Học sinh lo hổng kiến thức khi học online, mong bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10
Hầu hết học sinh lớp 9 ở Hà Nội đều không tự tin vào lượng kiến thức hiện có và lo nếu thi vào lớp 10 THPT công lập bằng 4 môn sẽ không đạt điểm cao.
Gần kết thúc học kỳ 1 năm học 2021 – 2022 nhưng Trần Ngọc Phương, lớp 9 trường THCS Ngô Quyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa được tới trường học trực tiếp, trong khi bạn bè tại nhiều huyện ngoại thành đến trường được hơn 5 tuần. Nữ sinh sốt ruột khi chỉ còn khoảng nửa năm nữa là kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội diễn ra.
“5 tháng học trực tuyến, kiến thức của em bị hổng khá nhiều. Mặc dù các nội dung trong chương trình học được giảm tải so với năm ngoái nhưng em và các bạn đều thấy lo lắng, không tự tin để tham gia kỳ thi vào lớp 10. Ngoài thời gian học trực tuyến, em phải học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh để bồi dưỡng thêm các kiến thức cũng như luyện đề thi”, Phương nói và hy vọng Hà Nội bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm học tới.
(Ảnh minh hoạ: H.C)
Nguyễn Thế Nam, học sinh lớp 9 trường THCS Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội) thấp thỏm, sốt ruột mong ngày học trực tiếp để ôn thi chuyển cấp hiệu quả hơn. Nam đánh giá, học trực tuyến chỉ đạt 50% hiệu quả so với học trực tiếp. Chỉ còn hơn 5 tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi vào lớp 10 công lập, nhưng các kiến thức của em còn yếu. Em và các bạn từng thử qua một số đề kiểm tra nhưng điểm số thấp, chưa đạt mức trung bình. Điều này càng khiến em lo lắng không thể đỗ được vào trường THPT công lập.
“Hy vọng đợt thi vào lớp 10 tới, Hà Nội sẽ bỏ môn thi thứ tư vừa để học sinh yên tâm hơn và giảm áp lực học. Nếu học trực tuyến kéo dài mà vẫn phải thi 4 môn vào lớp 10 sẽ là thiệt thòi với chúng em”, Nam nói
Đăng Nguyên Lâm, học sinh lớp 9 trường THCS Đông Quang (Ba Vì) cho biết, năm nay thi cuối cấp nên em rất lo lắng. Trước khi được đi học trực tiếp, em phải học trực tuyến cả ngày. Trong đó, buổi sáng em học theo lịch của trường, buổi chiều tham gia các lớp học thêm cùng các bạn. “Việc học thêm trực tuyến kéo dài nhưng khó hiệu quả vì em không có máy tính, học trên điện thoại màn hình bé, mờ rất đau mỏi mắt”, Lâm chia sẻ.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, trường rất lo lắng cho chất lượng học sinh lớp 9 năm nay vì đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng dịch bệnh 3 năm liên tiếp, phải học trực tuyến nhiều đợt, chất lượng dạy học không thể bằng trực tiếp. Do Hà Nội chưa công bố môn thi thứ 4, học sinh phải cùng lúc học và ôn tập kiến thức tất cả môn.
Bà Lan đề xuất, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh, hoặc nên công bố sớm môn thi để học sinh có kế hoạch ôn tập, thay vì chờ đợi đến tháng 3 năm sau.
Hiệu trưởng một trường quận Ba Đình cho rằng, với tình hình dịch bệnh hiện nay hết học kỳ 1 học sinh vẫn chưa thể đến trường. Chất lượng dạy học trực tuyến khó có thể đánh giá đạt bao nhiêu phần trăm so với trực tiếp. Từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đã tinh giản chương trình, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng giảm thời lượng môn học từ 45 phút xuống còn 40 phút. Nhiều nội dung khuyến khích học sinh tự đọc, tự học hoặc giáo viên gửi video để giảm thời gian các em ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại.
“Năm ngoái, các địa phương như Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Tuyên Quang đều thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi. Do đó, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 hoặc công bố môn thi sớm để các trường, học sinh chủ động có kế hoạch dạy học và ôn tập nhằm giảm áp lực cho học sinh”, hiệu trưởng nói.
Trưởng Phòng GD&ĐT Hà Đông, bà Phạm Thị Lệ Hằng, nói rằng thời gian tới phòng sẽ lấy ý kiến phụ huynh về nguyện vọng có nên thi bài thi thứ 4 hay không, sau đó đề xuất với Sở GD&ĐT.
Trước mắt, nhiều phụ huynh mong các trường THCS xếp lịch dạy ôn tập, phụ đạo kiến thức 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9. Tuy nhiên, đơn vị cũng phải xin ý kiến Sở GD&ĐT vì Hà Nội chưa cho phép các trường dạy thêm buổi chiều nhằm giảm áp lực học trực tuyến cho các em.
“Với năm học đặc biệt, học trực tuyến kéo dài gần hết học kỳ 1 như năm nay, Hà Nội nên tính đến phương án bỏ môn thi thứ 4 để giảm áp lực cho học sinh. Nếu không giảm hoặc không công bố sớm, học sinh vừa phải học vừa phải ôn tập tất cả các môn sẽ vất vả, áp lực”, bà Hằng nói.
Hà Nội: Các trường tổ chức kiểm tra học kỳ 1 linh hoạt, nghiêm túc
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị.
Học sinh thi trực tuyến với hai thiết bị máy tính. (Ảnh: PM/Vietnam )
Chuẩn bị cho công tác kiểm tra đánh giá và sơ kết học kỳ 1 năm học 2021-2022 đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có văn bản số 4251/SGDĐT-GDPT gửi trưởng phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường trung học trên địa bàn, hướng dẫn cụ thể cách ôn tập, hình thức kiểm tra của từng khối lớp thuộc bậc trung học, trong đó nhấn mạnh hình thức kiểm tra trực tiếp với khối 9, 12 và cách thức kiểm tra các môn tích hợp khối 6.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phù hợp với kế hoạch dạy học thực tiễn của đơn vị.
Việc kiểm tra, đánh giá trực tiếp, trực tuyến phải đảm bảo đúng các quy định về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình; không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; bài thực hành, thí nghiệm.
Các đơn vị tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tiếp với học sinh lớp 9, lớp 12 phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế về kiểm tra, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Đối với học sinh lớp 6, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có các môn tích hợp nên công tác kiểm tra, đánh giá có những điểm khác biệt so với mọi năm.
Cụ thể, với môn khoa học tự nhiên (tích hợp các chủ đề Vật lý, Hóa học và Sinh học), bài kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Môn Lịch sử và Địa lý (bao gồm 2 phân môn Lịch sử và Địa lý), mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kỳ.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ gồm nội dung của 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Môn Nghệ thuật (gồm 2 nội dung Âm nhạc và Mỹ thuật), mỗi nội dung chọn một kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kỳ, khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ sẽ bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mỹ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét. Kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mỹ thuật được đánh giá mức Đạt.
Với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương, giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập.
Bài kiểm tra, đánh giá định kỳ được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung gồm các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra, đánh giá. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục trong bối cảnh học trực tuyến.
Với các môn khoa học xã hội và nhân văn, các nhà trường nên ra đề mở để học sinh có cơ hội được bộc lộ chính kiến. Căn cứ điều kiện thực tiễn, phòng giáo dục và đào tạo, trường trung học phổ thông ra đề kiểm tra học kỳ, tổ chức kiểm tra học kỳ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị, bảo đảm đúng quy định./.
Sinh viên năm cuối mong trở lại trường Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gián đoạn quá trình học và thực tập của sinh viên năm cuối. Những bạn trẻ này mong dịch sớm kết thúc để hoàn thành chương trình học. Về quê gần 7 tháng nay, Lê Thị Mai, sinh viên năm thứ tư ngành An toàn Thông tin, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết nữ...