Học sinh kém Sử: Có trách nhiệm của Hội Khoa học Lịch sử
“Học sinh kém Sử có trách nhiệm một phần của Hội Khoa học Lịch sử” – Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho biết.
Mới đây, tại buổi lễ tôn vinh học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc (ảnh) – Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: “Học sinh kém Sử, trách nhiệm một phần của Hội Khoa học Lịch sử. Vừa qua, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã ký Bản ghi nhớ để cùng hợp tác nghiên cứu đánh giá đúng thực trạng giáo dục môn sử, tìm ra các nguyên nhân và đề ra các giải pháp khắc phục, chấn hưng một cách toàn diện và căn bản. Qua đây, chúng tôi muốn nhân cơ hội để nhận trách nhiệm của một hội nghề nghiệp cùng với Bộ GD-ĐT tôn vinh, động viên và khích lệ tinh thần học Sử cho các học sinh. Trên cơ sở biên bản ký kết với Bộ GD-ĐT mà trực tiếp là Bộ trưởng đã chủ động đến gặp Hội Sử học là bước chuyển nhận thức lớn. Trong chương trình này, chúng tôi quan tâm nhiều đến việc dạy học Sử trong nhà trường liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên dạy Sử và hình thức khác nhau để khích lệ, tôn vinh những điển hình, sáng kiến hỗ trợ cho việc dạy và học Sử”.
Với sự kết hợp này, ông có thấy ở Bộ GD-ĐT tinh thần quyết tâm? Và Hội Sử học sẽ thực hiện những bước như thế nào để nâng cao chất lượng môn sử trong trường học?
Mong muốn nâng cao chất lượng không chỉ của Bộ, Hội Khoa học Lịch sử mà của toàn xã hội. Nhưng mong muốn ấy phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Việc phá cơ chế cũ đã khó, hệ thống chương trình, hình thức biên soạn SGK đã lâu năm cũng cần phải thay đổi là cần thiết nhưng phải thận trọng. Không nên đòi hỏi quá nhanh bởi nhanh thường là hỏng nhưng phải khởi động ngay.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận và GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN trao giải thưởng cho HS giỏi quốc gia môn Lịch sử tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) sáng ngày 14/4/2012.
Một ví dụ về việc dạy Lịch sử là vừa qua Hà Nội có cho chú giải tên một số tuyến đường phố nhưng lại sai? Ông nghĩ sao về cách làm này?
Video đang HOT
Mọi sáng kiến về việc dạy và học sử tôi đều ủng hộ. Việc làm của Hà Nội vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội nhưng cũng là việc làm mạnh dạn của cơ quan quản lý thành phố. Trước đó ở Mỹ Tho đã làm, nước ngoài cũng có.
Nhưng việc chú giải không hề đơn giản, tưởng dễ mà không dễ. Bởi viết càng ngắn, cô đọng, súc tích bao nhiêu thì ngoài yếu tố chính xác ra phải đầy đủ. Lẽ ra (cách làm của Hà Nội) phải có hội đồng tương đối chuẩn mực để đưa ra những định danh bảo đảm tính ngắn ngọn nhưng chính xác.
Ở đây địa danh đã có thay đổi, năm nay ở tỉnh này, năm sau ở tỉnh khác. Hay chuyện 55 hay 56 ngày đêm tính theo cách nào? Một sự cảnh tỉnh rằng ý nghĩa việc làm là tốt nhưng cách thức thực hiện phải phù hợp.
Cần hiểu rằng xã hội vẫn hết sức quan tâm không bỏ mặc môn lịch sử. Chưa bao giờ nhiều sách viết về lịch sử như hiện nay, một số cách mới như sách tranh chẳng hạn đã xuất hiện. Các nhà xuất bản, điện ảnh đã nỗ lực (dù chưa thực sự thành công), sân khấu cũng vậy. Chúng ta phải ghi nhận đã có thay đổi đó.
Và cũng đừng ngộ nhận việc các cháu nhỏ bây giờ xem phim Trung Quốc mà thuộc lịch sử Trung Quốc. Phim cổ trang khác lịch sử. Tuy nhiên hiểu lịch sử Trung Quốc là tốt chứ, sống bên cạnh họ phải hiểu về họ thì mới hợp tác, bảo vệ được đất nước ta.
Ông có nghĩ, việc học trò học kém môn Lịch sử có phải do lỗi của người lớn?
Cái đó đúng. Cần phải hiểu tại sao các cháu không thấy lịch sử hấp dẫn, thiết thực…
Cá nhân tôi cho rằng hiện nay nhiều sân chơi vẫn thiên về việc đánh đố trí nhớ các em. Trong thời đại mà chỉ cần click chuột, học trò đã có cả bộ bách khoa toàn thư thu gọn trong lòng bàn tay, nhiều sân chơi không còn phù hợp.
Cái khó nhất và giá trị nhất của lịch sử là tính ngụ ngôn: những câu chuyện, những bài học lịch sử và sự liên tưởng. Các cụ xưa có câu “ôn cố nhi tri tân” tức xem chuyện xưa để nhận ra chuyện nay, nhìn chuyện nay mà ngẫm chuyện xưa. Để thấy rằng phương pháp tư duy lịch sử vô cùng quan trọng. Ngành nghề nào cũng vậy, nếu có một sự hiểu biết lịch sử vững chắc thì nghề nghiệp vững vàng hơn vì có một phương pháp phù hợp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Tôn vinh những học sinh giỏi nhất môn Sử
Sáng 14/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho 211 học sinh đoạt giải môn lịch sử chọn học sinh giỏi quốc gia THPT.
Kỳ thi quốc gia môn sử năm nay có 415 học sinh (HS) dự thi, kết quả có 6 em đoạt giải nhất, 31 em giải nhì, 90 em giải ba, 84 em giải khuyến khích, chiếm tỷ lệ 50%.
Lễ trao giải thưởng này là hoạt động khuyến học đầu tiên của Quỹ Phát triển sử học Việt Nam của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - một Quỹ được thành lập với mục đích hướng tới nâng cao ý thức và niềm tự hào của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên trong sự hợp tác giữa Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT nhằm chấn hưng một cách toàn diện và căn bản thực trạng giáo dục môn Sử hiện nay.
6 học sinh đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. (Ảnh: Bảo Giang)
Xúc động trong buổi lễ nhận giải, em Lê Thiện Anh, HS Trường THPT chuyên Bến Tre là một trong 6 HS đoạt giải nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia môn Lịch sử năm nay phát biểu: "Dân ta phải biết sử ta Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Thấm sâu lời dạy đó của Bác, em luôn tâm niệm học Lịch sử không chỉ là học để có kiến thức thuần túy mà là một phần quan trọng trong "học làm người", làm người Việt Nam, làm người dân của một đất nước ngàn năm văn hiến. Không chỉ có vậy, bộ môn Lịch sử còn giúp em hiểu hơn về thế giới ngay từ buổi khai thiên lập địa, trải qua quá trình phấn đấu dài lâu, con người mới được sống cuộc sống văn minh, hiện đại như ngày nay. Thế nhưng hiện nay, cuộc sống hiện đại với sự phát triển đến chóng mặt của khoa học kĩ thuật đã khiến nhiều bạn HS ngại học Lịch sử vì cho rằng đay là một môn về lý thuyết, nặng về sự kiện. Nhiều bạn cho rằng mình có quyền lướt qua lịch sử bởi sự lãng quên chính là quy luật của thời gian... Bản thân em, không phải không có những băn khoăn khi lựa chọn và theo đuổi môn Lịch sử trong suốt quãng thời gian học THPT. Nhưng rồi, những sự kiện, những điểm mốc thời gian cứ như có linh hồn, làm sống dậy trong em không chỉ là ngày tháng mà chính là cuộc đời, là tiếng nói cha ông từ ngàn năm vọng lại. Hôm nay nhận được giải thưởng này em thấy mình trưởng thành hơn trong niềm hạnh phúc lớn lao".
Chúc mừng các em đoạt giải thưởng được tuyên dương và nhận giải thưởng hôm nay, GS.NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vui mừng cho biết: "Kết quả thi cử nhiều năm nay và những điều tra xã hội học cho thấy HS và thế hệ trẻ hiểu biết về lịch sử còn rất hạn chế, có nhiều hẫng hụt, thiếu sót, sai lầm trong nhận thức lịch sử. Chính trong bức tranh toàn cảnh còn nhiều màu xám đó, các em chăm lo học và đoạt giải thi môn Sử là những mảng màu tươi, những gương sáng rất quý, rất đáng biểu dương. Các em cho thấy rằng trong đám đông HS chưa thích môn Sử vẫn có những em tìm ra niềm hứng thú trong học tập môn sử, tìm ra phương pháp hữu hiệu trong học tập, trong cách thức mở mang hiểu biết lịch sử".
GS Phan Huy Lê cho rằng: "Việc tuyên dương và trao phần thưởng hôm nay chưa thể thay đổi được thực trạng giáo dục môn Sử các trường phổ thông mà mới là giải pháp góp phần khuyến khích, cổ vũ tinh thần học Sử của học sinh. Chấn hưng và khôi phục vị thế, phát huy hết chức năng môn Sử, cần nghiên cứu và thực thi một hệ thống giải pháp đồng bộ từ nhận thức vai trò và yêu cầu môn Sử đến chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học liên quan đến cả hệ thống đào tạo giáo viên môn Sử. Cải cách môn Sử lại phải đặt trong cải cách cả nền giáo dục quốc dân, tức phải "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục".
Tại buổi lễ, đánh giá cao kết quả các em đã đạt được trong kỳ thi HS giỏi Sử vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Qua số lượng các em đông đảo giành giải chứng tỏ rằng trong các nhà trường phổ thông hôm nay có nhiều bạn trẻ đam mê môn Sử. Tôi xin cảm ơn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quỹ Phát triển sử học Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh này".
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Giáo viên trường chuyên bày cách ôn tập môn Sử "Nên dùng sơ đồ tư duy để ôn tập Lịch sử bởi đó là cách nhanh nhất để hệ thống hóa kiến thức và quan trọng hơn, học sinh dễ nhìn được tổng quan bài học. Tuyệt đối không nên học tủ mà cần phải ôn tập đầy đủ và có trọng tâm". Đó là những chia sẻ của thầy Trần Huy Đoàn,...