinh được giáo dục hướng nghiệp từ bậc tiểu học.
Tiến sĩ Lê Đông Phương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, thành viên soạn thảo Thông tư cho hay: Trên thế giới việc cho học sinh tìm hiểu thế giới nghề nghiệp rất phổ biến, giúp các em hình dung ra thế giới bên ngoài gia đình, trường học của mình.
Ở Việt Nam, phần lớn học sinh học xong lớp 12 không biết mình muốn làm nghề gì trừ việc nghe người này, người kia bảo đi học nghề này được nhiều tiền, nghề kia dễ xin việc. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để có được chương trình hướng nghiệp hiệu quả. Trên cơ sở tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia, dự thảo Thông tư đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp ngay từ bậc tiểu học.
Tiến sĩ Lê Đông Phương lý giải: Đưa nội dung hướng nghiệp vào từ bậc tiểu học bởi lẽ học sinh hiện nay chỉ mới nhận thức và tạo được sự yêu thích một số nghề nhất định như bác sĩ, giáo viên hoặc nghề nào đó giống bố mẹ đang làm bởi đó là những hoạt động nghề nghiệp đầu tiên các em được tiếp xúc từ khi còn nhỏ.
Vì công tác hướng nghiệp chưa hiệu quả nên trong một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.700 học sinh ở các tỉnh, thành phố cho thấy, 90% học sinh lớp 12 thích làm bác sĩ, giáo viên. Theo danh mục nghề của Tổng cục Thống kê, có tới 900 nghề, như vậy, học sinh không biết rất nhiều nghề đang có trong xã hội.
Ông Phương chia sẻ: Để mô tả được cho các em đủ 900 nghề, Ban soạn thảo học kinh nghiệm thế giới, bắt đầu từ tiểu học sẽ giới thiệu về nghề để các em có được những nhận thức đầy đủ về thế giới nghề nghiệp. Còn khi các em lựa chọn ngành học là chuyện khác bởi khi học là học theo ngành chứ không phải học theo nghề.
“Một ngành học ra có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể nhận người học từ nhiều ngành khác nhau, tuy nhiên hiện nay mặc định xã hội đang nhầm ngành và nghề là một, ví như học sư phạm văn nhưng hoàn toàn có thể làm biên tập, làm nhà báo” – ông Phương nói.
Theo ông Phương, ước tính mỗi học sinh lớp 12 chỉ có sự phân biệt được rõ ràng 20 nghề. Chính vì vậy, việc dự thảo đưa nội dung giới thiệu nghề nghiệp vào từ bậc tiểu học với mong muốn giúp các em biết đến nhiều nghề hơn, từ đó ý thức được việc chọn nghề, chọn ngành để các em có sự lựa chọn tốt hơn thay vì thi tốt nghiệp THPT xong nhiều em vẫn băn khoăn trước lựa chọn ngành nghề như hiện nay.
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học liệu có quá sớm?
Mục tiêu được xem là đúng đắn, song một số nhà giáo lo ngại việc kỳ vọng quá mức vào công tác hướng nghiệp của nhà trường, trong khi thực tế còn nhiều thiếu thốn, bất cập.
Cần mục tiêu thực tế hơn
Tại dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất áp dụng từ cấp tiểu học, với mong muốn nhà trường giúp các em nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân; phát hiện năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu đó...
Ủng hộ quan điểm hướng nghiệp cho học sinh cần thực hiện sớm nhưng một số nhà giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng cần đặt kỳ vọng thực tế hơn, ở cấp tiểu học chỉ cần giúp các em làm quen với các loại nghề nghiệp chứ chưa thể đặt mục tiêu to tát là hướng nghiệp.
TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ Nghiệp vụ (hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) - nêu quan điểm, chúng ta không nên gọi là giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học mà gọi là cho học sinh học những kiến thức gắn với thực tế thay vì học những gì quá uyên bác, cao siêu. Ở mỗi bài học, học sinh có thể liên hệ được với nghề nghiệp của bố mẹ mình, thân thích nhà mình, như vậy là thành công bước đầu.
"Về cơ bản, tôi ủng hộ việc giáo dục gắn với thực tế từ sớm, không chỉ với bậc tiểu học mà nên mở rộng cả bậc mầm non. Đơn giản chỉ là tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế như làm cô giáo, làm chú công an... để học sinh tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai", TS. Lê Viết Khuyến nhận định.
Cô Lê Thị Thu Lý - Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) - cho hay: "Tôi hoàn toàn ủng hộ giáo dục nghề nghiệp từ bậc tiểu học. Hiện nay đa số học sinh có thể cảm nhận được nghề nghiệp của bố mẹ đang làm là gì, có mục đích gì, công việc hàng ngày ra sao, thậm chí các con có thể nói được cả nghề nghiệp của bác hàng xóm là làm công an thì bắt tội phạm, làm giáo viên thì dạy học sinh, làm lái xe thì chở khách... Điều này giúp học sinh có định hướng ước mơ nghề nghiệp cho mình từ sớm".
Qua những tiết học lồng ghép học sinh nhập vai chú công an sẽ tưởng tượng được nghề nghiệp tương lai. (Ảnh minh họa)
Theo cô Lê Thị Thu Lý chương trình hiện nay, định hướng nghề nghiệp chưa nhiều, mới chỉ dừng lại ở lồng ghép ở môn Văn như giới thiệu nghề nghiệp của bố mẹ người thân.
Cô Lý cũng cho rằng, đưa giáo dục hướng nghiệp vào cho học sinh tiểu học là cần thiết nhưng quan trọng là đưa thế nào, làm cho giáo viên hiểu được mục đích giáo dục hướng nghiệp là gì, cần ở mức nào, nên dùng phương pháp ra sao... mới là vấn đề cần bàn.
Gian nan hướng nghiệp trong trường phổ thông
Dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của bộ GD&ĐT được được đưa ra đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Bởi lẽ, lâu nay đa số học sinh lựa chọn ngành nghề theo cảm tính chứ hiếm khi được nhà trường định hướng nghề nghiệp đó các em sẽ làm gì, mình có yêu thích hay không và nhu cầu xã hội với nghề đó là đang thiếu hay thừa... Thậm chí, nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học vì có bạn cùng nộp hoặc vì có người quen đã học trước đó... Và, hệ lụy là mỗi năm có đến hàng nghìn cử nhân ra trường bị thất nghiệp vì không kiếm được việc phù hợp hoặc không thích nghi được với ngành nghề đã chọn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp chúng ta cần làm bài bản hơn nữa. Thầy Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Cao Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) - cho hay, hiện nay nhà trường làm công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo đúng chủ trương và phân bổ của Bộ GD&ĐT là mỗi tháng 1 tiết".
Nói về công tác hướng nghiệp cho học sinh tại trường, thầy Dũng cho biết, nhà trường cũng có giáo viên hướng nghiệp nhưng là giáo viên kiêm nhiệm nên chuyên môn cũng có phần hạn chế.
Học sinh nhập vai đầu bếp. (Ảnh minh họa)
"Công tác hướng nghiệp hiện nay đổ dồn lên vai giáo viên chủ nhiệm với kiến thức được trang bị không nhiều, chỉ mấy tờ photo từ giáo trình hướng nghiệp. Hiệu quả của giáo dục hướng nghiệp đa số phụ thuộc vào vốn sống cũng như kinh nghiệm của giáo viên chứ giáo viên dạy hướng nghiệp thì chưa được đào tạo bài bản.
Tất nhiên, nếu được, tôi cũng mong muốn việc giáo dục hướng nghiệp tại các trường học được triển khai sớm hơn, bài bản hơn chứ không phải rời rạc như hiện nay. Có thể từ bậc tiểu học, chúng ta chỉ cần giới thiệu cho các em nghề nghiệp trong xã hội, mỗi nghề làm công việc gì để các em có được những mường tượng sớm nhất về nghề nghiệp trong tương lai", thầy Dũng nói.
Đồng thời, thầy giáo này cũng đề xuất, từ cấp THCS mỗi trường cũng nên có một biên chế cho giáo viên dạy giáo dục nghề nghiệp, tránh việc giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm dẫn đến hiệu quả không cao.
Về vấn đề này, TS. Lê Viết Khuyến cũng cho rằng: Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam hiện nay còn rất lơ mơ, giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tế về các ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ sở trang bị vật chất không đủ... "Hướng nghiệp mỗi tháng có một tiết, lại không có giáo viên riêng thì sao mà hiệu quả? Điều này lý giải tại sao mỗi năm hàng nghìn cử nhân thất nghiệp vì đa số các em cứ học, cứ thi chứ không biết mình học xong làm gì, xã hội có cần không", ông Khuyến đặt câu hỏi.
"Có thể bậc tiểu học chỉ cần dạy lồng ghép khi dạy môn Đạo đức có các tiểu phẩm giáo viên cho các con nhập vai chú công an, tư thế ra sao, nghề công nhân thì làm gì... nhẹ nhàng chứ không phải bài học khô cứng" - C ô Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội) .
Nữ sinh trường Báo chí tài sắc vẹn toàn, đam mê dự án hướng nghiệp cho người trẻ Từ một học sinh bị ám ảnh bởi thành tích, Mai Linh đã nhận ra giá trị của sự trải nghiệm; từ đó thành lập tổ chức giáo dục hướng nghiệp cho người trẻ Việt Nam. Thông minh, xinh đẹp, giỏi giang đó là những gì mọi người phải tấm tắc ngợi khen khi tiếp xúc với Vũ Nguyễn Mai Linh (sinh năm...