Học sinh hứng thú nhờ sáng tạo trong đổi mới kiểm tra, đánh giá
Cùng với việc đổi mới phương pháp dạy học, các trường học tại TPHCM đã chủ động thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tham gia dự án Phía Đông Tổ quốc ta.
Bài kiểm tra đặc biệt
Để phát huy sự sáng tạo của học trò, đồng thời đổi mới trong việc kiểm tra, đánh giá học sinh, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) đã ra bài tập nhỏ: Hãy tạo tiểu sử đơn giản của nhân vật lịch sử Việt Nam mà các em yêu thích, bài làm sẽ được lấy điểm 15 phút môn Lịch sử. Học sinh có thể viết hoặc bằng clip dài không quá 3 phút. Bài làm của các em được đăng tải trên trang riêng do giáo viên lập có tên Vietnamese Heroes.
“Các em thể hiện tư duy, góc nhìn, cách học lịch sử không còn cứng nhắc là học sự kiện với các con số, địa danh có phần khô khan. Nó được làm tươi mới dưới hình thức thể hiện khác nhau nên dễ dàng đi vào suy nghĩ, cảm nhận của các em. Đây là điều mà giáo viên tâm đắc”, thầy Du cho hay.
Thầy Du cho biết: Nếu ra một bài kiểm tra viết bình thường sẽ nhàm chán, không phát huy được sự sáng tạo, hiểu biết, cảm nhận của các em về nhân vật lịch sử… Đề bài khá đơn giản trở nên sinh động qua phần trình bày của học sinh. Profile trên Instagram, hợp đồng lao động, đơn xin ứng tuyển, thậm chí là hát rap, tạo thẻ căn cước công dân, lập Facebook cho nhân vật, làm bìa tạp chí… Tất cả được đầu tư chỉn chu với đầy đủ hình ảnh, gia thế, công trạng…
Đơn cử như em Nguyễn Đăng Đinh lớp 12D2 đã thiết kế đơn ứng tuyển vô cùng độc đáo về vua Lê Thánh Tông. Theo đó, vị trí ứng tuyển: Hoàng đế số một của lịch sử Việt Nam. Trên bản CV thể hiện rõ thông tin liên lạc, mục tiêu nghề nghiệp, kỹ năng, kinh nghiệm làm vua, câu nói nổi tiếng, kèm theo cả những hastag… Qua từng mục, thông tin về tiểu sử, tài năng về quân sự, quản trị, ngoại giao, tầm nhìn, thơ ca… và thành tựu nổi bật trong thời gian vị vua này trị vì đất nước từ 1460 – 1497 được truyền tải đầy đủ, ngắn gọn, súc tích.
Tương tự, để lấy điểm 15 phút môn Ngữ văn, vừa khuyến khích học sinh đọc sách, cô Nguyễn Thị Mai Loan, giáo viên Ngữ văn Trường THCS – THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình) ra bài tập nhỏ như: Chi tiết nào trong cuốn sách từng đọc, khiến em cảm thấy tâm đắc; Câu nói hay nào đã làm thay đổi suy nghĩ của em; Hình ảnh văn học nào khiến em trăn trở… hay cuộc thi viết về một nhân vật em ấn tượng, một cuốn sách mà em tâm đắc…
Cô Mai Loan chia sẻ, bên cạnh những bài tập, đề kiểm tra đơn thuần trên lớp liên quan đến bài học, cuộc thi viết nhỏ sẽ giúp các em thể hiện năng lực môn Văn, sự hiểu biết cũng như tâm tư, tình cảm, cảm nhận của mình về cuộc sống, mọi thứ xung quanh ngoài kiến thức sách vở.
Video đang HOT
Học sinh hào hứng trong giờ học GD quốc phòng. Ảnh minh họa/ INT
Tham gia dự án dạy học
Từ nhiều năm qua, Trường THPT Lê Quý Đôn triển khai nhiều dự án dạy học liên môn hiệu quả. Nhờ đó, học sinh có những trải nghiệm thú vị, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn, phát triển phẩm chất, năng lực, sở trường của mình… Giáo viên cũng có đánh giá toàn diện hơn về học sinh trên nhiều phương diện. Trong năm học 2019 – 2020, Trường Lê Quý Đôn triển khai dự án dạy học liên môn có tên Phía Đông Tổ quốc ta với sự tham gia của gần 130 học sinh ở 3 khối lớp.
Dự án chọn Đà Nẵng là điểm thực địa, bởi đây là vùng biển đảo tiêu biểu, có quần đảo Hoàng Sa – một trong hai quần đảo xa bờ của Việt Nam. Ở đây còn có Nhà trưng bày Hoàng Sa – nơi ghi nhận chứng cứ lịch sử về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này.
Dự án yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức về Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Giáo dục quốc phòng để xây dựng một buổi Festival biển đảo nhằm quảng bá thông tin về hệ thống biển đảo, lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam. Các em tham gia một số hoạt động tại địa phương như trồng cây xanh phòng hộ, thu gom rác ở bờ biển nhằm kêu gọi giữ gìn bảo tồn môi trường biển, trải nghiệm một ngày làm chiến sĩ… Tham gia dự án, học sinh được giáo viên đánh giá ở nhiều khía cạnh: Kỹ năng, kiến thức, thái độ, tinh thần tập thể.
Theo cô Lê Thị Nga, giáo viên Địa lý, tham gia dự án, không chỉ dừng lại về mặt kiến thức là xác định và đánh giá được vị trí và ý nghĩa của các đảo, biển Đông trong việc phát triển kinh tế – xã hội và an ninh quốc phòng cũng như bảo vệ môi trường, mà còn giúp các em hình thành kỹ năng cơ bản. Đặc biệt qua dự án, học sinh ý thức được sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền, môi trường biển và đảo cũng như bồi dưỡng thêm lòng yêu quê hương đất nước, sẵn sàng xây dựng Tổ quốc.
“Tham gia học tập theo dự án Phía Đông Tổ quốc ta không đơn thuần là hoạt động trải nghiệm, đối với học sinh đó là sự trưởng thành về nhân cách, phát triển các năng lực chuyên biệt chứ không phải là điểm số. Các em tự chăm sóc bản thân, ý thức việc tự lập khi xa gia đình, học được nhiều điều từ chuyến đi (giao tiếp xã hội, đến tự giải quyết vấn đề trong cuộc sống…”. – Cô Lê Thị Nga
Băn khoăn công nhận kết quả học qua Internet
Đánh giá học sinh như thế nào, cho điểm ra sao, làm thế nào để kết quả phản ánh đúng năng lực của học sinh..., các giáo viên, nhà quản lý đang băn khoăn khi dạy và học qua Internet, trên truyền hình.
Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình đối với các cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh (HS) nghỉ tránh dịch.
Theo đó, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định.
Đã học phải có kiểm tra, đánh giá
Theo thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, quyết định công nhận kết quả đánh giá dạy học online, trên truyền hình của Bộ GD&ĐT rất kịp thời. Dựa trên cơ sở thực tế cũng như nhìn nhận được những nhược điểm của phương pháp này nên bộ chỉ cho phép lấy điểm miệng hoặc bài kiểm tra 15 phút.
"Việc học online bây giờ gặp khó khăn khi mạng yếu, việc kiểm tra không đồng nhất. Do đó, kết quả kiểm tra, đánh giá chỉ nên nhìn nhận như là một biện pháp chế tài chứ không thể nào đánh giá hết được toàn bộ năng lực của HS. Nó buộc các em phải chú ý, phải tham gia vào buổi học" - thầy Du nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, cho hay đã học thì phải có kiểm tra, đánh giá, chính điều đó sẽ khiến HS có trách nhiệm với việc học. Bởi giai đoạn này, không phải em nào cũng hào hứng với việc học, nhất là khi không có cha mẹ và giáo viên kiểm soát một bên. Nhưng quan trọng là cách thực hiện như thế nào để đánh giá đúng năng lực của HS.
Trong khi đó, đồng tình với việc đánh giá HS nhưng cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, bày tỏ lo lắng vì còn nhiều bất cập.
"Chúng ta cần phải nghiêm túc thừa nhận đây chỉ là giải pháp tình thế cho tình huống khẩn cấp là đại dịch toàn cầu. Bởi rõ ràng là phương pháp dạy này đang gặp nhiều khó khăn. Giáo viên chưa có kinh nghiệm, số lượng giáo viên có thể sử dụng thông thạo các ứng dụng dạy học chưa cao. HS chưa có tinh thần tự học, thậm chí các ứng dụng dạy học cũng còn bị hạn chế. Như thế, các trường sẽ đánh giá điểm số của HS như thế nào?" - cô Loan đặt vấn đề.
Học sinh Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng đang học bài tại nhà. Ảnh: NTCC
Liệu có khả thi?
"Việc đánh giá kết quả thường xuyên qua Internet, truyền hình khó có khả thi" - cô Phan Thụy Mộng Thu, giáo viên Trường THCS Lữ Gia, quận 11, chia sẻ. Theo cô Thu, hiện nay các trường sử dụng nhiều phần mềm khác nhau để dạy học online. Hơn nữa, hiệu quả của nó không giống như trên lớp nên để cho HS làm bài kiểm tra sẽ khó đảm bảo được tính trung thực của kết quả.
"Tôi chưa tin tưởng được các phần mềm online sẽ đảm bảo được tính trung thực. Do đó, kết quả học online chỉ có thể đánh giá ở dạng cho các em trả lời câu hỏi để lấy điểm cộng trong những bài kiểm tra trong lớp khi các em đi học trở lại. Tuy nhiên, như thế sẽ gây áp lực cho các em vì môn nào cũng kiểm tra để xem kiến thức các em thế nào. Hiện nay Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh, tinh giản nội dung học, thiết nghĩ bộ cũng nên giảm số bài kiểm tra" - cô Thu nói thêm.
Nói thêm về vấn đề này, thầy Đăng Du cho biết đối với bộ môn thầy dạy, sau khi cho HS xem một clip giảng bài, thầy sẽ dùng Google Form ra câu hỏi và các em phải trả lời trong một thời gian nhất định. Dù HS làm được hết nhưng thầy cũng không thể kiểm tra được các em có trao đổi bài, tương tác với nhau hay không.
Tương tự, tại Trường THCS - THPT Hai Bà Trưng, nhà trường cũng không đồng tình lấy điểm kiểm tra 15 phút dựa trên việc học qua Internet.
Về vấn đề này, cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, lại có quan điểm khác. Việc đánh giá khả thi, chính xác hay không theo cô tùy thuộc vào cách làm của mỗi giáo viên. Đối với môn địa lý, sau khi học bài, cô yêu cầu HS viết một đoạn kịch với nhiều nhân vật tham gia nói về ngành công nghiệp Nhật Bản hoặc làm sơ đồ hóa về các vùng kinh tế Nhật Bản. Với cách làm trên, các em sẽ không thể nhìn bài lẫn nhau. Bởi lý thuyết có thể giống nhau, còn mỗi sản phẩm khác nhau. Do đó, giáo viên có thể đánh giá được chất lượng.
"Làm sản phẩm tư duy, thực hiện các sản phẩm thực tế, mỗi em sẽ có ý tưởng riêng, do đó giáo viên có thể đánh giá được. Mặt khác, những em tham gia học thường xuyên sẽ được tôi cho điểm cộng. Còn những em ít tham gia, chậm trễ sẽ bị nhắc nhở và trừ điểm nếu làm sai" - cô Hiệp bày tỏ.
Việc đánh giá phải công bằng, khách quan, trung thực
Trong quá trình tổ chức học qua Internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quy trình thực hiện nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập trực tuyến; qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm (được quản lý theo hệ thống), các bản báo cáo quá trình học tập của HS; các bài thu hoạch sau các khóa học.
Các trường cần xây dựng hướng dẫn giáo viên sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học của HS trong quá trình dạy học qua Internet, trên truyền hình thay cho các bài kiểm tra thường xuyên đúng quy định. Việc đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan.
Khi HS đi học lại, các cơ sở cho HS ôn tập, bổ sung kiến thức, thực hiện kiểm tra định kỳ, học kỳ. Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp HS củng cố kiến thức.
Sở GD&ĐT TP.HCM
NGUYỄN QUYÊN
Lưu ý ôn tập môn Lịch sử với nguyên tắc 5 điều nên và không nên Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM đã có những lưu ý giúp học sinh lớp 12 ôn tập tốt môn Lịch sử chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du giảng dạy trong một chuyên đề Lịch sử Các em nên Học có kế hoạch: Chương...