Học sinh Hà Nội học 4 ngày/tuần vì quá tải: Đề xuất 3 phương án giải quyết
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Hoàng Mai (Hà Nội) vừa đưa ra một số phương án về việc học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An phải học ngày nghỉ và nghỉ ngày học do sĩ số quá đông.
Về lịch học “lạ đời” của nhà trường khi học sinh phải học luân phiên 4 ngày/tuần, có lớp không được nghỉ thứ 7, bố mẹ phải đau đầu tìm chỗ gửi con hoặc nhờ người trông vì không thể nghỉ ở nhà trông con, chiều 15/9, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã thông tin đến báo chí.
Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh – Trưởng Phòng GD&ĐT Hoàng Mai hiện tại, riêng địa bàn phường Hoàng Liệt có trên 85.000 dân, tăng khoảng 10.000 dân so với năm 2017. Toàn phường có tới 82 tòa chung cư trong đó 76 tòa đã đi vào sử dụng. Số dân tăng quá nhanh khiến cho các trường bị quá tải, nhất là Trường Tiểu học Chu Văn An.
Tháng 4/2018, UBND quận giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1 năm học 2018 – 2019 cho Trường Tiểu học Chu Văn An là 964 học sinh. Tuy nhiên, tới tháng 7 đã có gần 200 trẻ vào lớp 1 được phường xác nhận tạm trú. Do đó, năm học này Trường Tiểu học Chu Văn An tuyển sinh 1.145 học sinh lớp 1 và chia vào 23 lớp, trung bình 49 em/lớp.
Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Hà Đình Cường)
Cũng theo bà Hạnh, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đưa ra một số phương án về lịch học để lấy ý kiến phụ huynh.
Phương án 1: Nếu học sinh quá đông nên chăng chỉ cho nhà trường chỉ tuyển sinh hộ khẩu thường trú trên địa bàn, tạm trú dài hạn trước tháng 4/2018. Nếu vậy, số đông học sinh có hộ khẩu tại phường sau tháng 4/2018 sẽ mất quyền lợi nên không thể thực hiện.
Phương án 2: Trường sẽ tổ chức cho học sinh học 1 buổi/ngày. Phương án này đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh lại cho rằng sẽ gây khó cho bố mẹ vì không có ai trông con nửa ngày còn lại vì bận đi làm. Do vậy, phương án này không khả thi.
Phương án 3: Nếu trường bố trí 70 em/lớp ở khối 1. Các khối 2, 3, 4, 5 bố trí 68 em/lớp thì vừa đủ với số phòng, đảm bảo học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên như vậy lại vướng vào quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội về sĩ số học sinh/lớp, nhất là khối 1 nên không thể thực hiện được.
Video đang HOT
“Bởi những lý do trên, chúng tôi nghĩ phương án tối ưu nhất lúc này là tổ chức mô hình học 4 ngày/tuần, tức 8 buổi/tuần và có học luân phiên vào thứ 7. Phương án này cũng được sự chấp thuận của Sở GD&ĐT Hà Nội khi áp dụng ở các khu vực nội thành, khu chung cư có số lượng dân đến sinh sống rất đông mà số lượng trường không đáp ứng được”, bà Hạnh cho hay.
Được biết, toàn trường Tiểu học Chu Văn An có 57 lớp ở cả 5 khối nhưng tổng số phòng học chỉ có 41 phòng.
Trả lời PV Dân trí ngày 14/9, bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, thực sự là quá tải.
“Năm nay chúng tôi có 23 lớp 1, tăng 16 lớp so với năm ngoái. Số lớp tăng bằng cả một trường tiểu học thế này, chúng tôi không biết làm cách nào. Chỉ mong phụ huynh học sinh cùng chia sẻ. Hiện chúng tôi đã báo cáo bằng văn bản lên các cấp để xin hướng xử lý”, bà Thêu cho biết.
Được biết, toàn trường Tiểu học Chu Văn An có 57 lớp ở cả 5 khối nhưng tổng số phòng học chỉ có 41 phòng. (Ảnh: Hà Đình Cường)
Về lo ngại của phụ huynh khi lịch nghỉ quá nhiều/tuần khiến học sinh không thể đủ thời gian của chương trình/năm, bà Thêu cho hay: “Thực ra, học sinh mất 1 ngày so với mô hình 10 buổi/tuần. Nhưng số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT ở Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về khung giờ học trong 8 buổi/tuần vẫn đầy đủ.
Chúng tôi phải chọn cách nào tối ưu nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho con khi đến trường. Tiểu học không bắt buộc học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường phải sắp xếp cho các con ngày nào đi học, phải được học cả ngày, không thể học 1 buổi”, bà Thêu chia sẻ.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 15/9, bà Thêu cho hay, vì không thể khắc phục tình trạng học luân phiên nên trường đã nhận được chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận.
Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ thực hiện mô hình học 1 buổi/ngày. Học sinh khối 1, 2 sẽ học vào các buổi sáng; học sinh khối 3, 4, 5 học vào các buổi chiều (từ thứ 2 – thứ 6), bắt đầu từ ngày 17/9.
“Với lịch học thế này, sẽ không còn các tiết học tăng cường, tự chọn, hoạt động tập thể, học liên kết. Chúng tôi sẽ tiến hành họp để xin ý kiến phụ huynh trong ngày 16/9.
Sau khi thống nhất và được lãnh đạo cấp trên phê duyệt, nhà trường sẽ đi vào thực hiện lịch học mới”.
Mỹ Hà – Hà Đình Cường
Theo Dân trí
Lịch học "lạ" ở trường tiểu học có HS lớp 1 đông nhất Thủ đô
Năm nay, Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đón 1.145 học sinh vào lớp 1, chia làm 23 lớp và là trường có đông học sinh lớp 1 nhất Hà Nội. Do cơ sở vật chất trường lớp không đủ đáp ứng nên học sinh phải nghỉ học luân phiên, chỉ học 4 buổi trong 1 tuần.
Việc trường lớp quá tải trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã nhiều lần được nhắc đến khi khu vực này có đến 78 tòa chung cư với dân số trên 100.000 người. Gần như tất cả số học sinh tiểu học trong địa bàn học tại hai Trường Tiểu học Hoàng Liệt và Tiểu học Chu Văn An.
Năm học này, trường tiểu học Chu Văn An có 23 lớp 1 với 1.145 học sinh.
Đầu năm học 2017 - 2018, Trường Tiểu học Chu Văn An bắt đầu được đưa vào sử dụng. Ngay năm học đó, trường có 15 lớp 1, bình quân mỗi lớp có từ 50 đến 52 học sinh. Đến năm học 2018 - 2019, 15 lớp này đã được sắp xếp lại thành 13 lớp 2, nâng tổng số học sinh bình quân trong mỗi lớp từ 57 - 58 em.
Năm nay, lứa tuổi "Rồng vàng" (sinh năm 2012) bắt đầu vào lớp 1 nên số học sinh vào đầu cấp tiểu học tăng đột biến. Trường Tiểu học Chu Văn An năm nay có đến 23 lớp 1, tăng 8 lớp so với năm ngoái. Với 1.145 học sinh vào lớp 1 nhà trường phải bố trí học sinh nghỉ học luân phiên các ngày trong tuần để có chỗ cho lớp khác học. Số lượng học sinh tăng nhưng hạ tầng trường lớp không thay đổi. Đây chính là áp lực lớn cho thầy và trò, khó đáp ứng mọi yêu cầu của việc giảng dạy của nhà trường, việc học của con em.
Lễ khai giảng tại ngôi trường có hơn 1000 học sinh lớp 1. (Ảnh: VOV)
Tại các phòng học, bàn ghế được bố trí dày đặc, học sinh ngồi kín mít cả lớp học, hầu hết các bàn học đều có 3 học sinh. Các cô giáo rất vất vả để quản lý cũng như truyền đạt được bài giảng cho học sinh. Tuy nhiên, điều lo ngại hơn với phụ huynh Trường Tiểu học Chu Văn An trong năm học này là lịch nghỉ luân phiên, các lớp chỉ học 4 ngày trong tuần. Có lớp, học sinh sẽ nghỉ thứ 4, thứ 5 và đi học thứ 2, 3, 6 và thứ 7.
Lịch học "lạ" khiến cho các gia đình rất lo lắng tìm chỗ gửi con những ngày trong tuần. Nhiều phương án được đưa ra, trong đó có phương án để con ở nhà một mình, nhờ ông bà từ quê lên trông coi, tiếp tục gửi con theo buổi tại trường mầm non đã học và gửi vào các trung tâm, câu lạc bộ kĩ năng sống. Được biết trong những năm gần đây tại khu vực Linh Đàm đã có nhiều trung tâm, câu lạc bộ được thành lập với nhiều phòng học chuyên để phục vụ các ngày nghỉ của học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An với mức giá từ 100.000 - 130.000 đồng/ngày.
Nhiều phụ huynh đã phải lựa chọn phương án cho con tham gia các câu lạc bộ dù tốn thêm một khoản vì không thể nghỉ làm trông con. Chỉ có điều chi phí sẽ đội lên, nhất là những nhà có nhiều con đi học. Đây là khoản tiền không nhỏ mà đáng nhẽ không phát sinh khi học ở trường công lập. Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ thắc mắc khi mọi năm, chương trình học vốn là 5 ngày trong tuần, năm học này dồn lại 4 ngày thì nhà trường sẽ dồn thế nào, cắt môn học nào, làm sao để đảm bảo chất lượng dạy và học...
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, tại các khu vực nội thành, khu chung cư, đô thị ở Hà Nội, số lượng người dân đến sinh sống rất đông, số lượng trường học không đáp ứng kịp dẫn đến sĩ số ở các trường tiểu học rất cao. Vì sĩ số lớp học quá đông nên nhiều trường tiểu học không còn phòng cho học sinh học và buộc phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên.
Đối với các trường tiểu học phải cho học sinh học tập, nghỉ học luân phiên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT các quận, huyện và nhà trường bố trí việc giảng dạy, học tập luân phiên một cách khoa học, hợp lý giữa các khối lớp. Ngoài ra, việc nhà trường sắp xếp học luân phiên phải đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn cho học sinh.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với UBND thành phố, các quận, huyện nhanh chóng tìm quỹ đất, xây dựng thêm trường lớp mới cũng như có những giải pháp hữu hiệu để nhanh chóng chấm dứt tình trạng học tập, nghỉ học luân phiên ở các trường.
Vân Anh
Theo Giáo dục & Thời đại
Áp lực sĩ số tại Hà Nội: "Đau đầu" tìm phương án giải quyết "Vấn đề áp lực sĩ số ở Hà Nội không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai. Đấy là câu chuyện dài về đầu tư, về quỹ đất và cả về giáo viên nữa", trên đây là nhận định của một số thầy cô giáo trước tình trạng nhiều lớp học có sĩ số trên 60 học sinh do quá tải. Thêm...