Học sinh Hải Phòng thích thú với cuộn công thức hóa học khổng lồ
Cô giáo trường THPT Ngô Quyền đã hướng dẫn học trò ghi tất cả công thức, bài tập chung lên cuộn giấy dài hơn chục mét, đính ở cuối lớp.
Học sinh Ngô Quyền chia sẻ về cuộn công thức hóa học. Video: Giang Chinh
Ý tưởng cuộn công thức hóa học khổng lồ treo cuối lớp của cô Khiếm Thị Hương Chi, chủ nhiệm lớp 10C7 trường THPT Ngô Quyền, đang truyền cảm hứng học tập cho học trò. Cuộn công thức bằng giấy với bề ngang một mét, dài hơn chục mét, được đóng trên tường và treo cuối lớp.
Những công thức hóa học, bài tập chung với đủ nét bút, màu mực được học sinh thảo luận và thống nhất cách trình bày trên cuộn giấy. Em nào không nhớ công thức, có thể mở ra xem lại.
Nữ sinh Trần Hương Thảo chia sẻ, cách học của cô giáo rất sáng tạo, cả lớp tiếp nhận và thực hiện nhiệt tình. “Cô bảo lớp phải làm mọi cách để nổi tiếng trong 3 năm, vậy mà chưa đến 3 tháng lớp em đã nổi tiếng rồi…”, Thảo cười nói.
Đánh giá hóa học là môn hàn lâm, khô khan với toàn con số, chữ cái và công thức, cô Hương Chi trăn trở tìm cách đổi mới phương pháp dạy để học trò không nhàm chán, dễ tiếp thu kiến thức. Do vậy, cô đưa ra ý tưởng “ cuộn công thức hóa học” ngay sau khai giảng. Cô định hướng cho học sinh cách thể hiện, trình bày kiến thức trên đó sao cho logic nhất.
Ý tưởng cuộn công thức của cô giáo Khiếm Thị Hương Chi được học trò hưởng ứng tích cực. Ảnh: Giang Chinh
Trải qua gần 3 tháng, các em đã ghi được gần 100 công thức hóa học, làm được nhiều bài tập chung. Điều quan trọng nhất cô giáo chủ nhiệm hướng tới là tạo cho học trò tính chủ động trong môn học, chia sẻ kiến thức nhiều hơn và tự tin khi làm bài độc lập, không phải ghi nhớ kiến thức máy móc.
“Cuộn công thức này vừa là để giúp các em ghi nhớ kiến thức trong suốt năm học, vừa lưu lại làm kỷ niệm, đánh dấu hơn 1.000 ngày cô trò đồng hành tới khi các em tốt nghiệp”, cô Chi tâm sự.
Phó hiệu trưởng trường Ngô Quyền, cô Phạm Thị Mai Hương, đánh giá cao nhiệt huyết, sự sáng tạo của cô giáo Hương Chi. Cách làm của cô giáo khiến học sinh say mê sáng tạo không chỉ trong học tập mà cả hoạt động khác của nhà trường.
Giang Chinh
Theo VNE
Hiểu hơn bài học sau khi làm thí nghiệm
Sau khi thực hiện thí nghiệm, nhóm học sinh Trường tiểu học Bình Hưng chia sẻ: 'Khi học môn khoa học có nói về vai trò của vitamin C, con thấy rất bình thường, không ấn tượng và không hiểu hết được nguồn gốc và tầm quan trọng như hôm nay, sau khi làm thí nghiệm'.
Học sinh hứng thú tham gia thí nghiệm - BẢO CHÂU
Trong 2 ngày 9 và 10.11, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức chương trình giáo dục tương tác Bé làm thí nghiệm vui - BASF Kids, Lad dành cho học sinh tiểu học và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, hơn 600 học sinh và trẻ em của các trường tiểu học tại Q.6, Bình Tân, huyện Bình Chánh cùng tham gia chương trình giáo dục tương tác này để tìm hiểu về vai trò của vitamin C đối với sức khỏe nói riêng và vai trò của hóa học đối với đời sống của con người.
Tại chương trình, học sinh lần lượt thực hành 2 thí nghiệm vui và an toàn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về hóa học và sinh viên tình nguyện của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Trường ĐH Y dược TP.HCM.
Chẳng hạn ở thí nghiệm "Vitamin C ở đâu?", học sinh sẽ cùng nhau phát hiện ra các loại rau và trái cây nào thường gặp trong đời sống có chứa nhiều vitamin C. Thông qua đó, các em sẽ tìm hiểu lợi ích của việc bổ sung các loại rau trái có màu sắc đa dạng trong bữa ăn nhằm cung cấp nguồn vitamin này.
Học sinh được hướng dẫn thực hiện thí nghiệm - BẢO CHÂU
Hay trong thí nghiệm Cánh bướm kỳ diệu, học sinh sẽ sử dụng các nguyên liệu quen thuộc như bắp cải tím, nước cốt chanh, thuốc muối và ứng dụng các lý thuyết khoa học hết sức đơn giản để biến một mẩu giấy trắng thành hinh con bướm được trang trí màu sắc sinh động, có thể đậu trên đầu ngón tay của mình.
Học sinh thực hiện thí nghiệm Cánh bướm diệu kỳ - BẢO CHÂU
Nhóm học sinh Trường tiểu học Bình Hưng (huyện Bình Chánh) vui vẻ trao đổi trong lúc thực hiện thí nghiệm: "Chúng con muốn thực hiện nhiều thí nghiệm để biết được những ứng dụng trong cuộc sống. Khi học môn khoa học có nói về vai trò của vitamin C nhưng con thấy rất bình thường, không ấn tượng và không hiểu hết được nguồn gốc và tầm quan trọng như hôm nay, sau khi làm thí nghiệm".
Cũng trong dịp này phiên bản thí nghiệm trực tuyến chính thức ra mắt có tên gọi BASF Virtual Lab nhằm giúp học sinh tiểu học có thể thực hiện các thí nghiệm ảo...
Theo thanhnien
5 điểm đổi mới phương pháp dạy Sử Theo nhận xét của một số giáo viên, việc dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông hiện rất khó khăn do học sinh không thích. Tình trạng cô đọc, trò chép và kiểm tra bằng cách thuộc lòng, ghi nhớ các sự kiện khiến nhiều em "sợ" bộ môn Lịch sử. Dạy "chay", học "chay" gây nặng nề, nhàm chán...