Học sinh ‘hóa thân’ thành thầy cô để hiểu hơn về nghề giáo
Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đang tổ chức cuộc thi ‘Một giờ làm thầy cô’ để các em học sinh hiểu hơn về nghề giáo viên.
Năm học 2022-2023, Trường THPT Phan Đình Phùng tiếp tục tổ chức cuộc thi “Một giờ làm thầy cô” cho học sinh khối 12.
Giúp hoàn thiện mình hơn
Thời điểm này, Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) đang tổ chức cuộc thi “Một giờ làm thầy cô” lần thứ 2 năm 2022. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ý tưởng của hoạt động này bắt nguồn từ việc những năm gần đây, tỉ lệ học sinh đăng ký vào ngành Sư phạm thường không cao bằng các khối ngành khác. Dù áp lực về công việc hay thu nhập là có, nhưng nghề giáo vẫn giữ cho mình những giá trị và vị thế nhất định trong xã hội ngày nay.
“Qua cuộc thi này, chúng tôi mong muốn các em sẽ được hóa thân vào vai một giáo viên để hiểu được các công việc thường nhật cũng như những áp lực, khó khăn mà thầy cô sẽ phải trải qua để có được hành trang tốt nhất trước khi lên lớp. Dù mới ở tuổi học sinh nhưng các em đều đã bước đầu thể hiện được sự nỗ lực, chỉn chu từ trang phục, tác phong đến phương pháp giảng dạy” – cô Nhâm Huyền chia sẻ.
Lên lớp trong trang phục công sở với bộ vest trẻ trung, em Trần Đức Anh đến từ lớp 12D3 tâm sự, để chuẩn bị cho giờ dạy các kiến thức về mặt tròn xoay trong môn Toán, nam sinh này đã mất khá nhiều thời gian cũng như sự góp ý từ cô giáo. Đức Anh cũng bộc bạch, ước mơ làm thầy giáo dạy Toán đã hình thành từ khi còn là cậu học trò lớp 7, nên khi nhà trường phát động cuộc thi em đã đăng ký ngay để tham gia.
Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền (bìa trái), em Trần Đức Anh (thứ 3 từ phải sang) cùng các bạn sau giờ giải lao.
Theo Đức Anh, được trực tiếp cầm phấn đứng trên bục giảng và sử dụng các giáo cụ cần thiết cho bài học đã giúp em có được những trải nghiệm tuyệt vời về nghề giáo. Các khái niệm về hình nón mình giảng giải cho các bạn phía dưới hiểu được và cùng trao đổi một cách hào hứng, đó chính là thành công của người thầy. Đây là sân chơi bổ ích giúp em hoàn thiện mình hơn về mọi mặt.
“Ngay sau khi kết thúc giờ dạy, em cảm thấy rất hài lòng vì mình đã hiểu được sự tâm huyết, vất vả của các thầy cô nên vô cùng trân trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh gần đến ngày 20/11, khát khao trở thành sinh viên Khoa Sư phạm Toán của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội vào năm tới của em ngày càng cháy bỏng hơn. Dù điểm chuẩn đầu vào sẽ rất cao nhưng em sẽ cố gắng để chinh phục mục tiêu này” – Trần Đức Anh nói.
Nuôi dưỡng đam mê với nghề giáo
Video đang HOT
Đam mê, yêu thích những áng văn chương từ hồi học cấp 2, em Vũ Huyền Linh – học sinh lớp 12D6 đã hoàn thành xong giờ giảng của mình với tâm trạng khá thoải mái. Trong tiết dạy của mình, nữ sinh này đã cùng các bạn hòa mình vào những vần thơ giàu hình ảnh trong tác phẩm Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nữ sinh Vũ Huyền Linh đến từ lớp 12D6 bày tỏ sự xúc động, niềm vui khi được trải nghiệm làm cô giáo dạy Văn cho các bạn học sinh tại cuộc thi.
Không chỉ là sở thích, thông qua cuộc thi lần này, Linh mong muốn tự “test” khả năng của mình tới đâu cũng như kỹ năng truyền đạt kiến thức của mình cho người khác. Đồng thời, đây cũng là dịp để em chuẩn bị các bước cần thiết cho hành trình chinh phục Khoa Sư phạm Ngữ văn – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong năm 2023.
Nữ sinh này cũng thừa nhận, để soạn một bài giáo án chuẩn chỉnh là không hề dễ dàng. Trong mỗi một tác phẩm văn học đều ẩn chứa rất nhiều tầng giá trị. Nhiệm vụ của người dạy là cần dùng cái tâm để khám phá và cảm nhận. Mỗi một lần suy nghĩ là lại ra một phát hiện mới, sau đó em sẽ chắt lọc để giáo án của mình hoàn thiện nhất có thể. Từ đó sẽ cùng trao đổi, phân tích cùng các bạn học sinh về tác phẩm.
Em Vũ Huyền Linh lần đầu tiên được trải nghiệm làm cô giáo dạy Ngữ văn trên bục giảng.
“Khác với các môn khoa học tự nhiên, văn chương chúng ta cần cảm nhận. Dạy Văn quan trọng nhất là mình cảm nhận được linh hồn của tác phẩm cũng như có phương pháp truyền tải tới người nghe. Sau cuộc thi này, em sẽ tiếp tục trau dồi bản thân và đọc thêm những tác phẩm mới để rèn luyện tư duy nhiều hơn. Dù kết quả có ra sao thì Văn vẫn là niềm đam mê của em…”, Vũ Huyền Linh tâm sự.
“Cuộc thi này được khởi động lần đầu tiên vào năm 2020 và đã tạo ra những hiệu ứng tích cực bước đầu. Trong năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động này bị tạm hoãn. Năm học 2022-2023, cuộc thi đã được tổ chức trở lại và thu hút sự tham gia của đại diện đến từ 16 lớp của khối 12. Chất lượng các giờ dạy ngày càng được nâng cao thể hiện sự cố gắng và tình yêu với nghề giáo của các em học sinh” – cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền nói.
Lan tỏa truyền thống Tôn sư trọng đạo tới học trò
Thông qua các hoạt động Đội đa dạng, sinh động, các trường phổ thông luôn chú trọng công tác giáo dục truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' cho học sinh.
Ảnh minh họa.
Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo"
Trước câu chuyện nữ sinh ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, có lời lẽ thô tục với thầy giáo trong giờ học, việc giáo dục đạo đức, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" cho học sinh được thảo luận sôi nổi. Tại các trường học, giáo dục học sinh lòng biết ơn, yêu thương và tôn trọng thầy cô luôn được quan tâm triển khai song song với giáo dục văn hóa.
Là giáo viên Mỹ thuật kiêm Tổng Phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh tại Trường Tiểu học Đại Hưng, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, thầy giáo An Xuân Mười được các thế hệ học trò nhắc đến bằng tên gọi gần gũi "thầy Mười Mỹ thuật".
Thầy Mười kể, trong hơn 20 năm đi dạy, niềm vui lớn nhất của thầy là được học sinh yêu quý, tôn trọng và nhớ về bằng những kỷ niệm, tên gọi thân thiết. Nhiều học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Đại Hưng, khi gặp thầy trên sân trường hay ngoài hành lang, không chỉ lễ phép chào hỏi mà còn chạy lại ôm chầm lấy thầy và reo vui.
Trên vai trò Tổng Phụ trách Đội TNPT Hồ Chí Minh, thầy Mười đã tổ chức nhiều hoạt động Đội sinh động, thu hút, lôi cuốn nhằm giáo dục học sinh yêu thương, tôn trọng và biết ơn thầy cô giáo.
Nổi bật nhất, trong năm học có một số ngày lễ lớn có gắn kết với chủ đề "Tôn sư trọng đạo" như ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày 20/10, ngày 8/3, ngày 26/3...
Nhân dịp này, liên đội Trường Tiểu học Đại Hưng tổ chức cho học sinh vẽ tranh, viết lời chúc dành tặng thầy cô giáo. Giáo viên môn Mỹ thuật phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm và liên đội hỗ trợ học sinh trong hoạt động này.
Giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" giúp học sinh phát triển toàn diện văn thể mỹ. Ảnh: NVCC.
Bên cạnh đó trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt đầu tuần, liên đội đã tổ chức diễn đàn theo chủ đề, trong đó có chủ đề "Tôn sư trọng đạo".
Theo thầy Mười, để học sinh khắc sâu hơn kiến thức và nhận thức về việc tôn trọng thầy cô giáo có rất nhiều cách xây dựng diễn đàn như tổ chức đóng tiểu phẩm, kể chuyện.
Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho học sinh biểu diễn văn nghệ với chủ đề về thầy cô giáo. Từ đó, học sinh được bồi đắp tình yêu với thầy cô giáo, học cách bày tỏ lòng biết ơn, sự yêu mến đối với thầy cô - những người đã có công nuôi dạy mình.
Thấu hiểu và tôn trọng học sinh
Còn dưới góc độ là giáo viên môn Mỹ thuật, thầy Mười thường lồng ghép giáo dục sự tôn trọng, biết ơn thầy cô trong mỗi giờ học. Thầy giáo tâm niệm rằng nếu bản thân thầy tôn trọng học sinh, các em sẽ hiểu, học và tôn trọng thầy cô giáo.
Khi nhận xét các tác phẩm tranh vẽ của trò, thầy Mười không so sánh các em với bạn bè trong lớp mà sẽ so sánh các em với chính các em trong quá khứ. Ví dụ, nếu năm nay, một học sinh đã biết cách phối màu đẹp hơn năm trước, thầy sẽ khen em đã làm tốt hơn và có sự tiến bộ trong học tập.
Lời khen nhỏ, dù chỉ xoay quanh một chi tiết là cách phối màu, cũng giúp học sinh vui vẻ cả ngày học hôm đó. Hơn nữa, học sinh cũng cảm nhận được sự quan tâm, tôn trọng của thầy giáo dành cho mình.
Giáo dục lòng biết ơn thầy cô giáo được các trường lồng ghép trong nhiều ngày lễ lớn. Ảnh: NVCC.
Được học sinh coi như "người mẹ thứ hai", cô Ka Mai, giáo viên môn Địa lý kiêm giáo vụ Trường PT DTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho rằng, để giáo dục học sinh biết yêu thương, tôn trọng thầy cô, trước hết mỗi giáo viên cần mở lòng, lắng nghe và chia sẻ với học sinh.
Với đặc thù trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh ở lại trường hàng tuần, thậm chí hàng tháng, thầy cô chính là những người cha, người mẹ thứ hai của các em. Nếu thầy cô mở lòng với học sinh sẽ nhận về sự thấu hiểu, tin yêu của các em.
Thầy cô cũng cần trau dồi và tự trau dồi các kỹ năng sư phạm, kỹ năng ứng xử với học sinh, kỹ năng xử lý vấn đề trong môi trường sư phạm... bởi lẽ học sinh, đặc biệt học sinh THCS, đang trong giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý có nhiều thay đổi. Nếu nắm bắt được tâm lý của học sinh, thầy cô có thể linh hoạt xử lý các tình huống sư phạm và đồng hành cùng các em trên chặng đường trưởng thành.
Thầy giáo An Xuân Mười (trái) tổ chức tập huấn cho học sinh Trường Tiểu học Đại Hưng. Ảnh: NVCC.
Trong gần 40 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Thảo, giáo viên dạy Vật lý tại Hà Nội, nay đã về hưu, chia sẻ, bên cạnh nhiều học sinh tôn trọng thầy cô giáo, cô đã gặp không ít em có thái độ vô lễ, thậm chí là nói hỗn với giáo viên.
Tuy nhiên, trong trường hợp này và trong quá trình đi dạy, giáo viên cần chủ động kiểm soát cảm xúc của bản thân, không để hành vi của học trò làm ảnh hưởng đến cảm xúc, lời nói và hành động của mình. Thay vì xoáy sâu vào câu chuyện, người thầy cần cho học sinh thời gian lấy lại bình tĩnh để nhận thức được sai lầm của bản thân.
Sau giờ học, giáo viên bộ môn trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh để kịp thời uốn nắn.
Song song giáo dục văn hóa, cô Thảo cho rằng mỗi giáo viên cần chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Hãy đặt ra những tình huống như học sinh nổi nóng với giáo viên, học sinh có thái độ chưa tôn trọng giáo viên... để các em cùng thảo luận. Khi học sinh đã nhận thức được hành vi như vậy là sai, tiếp tục thảo luận về cách làm đúng hoặc biện pháp sửa chữa sai lầm.
"Việc được học sinh yêu quý không chỉ là niềm may mắn mà còn minh chứng rằng bản thân người giáo viên đã mang lại những giá trị tích cực hoặc lan tỏa tình yêu đến học trò. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của việc giáo dục truyền thống "Tôn sư trọng đạo" cho học sinh", thầy giáo An Xuân Mười, giáo viên Trường Tiểu học Đại Hưng, tỉnh Hưng Yên, bày tỏ.
Những nỗi sợ vô hình của nghề giáo Đã có những buổi lên lớp nhìn học sinh mình, rồi khi về nhà nhìn những đứa nhỏ nhà mình, tôi lại bật khóc Nguyên nhân tự tử của cô giáo ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vẫn còn là một uẩn khúc, đang chờ kết luận của cơ quan điều tra. Song, việc này đã khiến những người trong nghề giáo...