Học sinh được học vượt lớp: Làm gì để ngăn lạm dụng ‘xin – cho’ ?
Xung quanh việc cho phép học sinh tiểu học được học vượt lớp trong cấp học, phóng viên Thanh Niên đã trao đổi với PGS Chu Cẩm Thơ về tính thực tiễn và khả thi của quy định này.
Theo dự thảo Điều lệ trường tiểu học, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học – ẢNH: ĐỘC LẬP
PGS Chu Cẩm Thơ hiện là Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học Giáo dục VN) nói về việc học vượt lớp trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT
Nên xem xét phạm vi không phải là “lớp” mà là “môn học”
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến góp ý có nội dung cho phép học sinh (HS) học vượt lớp trong phạm vi cấp tiểu học. Quan điểm của bà về quy định này như thế nào?
Ở tiểu học, các em dễ bị tác động bởi nhận xét của thầy cô, cha mẹ. Các em không nên bị so sánh với nhau nên việc bố trí học vượt dựa trên thành tích dễ gây ra tác động “so sánh”, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em. Cân bằng điều này là một vấn đề rất khó trong thực tiễn
PGS CHU CẨM THƠ
Trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT ở điều 36, khoản 1, mục e có quy định: “HS có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”. Việc học vốn dĩ phải phù hợp với năng lực, điều kiện của HS. Trong một lớp học, một môn học sẽ có em nổi trội hơn hoặc chậm hơn so với những em khác.
Khuyến khích các em được học một cách phù hợp là việc tốt, tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên, nên xem xét phạm vi không phải là “lớp” mà là “môn học”. Có nghĩa là, các em có thể được “vượt lớp theo môn học” chứ không phải là một lớp học. Ví dụ, HS lớp 4 có thể học toán với lớp 5 nhưng vẫn học các môn học khác với lớp 4 bình thường.
PGS Chu Cẩm Thơ – ẢNH: TUYẾT MAI
Video đang HOT
Một HS có thể có năng lực vượt trội ở môn học/lĩnh vực này nhưng không vượt trội ở môn học khác. Bên cạnh đó, không nên hiểu “vượt trội” theo kiểu dạy trước chương trình, mà cần quan tâm đến năng lực tiếp nhận kiến thức, kỹ năng của môn học trên khả năng đáp ứng của HS đó.
HS có cần thiết phải học vượt lớp trong cấp học hay không? Việc học vượt lớp, nhất là ở tiểu học có ảnh hưởng gì đến tâm lý lứa tuổi?
Xét trên bình diện tâm lý giáo dục, tôi khuyến nghị chỉ áp dụng việc này cho HS lớp 4 trở lên. Chúng ta cũng cần tính đến ảnh hưởng tâm lý để các em không tự mãn hoặc cảm thấy bị áp lực khi học vượt hoặc tác động tiêu cực đến những HS khác.
Ở tiểu học, các em dễ bị tác động bởi nhận xét của thầy cô, cha mẹ. Các em không nên bị so sánh với nhau nên việc bố trí học vượt dựa trên thành tích dễ gây ra tác động “so sánh”, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các em. Cân bằng điều này là một vấn đề rất khó trong thực tiễn.
Tôi không muốn các em bị cá biệt hóa, bị kỳ vọng quá nên nếu việc học vượt này không phổ biến ở trường học đó thì không nhất thiết thực hiện điều này. Trong dạy học, giáo viên cũng có thể phân hóa trong nội bộ tiết học, lớp học. Do đó, nếu một giáo viên có chuyên môn tốt, họ hoàn toàn có thể giúp HS có năng lực nổi trội đó cơ hội được phát triển phù hợp mà vẫn giúp cho môi trường giáo dục công bằng, nhân văn.
Tránh “tâm lý lợi ích” khi học vượt
Điều lệ trường tiểu học hiện hành cũng đã đưa vào quy định này nhưng lâu nay chưa thực hiện được. Để quy định này đi vào cuộc sống cần phải làm gì, thưa bà?
Để thực hiện được điều này không hề dễ. Thứ nhất, nhà trường cần có bộ phận chuyên môn để đánh giá và tư vấn được “sự vượt trội” của các em. Thứ hai, nhà trường cần có cơ cấu lớp “trội”. Thứ ba, đội ngũ nhân lực phải có đủ chuyên môn để dạy học phát triển năng lực cho các em chứ không phải “trội theo kiến thức, vượt trước chương trình”.
Như trên tôi đã nói, nếu có số lượng HS phù hợp để cấu trúc thành một “lớp vượt” thì tâm lý học “vượt” và điều kiện học “vượt” dễ thực hiện hơn. Nên khuyến khích giáo viên dạy phân hóa trong lớp học bình thường. Hơn nữa, cần cân bằng thể chất và tâm lý cho các em. Những hoạt động giáo dục khác cũng cần được quan tâm tổ chức để các em được phát triển bình thường. Điều này đặc biệt cần thiết cho HS tiểu học. Cá nhân tôi là một phụ huynh có con học tiểu học, tôi coi trọng thể chất và tâm lý hơn là kiến thức. Vì vậy, tôi không đánh đổi học vượt nếu việc đó ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý của con mình.
Theo bà, cần hướng dẫn và giám sát thế nào để không lạm dụng cho HS học vượt lớp và tránh tình trạng xin – cho trong những quyết định liên quan đến vấn đề này?
Từ thực tiễn trường chuyên, lớp chọn hiện nay, chúng ta dễ thấy hiện tượng “lạm dụng” để xin – cho HS được học vượt lớp dễ xảy ra. Phụ huynh cần hiểu rằng để con em mình học sai với năng lực là một điều tệ hại, nó sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của đứa trẻ. Tuy nhiên, có vẻ rất khó để người lớn hiểu đúng về điều này. Tôi rất muốn chúng ta cởi mở hơn nữa, có biện pháp để cả giáo viên và phụ huynh tôn trọng quyền được học đúng năng lực, sở thích của mỗi HS. Về mặt quản lý, nhà trường cần làm tốt các điều kiện để thực hiện được điều này như tôi đã nói ở trên, và sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Hơn nữa, cần quy định trách nhiệm cho cha mẹ, thầy cô giáo khi họ cố tình làm sai, gây ảnh hưởng đến đứa trẻ. Còn biện pháp phòng chống, chính là làm tốt giáo dục phổ thông, để không có “tâm lý lợi ích” khi học vượt. Đầu tư công bằng cho các trường học, lớp học, cho sự đồng đều của đội ngũ nhà giáo, đồng thời giúp mỗi giáo viên dạy tốt, dạy được phát triển năng lực HS ngay trong lớp học, như thế, quyền lợi của mỗi em được đảm bảo học vượt lớp công bằng, môi trường giáo dục sẽ nhân văn, sẽ giảm những tiêu cực “xin – cho” và giúp mỗi đứa trẻ được thực hiện quyền học tập một cách đầy đủ và tốt nhất.
Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong cấp học
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện luật Giáo dục 2019, dự thảo Điều lệ trường tiểu học Bộ GD-ĐT mới công bố cho phép HS có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ HS có đơn đề nghị với nhà trường. Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp: Xin đừng ảo tưởng!
Học sinh có thể lực tốt, phát triển sớm trí tuệ được học vượt lớp trong cấp học. Theo các chuyên gia, cơ hội lớn đồng nghĩa với thách thức nhiều, đặc biệt là sự ảo tưởng, kỳ vọng quá mức của cha mẹ về sự tài giỏi, thần đồng của con và bệnh thành tích đã tồn tại rất lâu tại Việt Nam.
Quy định học vượt lớp đã được đưa ra trong nhiều dự thảo trước đó. Ảnh: Hải Nguyễn
Quy định không mới
Dự thảo Điều lệ trường tiểu học mới vừa được Bộ GDĐT công bố quy định gây chú ý khi tiếp tục đưa vào quy định học sinh tiểu học có thể học vượt lớp.
Theo đó, những học sinh có thể lực tốt, trí tuệ phát triển sớm (so với học sinh cùng lứa tuổi) có thể được xét học vượt lớp trong cùng cấp học. Căn cứ vào đơn xin của phụ huynh và kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng có thẩm quyền quyết định.
Có thể nói, nội dung học sinh tiểu học có thể học vượt cấp dù không mới nhưng cũng đã gây tranh luận rất nhiều.
Năm 2008, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ngãi kí quyết định cho phép em Nguyễn Thành Luân (5 tuổi) ở xã Nghĩa Dũng, TP.Quảng Ngãi được học vượt cấp vào lớp 1 trước tuổi.
Lúc bấy giờ, theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, về chuyên môn, em Luân khá thành thạo với các phép toán cơ bản của trình độ lớp 1, được đánh giá 8,5/10, viết và đọc lưu loát từng câu chữ.
Trong phần khảo sát chỉ số IQ, cậu bé được đánh giá cao về trí thông minh, nhanh nhẹn và có khả năng vượt trội so với lứa tuổi mầm non. Hội đồng thẩm định đã đưa ra ý kiến thống nhất về sức khỏe và khả năng chuyên môn của em Luân đạt tiêu chuẩn bước vào lớp 1 trước tuổi quy định.
Trường hợp này lúc bấy giờ đã tạo nên một cuộc tranh luận lớn về việc đào tạo và phát triển trẻ em.
Còn lo ngại
Cũng từ năm 2012, quy định học vượt tiếp tục tốn nhiều giấy mực của báo chí khi Bộ GDĐT công bố, lấy ý kiến về Dự thảo điều chỉnh Điều lệ trường tiểu học.
Theo đó, Bộ cũng không "đóng đinh" tuổi vào lớp 1 của trẻ. Nhiều người lo ngại tình trạng "ép quả chín non".
Sau khi xin ý kiến, tại Thông tư 50/2012/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường tiểu học đưa nội dung này vào Điều 40.
GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT từng nhận định: Nước ta có truyền thống hiếu học, chăm sóc con tốt, nhưng phụ huynh hay mắc 2 loại bệnh: Ảo tưởng và ngưỡng vọng quá sớm ở con cái. Việc cho con học sớm, học nhiều vừa tốn tiền, mà nguy hiểm hơn là trẻ không phát triển bình thường. Vì thế, nhà trường, phụ huynh cần tỉnh táo trong lựa chọn cho trẻ học vượt.
Còn PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng: "Ngày nay, một số học sinh tiểu học có đủ điểu kiện và khả năng để học vượt lớp được. Nguyên nhân là do cha mẹ thường giáo dục sớm từ trong thai nhi. Đến 6 tuổi là giai đoạn trẻ em được học và được dạy hết sức tốt để định hình nên các năng lực.
Cũng giai đoạn đó, trẻ em tiếp thu được khá tốt về ngôn ngữ, khả năng logic, toán học và các năng khiếu, có trẻ đã tiếp cận được 2 ngôn ngữ cùng một lúc. Do đó, những trẻ có khả năng nổi trội, thông minh có thể được học vượt lớp để trẻ có môi trường sáng tạo, lôi cuốn và phát huy năng lực".
Tuy đồng tình nhưng Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đưa ra cảnh báo đối với những phụ huynh chạy theo thành tích, "ép quả chín sớm".
"Tạo cơ hội cho con phát triển đúng khả năng nhưng không phải cha mẹ đua nhau để dạy một số môn, luyện con thành thần đồng, thiên tài... Đó hoàn toàn sai lầm. Cách chọn học sinh của nhà trường và thái độ của phụ huynh cần rất nghiêm túc và đặc biệt không được chạy theo bệnh thành tích", PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh.
Thầy cô ơi, sắp hết thời phải in giáo án rồi! Sắp tới, có thể giáo viên không cần nộp hồ sơ giáo án giấy mà chỉ cần nộp hồ sơ giáo án điện tử cho lãnh đạo nhà trường giám sát, kiểm tra. Những bài viết về giáo án trên Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua đã thu hút được rất nhiều quan tâm của giáo giới. Chuyện giáo án là...