Học sinh đi học trở lại: Trường tìm đủ cách chống nóng
Học sinh nhiều địa phương đi học trở lại đúng vào những ngày nắng nóng, lại phải đeo khẩu trang cả ngày khiến các trường đôn đáo tìm cách giải nhiệt.
Một tiết học của lớp 12 Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM ngày 5-5 – Ảnh: NHƯ HÙNG
Tăng cường quạt máy, tranh thủ bật máy lạnh khi không có học sinh, cung cấp nước sâm giải nhiệt là những giải pháp tình thế mà các trường ở Hà Nội và TP.HCM thực hiện để chống lại cái nóng đầu hè.
Máy lạnh vướng… quy định
“Tôi chỉ lên lớp trong 4 tiết cuối buổi sáng 5-5 mà cảm thấy rất mệt. Trời thì nóng hừng hực, mà lớp học không được mở máy lạnh nên mồ hôi vã ra như tắm. Có micro nhưng giảng bài khi đeo khẩu trang nên rất mất sức.
Vậy mà những đồng nghiệp của tôi có người phải giảng bài suốt 5 tiết buổi sáng và 5 tiết buổi chiều thì sức nào chịu nổi?” – một giáo viên ở quận 3, TP.HCM cho biết.
Theo giáo viên trên, “học trò của tôi tình cảnh cũng không khá hơn. Các em đã quen với việc dùng máy lạnh nên giờ nóng nực, mồ hôi vã ra là lau, gãi, nhất là các học sinh nam.
Hai tiết đầu buổi sáng học sinh còn tập trung nghe giảng, 2 tiết cuối buổi sáng – khi thời tiết nóng lên – là học sinh rất mất tập trung.
Các em than nóng, than khó chịu, ngộp thở rồi thi nhau thắc mắc: sao không cho mở máy lạnh vậy thầy? Chống dịch bệnh thì tụi em đeo khẩu trang đúng cách mà thầy. Thầy cho mở máy lạnh đi thầy, nóng quá cho về sớm đi thầy ơi…”.
Tương tự, tại Hà Nội, một giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng cho biết ngay trong ngày đầu tiên học sinh trở lại trường, Hà Nội rơi vào đợt nắng nóng.
Trường dù có nhiều cây xanh nhưng phòng học vẫn oi bức, nóng nực. Học sinh phải đeo khẩu trang trong suốt giờ học. “Nhìn các em rất thương nhưng quy định phải thực hiện. Đến cô giáo mà có những lúc cảm thấy không thở được” – giáo viên này chia sẻ.
Học sinh đeo khẩu trang trong giờ học ở Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội – Ảnh: VĨNH HÀ
Video đang HOT
Nhiều sáng kiến
Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) chống nóng bằng cách lắp thêm quạt mát và quạt thông gió ở các phòng học.
Các lớp hướng tây đều có mành che ở hành lang. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để tăng sự lưu thông không khí, bớt cảm giác ngột ngạt nhưng nếu những ngày tới, theo dự báo thời tiết, có thể nhiệt độ Hà Nội lên tới gần 40 độ C thì phải tính phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) giảm nhiệt phòng học bằng cách bật điều hòa hạ sâu nhiệt độ vào trước giờ học, trong giờ học sinh giải lao đã ra khỏi phòng học. Sau đó, khi học sinh vào tiết học sẽ mở hết cửa, bật quạt.
Ngoài việc lo cho học sinh, Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) còn có “sáng kiến” nấu nước sâm mang lên lớp cho các giáo viên giải nhiệt.
Việc xếp thời khóa biểu cũng cân nhắc để mỗi giáo viên không phải dạy trực tiếp suốt 5 tiết trong một buổi học, mà sẽ dạy trực tiếp 2-3 tiết, còn 2-3 tiết thì dạy trực tuyến. Khi dạy trực tuyến giáo viên sẽ không bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Không cần thiết đeo tấm chắn giọt bắn
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-5, ông Nguyễn Trung Cấp – trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết không cần thiết phải đeo tấm chắn giọt bắn trong lớp học.
Theo ông Cấp, thiết kế tấm chắn giọt bắn dành cho tình huống nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân nhằm tránh giọt bắn khi thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật chăm sóc cho bệnh nhân.
“Trong khi đó, học sinh ngồi một chiều trong lớp học, mà tình huống có nguy cơ là tình huống tiếp xúc gần, đối diện trong lớp học.
Tôi cho là không cần thiết đeo tấm chắn trong lớp học, mà tránh nguy cơ bệnh dịch tốt nhất là giữ khoảng cách, tối thiểu từ 1m” – ông Cấp nói. – L.ANH
Lớp học không điều hoà, phụ huynh lo con "nóng phát ốm"
Thời tiết trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường lên tới 35-36 độ C khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì "không điều hoà, sợ con phát ốm trước khi nhiễm virus".
Lo con nóng đến phát ốm
Ngày đầu con quay trở lại trường, chị Lương Thu Phương (Đống Đa, Hà Nội) nóng ruột khi thấy con mệt lả đi vì nóng. Hầu hết các phòng học trong trường đều đã được lắp điều hoà. Tuy nhiên, nhà trường tạm thời không bật do khuyến nghị của Bộ Y tế không nên sử dụng.
Vì thế, học sinh và giáo viên phải chấp nhận học trong không khí "gió trời" cùng bốn chiếc quạt trần chạy "ì ạch".
"Nóng nực thế này đến người lớn ngồi yên cũng thở không ra hơi nữa là học sinh. Học như vậy bản thân các con cũng uể oải, được mấy hôm đi học lại phát ốm ra mất".
Chị Phương nhận thấy việc tắt điều hoà cũng không giải quyết được điều gì khi học sinh vẫn chơi cùng nhau, trò chuyện với nhau gần gũi trong mỗi giờ ra chơi.
"Cứ như thế này, có khi các con còn nóng phát ốm trước khi lây nhiễm virus", chị Phương nói.
Học sinh đi học trở lại trong ngày nắng nóng
Có con đang học lớp 8, chị Hoàng Hải Yến (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, khối lớp này hiện đang được nhà trường sắp xếp thời gian học vào buổi chiều.
"Đó là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày, thế nhưng lớp học cũng không được bật điều hoà. Chỉ khổ bọn trẻ ngồi học nhưng vẫn mướt mát mồ hôi, nắng nóng thế này nhưng vẫn phải đeo khẩu trang kín mít, đến người lớn cũng phát sốt chứ nói gì đến trẻ. Không cho con đi học cũng lo mà cho đi thì cha mẹ cũng lo ngay ngáy".
Giống như tâm trạng của chị Yến, chị Mai Thu có con đang học lớp 8 cho biết, bản thân chị không đồng tình với việc không bật điều hoà cho học sinh giữa thời tiết nắng nóng như vậy.
Ngay khi nghe con về tâm sự, chị đã gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm phản ánh vấn đề này. Tuy nhiên, giáo viên cho biết, dù rất thương học trò nhưng vẫn phải làm theo đúng khuyến nghị để đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời điểm hiện tại.
Chị Nga Thy, một phụ huynh tại Hà Nội cũng cho biết, cô con gái đang học lớp 9 rất khổ sở khi đến trường vì nắng nóng nhưng không có điều hòa: "Con nhà mình đi học về cũng mệt lả do lớp 9 học tăng cường đến quá trưa. Lớp con học trên tầng 4, quạt đến đâu con nóng đến đó, vừa học vừa phải lau mồ hôi".
Để hạn chế bớt nắng nóng oi bức, nhiều trường phải bật quạt trần hết cỡ và mở toang các cửa sổ. Nhiều học sinh tự tìm ra giải pháp là dùng sách vở làm quạt để chống chọi với cái nóng.
Giáo viên thương nhưng khó xử
Cũng trong đầu tiên học sinh trở lại trường, ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) nhận được những dòng tin nhắn của một giáo viên chia sẻ về chuyện thương các học trò học trong điều kiện nắng nóng.
"Anh ơi, tình hình là quá thương học sinh luôn. Tầng 5 và 6 nóng vô cùng, nhất là tầng 6 mái tôn. Liệu có giải pháp nào không anh?", cô giáo nhắn.
Lúc đó, ông Tùng chỉ biết nói cô giáo chịu khó động viên học sinh, gắng đợi thêm vài ngày nữa vì hiện tại chưa thể tính được gì.
Ông Tùng cho hay, tạm thời hôm nay không được phép bật điều hòa theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. "Cả ngày hôm nay, trường chúng tôi không dám bật hệ thống điều hòa. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo các nhà trường như chúng tôi cũng không dám tự ý quyết hay làm việc gì. Bởi nói gì thì nói, đi ngược khuyến cáo của Bộ Y tế trong giai đoạn chống dịch này là điều không nên".
Sau ngày đầu trở lại trường trong thời tiết khá nóng, ông Tùng cho biết các phụ huynh cũng rất than phiền về vấn đề này. "Không ít phụ huynh chia sẻ rằng, ngồi học trong điều kiện thời tiết nắng nóng, không bật điều hòa thì các con có khi ảnh hưởng sức khỏe vì nóng trước khi ảnh hưởng vì Covid-19", ông Tùng kể.
Theo ông Tùng, nhà trường đang lâm vào cảnh "khó xử", khi một bên là khuyến cáo không sử dụng; bên còn lại là sức ép nhu cầu lớn của học sinh, phụ huynh. "Khuyến cáo cách đây 2 tháng của Bộ Y tế là không bật điều hoà. Nhà trường đang chờ xem liệu Bộ Y tế có khuyến cáo gì mới hay không. Nếu 1-2 hôm nữa mà không có yêu cầu bắt buộc thì phải bật điều hòa cho các con".
Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ
Tương tự, bà Trần Thị Bích Hợp, Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa cho biết, trong thời điểm thời tiết nắng nóng nhưng nhà trường chỉ mở các cửa lớp cho thông thoáng chứ không bật điều hòa theo đúng khuyến nghị. "May mà các lớp học hiện chỉ bố trí có 20 học sinh nên cũng đỡ được phần nào".
Bà Hợp cho hay, nhà trường sẽ theo dõi tình hình nhiệt độ những ngày tới để xem xét có bật điều hòa cho học sinh không. Tuy nhiên, bà Hợp cho rằng, sức khoẻ của học sinh và giáo viên phải được đặt lên trên hết.
Ở Trường THCS Thái Thịnh, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, có lẽ do mấy hôm nay trời chưa quá nóng và phụ huynh cũng hiểu về công tác phòng dịch nên chưa có ý kiến nào về vấn đề này.
Trong ngày đầu học sinh trở lại trường, các lớp học đã được mở hết cửa sổ, bật quạt, cộng thêm việc mỗi lớp ít học sinh nên tạm thời mọi thứ vẫn đang diễn ra thuận lợi.
"Những ngày tới đây nếu thời tiết nắng nóng, nhà trường vẫn đành chấp nhận phương án này và tạm thời sẽ chưa bật hệ thống điều hòa để chờ đợi khuyến nghị của Bộ Y tế", ông Cường nói.
Dù thương học trò nhưng theo bà Đỗ Thị Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), việc này cũng rất khó xử cho nhà trường.
"Trong giai đoạn đầu trở lại, nhà trường mong muốn học sinh sẽ tuân thủ việc không dùng điều hòa. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại kiến nghị đến ban giám hiệu cần phải cho học sinh sử dụng điều hòa. Vì vậy, nhà trường cũng rất khó xử", bà Bảy giãi bày với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi kiểm tra công tác tổ chức dạy và học chiều 4/5.
Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là vấn đề đặt ra cần linh hoạt theo điều kiện từng vùng. "Tuy nhiên, dù dịch bệnh đã được khống chế tốt nhưng các trường vẫn phải đề cao cảnh giác, đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Nhạ nói.
Đi học lại, học sinh ngỡ ngàng vì ghế đá hóa 'ghế cô đơn', bàn học có vách ngăn Bàn học có vách ngăn, "ghế cô đơn", chào cờ tại lớp học... là cách nhiều trường triển khai đảm bảo an toàn trong dịch COVID-19 khi học sinh trở lại lớp. Từ sáng 4/5, học sinh THCS, THPT trên cả nước đồng loạt trở lại trường sau gần 3 tháng nghỉ học tập trung do dịch COVID-19. Để học sinh an toàn...