Học sinh huyện vùng cao nhận nhiều món đến từ TP Hồ Chí Minh
Nhóm thiện nguyện đến từ TP. Hồ Chí Minh đã trao hàng ngàn cuốn sách và nhiều phần quà cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện miền núi Tương Dương.
Các em học sinh được các cô giáo hướng dẫn vẽ tranh theo mẫu trong sách. Ảnh: Đình Tuân
Hưởng ứng các hoạt động nhân Ngày hội đọc sách trên địa bàn huyện Tương Dương, nhóm: “Chủ nhật yêu thương” đến từ TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trường Tiểu học Nhôn Mai tổ chức trao quà cho học sinh nghèo.
Những cuốn sách mới cuốn hút các em học sinh người Mông ở xã Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuân
Theo đó, tại điểm trường Huồi Cọ (Nhôn Mai) ngoài tổ chức các hoạt động đọc sách, trưng bày sách, vẽ, múa hát… Đoàn còn trao 831 cuốn sách truyện các loại; 12 quả địa cầu; 50 bộ góc học tập ở nhà, 1 giá sách và bàn, ghế; 1 ti vi 48 inch.
Dịp này đoàn cũng đã tặng Trường Tiểu học Mai Sơn 1 máy chiếu; tặng 25 thùng sách, mỗi thùng 300 đầu sách cho 25 trường tiểu học trong toàn huyện.
Video đang HOT
Vẽ theo sách là một trong những trải nghiệm khiến các em học sinh thích thú. Ảnh : Đình Tuân
Mục đích của nhóm là muốn góp phần xây dựng thư viện trong các lớp học, trường học tại các bản, cụm dân cư nhằm từng bước nâng cao dân trí, giúp học sinh gắn bó với sách và trường lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại địa phương.
Theo Baonghean.vn
Cô giáo Bản Cam làm theo lời Bác
Theo đường đất dốc ngược lên đỉnh núi, từ trên nhìn xuống, dòng suối Ngòi Bo đoạn thượng nguồn cạn trơ từng bãi đá cuội. Phân hiệu Mầm non Bản Cam (xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) nằm chênh vênh bên sườn núi, lọt thỏm giữa chục nóc nhà đơn sơ.
Mấy năm qua, tại nơi heo hút nhất xã này, có những cô giáo đã tình nguyện ở lại điểm trường nuôi dạy hơn chục học sinh mầm non từ 2 đến 5 tuổi ăn ở tại trường mà không đòi hỏi bất cứ chế độ nào.
Giờ học tại Phân hiệu Mầm non Bản Cam.
Lớp học đặc biệt trên đỉnh núi
Khi chúng tôi tới được phân hiệu Bản Cam thì đã gần trưa. Mặc dù mới đầu tháng 3 nhưng nắng chói chang như lửa đốt, dội xuống bản nhỏ nằm chênh vênh bên sườn núi. Trong gian lớp học đơn sơ, các em nhỏ chăm chú theo từng cử chỉ, lời nói của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Hường, có em chỉ khoảng 2 tuổi, ngồi rất ngoan bên các anh chị lớn hơn.
Cô giáo Hường cho biết: Phân hiệu Mầm non Bản Cam (Trường Mầm non Hoa Ban, xã Gia Phú) chỉ có 1 lớp, ghép cả 4 độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, với 15 học sinh dân tộc Dao đỏ. Vì nhà các em quá xa điểm trường, có chỗ cách trường 5 km đường rừng, nên phụ huynh đã gửi các con ở lại trường nhờ các cô chăm sóc, cuối tuần mới xuống cõng con về. Trong 15 học sinh, có 10 cháu ăn ở luôn tại phân hiệu. Nghe cô giáo Hường trò chuyện, tôi nhớ lại mình đã đến nhiều trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh có học sinh ở bán trú, nội trú tại trường, nhưng điểm trường mầm non có học sinh nội trú như ở Bản Cam thì rất đặc biệt và hiếm gặp.
về hoàn cảnh của các em, cô giáo Hường không giấu được sự trăn trở: 100% học sinh ở đây thuộc diện con hộ nghèo. Cháu Triệu Xuân Lan, nhà ở xa nhất, lại bị khuyết tật từ nhỏ, vừa câm, vừa điếc, mới 5 tuổi đã là chị của 3 em nhỏ. Cháu Chảo Thị Hà, 5 tuổi, cũng bị thiểu năng trí tuệ, nhận thức chậm, chỉ nói sõi được hai từ "cô ơi", lại mới bị ngã lệch khớp vai. Cháu Triệu Thị Phấy theo bố mẹ vào ở trong rừng sâu 3 năm, khi ra điểm trường thấy ai cũng sợ, không biết nghe, không biết nói tiếng phổ thông... Khi gửi các con ở trường cho thầy cô giáo chăm lo, cuối tuần bố mẹ các em chỉ mang xuống bó củi, mớ rau để cảm ơn thầy cô, chứ cũng không có gì đóng góp. Mùa giáp hạt, nhiều hộ ở đây không đủ ăn, vẫn phải sống nhờ vào gạo cứu đói của Nhà nước.
Hết lòng vì học sinh nghèo
Trong khi cô giáo Hường đang dạy học trên lớp thì trong gian bếp chật chội, cô giáo Nguyễn Thị Liên cặm cụi nhóm bếp nấu cơm trưa. Bếp lửa nhóm lên khói cay xè mắt, vậy mà chỉ một loáng sau, mùi hành phi đã thơm lừng, món trứng xào với cà chua trên chảo tỏa hương. Bữa cơm trưa nay của các cháu còn có thêm món canh rau bắp cải. Giờ học vừa tan, các em ùa ra khỏi lớp, ngồi vào dãy bàn ghế đã được kê gọn gàng, thi nhau bưng bát xúc những thìa cơm ăn thật ngon lành. "Trên này biệt lập như ốc đảo, chẳng có hàng quán, thường thì các cháu chỉ được ăn cơm với trứng rán, lạc vừng, rau bắp cải, cá mắm, đậu phụ. Riêng bữa ăn ngày đầu tuần thì sang hơn, vì có thêm thịt lợn cô giáo mang lên. Nhưng thịt thì không để được lâu. Trên này không có điện lưới, còn điện nước chỉ đủ thắp sáng 1, 2 bóng điện nhỏ. Mùa này suối cạn nước, bóng điện đỏ quạch như đèn đom đóm, nhiều hôm cô - trò phải ăn trong bóng tối" - cô Liên tâm sự.
Chúng tôi thật ái ngại khi biết mỗi học sinh 3 - 5 tuổi ở Bản Cam chỉ được hỗ trợ 5.000 đồng tiền ăn trưa mỗi ngày, còn trẻ 2 tuổi đi học không được hỗ trợ. Gắn bó với học sinh trên Bản Cam, cô giáo Hường còn nhớ hôm đi bộ xuyên rừng mấy tiếng vào tận nhóm 4 để gọi học sinh đi học. Thấy người lạ đến, lũ trẻ sợ quá chạy trốn hết, cô giáo phải "hối lộ" mỗi cháu 1 gói kẹo mới đưa được 4 cháu xuống học. Còn ở nhóm 3 thì vừa đi vừa dùng tay bám rễ cây mới vượt qua được những vách đá cheo leo. "Việc chăm sóc các cháu ở trường chẳng khác gì con mọn. Cháu Chảo Hoa Tiên, 3 tuổi, mới cai sữa mẹ, đêm nào cũng khóc, hai cô phải thay nhau ru mãi mới nín. Cháu Tiên còn hay bị sổ mũi, đêm ngủ hay bị mộng du, tự đi ra ngoài sân khóc đòi mẹ. Vậy mà sau một học kỳ, giờ cháu đã tăng được 4 kg, nói tiếng phổ thông cũng sõi hơn" - cô giáo Hường .
Lúc cô giáo Hường kể lại kỷ niệm này với chúng tôi, anh Chảo Ồng Sú, bố cháu Tiên cũng có mặt ở phân hiệu. Anh Sú ôm con trong lòng, xúc động bảo: Nếu không nhờ có các cô giáo chăm sóc, nuôi nấng thì con trai tôi không được như bây giờ. Vài hôm nữa, vợ chồng tôi cũng đưa cháu út 2 tuổi xuống gửi các cô. Vợ chồng tôi biết ơn các cô lắm, không biết lấy gì để trả ơn.
Làm theo lời Bác dạy. Năm học 2017 - 2018 là năm học thứ hai cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường tình nguyện xin ở lại phân hiệu Bản Cam. Nhà ở thôn Hòa Lạc, xã Gia Phú, cách phân hiệu 15 km, nhưng đến cuối tuần, cô mới có thể về thăm nhà vì hằng ngày bận ở lại chăm lo cho "đàn con" trên núi. Chồng làm nghề lái xe, thường xuyên vắng nhà, nên cô phải gửi con gái lớn - Phạm Bảo Trân, 5 tuổi - cho ông bà ngoại, còn con gái nhỏ - Phạm Quỳnh Anh, 3 tuổi - đã phải theo mẹ lên núi ở và học cùng các bạn.
- Hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn như vậy, điều gì đã khiến chị quyết định ở lại điểm trường heo hút này? - Tôi hỏi.
Cô giáo Hường mỉm cười: "Năm học trước, một mình em nuôi dạy trẻ ở đây nên cũng quen rồi. Với lại, ở trường còn nhiều cô giáo có con nhỏ hơn, nên em tình nguyện xin ở lại nơi này. Công việc nuôi dạy các cháu tuy vất vả, cuộc sống còn thiếu thốn, nhưng chỉ cần thực lòng yêu nghề, mến trẻ, thì khó khăn nào cũng vượt qua được".
Giờ học buổi chiều, cô giáo Hường bắt nhịp cho cả lớp hát bài "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh", các em cùng hát rất sôi nổi. Cô Hường bảo trong các giờ học, cô vẫn cho các cháu xem ảnh Bác Hồ, dạy các cháu hát bài hát về Bác, "5 điều Bác Hồ dạy", kể cho các cháu nghe những câu chuyện về tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi vùng cao. Những câu chuyện đó cũng tiếp cho cô thêm niềm tin, động lực vượt qua khó khăn. "Em luôn khắc ghi lời Bác dạy: "Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang" và "Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất"".
Nói về cô giáo Hường, ông Chảo Chí Mình, người 22 năm làm Trưởng thôn, nay làm Bí thư Chi bộ thôn Bản Cam, nhà sát vách với phân hiệu, tâm sự: "Cô giáo Hường lên đây nuôi dạy học sinh mấy năm rồi, cũng chịu khổ cùng với học sinh và dân bản. Nhờ cô giáo mà các cháu được chăm lo đầy đủ, tiến bộ từng ngày, tôi và bà con cảm ơn cô giáo nhiều". Còn cô giáo Nguyễn Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Ban, xã Gia Phú cho biết: Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng bằng tình yêu thương trẻ, cô giáo Hường đã tình nguyện ở lại điểm trường xa xôi nhất để nuôi dạy học sinh, khiến các thầy cô trong trường rất nể phục.
Chia tay Bản Cam, tôi còn nhớ mãi hình ảnh trong bữa cơm trưa hôm đó, cô giáo Hường giục con gái tự xúc cơm ăn, còn cô xúc từng thìa cơm bón cho bé Triệu Thị Nhi, 2 tuổi. Cháu Nhi còn nhỏ quá, ăn chậm, nên cô phải dỗ dành từng chút, mới bón hết được bát cơm. Cô giáo Hường bảo: Nếu cho mình một điều ước, thì chỉ mong Bản Cam sớm có con đường đẹp, có điện lưới quốc gia để cuộc sống của cô - trò và người dân đỡ vất vả, các em sớm có ngôi trường mới, khang trang, có phòng ở rộng rãi để đỡ khổ trong mùa hè oi bức.
Theo Daidoanket.vn
Ngành GD Thái Thụy, Thái Bình: Nhân lên những hành động đẹp Nhằm sẻ chia khó khăn đối với các em học sinh nghèo, cán bộ giáo viên đau yếu, mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, Phòng GD&ĐT Thái Thụy đã vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, các tổ chức từ thiện nhân đạo. ảnh minh họa Chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc vận động đã có sức lan...