Học sinh gãy chân tại trường: Cầu cứu nhưng không có hồi âm
Bố bé trai bị gãy chân tại trường học cho biết khi sự việc xảy ra, anh đã gửi đơn cầu cứu Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng không nhận được hồi âm.
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội báo cáo và tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ nguyên nhân khiến học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân trong trường học.
Chiều 7/2, trao đổi với Tiền Phong, anh Trần Chí Dũng, phụ huynh học sinh cho biết sau khi sự việc xảy ra anh đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội, nhưng từ đó đến nay gia đình không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Trong khi đó, báo cáo với lãnh đạo thành phố sáng ngày 6/2, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội lại cho rằng “gia đình bức xúc vì thái độ của cô hiệu trưởng”.
Anh Dũng khẳng định lại sau khi con ngã gãy chân đưa vào bệnh viện, gia đình được trường báo là do cháu chạy bị ngã nhưng khi cháu được phẫu thuật, tỉnh táo có nói lại là: “Con bị đâm vào chiếc xe màu xanh, trên xe có cô hiệu trưởng và cô giáo nữa”.
Video đang HOT
Lúc đó, gia đình mới đến trường để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn chỉ nhằm có phác đồ điều trị và yêu cầu trường có biện pháp khắc phục, không để ôtô đi lại trong trường, tránh việc gây tai nạn cho học sinh khác.
Tuy nhiên, điều gia đình bức xúc là nhà trường làm mọi cách để đưa thông tin sai lệch về vụ tai nạn. Trường còn phát phiếu điều tra học sinh toàn trường để khẳng định 100% học sinh không nhìn thấy chiếc xe nào vào ra trong trường cũng như gây tai nạn?!
Ngay sau đó, tại các buổi làm việc tiếp theo giữa gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng, bà Tạ Thị Bích Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, lại “chợt nhớ ra” hôm xảy ra vụ việc có đi khám bệnh về và cho taxi đi thẳng vào trong trường. Có thể, lúc xe đi ra gây tai nạn cho học sinh Trần Chí Kiên.
Học sinh bị ngã gãy xương đùi phải phẫu thuật. Ảnh: Tiền Phong.
Điều đáng nói, sau khi sự việc xảy ra, PV có buổi làm việc với hiệu trưởng, hiệu phó trường Tiểu học Nam Trung Yên, cả hai đều khẳng định hôm xảy ra vụ việc không có bất kỳ xe nào ra vào trường.
Khi PV đặt câu hỏi vì sao học sinh 7 tuổi cho rằng mình bị ôtô màu xanh lam va phải và trước khi ngã em nhìn thấy trên xe có hiệu trưởng và một cô giáo nữa, bà Ngọc cho rằng “có thể học sinh bị hoa mắt, nhìn nhầm”.
Anh Dũng cho biết thêm đến nay, con trai anh vẫn chỉ ngồi kéo lết chân chứ chưa thể đi lại. Theo lịch hẹn của bác sĩ, đến cuối tháng 2/2017, cháu đi khám lại mới có kết luận có thể đi được hay chưa. Vì thế, việc học của Kiên cũng bị dừng từ đầu tháng 12/2016 đến nay.
Chiều 7/2, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết sau khi có chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo sở đã có chỉ đạo phòng giáo dục tập trung giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, việc đình chỉ hay đưa ra mức kỷ luật như thế nào phải chờ kết luận của cơ quan công an. Hơn nữa, các trường mầm non, tiểu học thuộc phân cấp quản lý trực tiếp của UBND quận, huyện, do đó trong việc này sau khi có kết luận của công an, UBND quận Cầu Giấy sẽ có hình thức kỷ luật.
Theo Nguyễn Hà / Tiền Phong