Học sinh không nơi nào nhận thì đến đây!
Ở độ tuổi đôi mươi, không học qua sư phạm nhưng các bạn đến với các lớp học tình thương bằng cả tấm lòng để giúp những đứa trẻ khó khăn, không thể đến trường.
Tối nào các tình nguyện viên cũng đến lớp với các em – ẢNH: NỮ VƯƠNG
“Có học trò tuổi lớn hơn thầy. Có em bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, tăng động… Nói chung là ca nào khó, không trường nào nhận thì chúng em đều nhận và dạy cả”, Lê Nguyễn Minh Khanh (sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, tình nguyện viên đứng lớp) chia sẻ.
Vì là những ca khó nên những người thầy không chuyên này ngày nào cũng phải rèn sự kiên nhẫn để uốn nắn từng nét chữ, luyện từng giọng đọc, từng phép toán… cho những học trò đặc biệt.
Ca nào cũng khó!
Cứ 6 giờ tối, tại lớp học tình thương KP.Long Bửu (Q.9, TP.HCM) lại vang lên những tiếng ê a đọc bài, lâu lâu là tiếng thước khẻ lên bảng để nhắc nhở học sinh trật tự. Những em nhỏ chưa một lần dám mơ ước được đến trường vì gia cảnh khó khăn, những em nhỏ chưa một lần được đi học vì bị thiểu năng trí tuệ… hôm nay cũng ngồi làm từng phép toán, luyện từng nét chữ và lễ phép vòng tay chào khi thấy chúng tôi xuất hiện trong lớp.
Điều đáng quý của các tình nguyện viên đứng lớp không chỉ vì họ hy sinh việc cá nhân để đến với lớp học hằng đêm mà ở sự kiên trì, nhẫn nại từ những người trẻ này.
Đang ngồi học, cô bé N. (8 tuổi) tự nhiên phá lên cười, em bị tăng động nên ngồi trong lớp cứ cười suốt. Nhiều khi những tràng cười ngẫu hứng của N. trong lúc cả lớp đang tập trung viết bài cũng khiến những tình nguyện viên mới đứng lớp phải thót tim.
T.V.H (9 tuổi) vào lớp học được hơn 4 tháng nhưng chỉ viết được chữ a và c. Thế nhưng, cứ viết được một chữ là em lại cầm cuốn tập chạy đến các tình nguyện viên chỉ để hỏi “em viết đúng chưa ạ?”. Mà để viết được một chữ, em cũng mất hơn 15 phút vì phải xóa đi xóa lại rất nhiều lần.
C.P.T (10 tuổi) vì quá nghịch và cứ vào lớp học lại thích đánh bạn bè, nên phải ngồi riêng một bàn. Thấy em ngồi một mình, tôi lại hỏi chuyện. Em kể bố làm bác sĩ, mẹ lúc trước cũng làm bác sĩ cho công ty nhưng giờ ở nhà giữ em. Ngạc nhiên, tôi hỏi một tình nguyện viên thì biết được em hơi có ảo giác và thường kể những chuyện “trên trời dưới đất” mà không ai hiểu. Thực ra, bố em bán xe cá viên chiên và mẹ em cũng làm thuê cho người khác.
Video đang HOT
Còn N.M.H (24 tuổi) học ở lớp học tình thương được 7 năm nhưng chưa qua được lớp 1 vì em bị thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển nên học trước quên sau, hôm nay học ngày mai đến lớp lại quên sạch và buộc các tình nguyện viên phải dạy lại từ đầu.
“Trong lớp học đặc biệt, được mình em Tuấn (10 tuổi) học được nhưng lại bị ngọng. Những ngày đầu mới vào lớp, em nói không ai nghe được, tụi mình phải luyện cho em phát âm và đọc chậm mỗi ngày. Bây giờ em cũng đã đọc được và dễ nghe hơn. Có những trường hợp học chậm quá và không theo kịp chương trình ở trường tiểu học thì trường cũng gửi về để tụi mình kèm. Nói chung, ca nào cũng khó, nếu không kiên trì và nhẫn nại với các em thì không thể nào duy trì được lớp học”, Khanh nói.
Các tình nguyện viên nhiệt huyết này đến từ câu lạc bộ Handmade, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Câu lạc bộ rất đặc biệt, vì không những gây quỹ thực hiện các chương trình thiện nguyện mà còn cung cấp những người thầy không chuyên cho các lớp học tình thương.
“Tụi mình không chuyên nên cũng gặp nhiều tình huống rất khó xử. Có lần đang ngồi kế bên giảng bài, học sinh không chịu học mà lấy tay đánh bay cả mắt kính của mình, mặc dù em chỉ mới 7 tuổi. Lúc đó rất bực nhưng nghĩ lại hoàn cảnh của em lại thấy thương. Ba mẹ đi làm thuê cả ngày, không ai chăm nên cứ gửi em vào quán game. Chính vì thế, vào môi trường học, em chưa hòa nhập được và hay phản ứng mạnh. Những trường hợp như vậy, tụi mình cũng phải kiên nhẫn và quan tâm mỗi ngày để hiểu và giúp các em được nhiều hơn”, Khanh giãi bày.
Phạm Ngọc Linh, tình nguyện viên dạy tại lớp được 8 năm, cho biết nếu không phải mang trong mình khuyết tật thì đa phần các em cũng là con những gia đình lao động nghèo, ban ngày phải mưu sinh bán vé số, làm gạch… Vì ra đời quá sớm, chưa một lần được đến trường nên các em khó dạy bảo và học rất chậm.
Lớp học này do anh Trần Lâm Thắng (33 tuổi, bảo vệ khu phố) thành lập được 8 năm, từ những ngày đầu chỉ có vài em và phải đi vận động từng nhà, giờ đã có hơn 70 học sinh ở 5 khối lớp và một lớp đặc biệt. Những năm gần đây, với hiệu quả đạt được, lớp học đã liên kết với Trường tiểu học Long Bình (Q.9) để tất cả các bài thi, kiểm tra của lớp đều do trường gửi về. Những em học hết lớp 5 sẽ được chứng nhận hoàn thành tiểu học để tiếp tục theo học lên các khối lớp khác.
Hiện nay, không chỉ đêm nào cũng đứng lớp mà mỗi tháng anh Thắng còn dành hết những đồng tiền lương ít ỏi của công việc bảo vệ khu phố để đóng tiền điện, nước cho lớp học. Thế nhưng, anh vẫn rất lạc quan và đầy nhiệt huyết. “Những thành quả đạt được và sự tiến bộ, trưởng thành của các em mỗi ngày là động lực để mình và các tình nguyện viên ở đây vẫn tiếp tục để phấn đấu duy trì lớp”.
Theo thanhnien
Đắk Nông: Phòng học nằm trên đỉnh đồi, trung tâm cho trẻ khuyết tật "không dám" nhận trẻ khuyết tật?
Ngoài việc được xây dựng tại nơi xa khu dân cư, hẻo lánh, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục, hòa nhập tỉnh Đắk Nông còn nằm ngay trên đỉnh một quả đồi. Quãng đường từ cổng đến các phòng học có độ dốc lớn nên trung tâm này không dám nhận học sinh khuyết tật vận động mà chỉ nhận trẻ khiếm thính, thiểu năng trí tuệ....
Theo dự kiến, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông bắt đầu đi vào hoạt động và tuyển sinh từ năm học 2016-2017. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo, nên việc tuyển sinh phải lùi lại 1 năm, tức là sang năm học 2017-2018 mới bắt đầu dạy và học. Lý do là bởi, trường được xây dựng trên đỉnh một quả đồi, đường lên đến các phòng học có độ dốc lớn và xung quanh không có hàng rào bao.
đoạn đường từ phòng học xuống cổng trung tâm có độ dốc lớn
Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc trung tâm cho biết, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo được thành lập ngày ngày 10/3/2015 và đưa vào hoạt động chính thức từ đầu năm học 2017 - 2018.
Trung tâm có vốn đầu tư xây dựng hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông là chủ đầu tư, triển khai thi công từ năm 2015. Ngay từ khi có chủ trương xây dựng, trung tâm được hy vọng trở thành địa điểm tin cậy để hỗ trợ trẻ em bị khuyết tật trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, giúp em sớm hòa nhập, học tập chung với những trẻ bình thường khác.
Ban đầu do không có hàng rào nên trung tâm phải xin lùi thời gian đi vào hoạt động
Tuy nhiên năm 2016, khi mới về tiếp quản trung tâm, nhận thấy nếu đi vào hoạt động ngay thì có thể trẻ sẽ bị té ngã từ trên đỉnh đồi xuống nên thầy Ảnh đã xin "lùi" thời gian tuyển sinh. Trong thời gian đó, thầy Ảnh đã đề nghị tỉnh Đắk Nông đầu tư xây thêm hàng rào bao quanh các lối đi và bao quanh trường học để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Thầy Ảnh cho biết, ngoài việc không có tường rào, hàng rào bao quanh thì việc các phòng học, phòng chức năng của trung tâm được xây dựng trên cao khiến việc tuyển sinh cũng gặp bất cập. Theo quy định, độ nghiêng của đường đi không quá 5%, tuy nhiên độ nghiêng thực tế lại là 22 % nên trung tâm không thể tuyển sinh số lượng lớn và tiếp nhận trẻ khuyết tật vận động và trẻ khiếm thị.
Độ dốc thực tế là hơn 20%, trong khi theo quy định là không quá 5% khiến việc tuyển sinh khó khăn
"Đoạn đường từ cổng trường vào đến phòng học chỉ dài có vài chục mét nhưng độ dốc quá lớn nên không thể dùng xe lăn được. Cả đoạn đường cũng không có bậc thang, trong khi một bên là vực sâu nên chúng tôi không dám tuyển sinh trẻ khuyết tật vận động, trẻ khiếm thị. Năm học vừa qua, trung tâm nhận được hơn 100 hồ sơ xin vào, tuy nhiên trung tâm chọn lọc, chỉ dám nhận 36 cháu, các cháu này đều đi lại được, trong đó chủ yếu là các trường hợp bị câm, điếc và chậm phát triển trí tuệ. Trên thực tế, quy mô dự kiến của trung tâm là hơn 100 cháu chứ không phải chỉ có 36 cháu như hiện nay", thầy Ảnh cho hay.
Các phòng học nằm ngay trên đỉnh đồi cao hơn hàng chục mét so với mặt đất
Theo chia sẻ vui của các giáo viên trong trung tâm, nếu nhận trẻ khuyết tật vận động, có lẽ trung tâm nên lắp cáp treo để chuyển các cháu từ dưới cổng trường lên đến các phòng học. Bởi không thể sáng nào, giáo viên của trung tâm cũng leo lên leo xuống đẩy hàng chục cháu từ dưới lên đến đỉnh đồi.
Đường lên các phòng học
"Việc đảm bảo an toàn cho các cháu khi di chuyển từ phòng học, phòng ăn xuống phòng nội trú đã rất khó khăn, bởi lẽ một số cháu gặp vấn đề về nhận thức nên không đi theo yêu cầu của giáo viên. Vì lo sợ trong quá trình di chuyển, các cháu sẩy chân ngã xuống đất nên trung tâm mới đề nghị lắp hàng rào chắn, việc này giúp chúng tôi yên tâm hơn một chút. Tuy nhiên, đối với những cháu tăng động, các cháu có thể không hợp tác với thầy cô, các cháu hoàn toàn có thể trèo rào và nhảy xuống được", một giáo viên của trung tâm cho biết.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, theo thiết kế, trung tâm không nhận trẻ khuyết tật vận động, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khiếm thị mà chỉ nhận trẻ câm điếc. Theo ông Toàn, mục đích của trung tâm là giáo dục hòa nhập, nên chỉ đủ điều kiện dạy trẻ câm, điếc để đưa các bé này sớm về với cộng đồng, học chung cùng các học sinh bình thường.
"Qua kiểm tra, đơn vị cũng nhận thấy cơ sở vật chất tại trung tâm có một số bất cập nên Sở đã xin kinh phí để lắp đặt hàng rào, đảm bảo an toàn cho trẻ. Mới đây đơn vị này cũng chủ trương gia cố lại bờ kè, tránh sạt lở nhưng vẫn chưa được cấp kinh phí", ông Toàn cho hay.
Dương Phong
Theo Dân trí
'Mẹ' của 12 trẻ khuyết tật Khi cô giáo đang giảng bài, dưới lớp có em ngồi co chân lên ghế, em ngủ, em đứng nói luyên thuyên... Đó là cảnh bình thường trong lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Hội, Trường tiểu học Sơn Lạc, H.Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Lớp học của cô Nguyễn Thị Hội - ẢNH: VŨ THƠ Làm công việc mà nhiều người...