Học sinh gãy chân: ‘Giá như cô hiệu trưởng xuống xe xin lỗi’
“Trong câu chuyện này, người ta có thể quên đi vụ tai nạn đáng tiếc nhưng hình ảnh về nữ giáo viên sẽ khiến nhiều người trăn trở”, độc giả Lê Tâm viết.
Vụ học sinh Trần Chí Kiên (lớp 2, trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội) bị gãy xương đùi trên sân trường gây xôn xao dư luận gần ba tháng nay. Nếu chỉ là tai nạn vô ý, câu chuyện không đáng trở nên ầm ĩ. Điều mọi người quan tâm là cách hành xử, trốn tránh trách nhiệm của cô hiệu trưởng.
Theo phụ huynh học sinh, các bạn cùng lớp đến thăm em Kiên kể lại: Khi Kiên bị xe đâm ngã, chú lái taxi và cô hiệu phó xuống xe nhưng cô hiệu trưởng vẫn ngồi bên trong. Một bạn gái chạy vòng qua xe gõ cửa bảo: “Cô ơi, xe đâm vào bạn Chí Kiên rồi”.
Nhiều độc giả cho rằng nếu cô hiệu trưởng xuống xe, đưa học sinh đi cấp cứu, thăm hỏi và xin lỗi gia đình, mọi chuyện đã không phức tạp như hiện nay.
Chuyện bé thành to vì cách ứng xử
Theo dõi diễn biến của câu chuyện, nhiều độc giả nhận định bản chất của sự việc không quá phức tạp. Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá dưới góc độ pháp luật, từ đầu, cô hiệu trưởng trường Nam Trung Yên không có dấu hiệu phạm tội.
Hình ảnh khi xương đùi của học sinh Trần Chí Kiên được chụp X-quang. Ảnh: NVCC.
Trong sự việc này, nếu có, anh lái xe – người điều khiển, xử lý tình huống trên đường – chịu trách nhiệm về lỗi vô ý gây thương tích.
Cụ thể, Điều 108 Bộ luật Hình sự năm 1999 nêu: “Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Ngoài ra, lái xe sẽ phải chịu bồi thường toàn bộ chi phí thiệt hại.
Vì vậy, khi xảy ra tai nạn, giá như nữ giáo viên biết nhận và xin lỗi, chăm sóc học sinh của chính mình thì câu chuyện đã được giải quyết.
Thế nhưng, nữ hiệu trưởng lại cho làm phiếu khảo sát để chứng minh mình vô can để rồi sau đó cô bị chính giáo viên trong trường tố là báo cáo sai sự thật. Luật sư Thơm cho rằng nếu chứng minh được hiệu trưởng cưỡng ép hay mua chuộc người viết phiếu mới vi phạm pháp luật. Hành động này của cô giáo trước tiên thuộc về phạm trù đạo đức khi trốn tránh trách nhiệm và gian dối, ngành giáo dục cần lên tiếng.
Nhiều bạn đọc đồng tình ngay từ đầu, cô hiệu trưởng thừa nhận trách nhiệm khi đồng ý cho taxi vào sân trường, xin lỗi học sinh và gia đình thì đã không bị dư luận lên án.
Trước cách hành xử của trường, gia đình học sinh đã phải làm đơn kêu cứu gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng mong làm rõ sự thật.
Anh Trần Chí Dũng – bố nạn nhân – cho biết: “Trong thời gian Kiên nằm viện, cô giáo chủ nhiệm vào thăm hỏi với tư cách cá nhân. Còn lại, cô hiệu trưởng chỉ liên lạc với gia đình sau khi sự việc vỡ lở”.
Video đang HOT
Độc giả Nguyễn Sơn viết: “Tôi không hiểu giáo viên suy nghĩ gì mà hành động vô cảm như vậy. Khi sự việc có chiều hướng bị phanh phui, họ mới đối phó”.
Bạn Thu Thủy nêu quan điểm sự trung thực cùng một lời xin lỗi đúng lúc, chân thành có thể giúp cô hiệu trưởng không tự đẩy mình vào bờ vực phá sản niềm tin của gia đình và học sinh.
&’Cô hiệu trưởng nên từ chức’
Hiện tại, vụ việc này chưa có kết luận chính thức và cư dân mạng tiếp tục thể hiện sự bất bình.
Anh Nguyễn Quang Thạch chia sẻ trên Facebook: Vụ học trò bị taxi đâm gãy chân trong sân trường đã trở thành vấn đề quan tâm của xã hội. Chính quyền, báo chí và giáo viên đã lên tiếng. Để chấm dứt tình trạng gian dối trong trường học, cha mẹ học sinh cần đồng lòng lên tiếng với gia đình anh Trần Chí Dũng.
Hiện, em Trần Chí Kiên phải tập đi bằng nạng. Ảnh: NVCC.
Độc giả Nguyễn Sơn mong muốn cô hiệu trưởng nên từ chức hoặc xin chuyển công tác khác. Những giáo viên liên quan vụ việc phải bị cảnh cáo, qua đó góp phần lấy lại niềm tin cho cha mẹ học sinh và ngành giáo dục.
Bạn Hải Phòng trăn trở ngành giáo dục vẫn có nhiều giáo viên có tâm huyết với nghề nhưng không xin được việc, trong khi đó lại tồn tại “con sâu làm rầu nồi canh”.
“Mong ngành quyết tâm xử lý đúng người đúng tội một cách nghiêm khắc. Bởi, nhà giáo còn thiếu trung thực sẽ làm hỏng cả thế hệ học trò và phụ huynh biết tin vào ai”, độc giả này nêu quan điểm.
Sự việc bắt đầu vào ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên bị ngã gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên.
Theo lời của Kiên, khi chạy về lớp, em va chạm với ôtô màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường. Cháu nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một giáo viên khác. Nữ hiệu trưởng đã phủ nhận điều này và cho làm khảo sát trong trường chứng minh mình vô can.
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các bên liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng để chờ kết luận vụ việc.
Ngày 17/2 và 18/2, nhiều giáo viên liên tiếp lên tiếng khẳng định hiệu trưởng nhà trường báo cáo sai sự thật về vụ tai nạn.
Ngày 18/2, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm trong vụ nam sinh lớp 2 bị gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội.
Theo Zing
Hành trình nước mắt của ông bố có con gãy chân trong trường
Anh Trần Chí Dũng cho biết trong hành trình đi tìm nguyên nhân xảy ra tai nạn của con, không ít lần anh bật khóc. Gần ba tháng trôi qua, cháu Kiên vẫn chưa hồi phục.
Ngày 17/2, lần đầu tiên các giáo viên trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, đồng loạt lên tiếng cho rằng hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc báo cáo sai sự thật về việc em Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2) gãy chân trong sân trường.
Gần ba tháng qua, anh Trần Chí Dũng - bố của Kiên - cất công tìm hiểu, phân tích, xử lý thông tin liên quan vụ tai nạn của con trai mình để tìm ra sự thật.
Chia sẻ với Zing.vn, anh Dũng cho biết Kiên bị tai nạn ngày 1/12/2016 với thông báo của cô chủ nhiệm là "bị vấp ngã khi chơi trong sân trường".
Cùng ngày, cháu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Theo bác sĩ, Kiên bị gãy xương đùi phải nhưng bó bột không thành công vì vết thương quá nặng. Nam sinh được chuyển sang Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Bác sĩ chỉ định em phải mổ, nẹp vít xương.
Mẹ ôm Trần Chí Kiên khi em điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: NVCC.
Anh Dũng kể lại thời gian chăm con tại bệnh viện, tâm lý gia đình rất nặng nề. Nhiều lần chứng kiến nỗi đau thể xác của con trai 8 tuổi, anh không kìm được nước mắt.
Người cha bày tỏ: "Kiên bị gãy đôi xương đùi, đau đớn tột cùng. Cháu luôn trong tư thế bó chặt, không thể cử động. Chiếc giường ở bệnh viện quá nhỏ cho hai mẹ con, vợ tôi ngồi và ôm con cả đêm. Tôi nhìn cảnh tượng đó mà đau đớn lắm".
Thời gian đầu mải lo chăm sóc cho con, anh không tìm hiểu nguyên nhân tai nạn. Nhưng đến khi nghe bác sĩ phân tích, anh mới ngỡ ngàng.
Theo bác sĩ, nếu Kiên chỉ chạy chơi trong sân trường, em khó bị gãy xương đùi. Đây là bộ phận cứng, người không có bệnh lý về xương phải bị lực tác động mạnh mới có thể gây tổn thương. Đồng thời, Kiên có vết xước sau hông trái, dự đoán sau khi bị đâm mạnh, cháu ngã ngửa về phía sau.
Sau một tuần nằm viện, anh Dũng dò hỏi, động viên con kể lại sự việc. Cháu nói sau khi kết thúc giờ ra chơi, chạy vào lớp học thì va chạm với ôtô màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường. Cậu học sinh lớp 2 nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một giáo viên khác.
Hiện tại, sau gần ba tháng sau tai nạn, tâm lý của Kiên đã ổn định trở lại, em đang tập đi bằng nạng. Hàng ngày, giáo viên của trường đến nhà giúp em học tập.
Hình ảnh khi xương đùi của học sinh Trần Chí Kiên được chụp X-quang. Ảnh: NVCC.
Hành trình tìm sự thật
Nghi ngờ về nguyên nhân vụ tai nạn, anh Dũng âm thầm giấu con đi tìm hiểu sự thật. Anh đến trường Tiểu học Nam Trung Yên làm việc với ban giám hiệu. Các cô vẫn khẳng định cháu Kiên bị ngã do chạy chơi trên sân trường.
Sau khi xem chẩn đoán của bác sĩ, giáo viên cho rằng có thể cháu bị va vào xe của thầy cô đang đỗ trong sân. Sau đó, hiệu trưởng phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để làm chứng mình không liên quan vụ việc.
Nam phụ huynh nói các bạn cùng lớp con trai đến chơi kể lại rằng: Khi Kiên bị xe đâm ngã, chú lái taxi và cô hiệu phó xuống xe nhưng cô hiệu trưởng vẫn ngồi bên trong. Một bạn gái chạy vòng qua xe gõ cửa bảo: "Cô ơi, xe đâm vào bạn Chí Kiên rồi".
"Lúc đó, tôi đã khóc và cố giấu nước mắt cay đắng của mình", anh Dũng nhớ lại.
Mẫu khảo sát của trường Tiểu học Nam Trung Yên liên quan vụ tai nạn của em Kiên. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Ngày 16/2, phụ huynh của học sinh Trần Chí Kiên viết đơn bày tỏ quan điểm gửi các cơ quan chức năng và báo chí, chỉ ra 7 điểm chưa hợp lý trong nội dung báo cáo của cô Tạ Thị Bích Ngọc giải trình về vụ việc.Theo anh Dũng, lý do cô Ngọc đưa ra trước và sau có nhiều điểm bất nhất, không đáng tin cậy.
Hiện tại, vụ việc nam sinh bị gãy chân trong sân trường vẫn chưa có kết luận chính thức. Trong hành trình đi tìm lại sự thật, người cha nói anh mong muốn không một trẻ em nào tiếp theo bị tai nạn đáng tiếc như con trai mình.
"Đây cũng là lời cảnh tỉnh, các trường học cần cấm các loại ôtô di chuyển trong sân trong giờ hành chính để đảm bảo sự an toàn cho các con", anh Dũng tâm sự.
Nam phụ huynh cũng cho rằng câu trả lời sự thật cũng là cách trả lại sự tự tin cho con trai. Thời gian qua, anh nhận được giúp đỡ của người thân, bạn bè và cả những người chưa từng gặp mặt trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng tư vấn về pháp lý, cũng như cách xử lý thông tin để gửi tới báo chí và các cơ quan chức năng.
Sự việc bắt đầu vào ngày 1/12/2016, em Trần Chí Kiên bị ngã gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên.
Theo lời của Kiên, khi chạy về lớp, em va chạm với ôtô màu xanh nước biển đang di chuyển trong sân trường. Cháu nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một giáo viên khác. Nữ hiệu trưởng đã phủ nhận điều này.
Ngày 6/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các bên liên quan xem xét, đình chỉ chức vụ hiệu trưởng của bà Ngọc để chờ kết luận vụ việc.
Ngày 17/2 và 18/2, nhiều giáo viên liên tiếp lên tiếng khẳng định hiệu trưởng nhà trường báo cáo sai sự thật về vụ tai nạn.
Ngày 18/2, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm trong vụ nam sinh lớp 2 bị gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội.
Theo Zing
Bộ trưởng GD&ĐT yêu cầu sớm kết luận vụ nam sinh gãy chân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ xử lý nghiêm nếu có sai phạm trong vụ nam sinh lớp 2 bị gãy xương đùi tại trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội. Trao đổi với báo chí chiều 18/2, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT -...