Học sinh giỏi cũng… khổ
Trong mắt cha mẹ, thầy cô, học sinh giỏi là niềm tự hào. Nhưng để “ sao” sáng mãi, không ít học sinh giỏi khổ sở vì áp lực bảng điểm đẹp, thứ hạng, bằng khen…
Tự tạo áp lực cho mình
Là học sinh giỏi 9 năm liền, B.Ngân (lớp 10 một trường khá nổi tiếng tại TPHCM) làm hài lòng gia đình với điểm thi vào lớp 10 là 41,5 điểm. Tháng đầu tiên của năm học, mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng Ngân vẫn giữ được danh hiệu học sinh giỏi. Tuy nhiên, đến tháng sau thì Ngân bị điểm dưới trung bình ở hai môn. Từ ngày bị điểm kém, Ngân trở nên lầm lì ít nói, cũng không thường xuyên trò chuyện với mẹ như trước đây.
Đi học về là Ngân vào phòng đóng kín cửa. Chị N.T.Thu Trang, mẹ của Ngân lo lắng: “Cháu cầm hai bài kiểm tra dưới trung bình về mà không nói gì. Tôi đang lo cháu buồn quá không tập trung học được. Sáng nay thấy hai mắt con sưng vù, nhưng tôi không dám hỏi, vì sợ chạm vào nỗi buồn của con”.
Áp lực điểm cao khiến nhiều học sinh bị căng thẳng. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thủy)
Kỳ Trung, học sinh lớp 9 tại Biên Hòa (Đồng Nai) lại đang tạo cho mình áp lực theo kiểu khác. Từ lớp 7 tới nay, Trung luôn so điểm của mình với cô bạn cùng lớp. Hôm nào bạn có bài kiểm tra hơn điểm là y như rằng Trung bỏ ăn. Đã nhiều lần gia đình khuyên răn mà vẫn không hiệu quả.
Chính cuộc ganh đua này mà Trung luôn luôn căng thẳng khi làm bài kiểm tra hay thi học kỳ. Chị Đồng Thị Hoa, mẹ của Trung cho biết: “Vợ chồng tôi không tạo áp lực, thấy con học giỏi cũng vui. Có điều, nhiều khi thấy con học gầy rộc cả người thì cũng xót xa”.
Một giáo viên ở THCS Lê Lợi, Đồng Nai cho rằng, việc học sinh tự tạo áp lực về điểm số cho mình không hiếm, nhất là những học sinh giỏi…
Video đang HOT
“Thước đo” điểm số gây stress
Sẽ không quá khi nói rằng, có đến 90% các bậc cha mẹ, nhất là cha mẹ ở thành phố, sử dụng các câu hỏi cửa miệng khi con cái họ đi học, đi thi về: “Hôm nay con được mấy điểm?”, &’Tháng này con xếp hạng mấy?”… Nhưng ít phụ huynh thừa nhận rằng, chính vì quá quan tâm vào điểm số, thứ hạng của con nên vô tình hình thành động cơ học tập sai lầm cho con: Học vì điểm, học để hơn người.
Đã mấy ngày nay, Yến Nhi, học sinh lớp 11, một THPT ở quận 5, TPHHCM tá túc nhà ông bà nội vì không biết trả lời bố mẹ thế nào khi bài kiểm tra môn Hóa chỉ được 7 điểm.
Cô giáo Lê Ngọc Kim Vy, giáo viên chủ nhiệm lớp 11 THPT H.T.K, kể: Không ít lần tôi chứng kiến học sinh khóc ngay tại lớp vì bị điểm kém. Thậm chí có nhiều em phải nhờ cô giáo gọi điện “xoa dịu” phụ huynh. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng chấp nhận khi con mình bị điểm thấp.
Chuyên viên tư vấn tâm lý của đài 1080 Cần Thơ, ông Ngô Thành Thuận cho biết: “Càng ngày có càng nhiều học sinh gọi điện đến than thở là học mệt, đuối sức. Nhiều em vừa tâm sự vừa khóc vì ấm ức khi cha mẹ la mắng vì điểm kém”.
Ông Thuận khẳng định: “Các bậc cha mẹ đang tạo áp lực cho con cái quá nhiều!”.
Khoa Tâm lý, Bệnh viện tâm thần T.Ư 2 ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ đến khám – chữa bệnh, hầu hết đều là học sinh, sinh viên. Nguyên nhân chính dẫn đến những chấn thương tâm lý là do áp lực chuyện học tập. Có những học sinh giỏi phải đều đặn đến Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) để điều trị chỉ vì học quá nhiều.
Hiện nay, “thước đo” gần như duy nhất để đánh giá học sinh là điểm số, kết quả học tập nhưng chính điều này dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như học sinh tự tử, bị stress khi bị điểm kém, rớt hạng. Ông Ngô Tương Đại, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi (TPHCM) chia sẻ: Có nhiều phụ huynh không chịu nhìn nhận thực chất của con em mình mà kỳ vọng quá nhiều nên ra sức ép con học.
“Khi con em bị điểm kém, phụ huynh nên liên hệ với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để tìm hiểu nguyên nhân, thực chất vấn đề chứ đừng la mắng con cái và cũng đừng đổ lỗi cho giáo viên” , ông Đại nhấn mạnh.
Theo Đất Việt
Học sướng hay khổ?
Nếu bạn đang kêu than về việc học thì hãy dành ra một phút để ngẫm lại. Bởi rất nhiều người mong muốn quay ngược thời gian để được học và chỉ học, dù họ đã thành đạt!
Thỉnh thoảng, bạn lại nghe người lớn khuyên răn: "Còn nhỏ thì lo mà học, kẻo phí cả đời. Như tôi bây giờ, thèm được học lắm mà không thể...". Bạn nghĩ lời khuyên quá sáo rỗng và nhàm chán ư? Không phải tự nhiên mà họ lặp lại trường kì "điệp khúc" này bởi đó chính là lời tâm sự của họ.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Khi còn nhỏ, bạn mong muốn được lớn lên, để thoát khỏi vòng tay kiểm soát chặt chẽ từ ba mẹ...Khi ước nguyện đã thành thì cũng là lúc bạn phải mang vác một trách nhiệm: học tập và rèn luyện nhân cách. Bạn lại muốn lớn hơn nữa, để khỏi phải học nhiều...
Và đến khi đã trưởng thành thì tôi chắc rằng bạn sẽ nuối tiếc về quãng đời học trò hồn nhiên tươi đẹp. Bạn ước rằng giá mà bạn học hết mình hơn nữa, giá mà học giỏi hơn, quyết tâm hơn nữa, thì tương lai bạn biết đâu sẽ rạng rỡ hơn, nhưng chắc muộn rồi...
Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy tập "huấn luyện tinh thần" bằng cách tự nhủ: "Học là sướng nhất!". Đó là một quan điểm đúng. Bởi vì:
- Bạn cho rằng mình áp lực về chuyện học? Hãy nhìn lại xem áp lực ấy tự phát sinh hay do bạn tạo ra? Không có điều gì bỗng dưng xuất hiện và mất đi cả, mọi thứ phụ thuộc vào quyết định của bạn. Chính bởi vì bạn quá đặt nặng chuyện học, hoặc bị áp đặt trong việc này, nên bạn mới cảm thấy "học thật khổ"
- Ai trong chúng ta cũng đã từng đi học. Vì vậy, đừng tự cho rằng mình thật "bất hạnh" khi phải nhồi nhét kiến thức quá nhiều. Chúng ta đều trong hoàn cảnh như nhau: cùng học, cùng mệt mỏi và cùng áp lực. Do đó chẳng có lý do gì khiến bạn "mặt nặng mày nhẹ" trước vài bài tập nho nhỏ.
- Bạn học vì điều gì? Một khi bạn học vì ba mẹ, vì điểm, vì tiền thì bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Bởi mục tiêu của bạn đi lệch với tiêu chí mài giũa nhân cách. Tại sao cũng là học sinh, mà một số bạn cho rằng "mỗi ngày đến trường là một niềm vui", còn bạn lại vật vã khổ sở?
-Ngoài những nỗi lo: không thuộc bài sợ bị phạt, điểm kém, ba mẹ rầy la, thầy cô thất vọng, bạn bè "không ngưỡng mộ", thì còn những điều gì trong chuyện học mà bạn cho là "khổ nhọc"? Càng lên cao, môi trường học tập càng khác đi. Và khi đã ra trường, đã có việc làm, thì bạn sẽ còn nhiều mệt mỏi hơn nữa. Chưa hẳn đi làm là khỏe, là "không phải học". Đến trường, bạn chỉ việc tiếp thu bài; còn đi làm, bạn phải gánh trên vai một núi trách nhiệm, liệu có "sướng" không?
- Đi học, bạn không phải lo về mặt tài chính vì đã có cha mẹ "trợ cấp". Ra trường đi làm, bạn phải tự bươn chải để nuôi sống bản thân, chịu nhiều áp lực cạnh tranh, và bạn cũng phải "học, học nữa, học mãi" để nâng tầm kiến thức.
- Thật vui biết bao khi sống giữa tình thương bạn bè, với bao tình cảm trong sáng, hồn nhiên và đáng yêu. Khi đã lớn rồi, mỗi người có một hoàn cảnh, một cuộc sống, do đó không hẳn giao tiếp với nhau chân thành, và không phải điều gì cũng chia sẻ được. Thật sự cảm giác ngồi trong một văn phòng công ty lẻ loi hơn nhiều so với cảm giác ngồi giữa lớp làm kiểm tra đấy!
- Học, bạn rất...vô tư. Bạn có thể lăn ra giường ngủ một mạch sau khi làm một đống bài tập chất chồng. Nhưng khi bạn lớn, đôi khi chỉ vì một câu nói đẩy đưa của đối tác cũng có thể khiến bạn bận tâm cả buổi đêm...
- Đi học, giữa bạn bè có vô số chủ đề để bàn: điểm số, nghề nghiệp tương lai, kiến thức, vốn hiểu biết... Những sự tranh luận sôi nổi và rôm rả vẫn diễn ra thường xuyên vào giờ ra chơi mỗi ngày... Khi đã đi làm rồi, liệu bạn còn có thời gian cho những điều như thế?
- Nếu đã học bài, làm bài xong, bạn có thể đi chơi, online, nghe nhạc, "nấu cháo" điện thoại. Còn khi đã lớn, ngoài công việc ra, bạn còn phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong cuộc sống.
Xem qua những điều này, liệu bạn còn cho rằng "học chán quá, học khổ quá" nữa không?
Khi còn bé, mỗi lần tôi than chán trong chuyện học, mẹ lại nói: "Muốn học hay muốn...ăn không ngồi rồi? Muốn học hay muốn sau này phải làm thuê cuốc mướn?". Nghe xong tôi lại thấm thía, và sợ khi nghĩ về điều đó. Thế là lại ngồi vào bàn học.
Học khỏe hơn lao động chân tay. Học là một hình thức lao động trí óc. Mà "lao động là vinh quang". Vì vậy, hãy tự hào rằng mình được đi học và đang phấn đấu học, bạn nhé!
Tầm quan trọng của việc lập dàn ý khi làm văn Các bạn đã chủ quan cho đó là khâu không cần thiết, những thực tế chứng minh rằng hầu hết các bạn giỏi Văn đều coi trọng việc lập dàn ý. Đó là bí quyết giúp các bạn ấy làm ra các bài văn hay. Trong các kì thi, môn Văn luôn là môn bắt buộc, vì thế môn Văn đóng vai trò...