Học sinh Đắk Lắk lập Facebook phản đối học thêm
Thời gian qua, nhiều học sinh THPT tại Đắk Lắk lên Facebook phản đối nhà trường tổ chức dạy thêm. Theo những học sinh này, trường dạy thêm không chất lượng, mất thời gian.
Chiều 13/9, một số học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tụ tập trước cổng trường phản đối học phụ đạo.
Theo một học sinh, ngoài giờ học chính khóa, mỗi tuần, các em phải học tăng tiết ba buổi, mỗi buổi bốn tiết. Giá mỗi tiết 6.000 đồng.
“Mỗi lớp gần 30 học sinh, mức thu 6.000 đồng quá cao. Học sinh đông, không tiếp thu được hết kiến thức nên hiệu quả thấp”, em này nói.
Một số học sinh đã lập nhóm kín trên Facebook với tên gọi “Phản đối sự ép buộc học phụ đạo THPT Cao Bá Quát – BMT”. Nhóm này có gần 600 thành viên được cho là do học sinh và phụ huynh của trường điều hành.
Tương tự tại Trường THPT Y Jút (huyện Cư Kuin), sau khi nghe nhà trường thông báo việc học thêm, một số em lập nhóm kín trên Facebook phản đối. Sau đó, nhóm này đã tự giải tán do nhà trường không tổ chức dạy thêm nữa.
Học sinh lên mạng phản đối việc dạy thêm, học thêm. Ảnh: Chụp màn hình.
Tại Trường THPT Trần Phú (TP Buôn Ma Thuột), một học sinh đã lập Fanpage “Phản đối học phụ đạo Trường THPT Trần Phú”. Trang này có hơn 300 thành viên đã like và chia sẻ bài viết ủng hộ.
Em Nguyễn Thi Thu (học sinh lớp 12 Trần Phú) cho biết việc học thêm ở trường chiếm hết thời gian tự nghiên cứu, làm bài tập của học sinh. Sau 1 ngày học, đa số các em học thêm ở ngoài nên về đến nhà từ 20h đến 21h, không còn thời gian tự học. Trình độ của học sinh thường chênh lệch nhau nên buổi học phụ đạo, học sinh chỉ… buồn ngủ, mệt mỏi, không hiệu quả.
Video đang HOT
“Nếu nhà trường muốn dạy thêm phải phân loại chia lớp và cho học sinh tự chọn giáo viên. Buổi học chính các em đã không hiểu, đến phụ đạo vẫn giáo viên ấy dạy thì làm sao tiếp thu”, Thu nói.
Trước thông tin học sinh phản đối học thêm, thầy Ngô Anh Linh – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú – cho biết hiện nay, trường mới trong giai đoạn phát phiếu để học sinh đăng ký.
Trước khi phát phiếu, trường đã tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan như Đảng ủy, Hội đồng sư phạm, Hội cha mẹ học sinh… Trong tuần này, sau khi tập hợp đầy đủ phiếu đăng ký, trường mới trình sở GD&ĐT xin giấy phép dạy thêm.
“Việc học thêm ở trường là hết sức cấp thiết vì đơn vị đứng áp chót bảng xếp tốt nghiệp lớp 12 năm ngoái. Tuy nhiên, việc dạy thêm ở trường là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc học sinh”, thầy Linh nói.
Thầy Lê Văn Kiệt – Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát – cho biết việc trường dạy thêm cho học sinh đã được Sở GD&ĐT Đắk Lắk cấp phép. Giấy phép được cấp có thời hạn từ tháng 9/2015 đến hết tháng 9/2016, việc dạy thêm được triển khai từ năm 2013 đến nay.
Cũng theo thầy hiệu trưởng, việc có nhiều tên gọi như tăng tiết, phụ đạo vì giáo viên và học sinh quen miệng chứ chủ trương của trường là dạy thêm. Việc học thêm có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và ban giám hiệu. Từ đó, ban lãnh đạo nhà trường mới làm hồ sơ xin sở cấp phép.
Trao đổi với Zing.vn ngày 4/10, ông Trương Thức – Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết việc học sinh lập Facebook phản đối dạy thêm là không thể cấm vì đây là quyền của các em.
Theo ông Thức, Facebook cũng là kênh để sở nắm thông tin phản ánh liên quan vấn đề dạy thêm. Tuy nhiên, đây là kênh không chính thức.
“Sở GD&ĐT đã công bố email, điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh liên quan dạy thêm. Học sinh hay phụ huynh phản đối có thể liên lạc trực tiếp qua các kênh này. Khi có thông tin, sở sẽ cử cán bộ xác minh”, ông Thức nói.
Cũng theo vị chánh thanh tra, việc dạy thêm ở các trường phải tuân theo quy định hiện hành và không bắt buộc học sinh tham gia. Điều quan trọng là khi các trường xin cấp phép dạy thêm phải phân loại được học sinh. Việc để học sinh có trình độ khác nhau ngồi chung lớp học thêm sẽ dẫn đến không hiệu quả.
Tên học sinh đã thay đổi.
Theo Zing
TP.HCM sẽ nới lỏng dạy thêm
Theo người phát ngôn của UBND TP.HCM, chủ trương là cấm dạy thêm tiêu cực theo Thông tư 17, việc triển khai thực hiện cần lộ trình, dựa trên nhu cầu và kết quả khảo sát.
Tại cuộc họp báo cuối tuần qua, ông Võ Văn Hoan - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND TP.HCM - thừa nhận chủ trương cấm dạy thêm học thêm thực hiện với quyết tâm cao đã chưa lường trước những bức xúc xã hội. Việc làm nhanh, mạnh đã ảnh hưởng những vấn đề khác. Đó là chưa chuẩn bị tốt tâm lý cho phụ huynh, học sinh, tạo căng thẳng và gây ức chế trong xã hội.
Chưa lường trước bức xúc xã hội
"Đây là bài học kinh nghiệm của thành phố trong quản lý điều hành, trước tiên phải xem tác động tâm lý để lường trước... Ngay chính trong đội ngũ cán bộ cũng chưa có sự thống nhất trong việc cấm dạy thêm học thêm", ông Hoan nói.
Học sinh trường THPT Võ Thị Sáu trong giờ ngoại khóa. Ảnh: Tiền Phong.
Người phát ngôn của UBND TP.HCM cho rằng: Dạy thêm, học thêm đã có từ xa xưa nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực học tập kiến thức cho học sinh (HS) yếu, nâng cao trình độ để HS giỏi tham gia các cuộc thi quan trọng của đất nước.
Sau này, học thêm giúp HS thi vào các trường học lớn. Dạy thêm, học thêm, theo ông Hoan, xuất phát từ nhu cầu có thật, phụ huynh muốn con có thêm kiến thức để không thua sút bạn bè. Tâm lý của nhiều phụ huynh muốn con em tập trung học kiến thức thay vì bị thế giới ảo và không gian mạng lôi cuốn.
Dạy thêm đáp ứng nhu cầu nhưng sau này bộc lộ nhiều bất cập như không công bằng, HS cảm thấy bị o ép. Dạy thêm từ việc phụ thành việc chính, thời gian học nhiều hơn, lượng kiến thức cung cấp nhiều hơn, trong khi kiến thức dạy trong trường ngày càng bị cắt xén, dẫn đến tiêu cực. Nhiều cơ sở dạy thêm không đạt chuẩn, lấy học phí cao. Giáo viên "chạy sô", sức khỏe và chất lượng giảng dạy không đảm bảo.
Ông Hoan nhấn mạnh: "Dạy thêm tiêu cực dứt khoát phải xử lý. Sắp tới, TP.HCM sẽ chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường, xây dựng cơ chế chính sách chăm lo tốt hơn cho đội ngũ giáo viên, đổi mới sách giáo khoa, thi cử...".
Chỉ cấm dạy thêm tiêu cực
Theo TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, các huyện ngoại thành như Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh... hầu như không có trung tâm bồi dưỡng giáo dục.
"Nếu cấm dạy thêm, học thêm trong trường, các em học ở đâu? Không lẽ buộc các cháu hàng ngày phải đi hàng chục cây số về trung tâm thành phố để học?", ông Hùng băn khoăn.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) cho rằng cơ chế thi cử, sách giáo khoa còn bất cập. Muốn HS tự học với đề thi phân hóa quá cao, chương trình nặng là rất khó, dẫn đến nhu cầu học thêm.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT muốn giáo viên truyền thụ phương pháp cho HS tự nghiên cứu, dẫn đến không nói hết, để HS tự nghiên cứu, tranh luận. Trong lớp học, trình độ HS không đồng đều. Một số HS không hiểu hết, phải học thêm chính các thầy cô của mình.
Theo GS. TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, dạy thêm, học thêm nhằm bồi dưỡng HS yếu, HS giỏi, bồi dưỡng kỹ năng chương trình còn thiếu, bồi dưỡng kiến thức thi cuối cấp hay phụ huynh có nhu cầu gửi con để đi làm... là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, một khi dạy thêm tràn lan, tiêu cực là không nên vì tạo ra môi trường căng thẳng cho HS.
Ông Võ Văn Hoan cho biết thường trực Thành ủy vừa yêu cầu HĐND, UBND TP.HCM xem xét thấu đáo việc cấm dạy thêm, học thêm.
"Chủ trương của lãnh đạo thành phố là cấm dạy thêm tràn lan, tiêu cực theo quy định của Thông tư 17 và việc triển khai phải có lộ trình, dựa trên nhu cầu và kết quả khảo sát. Sắp tới Sở GD&ĐT sẽ tham mưu cho UBND thành phố", ông Hoan nói.
Theo Huy Thịnh / Tiền Phong
Học trò kiệt sức vì học: Lỗi tại phụ huynh hay do hệ thống? Cấm dạy thêm, học thêm, vị "tư lệnh" đứng đầu thành phố đã kiên quyết chỉ đạo nhưng ngay lập tức đụng phải "tổ kiến lửa" vì chạm đến vấn đề nhạy cảm. Gần đây, khi người lớn còn mải tranh cãi đúng - sai chuyện một cô giáo dạy thêm tiếng Anh bị xử lý, cắt hết thi đua cả năm, thì...