Học sinh đi xe phân khối lớn: Nguy hiểm luôn chực chờ
Bất chấp lệnh cấm từ cơ quan chức năng, nhiều gia đình và nhà trường ở TPHCM vẫn vô tư tạo điều kiện hoặc làm ngơ cho con trẻ hằng ngày đến trường bằng xe phân khối lớn.
Điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân và trật tự an toàn giao thông. Nhìn ở góc độ giáo dục lại càng không thể chấp nhận và không có lý do gì bao biện cho sai phạm này.
LUẬT CẤM CỨ CẤM…
Đứng trước cổng Trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5) vào chiều tan trường 16-4-2015, nhiều phụ huynh đến đón con đã phải lắc đầu ngao ngán khi thấy nhóm học sinh “ngụy trang” làm người lớn với quần áo xộc xệch, phóng xe tay ga đời mới vút ra đường.
Khác với nhiều phụ huynh tỏ ra khó chịu, bác Nguyễn Hữu Phong, cán bộ hưu trí, lại thấy bình thường. “Ngày nào mà chẳng vậy, tôi quen rồi! Họp phụ huynh cũng đã đưa vấn đề này ra, nhưng chẳng ăn nhằm vào đâu. Thôi kệ, mình lo cho con mình thôi”.
Tan trường trên xe phân khối lớn.Ảnh chụp ngày 16-4 tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q4
Video đang HOT
Không chỉ phụ huynh có con đang học tại trường mà nhiều người khi qua đây vào giờ tan tầm cảm thấy rất tiếc và có phần thất vọng cho ngôi trường chuyên khi chứng kiến hình ảnh học trò “hóa trang” ngồi trên xe phân khối lớn không dành cho lứa tuổi của mình, tụm năm tụm bảy đợi nhau tan trường.
Cách đó vài cây số, Trường THPH Lê Quý Đôn nằm giữa Q3 cũng tồn tại những hình ảnh hết sức phản cảm. Học sinh vô tư “cưỡi” xe vi phạm vào thẳng sân trường trước mặt giám thị, thầy cô và bạn bè. Quan sát trong bãi xe, chúng tôi thấy đa phần các loại có phân khối lớn như Air Black, Attila, Sirius, Future, Dream…
Một phụ huynh bức xúc: “Không hiểu sao Sở Giáo dục đã cấm mà trường vẫn cho các em đưa xe phân khối lớn vào. Dung túng quá, trách gì ngày càng lắm trò hư!”.
Trường Nguyễn Hữu Thọ nằm trên đường Bến Vân Đồn (Q4), có thể được coi là điển hình về sự làm ngơ trước vi phạm nghiêm trọng của học sinh. Giờ tan học vào trưa 16-4, từ tầng hầm, nhiều em đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm, để nguyên cả trang phục học trò ngang nhiên vút thẳng ra cổng hòa vào dòng người đang tấp nập.
Cũng vào buổi trưa này, chúng tôi chứng kiến một cảnh sát giao thông đứng chốt ở cầu Calmette đuổi theo một học sinh. Đứng trước em học sinh bằng tuổi cháu mình với nhiều lỗi chạy xe vi phạm, anh cảnh sát phân trần: “Trách nhiệm của chúng tôi là thực thi nhiệm vụ, nhưng thường nhiều em chống đối bằng cách bỏ chạy buộc lòng chúng tôi đuổi theo. Rất thương các em, nhưng không đuổi thì còn đâu tính răn đe, cứng rắn của pháp luật!”.
DO QUÁ NUÔNG CHIỀU
Tổ CSGT thường xuyên tuần tra ở khu vực này cho biết, muốn xử phạt để răn đe thì phải thay đổi vị trí đứng chốt thường xuyên vì các em luôn tìm cách trốn tránh, có khi còn cắt cử thăm dò rồi điện thoại thông báo cho nhau.
“Trách nhiệm lớn nhất thuộc về gia đình, vì đã quá nuông chiều các em. Phụ huynh nhiều người còn vô tư phạm luật, chứ đừng nói đến dạy các em chạy đúng luật. Có trường hợp chúng tôi truy đổi, các em tự ngã vậy mà người nhà đổ lỗi, có khi còn lăng mạ xúc phạm cho rằng chúng tôi đạp xe các em”, một cảnh sát nói thêm.
Vô tư đi xe phân khối lớn không đội mũ bảo hiểm phóng ra đường
Anh Nguyễn Văn Hùng (nhà ở thị trấn Nhà Bè) đưa cho chúng tôi xem những tấm bằng khen của đứa con trai hồi còn học cấp hai, rồi kể câu chuyện đau xót của gia đình mình.
Không muốn cho con tiếp tục học cấp ba ở huyện, anh nhờ người quen xin cho cháu học lớp 11 tại một trường ở quận 1. Ban đầu anh cũng đưa đón con hằng ngày, nhưng sau bận công việc nên cho cháu tự đi xe. “Mình nghĩ đã sắm thì ráng kiếm chiếc thật tốt để cho nó khỏi thiệt thòi với bạn với bè, ai ngờ…”, giọng anh buồn buồn.
Hết năm 11, con trai anh vẫn đạt học sinh khá, nhưng đến năm 12 thì bắt đầu có dấu hiệu chểnh mảng, đi về thất thường. Rồi một ngày anh nhận được tin cháu bị tai nạn, do bỏ học theo bạn đua xe tại một khu dân cư ở Bình Chánh. Không may, cháu bị chấn thương sọ não quá nặng và phải sống đời sống thực vật ba năm nay.
Thạc sĩ tâm lý Hồ Ngọc Quỳnh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhắn nhủ: “Các bậc phụ huynh không thể đáp ứng mọi đòi hỏi của con cái, nhất là khi đòi hỏi ấy lại tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Ở tuổi này, có em tuy nhìn bề ngoài cao lớn nhưng thực ra chưa trưởng thành, còn bốc đồng và bồng bột lắm, cần phải uốn nắn nhiều mới hy vọng tự làm chủ bản thân mình. Riêng về vấn đề đi lại, nếu không thể đưa đón con thì phụ huynh chỉ giao xe dưới 50 phân khối cho các em lưu thông, bên cạnh đó còn phải hướng dẫn cặn kẽ về luật giao thông nữa”.
Cô giáo Nguyễn Thị Như Huyền, giáo viên Trường Nguyễn Thị Minh Khai, Q3 – cho biết: Ở trường cô chấp hành rất nghiêm túc chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, tuyệt đối không cho các em đưa xe có phân khối lớn vào trường. Bên cạnh đó các giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng còn phải chịu trách nhiệm khi trường phát hiện có học sinh trong lớp vi phạm.
Đến ngôi trường này vào trưa tan học, chúng tôi ghi lại những hình ảnh rất đẹp khi học sinh trật tự đẩy các loại phương tiện ra khỏi cổng trường. Xen lẫn giữa dòng xe đạp, xe đạp điện là những chiếc xe máy 50 phân khối mới có, cũ có, các em hồn nhiên trong áo trắng học trò vui vẻ trở về nhà.
Giá như các ngôi trường THPT khác trong TP đều nề nếp như trường này thì CSGT đỡ cực biết mấy. Làm tốt điều này cũng là cách chúng ta cùng chung tay bảo vệ con em mình, trong tình hình trật tự an toàn giao thông tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện nay.
Luật Giao thông đường bộ quy định, học sinh trên 15 tuổi có quyền đăng ký sở hữu giấy tờ xe, đứng tên bảo hiểm xe, nhưng lại không được cấp giấy phép lái xe. Người đủ 16 tuổi trở lên mới được phép lái xe máy dưới 50 phân khối và người đủ 18 tuổi có giấy phép lái xe mới được lái xe máy từ 50 phân khối trở lên.
Từ năm 2005, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có những chỉ đạo yêu cầu các trường THPT trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, nghiêm cấm học sinh đi xe phân khối lớn đến trường. Sở cũng đã đề nghị với ngành giao thông, công an, chính quyền địa phương cùng phối hợp thực hiện.
Đã có nhiều đợt ra quân rầm rộ và hiệu quả tác động rất lớn từ phụ huynh đến nhà trường. Nhưng thời gian gần đây, học sinh đi xe phân khối lớn đang gia tăng trở lại, mà nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan, lơ là của gia đình và nhà trường.
Theo congan.com.vn