Học sinh Hà Nội từ lớp 4 đến 12 học ‘chính khoá’ trên truyền hình
Không chỉ củng cố, ôn luyện kiến thức, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định dạy các bài học mới trên truyền hình và mở rộng hình thức dạy học này tới lớp 4, thay vì chỉ lớp 9 và 12 như thời gian đầu triển khai.
Hà Nội dạy nội dung bài học mới trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 – Ảnh HTV
Để giúp học sinh có thêm hình thức học tập, ôn luyện trong thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch Covid -19, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình.
Các bài dạy trên truyền hình là các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học trong chương trình lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học; lớp 6, 7, 8 và 9 cấp trung học cơ sở; và lớp 10, 11, 12 cấp trung học phổ thông, năm học 2019 – 2020.
Theo đó, các lớp 4 và lớp 5 học các môn tiếng Việt, toán, tiếng Anh; lớp 6, 7, 8 và 9 học các môn ngữ văn, toán và tiếng Anh; lớp 10 và 11 học các môn ngữ văn, toán, vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý và tiếng Anh; lớp 12 học các môn ngữ văn, toán, vật lý, hoá học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã có văn bản hướng dẫn về việc dạy học từ xa. Theo đó, các trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua internet, trên truyền hình; phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.
Cũng theo chỉ đạo của Sở GD-DDT Hà Nội, khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Lịch phát sóng và nội dung bài học cụ thể tuần này (từ 23 – 28.3) như sau:
Trên kênh H1:
Trên kênh H2:
Video đang HOT
Giảm chương trình thế nào khi học sinh nghỉ học quá dài vì dịch Covid-19?
Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án cắt giảm chương trình do học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Đây là vấn đề đang được các nhà trường và xã hội quan tâm và đặt câu hỏi 'cắt giảm thế nào'?...
Theo các giáo viên, việc cắt giảm chương trình như thế nào còn lệ thuộc vào thời gian học sinh trở lại trường sau khi nghỉ học do dịch Covid-19 - Khả Hòa
Bộ đã nhiều lần giảm tải
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng; hướng vào những nội dung không thật sự cần thiết.
Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã có những hướng dẫn liên quan đến việc giảm tải chương trình. Trong đó, lần giảm tải lớn nhất là việc Bộ ra Văn bản số 5842 vào tháng 9.2011 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông, ban hành cùng với tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của từng môn học.
Tiếp đó, năm 2017, Bộ có Văn bản số 4612 hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS), cho phép các nhà trường tổ chức cho giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Văn bản này được xem là "cởi trói" để các nhà trường, giáo viên sáng tạo và chủ động hơn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, dạy học phù hợp với đối tượng HS. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn "hờ hững" với hướng dẫn này.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cũng cho rằng các nhà trường hoàn toàn có thể căn cứ vào Văn bản 4612 này để xây dựng thời khóa biểu phù hợp. Nhưng điều này đòi hỏi kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ, phụ thuộc vào cả năng lực của người dạy và người học. Ví dụ, một nội dung trước đây dạy 10 tiết mới xong, nếu xây dựng lại có thể dạy trong 5 tiết mà không ảnh hưởng đến chuẩn kiến thức. Tuy nhiên, quan trọng là khả năng thiết kế, thi công của giáo viên và cả HS nữa. Có những em hiểu rất nhanh, nhưng ngược lại có em phải giảng kỹ, chậm mới hiểu bài.
Căn cứ vào thời gian học sinh trở lại trường
Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, Hà Nội, nêu quan điểm: "Có hai cách để tinh giản chương trình, đó là giảm số lượng và giảm về mức độ yêu cầu. Cắt giảm một cách cơ học về số lượng là không nên nhưng đặt ra những mức độ, yêu cầu phù hợp với thời lượng học tập của HS cũng như từng nhóm đối tượng HS thì sẽ phù hợp với đòi hỏi thực tế hơn".
Theo ông Hà, việc thực hiện tốt kế hoạch nhà trường sẽ giúp việc tinh giản hiệu quả. Ví dụ với chương trình hiện hành dù chưa dạy tích hợp sâu như chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng các trường hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch để dạy học tích hợp theo chủ đề, lược bỏ những nội dung kiến thức trùng lặp chồng chéo ở các môn.
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng quan trọng là khi nào HS trở lại trường thì sẽ biết chính xác có bao nhiêu thời gian để hoàn thành chương trình năm học ấy. Việc tinh giản phải dựa trên thời gian thực dạy, thực học. Nếu không căn cứ vào quỹ thời gian thực tế còn lại của năm học này thì mọi cắt giảm đều không phù hợp.
Còn ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, thì cho rằng việc kết thúc năm học vào giữa tháng 7 (hay giữa tháng 8.2020) là rất vất vả cho cả thầy và trò. Do đó, cần giảm thời lượng và nội dung giáo dục từ 20 - 25% của kế hoạch học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho tất cả các trường phổ thông. Tức là kế hoạch giáo dục của 4 tháng được hoàn thành trong 3 tháng.
Điều này là khả thi vì các địa phương dựa trên khung kế hoạch của Bộ đã xây dựng kế hoạch riêng cho mỗi trường. Vì thế khi chương trình học kỳ 1 đã hoàn thành, thường là các nơi đã chủ động lấn sang thời gian của học kỳ 2, nhất là các lớp cuối cấp lớp 9 và lớp 12. Ngoài ra, thời gian vừa qua và sắp tới các lớp cuối cấp tiếp tục được ôn tập và học bài mới bằng hình thức trực tuyến theo kế hoạch giáo dục học kỳ 2 của Bộ.
Không cắt giảm cơ học
Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định việc cắt giảm chương trình không thể làm một cách cơ học mà phải có rà soát và phương án cụ thể, làm sao để vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng.
Theo ông Thành, sẽ có 2 giải pháp cho việc giảm tải. Thứ nhất là tinh giản chương trình, tức là sẽ cụ thể hóa Văn bản 4612 về hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS và hướng dẫn giảm tải từ năm 2011. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung trong văn bản đó như thế nào, để đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia.
Giải pháp thứ hai là tăng cường hướng dẫn dạy học từ xa. Bộ đã ban hành hướng dẫn chung nhưng sắp tới sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình ra sao, xây dựng kế hoạch dạy học ra sao, giáo viên, tài liệu dạy học thế nào để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo dõi được việc học của HS. Chỉ như vậy thì việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập mới đạt được.
Theo ông Thành, dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng khi tháng 4, dịch bệnh đẩy lùi, HS sẽ trở lại trường. "Những nội dung được tinh giản thì chắc chắn sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử", ông Thành khẳng định.
Ý kiến
Có nên giảm tải các kiến thức vận dụng nâng cao ?
Khi xây dựng chương trình, đối với mỗi nội dung kiến thức bao giờ cũng bao gồm kiến thức nền, cơ bản, sau đó là vận dụng nâng cao. Việc giảm tải các kiến thức vận dụng nâng cao trong thời điểm này là cần thiết nhằm giảm áp lực cho HS và giáo viên dễ triển khai hơn khi áp dụng các phương pháp dạy học khác như dạy trực tuyến, giao bài tập, dạy trên truyền hình, trên các phần mềm hay thông qua mạng xã hội.
Một vấn đề cần quan tâm là khi điều chỉnh như vậy thì đối với HS lớp 12 sẽ khó khi phân loại HS để xét tuyển ĐH. Việc giảm tải sẽ dẫn đến đề thi THPT quốc gia sẽ giảm sự phân hóa vì ít các câu vận dụng nâng cao, vô tình làm khó công tác đánh giá phân loại và khó khi xét điểm tuyển sinh. Đặc biệt là đối với các trường ĐH tốp trên có điểm xét tuyển cao.
Phạm Phương Bình - (Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân ,Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Nên học đến đâu thi đến đó
Chúng ta không thể nói kiến thức nào, nội dung nào là không cần thiết trong chương trình. Nếu nói như vậy thì vô tình chúng ta thể hiện sự khinh sự trọng đối với kiến thức, thể hiện đánh giá chủ quan, thiếu thận trọng. Vì vậy, trong trường hợp bắt buộc phải nghỉ và bắt buộc phải thi thì theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng học đến đâu thi đến đó và cần có giới hạn chương trình.
Hồ Hoàng Minh - (nguyên hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM)
Cần phương án ít ảnh hưởng học sinh nhất
Đã là kiến thức thì đều cần thiết nên không thể nói là cắt giảm. Để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, nên tinh giản nội dung, tùy theo mức độ kiến thức và hiểu biết hay vận dụng, nâng cao...
Thật ra, trong tình thế dịch bệnh thì có thể tính đến nhiều phương án như tinh giản, giới hạn kiến thức, học đến đâu thi đến đó, miễn thi, xét tốt nghiệp... Bộ cần lựa chọn phương án nào để ít ảnh hưởng đến HS nhất. Việc tinh giản là một phương án nhưng cần tính toán sao cho không thừa không thiếu và đảm bảo tính công bằng đối với HS.
Bùi Gia Hiếu - (Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, Q.Tân Phú, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien.vn
Hà Nội: Triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội vừa ra thông báo sẽ phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến 12. Theo đó, học sinh ở Hà Nội sẽ được học, ôn tập qua kênh H1, H2 Đài Phát thanh và Truyền...