Học sinh không đội mũ bảo hiểm, giáo viên chịu trách nhiệm?
Nhằm đảm bảo an toàn, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh, từ ngày 10/4, Hà Nội áp dụng quy định học sinh ngồi trên xe máy, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm.
Lo nhà trường không có chỗ để mũ bảo hiểm
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có thông báo gửi các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn, yêu cầu tất cả các học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Sở cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra lưu động.
Đơn vị nào còn để hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe máy, xe đạp điện, thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Lực lượng công an Hà Nội cũng tổ chức xử phạt những học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đến trường bằng môtô, xe máy, xe đạp điện.
Video đang HOT
Chiều 31/3, tại nhiều trường tiểu học ở Hà Nội phần lớn phụ huynh vẫn chưa đội mũ bảo hiểm cho con khi đưa đón.
Dù ủng hộ chủ trương trên, song với phụ huynh Nguyễn Duy Tùng có con học trường Tiểu học Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng) có kiến nghị: “Do đặc thù công việc nên vợ chồng tôi thay phiên nhau đưa đón con đến trường. Buổi sáng tôi đưa con đi học, chiều mẹ cháu đến đón. Với quy định này, tôi cũng đề nghị các trường học phải có chỗ để, bảo quản mũ bảo hiểm của học sinh. Để con mang vào lớp dễ bị hỏng. Không may các cháu làm mất mũ bảo hiểm, bố mẹ không mua kịp”.
Có con gái lớp 8, hàng ngày đi học bằng xe đạp điện cách nhà vài cây số, phụ huynh Cao Phương Linh (ngõ 217, Yên Hòa, Cầu Giấy) lo lắng: “Tôi thường xuyên phải đi mua mũ bảo hiểm cho con, vì con hay bị làm mất mũ nên tôi khá lo lắng cho con trong thời gian tới.
Thế nhưng, các trường cần phải giáo dục để các cháu chuyển biến dần dần, chứ thực hiện quyết liệt luôn, sợ rằng sẽ phản tác dụng đối với ý thức của học sinh. Học sinh lứa tuổi trung học có tâm lý “thất thường”, làm mất, hoặc quên đội mũ bảo hiểm và bị công an dừng xe, xử phạt, chuyển giấy về trường có thể khiến các cháu lo sợ, không dám về nhà… Thậm chí nghĩ tới việc bị nhà trường kỉ luật, bố mẹ la mắng… các cháu dễ có những việc làm tiêu cực”.
Không áp dụng hình thức đuổi học
Trên thực tế, nhiều trường học ở Hà Nội thời gian qua đã tăng cường tuyên truyền phụ huynh, học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, công tác này còn bộc lộ nhiều khó khăn do vi phạm thường xảy ra ở ngoài phạm vi nhà trường.
Bà Lý Thị Lương – Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên chia sẻ: “Từ đầu năm học, trường đã có yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết thực hiện Luật Giao thông đường bộ. Trường chỉ có thể đảm bảo những học sinh có mũ bảo hiểm mới được ra vào cổng trường. Ra ngoài cổng trường, các em có đội hay không thì trường khó kiểm soát”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc đội mũ bảo hiểm không chỉ để đảm bảo an toàn cho các em, đây còn là cách thức rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh. Hà Nội sẽ kiên quyết thực hiện yêu cầu 100% học sinh đội mũ khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện.
“Hai đoàn kiểm tra liên ngành của Sở GD&ĐT và Công an Hà Nội sẽ được thành lập để kiểm tra công tác này từ ngày 1/4. Việc xử phạt sẽ bắt đầu từ 10/4 thay cho hình thức nhắc nhở. Ngoài xử phạt bằng tiền, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm… đơn vị nào có học sinh bị xử phạt thì sẽ bị trừ điểm thi đua toàn và quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm. Sở không áp dụng hình thức đuổi học trường hợp học sinh vi phạm”, ông Thống cho biết thêm.
Phần lớn phụ huynh đều ủng hộ quy định của Hà Nội về bắt buộc học sinh tiểu học, THCS, THPT đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Tuy nhiên, phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn các trường cần bố trí chỗ để hoặc gửi mũ bảo hiểm cho học sinh. Các bậc cha mẹ có con đi học bằng xe đạp điện cho rằng, cần giáo dục từ từ để học sinh chuyển biến nhận thức, không nên gây căng thẳng, áp dụng hình thức kỷ luật nặng làm ảnh hưởng tới việc học tập.
Theo kế hoạch của Công an Hà Nội, từ ngày 6/4 đến 10/4, cảnh sát giao thông tiến hành nhắc nhở các trường hợp học sinh khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Sau 10/4 sẽ xử phạt cho đến khi không còn hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Theo Quang Anh/Báo Gia Đình & Xã Hội