Học sinh giỏi phải đóng tiền: Bộ sẽ nghiêm túc chấn chỉnh
Trước thông tin một số địa phương chuẩn bị cho kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia năm nay với sự căng thẳng và tốn kém, thậm chí tiêu cực…, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT
Năm nay, Bộ GD-ĐT quyết định khôi phục chế độ tuyển thẳng vào đại học (ĐH) đối với HS đoạt giải ba trở lên trong kỳ thi HS giỏi quốc gia nhưng không hoàn toàn giống như trước kia. Tức là, chỉ tuyển thẳng vào đúng ngành tương ứng, ví dụ HS giỏi toán thì phải vào thẳng ngành toán, giỏi văn thì phải vào văn… Làm như vậy để có thể tuyển được HS giỏi theo học các ngành khoa học cơ bản.
Tuy nhiên, nếu HS không muốn vào ngành tương ứng mà dự thi ĐH để vào được ngành học mình yêu thích hơn thì cũng sẽ vẫn được cộng điểm ưu tiên.
Video đang HOT
Tất nhiên, chính sách nào cũng khó có thể tránh khỏi tính hai mặt. Chúng tôi cũng lường trước được việc là khi khôi phục lại chế độ tuyển thẳng thì có thể nảy sinh tình trạng học lệch để tập trung vào môn thi, việc ôn luyện sẽ căng thẳng và quyết liệt hơn, tập trung đầu tư nhiều hơn.
* Nhưng theo phản ánh, có những địa phương huy động đóng góp của thành viên trong đội tuyển đến hàng chục triệu đồng khiến nhiều HS học giỏi nhưng vì nhà không có điều kiện đóng góp phải rút lui…, ý kiến của Bộ GD-ĐT về điều này?
- Việc huy động sự đóng góp của phụ huynh, của các tổ chức xã hội đầu tư cho đội tuyển HS giỏi của một địa phương là rất cần thiết. Mặc dù, các địa phương cũng có đầu tư từ nguồn ngân sách cho đội tuyển nhưng số kinh phí đó rất hạn chế. Tuy nhiên, đó là khoản đóng góp tự nguyện và đương nhiên địa phương nào thực hiện sai quy định về tự nguyện là không đúng với chủ trương xã hội hóa. Càng sai nghiêm trọng hơn nếu địa phương nào đó quy định HS giỏi mà không có tiền đóng góp thì bị loại khỏi đội tuyển. Nguyên tắc của kỳ thi này là chọn đúng người giỏi, chỉ có HS giỏi thực sự mới được vào đội tuyển.
Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu địa phương báo cáo và kiểm tra về hiện tượng này. Nếu đúng là như vậy thì chúng tôi sẽ nghiêm túc chấn chỉnh đồng thời rút kinh nghiệm kỹ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng dù có thì đó cũng chỉ là những hiện tượng hết sức cá biệt. Nhiều năm qua đã chứng minh, có nhiều HS đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế… có hoàn cảnh rất khó khăn. Tất nhiên, các em này không thể có hàng chục triệu đồng để đóng góp cho kỳ thi, ngược lại các địa phương phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ thêm cho các em. Đặc biệt, nhiều giáo viên tự nguyện bồi dưỡng đội tuyển mà không hề có thù lao…
* Việc mời chuyên gia ở các địa phương khác hoặc các em phải “khăn gói” lên thành phố Hà Nội để ôn thi cấp tốc chính là nguyên nhân gây nên sự căng thẳng, tốn kém trong kỳ thi này. Trước đây, Bộ GD-ĐT có quy định không được mời chuyên gia ở địa phương khác tham gia ôn luyện cho đội tuyển của địa phương mình, tại sao 2 năm gần đây Bộ lại bãi bỏ quy định này, thưa ông?
- Không phải vì sợ người ta tiêu cực mà mình cấm, làm như vậy là sai nguyên tắc quản lý. Trong vấn đề này thì không thể cấm một người giỏi được dạy cho nhiều người được. Một chuyên gia giỏi về bồi dưỡng cho đội tuyển ở địa phương thì không chỉ bồi dưỡng cho học sinh mà còn bồi dưỡng cho cả các thầy cô. Chính vì vậy nên Bộ quan điểm không nên duy trì quy định cấm như vậy.
* Như một số địa phương phản ánh thì phải xếp lịch để mời chuyên gia của Cục Khảo thí về bồi dưỡng cho đội tuyển của địa phương mình vì đây là nơi chịu trách nhiệm về việc ra đề thi nên ôn thi sẽ sát hơn, Bộ GD-ĐT có biết việc này không?
- Bộ không thể cấm chuyên viên của mình đi bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi ở các địa phương. Trên thực tế họ là những chuyên gia giỏi và họ làm việc đó với tư cách là chuyên gia. Miễn là họ hoàn thành công việc của mình ở Bộ, không vi phạm pháp luật cũng như vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.
Tuy nhiên, nếu các địa phương cho rằng vì chuyên gia của Cục Khảo thí nên ôn luyện sẽ sát đề thi thì chỉ là cách đoán mò. Cục Khảo thí chỉ là nơi tổ chức việc ra đề chứ không phải là những người trực tiếp ra đề. Những người ra đề là một lực lượng đông đảo các giáo viên phổ thông, giảng viên ĐH ở nhiều nơi nên sẽ hạn chế tối đa tiêu cực.
Theo TNO
Yêu cầu thanh kiểm tra chặt chẽ kỳ thi học sinh giỏi
Tuyệt đối không cử những người đã tham gia tập huấn, luyện thi cho các đội tuyển dưới bất cứ hình thức nào tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi học sinh giỏi (HSG) trung học phổ thông 2012.
Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là nơi kiếm nhân tài cho đất nước. Ảnh Internet
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT vừa có Công điện gửi các Sở, trường ĐH, trường phổ thông vùng cao Việt Bắc về việc chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm 2012.
Theo công điện này, kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông (THPT) năm 2012 sẽ được tổ chức vào các ngày 11 và 12 tháng 1 năm 2012. Để tập trung tổ chức tốt Kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, Giám đốc các đại học, Hiệu trưởng các trường đại học có trường THPT chuyên, Hiệu trưởng Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc thực hiện ngay các nhiệm vụ: phổ biến quy chế, hướng dẫn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tham gia Kỳ thi để đảm bảo tổ chức thi nghiêm túc, an toàn, đúng luật, chọn đúng HSG, góp phần phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương, đất nước. Rà soát, thanh kiểm tra, giám sát các khâu của quy trình tổ chức thi.
Đáng chú ý trong công điện này, Bộ trưởng yêu cầu tuyệt đối không cử những người đã tham gia tập huấn, luyện thi cho các đội tuyển dưới bất cứ hình thức nào tham gia công tác chuyên môn kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông 2012.
Theo Infonet
Thi HS giỏi quốc gia sẽ được tổ chức trong hai ngày 11-12/1 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển có Công điện gửi các Sở GD, các trường ĐH có trường chuyên, các trường vùng cao Việt Bắc về việc thi HSG QG. Theo đó, kỳ thi chọn HSG quốc gia sẽ tổ chức trong hai ngày của tháng một là ngày 11 và 12. Bộ GD&ĐT cũng nhắc các đơn vị tổ chức thi...