Học sinh được hướng nghiệp ngay từ lớp 10
Tại một số trường THPT, ngay từ lớp 10 học sinh đã được định hướng nghề.
Làm các bài trắc nghiệm, phân lớp theo khối, tư vấn chọn trường, tham quan trường đại học… là các hoạt động đang được nhiều trường THPT tổ chức để hướng nghiệp cho học sinh (HS) lớp 10.
Đa dạng hình thức thực hiện
Để chào đón HS lớp 10, đồng thời với mục đích định hướng nghề cho các em, Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) đã tổ chức hội trại khởi nghiệp. Hoạt động này đã thu hút nhiều HS tham dự.
Nhắc đến hội trại khởi nghiệp, Huỳnh Xuân Như, Bí thư lớp 10A6, chia sẻ đây là một hoạt động rất bổ ích. “Hôm đó lớp em bán sữa chua dẻo và soda. Tuy nhiên, do lần đầu thực hiện, chưa có sự chuẩn bị chu đáo nên chiến dịch quảng bá chưa hợp lý mà lớp em đã bị lỗ. Dù hơi buồn nhưng qua đây em cũng học được nhiều điều. Đó là kỹ năng quản lý và sắp xếp công việc. Đặc biệt em phát hiện ra bản thân có khả năng lãnh đạo, cho nên sẽ cố gắng phát triển năng lực này trong thời gian tới” – Như tâm sự.
Còn đối với Trần Ngọc Phương Uyên, lớp trưởng lớp 10A10, hội trại khởi nghiệp còn là nơi gắn kết các thành viên trong lớp lại với nhau, bởi hoạt động này diễn ra chỉ sau khi các em gặp nhau đúng một tuần. Tại đây, lớp của Uyên bán trứng gà nướng và bắp xào. Do có sự chuẩn bị nên việc buôn bán khá thuận lợi. “Qua đó em thấy bản thân có khả năng trong việc kinh doanh, cho nên sắp tới em sẽ chọn một ngành học liên quan đến lĩnh vực này. Có thể nói chính hội trại khởi nghiệp đã khơi gợi niềm đam mê kinh doanh trong em” – Uyên nói.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 10A6, cô Nguyễn Thị Thu Thảo cho hay hội trại khởi nghiệp là một chương trình đón chào HS lớp 10. Tham gia hội trại, các lớp ngoài nhảy flashmob sẽ bán 1-2 món mà mình có sở trường. “Có thể nói đây là một trong những hoạt động hòa nhập xu hướng khởi nghiệp đang phát triển hiện nay. Mỗi lớp sẽ khởi nghiệp giống như một công ty nhỏ. Qua hội trại các em đã học được nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, kinh doanh ra sao. Từ đó giúp các em hiểu rõ về giá trị của đồng tiền cũng như ngành nghề kinh doanh hiện nay” – cô Thảo chia sẻ thêm.
Trong khi đó, tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), việc hướng nghiệp lại được thực hiện nhiều đợt trong năm với nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, riêng học kỳ 1 sẽ tổ chức bốn đợt dành cho các khối. Đối với HS khối 10, các em đã có một buổi tìm hiểu về các nghề nghiệp hiện nay. Sau đó chính các em sẽ làm một phiếu tìm hiểu những điều kiện và năng lực cá nhân để lựa chọn nghề.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) hào hứng trong hội trại khởi nghiệp. Ảnh: LONG NGUYỄN
Video đang HOT
Tránh sai lầm khi chọn nghề
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho biết hiện nay tỉ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng, ra trường không thể tìm được việc đã cho thấy tầm quan trọng của việc định hướng nghề cho các em HS ngay từ phổ thông, đặc biệt là từ lớp 10. Hướng nghiệp sớm sẽ giúp các em hiểu rõ được năng lực, sở trường của mình, từ đó có động lực trong học tập để đậu vào ngành mà mình yêu thích…
Cũng theo ông Khương, ngay từ khi tiếp nhận HS lớp 10, nhà trường đã tổ chức một buổi tư vấn phương pháp học tập ở trường cũng như hướng nghiệp cho học trò. Từ những HS trúng tuyển vào trường, nhà trường đã tổ chức lớp học theo định hướng nâng cao một số môn để phục vụ cho mục đích xét tuyển đại học của các em. Theo đó, trường đã tổ chức ba loại hình lớp học. Thứ nhất, nâng cao các môn toán, lý, hóa, sinh. Thứ hai, nâng cao các môn toán, lý, văn, tiếng Anh. Thứ ba, nâng cao các môn toán, hóa, văn, tiếng Anh. HS sẽ dựa vào năng lực và đam mê của mình để chọn lựa.
Ngoài ra, nhà trường còn mời các báo cáo viên đến từ các trường đại học tư vấn về các nhóm ngành nghề mà các em đã chọn lựa. Quan trọng hơn, chính các em sẽ được đi tham quan các trường đại học để hiểu rõ về ngôi trường mà mình đã chọn lựa.
Sự hỗ trợ kịp thời cho học sinh
Thực hiện việc hướng nghiệp ngay từ lớp 10 sẽ rất tốt. Công tác này giúp HS tránh được những sai lầm đáng tiếc trong quá trình chọn ngành, chọn nghề. Nếu chúng ta chờ đến khi các em lên lớp 12 mới thực hiện sẽ không còn kịp. Định hướng nghề ngay từ lớp 10 sẽ giúp các em ý thức được nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi sau này, từ đó có ý thức học tập để thực hiện ước mơ.
Ông HUỲNH THANH PHÚ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM)
Ngoài việc làm bài khảo sát để nắm rõ được bản thân hướng nội hay hướng ngoại, trong năm học Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) còn dẫn các em đi tham quan các nhà máy, các làng nghề truyền thống, xuôi về miền Tây tìm hiểu ngành nghề nông nghiệp.
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
Điểm mới trong quy định dạy thêm học thêm ở Phú Thọ
Hoạt động dạy thêm, học thêm không áp dụng đối với học sinh lớp 6, lớp 10 mới tuyển sinh trong thời gian trước khi khai giảng năm học mới. Không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học.
Mức thu tiền học thêm do thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường...đây là một trong các yêu cầu của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ nêu tại văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2019 quy định về dạy thêm, học thêm.
Để tăng cường công tác phối hợp quản lý nhà nước về các hoạt động giáo dục của địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành; đồng thời phân cấp trách nhiệm quản lý đối với các Phòng GD&ĐT; các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Phú Thọ; các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ Trịnh Thế Truyền vừa ký văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2019 của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ quy định về dạy thêm, học thêm (gọi tắt là văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr).
Văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2019 của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ quy định về dạy thêm, học thêm (trang 1).
Theo Văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr: Hoạt động dạy thêm, học thêm (DTHT) phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh (HS); phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý và không vượt quá sức tiếp thu của người học. Tuyệt đối không cắt giảm nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khoá...
"Hoạt động dạy thêm, học thêm không áp dụng đối với học sinh lớp 6, lớp 10 mới tuyển sinh trong thời gian trước khi khai giảng năm học mới. Không dạy thêm đối với HS đã được tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Không dạy thêm đối với HS Tiểu học (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống)...", Văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2019 của Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ có nêu.
Tại văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ghi rõ: Thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý DTHT của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ DTHT... Mức thu tiền học thêm do thoả thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường. Nhà trường tổ chức tổ chức thu, chi và công khai thanh toán, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
"Sở GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh... Phòng GD&ĐT thực hiện quản lý DTHT trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND cấp huyện về quản lý hoạt động DTHT trên địa bàn... Thủ trưởng cơ sở giáo dục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quy định DTHT tới toàn thể cán bộ, giáo viên, sinh và cha mẹ HS. Trực tiếp tổ chức, quản lý và kiểm tra hoạt động DTHT đối với cán bộ, giáo viên thuộc quyền quản lý...", văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr quy định rõ trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
"Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm tú thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm theo hướng dẫn trên. Trong quá trình thực hiện,nếu có khó khăn, vướng mắc, Thủ trưởng các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở GD&ĐT (qua phòng GDTrH hoặc Thanh tra Sở) để được hướng dẫn giải quyết". văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr yêu cầu.
Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND ngày 09/8/2019 của UBND tỉnh Phú Thọ.
Trước đó, ngày 9/8/2019, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Quyết định số 08/2019/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ quy định cụ thể một số điểm về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND).
Theo điều 5 - Thu, chi và quản lý tiền học thêm của Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND, quy định cụ thể mức thu tiền học thêm trong nhà trường: Cấp Tiểu học và cấp THCS thực hiện trên cở sở thoả thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường, nhưng mức thu tối đa không quá 13.000đ/1hs/1buổi học (tương đương với 1,1% mức lương cơ sở hiện hành)... Cấp THPT thực hiện trên cở sở thoả thuận giữa cha mẹ HS với nhà trường, nhưng mức thu tối đa không quá 18.000đ/1hs/1buổi học (tương đương với 1,5% mức lương cơ sở hiện hành)...
Quy định cụ thể một số điểm về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ (trang 1).
Theo văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr không quy định cụ thể mức tiền học thêm, mà "Mức thu tiền học thêm do thoả thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường".
Tin tưởng rằng, với việc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 1294/SGD&ĐT-TTr ngày 11/9/2019 quy định về dạy thêm, học thêm; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có căn cứ triển khai khai thực hiện tốt việc DTHT, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Minh Sơn
Theo thoidai
Học theo định hướng ngành nghề từ lớp 10 Học theo định hướng khối thi và nghề nghiệp là cách tổ chức lớp học của một số trường THPT tại TP.HCM ngay từ năm lớp 10. Ở nhiều trường, phụ huynh và học sinh được tư vấn chọn khối học theo ngành nghề từ khi nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch Ngay từ khi học...