Học sinh làm khoa học từ thực tiễn
Vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2016-2017 là 37 công trình nghiên cứu đầy công phu và cũng rất thực tiễn.
Từ câu chuyện của bản thân gặp áp lực về bài vở, điểm số… đến mức rơi vào trạng thái trầm cảm, học sinh (HS) Phan Thanh Nhật Trang, lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đã cùng bạn thực hiện đề tài “Khảo sát tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở HS THPT TP.HCM”.
Mục đích là cung cấp cái nhìn tổng thể về trầm cảm và các chương trình ngắn hạn trong việc dự phòng cũng như phát hiện trầm cảm cho HS.
Học sinh đang thuyết minh đề tài khoa học về hộp đen ngăn ngừa hiểm nguy từ cuộc sống xung quanh. Ảnh: Người Lao Động.
Đề tài từ chính vấn đề của bản thân
Phan Thanh Nhật Trang chia sẻ gia đình em sống rất vui vẻ, hạnh phúc, môi trường sống cũng lành mạnh nhưng không hiểu sao suốt 2 năm lớp 10 và 11 em luôn u sầu, buồn bã.
“Lúc đó, em tìm hiểu trên Internet thì biết đó là những biểu hiện của chứng trầm cảm. Ngoài tìm hiểu nguyên nhân, em cũng điều trị bằng tâm lý và tập thể dục để giữ gìn sức khỏe”, Nhật Trang cho biết.
Cuối cùng, qua 6 tháng điều trị, Trang nhận thấy mình bị trầm cảm là do đặt kỳ vọng quá nhiều vào bản thân, áp lực thành tích học tập rất lớn, trong khi xung quanh Trang lại nhiều bạn học giỏi và thành công.
Khi biết nguyên nhân chính gây nên chứng trầm cảm là từ học tập, Trang nhận thấy không chỉ mình mà nhiều HS khác cũng có thể gặp hoàn cảnh tương tự nhưng chưa hoặc không nhận ra. Trang đã bàn với bạn học là Lý Trần A Khương để thực hiện ý tưởng khoa học của mình: Khảo sát tỷ lệ rối loạn trầm cảm ở HS THPT TP.HCM.
Để thực hiện đề tài, Trang cùng bạn đã khảo sát hơn 800 HS đang học tại các trường THPT ở TP.HCM để đánh giá nhanh sức khỏe học đường. Với đề tài này, Nhật Trang và A Khương chia ra các nội dung gồm: Toàn cảnh về rối loạn trầm cảm, các yếu tố gây ra trầm cảm, nhận biết và cách phòng ngừa các dấu hiệu.
Về hướng phát triển đề tài, Trang cho biết sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát trên diện rộng và tìm cách thực hiện mô hình phòng tư vấn tâm lý mẫu.
Phát minh ngăn ngừa hiểm họa
Các giáo viên đánh giá điểm chung của các đề tài nghiên cứu khoa học của HS là các công trình xuất phát từ hiện thực cuộc sống, từ các hoạt động diễn ra ở trường học chứng tỏ óc quan sát, phân tích và độ nhạy bén với thông tin của HS rất tốt. Đơn cử như công trình nghiên cứu robot cứu hỏa của nhóm HS Võ Bảo Huy và Trịnh Thành Tâm, HS lớp 12A2 trường Tiểu học – THCS – THPT Hòa Bình, thực hiện.
Video đang HOT
Theo nhóm nghiên cứu này, thời gian gần đây, trên địa bàn TP và nhiều địa phương khác xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn gây hậu quả nặng nề về người và của.
“Vì vậy chúng em thiết kế sản phẩm này để giúp công tác phòng cháy chữa cháy hiệu quả hơn và giảm thiểu nguy hiểm cho người cứu hỏa”, Trịnh Thành Tâm chia sẻ.
Robot cứu hỏa của nhóm nghiên cứu gồm phần khung, ống đựng nước, cánh tay robot, camera. Trong đó, điểm nhấn quan trọng nhất của sản phẩm là bộ xử lý trung tâm để robot có thể đến mọi ngõ ngách của đám cháy để dập lửa. Đồng thời, camera ghi hình được nối trực tiếp với thiết bị smartphone để truyền dữ liệu về cho người chỉ huy điều khiển dễ dàng.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu hộp đen bảo vệ con người của Nguyễn Lâm Gia Nghi và Vũ Phương Thảo, lớp 11 chuyên văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, lại xuất phát từ thực tế hiện nay: Nhu cầu cần được bảo vệ và ngăn ngừa nguy hiểm từ cuộc sống xung quanh là nhu cầu thiết yếu của con người nhưng hiện nay vẫn chưa có nhiều công cụ hỗ trợ.
“Từ đó, chúng em đã nhen nhóm ý tưởng thực hiện hộp đen nhằm bảo đảm an toàn cho con người. Chúng em đã nghiên cứu tạo ra bộ cảm biến để khi tai nạn xảy ra, hộp đen sẽ truyền tín hiệu về cho người nhà nạn nhân biết để kịp thời giúp đỡ”, Gia Nghi cho hay.
Nhiều đề tài gần gũi
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học năm học 2016-2017 có 604 đề tài đăng ký dự thi cấp TP với 148 trường tham dự. Trong đó, 37 đề tài vào dự thi vòng chung kết cấp TP.
Đặc biệt, trường THPT Gia Định có số lượng dẫn đầu (11 đề tài), kế đến là THPT chuyên Lê Hồng Phong (5 đề tài), THPT Lương Thế Vinh (3 đề tài…).
Ông Phan Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng giáo dục Trung học Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết các đề tài mang tính bám sát thực tiễn, gần gũi với cuộc sống, đặc biệt là gần với các lĩnh vực phát triển mũi nhọn của TP như tự động hóa, kỹ thuật, công nghệ…
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Hai 'sao mai' Toán - Lý
Vũ Xuân Trung đoạt 2 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế và Đinh Thị Hương Thảo 2 năm liền giành huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế. Họ là hai gương mặt trẻ được vinh danh.
Vũ Xuân Trung và Hương Thảo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét "thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Họ đã được tôn vinh tại lễ vinh danh thủ khoa, những học sinh giỏi đoạt huy chương vàng Olympic khu vực và quốc tế, được tổ chức cuối năm 2016.
- Đam mê khoa học của các bạn khởi nguồn từ đâu?
- Vũ Xuân Trung: Đam mê khoa học của tôi đến từ chiếc xe cũ và những ổ khóa của cha. Ngoài thời gian làm ruộng, bố tôi đi khắp thành phố Thái Bình làm nghề sửa khóa, mẹ đi bán dạo từng cái lược, móc chìa khóa để kiếm tiền nuôi con.
Bốn chị gái của tôi chỉ học hết cấp 2, phải nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ vì không có tiền đi học. Tôi là người duy nhất trong gia đình được tạo điều kiện học lên cấp 3, rồi được tuyển thẳng vào đại học.
Vì muốn đền đáp công ơn của bố mẹ và các chị, tôi luôn nhắc mình phải nỗ lực, ít nhất cho mình và sau này có thể giúp đỡ gia đình, xã hội.
Niềm đam mê của tôi bắt đầu từ những câu chuyện liên quan Toán của các nhà Toán học. Tôi đặc biệt thích đọc những mẩu chuyện vui về cuộc đời của các thần đồng Toán học như Euclid, G.F.Bernhard Riemann, Friedrich Gauss, Euler...
Nhưng chỉ đến khi học lớp 7, gặp bài Toán hình rất hay đến mức nghĩ ra ý tưởng mới, tôi khai thác được tính chất rất đẹp và còn chứng minh được công thức ấy. Từ đó, tôi nhận thấy môn Toán cũng... đơn giản và cảm nhận sự thú vị mỗi khi giải được một bài khó.
- Hương Thảo: Bản thân tôi không giải thích được vì sao mê Vật lý. Tôi đến với Vật lý tình cờ lắm, vì lên cấp 2 nó là một môn học mới, khá hấp dẫn, đồng thời thấy môn này có rất nhiều ứng dụng vào thực tiễn, nên cứ tò mò, từ đó đâm ra "nghiện".
Cho đến khi lên cấp ba, thi vào chuyên Lý của trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), được học trong môi trường chuyên sâu, thầy cô định hướng, bạn bè truyền cảm hứng, niềm đam mê trong tôi càng cháy bỏng hơn.
Vì từ nhỏ đã chứng kiến cảnh bố mẹ thức khuya dậy sớm bươn chải mưu sinh đủ nghề để lo cho hai chị em học hành, là chị cả, tôi càng nghĩ mình phải làm gương cho đứa em. Chính vì vậy, tôi luôn nghĩ phải học thật tốt để báo đáp công sức của bố mẹ.
Vũ Xuân Trung 2 lần giành huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế. Ảnh: Lao Động.
- Có người nói vui các bạn được đào tạo kiểu "gà nòi", chấp nhận học lệch để đi thi quốc tế?
- Vũ Xuân Trung: Tôi không học lệch, vì thích học Toán nên dành thời gian nhiều hơn các môn khác. Tôi thường mua thêm các sách tham khảo, nghiên cứu Toán học để tự học. Khi đầu óc căng thẳng, tôi thường nghe nhạc trên YouTube để lấy lại tinh thần và cảm hứng học tập.
- Hương Thảo: Tôi không học lệch để đi thi nhưng đúng là có chuyện học lệch theo những môn là sở trường của mình.
Tôi cũng vẫn đọc sách văn học, nghiên cứu khoa học và học các môn khác. Tôi nghĩ càng học, đọc nhiều, mình sẽ càng có thêm kiến thức.
- Bạn mơ ước làm nghề gì?
- Vũ Xuân Trung: Hồi nhỏ ước mơ của tôi là trở thành kỹ sư khoa học máy tính. Lớn lên đam mê Toán học, tôi muốn theo ngành nghiên cứu. Tôi thích được như giáo sư Ngô Bảo Châu, được sống và cống hiến bằng chính đam mê của mình.
- Hương Thảo: Tôi không đặt mục tiêu sẽ trở thành ai, nghề nghiệp cũng chưa nghĩ tới. Bây giờ, tôi chỉ nghĩ bằng mọi cách để theo đuổi đam mê môn Vật lý.
- Bằng cách nào các bạn sẽ thực hiện ước mơ của mình?
- Vũ Xuân Trung: Việc giành huy chương vàng chỉ là một dấu mốc, kỷ niệm để nhớ về quá trình học Toán ở phổ thông thôi. Khoa học không tiến lên nhờ các giải thưởng, khoa học tiến lên vì con người khao khát chinh phục nó.
Tôi xác định sẽ ra nước ngoài học để có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ tốt nhất có thể, sau này về phục vụ đất nước. Để thực hiện điều đó, tôi đang từng ngày, từng giờ nâng cao kiến thức và cải thiện trình độ tiếng Anh của mình.
- Hương Thảo: Khoa Vật lý - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - là môi trường tốt để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê. Trong tương lai, tôi vẫn muốn xin học bổng du học, nhất định vẫn phải chọn ngành liên quan Vật lý, vì đó là sở trường và đam mê cả đời của tôi.
Trước mắt, tôi tập trung học tiếng Anh, công nghệ, để có thể tự tin hơn trong giao tiếp, học tập.
- Theo bạn, người Việt trẻ cần gì để tự tin bước ra thế giới?
- Vũ Xuân Trung: Cần biết mình đam mê cái gì và quyết tâm thực hiện điều đó. Những lần ra thế giới dự thi, tôi thấy các bạn ở nước ngoài rất tự tin thể hiện mình. Tôi học được ở các bạn điều đó.
Ngoài sự tự tin, chuẩn bị tốt kiến thức và tâm thế học hỏi, tiếng Anh sẽ là chìa khóa giúp các bạn trẻ bước ra biển lớn.
- Hương Thảo: Ngoại ngữ là hạn chế của tôi và của nhiều bạn trẻ khác. Ngoài ra, tôi thấy các bạn quốc tế có khả năng tự học rất cao và giỏi cả công nghệ nữa.
Nếu biết cách tự học, cập nhật công nghệ và giỏi ngoại ngữ, tôi tin rằng người Việt trẻ sẽ có nhiều cơ hội tỏa sáng.
"Tổ quốc không chỉ cần những tấm huy chương của các em hôm nay mà hơn thế nữa, chính các em là những người thuộc thế hệ sẽ đưa Việt Nam bước lên đài vinh quang trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic quốc tế, học sinh xuất sắc tại kỳ thi THPT quốc gia 2016).
Theo Zing
Đề thi thử nghiệm Anh THPT quốc gia 2017 đánh đố thí sinh? Bộ GD&ĐT vừa công bố bộ đề thi thử nghiệm THPT quốc gia 2017 với khá nhiều điểm đáng chú ý. Theo giáo viên, dạng bài câu giao tiếp của môn Anh văn vẫn khá quen thuộc. Nhận xét về cấu trúc đề thi thử nghiệm môn Ngữ Văn (lần 2) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, cô Nguyễn Thanh Hương (Trung tâm...