Học sinh lớp 1 khóc mếu máo trong ngày đầu đến trường ở Sài Gòn
Ngày đầu tiên đến với trường lớp, thầy cô mới, nhiều em không khỏi bỡ ngỡ, bật khóc ngay khi rời vòng tay bố mẹ.
Hôm nay, 19/8, trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chào đón học sinh lớp 1. Từ 6h30 sáng, nhiều phụ huynh đã đưa con đến trường. Ngày đầu tiên đi học, những học sinh lớp 1 được bố, mẹ dắt tận tay đến lớp trao cho cô giáo. Nhiều phụ huynh chấp nhận đi làm trễ hoặc nghỉ làm để đưa con đến trường.
Năm học 2019-2020, trường Tiểu học Hồng Hà đón nhận 440 học sinh lớp 1. Nhà trường có 10 lớp 1, trung bình 44 học sinh/ lớp. Mỗi lớp sẽ có bảo mẫu cùng cô giáo tiếp nhận học trò, điểm danh, phân chỗ ngồi cho các bé. Phòng học được trang trí đẹp, không khí tươi vui để chào đón học sinh mới.
Nhiều bé vẫn chưa quen với việc dậy sớm đi học. Đã vào lớp, các em vẫn còn ngái ngủ, mệt mỏi.
Phụ huynh vào tận lớp học hỗ trợ, động viên các con trong ngày đầu làm quen với trường lớp, bạn bè, cô giáo mới. Năm học 2019-2020, TP.HCM tăng thêm 75.434 học sinh, trong đó có 62.998 học sinh công lập và 12.436 em ngoài công lập. Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, số học sinh tăng ở các cấp, nhưng thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học.
Video đang HOT
Bỡ ngỡ với trường lớp, thầy cô và bạn mới, nhiều bé vừa dứt vòng tay cha mẹ đã bật khóc. Nhiều bậc phụ huynh phải mất nhiều thời gian dỗ con. Không yên tâm, phụ huynh còn nán lại ngồi trong lớp cùng con.
Nhiều bé vừa bật khóc, vừa gọi bố mẹ, các cô giáo phải đến dỗ dành. Con khóc nhiều trong ngày đầu đến trường, chị Huế (quận Bình Thạnh) dự định nghỉ làm hôm nay, ngồi ở sân trường chờ đến 10h để đón bé. “Lần đầu con đi học, ba mẹ cùng đưa cháu đến lớp. Tối hôm qua, bé còn rất háo hức, sáng dậy sớm thay đồng phục đến trường nhưng khi vào lớp lại khóc, chắc do lạ. Mình ngồi đây chờ tới giờ đón bé luôn, phòng khi có chuyện gì”, người mẹ tâm sự.
Phụ huynh cùng kiểm tra, soạn lại sách vở cho con trong ngày đầu đến lớp. Các cô giáo trường Tiểu học Hồng Hà cho biết ngày đầu đi học, các bé chủ yếu chỉ làm quen với trường mới, bạn bè, ghi nhớ chỗ ngồi, các khu vực trong trường học.
Phụ huynh vừa rời khỏi lớp, học sinh vừa khóc vừa dõi mắt tìm bố mẹ. Nhiều em còn chạy ra ngoài cửa tìm cha mẹ, không muốn vào lớp.
Bên cạnh nhiều bạn bè bật khóc nức nở, nhiều học sinh khác vẫn vui tươi, tinh nghịch trong ngày đầu đến trường.
Sau khoảng thời gian đầu bỡ ngỡ, khóc mếu máo, nhiều bé nhanh chóng lấy lại tinh thần, làm quen, vui đùa cùng bạn.
Phụ huynh nán lại, ghi nhận khoảnh khắc ngày đầu con đi học từ cửa sổ lớp học. Để tạo kỷ niệm đẹp và không khí tươi vui cho con trẻ trong ngày đầu đi học, nhiều gia đình huy động tất cả thành viên cùng đưa con đi học lớp 1. Con gái đã vào lớp nhưng vợ chồng anh Khánh cùng con gái lớn vẫn nán lại, cổ vũ bé từ bên ngoài. “Bé rất vui, hào hứng, vừa đến lớp đã làm quen được bạn cùng bàn. Nhưng lần đầu tiên đi học mà, mình muốn để lại kỷ niệm vui nên cả gia đình cùng đến trường với con”, anh Khánh chia sẻ.
Cô giáo mời từng học sinh giới thiệu về mình để cả lớp làm quen. Nhiều cô cậu học sinh lớp 1 dạn dĩ trình bày những ca khúc mình thuộc để tạo không khí vui tươi cho lớp học.
Dù nhà trường nhiều lần nhắc nhở phụ huynh ra về để các cô giáo tập cho trẻ làm quen với nề nếp lớp học, nhiều cha mẹ vẫn cố nán lại dõi theo con. Phải đến khi bảo vệ đến nhắc nhở từng người, phụ huynh mới rời đi.
Theo Zing
Cuối tháng 9 thẩm định xong SGK lớp 1 mới
Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018), từ năm học 2020-2021, Bộ GD&T chính thức thay sách giáo khoa (SGK) đối với học sinh lớp 1 trên toàn quốc.
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ học theo chương trình SGK mới. Ảnh: Như Ý
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đang triển khai 2 đầu việc gồm biên soạn SGK và tập huấn cho giáo viên về chương trình mới.
Hiện Bộ GD&ĐT đã nhận được bản thảo của 5 bộ SGK đầy đủ và một số môn có 6 cuốn. Dự kiến, cuối tháng 9 tới Hội đồng thẩm định sách giáo khoa (Hội đồng) có thể thẩm định xong để công bố trên cả nước.
Đánh giá sơ bộ về bản thảo những bộ SGK đang được thẩm định, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: "Cơ bản các SGK đã cụ thể hóa được tinh thần của chương trình 2018. Nhưng để làm cho thật chặt chẽ, thật tốt không còn "sạn", Hội đồng thẩm định đã có đánh giá chung và đưa ra yêu cầu cần phải sửa chữa, sau đó, gửi lại cho hội đồng tiếp tục thẩm định lần thứ hai". Những phần tác giả không tiếp thu thì giải trình bằng văn bản, không tranh luận trực tiếp.
Tinh thần làm việc giữa hội đồng và tác giả chặt chẽ nhưng cũng đảm bảo tính độc lập trong quá trình thẩm định. Khi Hội đồng thẩm định tiếp cận với bản thảo SGK, tác giả và Hội đồng không được gặp nhau. Đến lúc thẩm định, tác giả được trình bày toàn bộ ý tưởng của mình khi viết SGK.
Lúc đó Hội đồng thẩm định chỉ đặt ra câu hỏi để tác giả làm rõ thêm những nội dung trong sách. Sau đó, hội đồng làm việc tại khu vực riêng. Khi có kết luận với đầy đủ chữ ký của các thành viên trong tổ thẩm định, sẽ tổ chức công bố, các tác giả được mời đến nghe. Tại đó, các tác giả cũng chỉ hỏi những câu hỏi để hội đồng thẩm định làm rõ quan điểm của hội đồng".
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thành lập Hội đồng lựa chọn SGK cho mỗi địa phương. Theo đó, Hội đồng sẽ tham vấn cho UBND tỉnh quyết định lựa chọn SGK. Hội đồng, gồm: Các nhà khoa học, cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy ở địa phương. Số giáo viên trong hội đồng lựa chọn phải giữ tỷ lệ ít nhất là 1/3 số thành viên hội đồng. Vì họ là những người hiểu về chương trình và thực dạy nên sẽ lựa chọn được bộ SGK phù hợp nhất.
Môn Toán lớp 1 có 6 quyển SGK của 6 nhóm tác giả. Hội đồng thẩm định có 13 người. Mỗi một cuốn SGK, hội đồng thẩm định phải mở từng trang, đọc từng dòng. Như vậy, so với chương trình hiện hành, số lượng tài liệu hội đồng cần thẩm định gấp 6 lần.
Theo Tiền phong
Tất cả các địa phương có cần thiết phải tựu trường sớm không? Tại sao lại cứ bắt học sinh phải tựu trường sớm từ năm này qua năm khác để làm gì khi nó không mang lại những tác dụng cần thiết, thậm chí còn phản tác dụng? Trong kế hoạch mỗi năm học của ngành giáo dục hiện nay có nhiều tuần lễ rất...vô duyên, không cần thiết nhưng nó cứ được lặp đi,...