Học sinh Hải Phòng hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới
Hôm nay (21/3), tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh ( quận Lê Chân), Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế phối hợp cùng Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức sự kiện truyền thông nhân ngày Sức khỏe răng miệng thế giới (20/3) cho 1.500 học sinh đến từ 4 trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân.
1.500 học sinh đến từ 4 trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân tham gia sự kiện
Đây là sự kiện truyền thông cấp thành phố nằm trong khuôn khổ dự án “ Sức khỏe và Dinh dưỡng học đường” được sự tài trợ của Quỹ Wrigle. Với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh răng miệng trong cộng đồng nói chung và học sinh trong độ tuổi đến trường nói riêng, sự kiện đã thu hút 1.500 học sinh đến từ các trường tiểu học: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu, Trưng Vương.
Các em học sinh được tham gia trò chơi Rung chuông vàng để tìm hiểu những kiến thức về răng miệng
Tại buổi truyền thông, các em học sinh được tham gia các hoạt động văn nghệ và trò chơi liên quan đến chủ đề răng miệng. Thông quan sự kiện này, Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế mong muốn khuyến khích học sinh thực hiện thói quen chăm sóc răng miệng; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của giáo viên, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung; tuyên truyền quảng bá hoạt động và ý nghĩa của việc chăm sóc răng miệng.
Bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết: Đây là một sự kiện truyền thông có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh. Với sự kiện này, tôi mong rằng các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ y tế, phụ huynh học sinh cùng có nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ, chăm sóc răng miệng cho các em học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.
Bà Đỗ Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế trao quà cho học sinh
Được biết, dự án “Sức khỏe và Dinh dưỡng học đường” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế phối hợp với các Sở GD&ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Tiền Giang thực hiện từ năm 2011 đến năm 2019, với tổng kinh phí 3 giai đoạn mở rộng là 400.000 USD.
Thông qua dự án này, 88.000 học sinh của 85 trường từ cấp mầm non tới THCS thuộc 3 tỉnh, thành phố sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ các dịch vụ sức khỏe và giáo dục dinh dưỡng; 480 giáo viên và cán bộ y tế trường học được tập huấn và sử dụng tài liệu dự án.
Tại buổi truyền thông, 1.500 học sinh đến từ 4 trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân được nhận những phần quà ý nghĩa do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế trao tặng.
Nguyễn Dịu
Video đang HOT
Theo giaoducthoidai
"Ngày hội Lan tỏa yêu thương": Hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ
"Chúng ta hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ, so sánh trẻ với "con người ta" và hãy hướng đến những cách dạy dỗ trẻ tích cực hơn...", bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) chia sẻ tại "Ngày hội Lan tỏa yêu thương" tại trường Tiểu học Tân Thông, Củ Chi (TP.HCM).
Bà Nguyễn Phương Linh tặng quà các bạn nhỏ tham gia phần thi Rung Chuông Vàng tại Ngày hội.
Đây là một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương - Giáo dục không bạo lực" của Dự án phi lợi nhuận "Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội về quản trị quyền trẻ em" do Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children International) tài trợ.
Đa dạng hoạt động dành cho phụ huynh và các bạn nhỏ
Ngày hội có sự tham dự của đại diện Phòng GD&ĐT huyện Củ Chi, Viện MSD, SCI và hơn 1.000 học sinh trường Tiểu học Tân Thông, các giáo viên và phụ huynh.
Đặc biệt, ngày hội còn có sự tham gia chia sẻ của Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Văn Chung, tác giả của nhiều ca khúc về chủ đề gia đình, quyền trẻ em..., người đã tham gia đồng hành cùng Chiến dịch truyền thông mạng xã hội do MSD thực hiện năm 2017.
Trẻ em tham gia ngày hội.
Chia sẻ về lý do tổ chức sự kiện, bà Nguyễn Phương Linh - Giám đốc MSD cho biết: "Chúng tôi tin tưởng rằng những đứa trẻ có thể trưởng thành tốt mà không cần đến những hình phạt thể chất và tinh thần hay những phương pháp giáo dục bạo lực.
Chúng ta hãy từ bỏ thói quen đánh đòn, quát mắng trẻ, so sánh trẻ với "con người ta" và hãy hướng đến những cách dạy dỗ trẻ tích cực hơn. Hãy để trẻ được sống trong vòng tay yêu thương, để trẻ được phát triển toàn diện, tự tin vào bản thân mình và phát huy được những tố chất, khả năng đặc biệt mà trẻ có".
Tại Ngày hội, các bé đã tự tay vẽ tranh, làm thiệp lan tỏa yêu thương để thể hiện những mong muốn, tình cảm của mình đối với bố mẹ, gia đình. Các trò chơi tương tác như "Nhìn hành động đoán vật", "Thử thách mức độ hiểu nhau giữa cha mẹ và con" đã giúp các gia đình có những giờ phút thư giãn thoải mái, vui vẻ, qua đó, bố mẹ và các bé cũng đã hiểu suy nghĩ của nhau hơn.
Và từ đây về sau, bố mẹ và các bé sẽ chia sẻ với nhau nhiều hơn nữa về những tâm tư, tình cảm của mình, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó gia đình.
Đặc biệt, với các câu hỏi liên quan đến Quyền của chính các em, cách để bảo vệ chính mình, những người có nghĩa vụ bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại... cũng như các câu hỏi lĩnh vực khoa học tự nhiên, địa lý..., phần chơi Rung Chuông Vàng với sự tham gia của 40 bạn học sinh đến từ khối 4, khối 5 của trường đã mang tới nhiều kịch tính cho Ngày hội.
Trò chơi rung chuông vàng
Trong phần thi này, thầy cô, cha mẹ và các bé cũng cùng nghe chia sẻ về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 do Bộ Lao động Thương binh & Xã hội vận hành.
Tổng đài thực hiện chức năng tư vấn qua điện thoại bằng việc tiếp nhận, phân loại thông tin báo cáo từ người dân và nhiều nguồn khác về các trường hợp trẻ em cần được bảo vệ; tiếp nhận, cung cấp, giải đáp thông tin cho trẻ em và cha mẹ về các vấn đề của trẻ em; tư vấn sâu về tâm lý, chính sách cho trẻ em và kết nối can thiệp, bảo vệ trẻ em.
Bé Ngọc Giàu (9 tuổi) tâm sự: "con rất vui khi tham gia Ngày hội cùng các bạn. Phần chơi Rung Chuông Vàng rất thú vị, theo dõi các bạn chơi, con nhớ nhất chính là số Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Đó là một thông tin rất hữu ích cho chúng con".
Cần nhiều hơn nữa những Ngày hội Lan tỏa Yêu thương
Chia sẻ tại Ngày hội, có nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc bảo vệ con khỏi bạo lực và xâm hại và dạy con cách tự bảo vệ mình. Điều đó, dẫn đến việc sử dụng "rào chắn" để "cách ly" con với hàng xóm xung quanh.
Chị Ly (39 tuổi, ở Củ Chi) cho biết, chị thường tới xem tình hình của con ở trường vào giờ ra chơi và đến đón con sau giờ tan học. Chị không yên tâm với khu vực nơi gia đình mình sinh sống, lo sợ con bị bạo lực và xâm hại nên đã chọn cách để con chơi ở trong nhà, không giao tiếp hay chơi với các bạn cùng tuổi.
Không gian ngày hội.
Thực tế cho thấy, đối với cha mẹ ở địa phương, việc tiếp cận với các chương trình, hoạt động liên quan đến chủ đề này còn hạn chế.
"Trước tới giờ hễ có hoạt động nào ở trường thì tôi đều cho các con tham gia. Cũng chưa có sự kiện như thế này được tổ chức ở trường. Nhà tôi ở xa Cung thiếu nhi của huyện, vợ chồng đều bận đi làm tối ngày nên không có thời gian đưa các con đi và cũng ít thời gian để nói chuyện hay chơi cùng các con. Thỉnh thoảng, có la mắng các con khi chúng nó quậy quá mà cũng chưa nghĩ đến là các con sẽ cảm thấy tổn thương, cảm thấy buồn", anh Nguyễn Đức Mạnh, 45 tuổi (Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ.
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông chia sẻ tại Ngày hội
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông (Củ Chi), cho biết: "Bảo vệ trẻ em là một trong những vấn đề rất được quan tâm của Nhà trường. Ngoài các nội dung chính khóa, trong các môn học tự nhiên-xã hội, đạo đức đều được lồng ghép nội dung liên quan, Nhà trường cũng tham khảo các chương trình giáo dục kỹ năng sống để giáo dục các em có kỹ năng tự bảo vệ mình, tránh bị xâm hại.
Ví dụ như trong môn đạo đức có những bài liên quan như Yêu thân thể, Bảo vệ trẻ em, Yêu những người xung quanh..., các em được dạy cách xử lý những tình huống khi gặp người lạ, khi bị đụng chạm cơ thể không an toàn... Trong năm tới, chúng tôi cũng sẽ thực hiện các chương trình giáo dục kỹ năng sống chuyên sâu hơn cho học sinh".
Ông Tuấn Lê, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thông cũng khẳng định Ngày hội Lan tỏa yêu thương là một hoạt động thực sự gần gũi và thiết thực đối với Nhà trường, đặc biệt là trong việc tạo không gian để các em học sinh có cơ hội vui chơi và tìm hiểu về cách bảo vệ chính mình thông qua các hoạt động tương tác.
"Cần nhiều hơn nữa những Ngày hội Lan tỏa yêu thương "để truyền tải thông điệp ý nghĩa đối với gia đình, trường lớp, thầy cô và những người xung quanh để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành trong gia đình, khỏi xâm hại tình dục và hướng dẫn cho các em biết cách bảo vệ bản thân mình", ông Tuấn Lê nói.
Lê Đăng
Theo giaoducthoidai
Học sinh Hải Phòng giành 72 giải HSG quốc gia năm học 2018-2019 Theo đó, trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia năm học 2018-2019 diễn ra từ ngày 13 đến 15/1/2019 vừa qua, Hải Phòng giành 72 giải, trong đó có 6 giải nhất, 23 giải nhì, 18 giải ba và 25 giải khuyến khích. Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng tặng hoa động viên các em học sinh...