Học sinh cử tuyển đạt đủ điểm sàn sẽ không cần qua dự bị ĐH, CĐ
Học sinh thuộc đối tượng cử tuyển nếu thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ được ưu tiên chuyển ngay vào đào tạo chính thức mà không phải qua học dự bị ĐH, CĐ.
Công tác cử tuyển được quy định tại Điều 87 Luật Giáo dục 2019 có một số thay đổi. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành Dự thảo Nghị định “Quy định chế độ cử tuyển đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số” (thay thế Nghị định số 134) và đăng tải xin ý kiến rộng rãi từ ngày 9/3 đến hết ngày 9/5.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT đã làm rõ những nội dung mới đáng chú ý của Dự thảo này.
Đối tượng cử tuyển không được quá 22 tuổi
Người dân tộc thiểu số cần hội đủ những yếu tố nào để trở thành đối tượng cử tuyển theo Dự thảo Nghị định thay thế này, thưa ông?
- Đối tượng cử tuyển phải là công dân Việt Nam và là người dân tộc thiểu số rất ít người; là người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Đối tượng phải có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (có cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ nuôi, người nuôi dưỡng sống tại vùng này). Quy định này nhằm hạn chế tình trạng nhập hộ khẩu nhờ vào các gia đình thân quen, bà con.
Để cử tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp, đối tượng phải học đủ 3 năm học và thi tốt nghiệp THPT tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú.
Để cử tuyển vào trung cấp, đối tượng cần học đủ 4 năm học và tốt nghiệp trung học cơ sở tại trường thuộc địa bàn tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT.
Vậy để được hưởng chế độ cử tuyển, cần lưu ý tiêu chuẩn mới nào, thưa ông?
- Tiêu chuẩn hưởng chế độ cử tuyển sẽ được nâng lên trong Dự thảo Nghị định mới. Theo đó, đối tượng cần tốt nghiệp THPT đối với người được cử tuyển vào ĐH, CĐ; tốt nghiệp THCS hoặc THPT đối với đối tượng được cử tuyển vào trung cấp (ưu tiên học sinh học tại trường phổ thông dân tộc nội trú).
Ngoài ra, đối tượng cần xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên; xếp loại học tập năm cuối cấp (hoặc cuối khóa) đạt loại khá trở lên với đối tượng được cử tuyển vào đại học, loại trung bình trở lên với đối tượng được cử tuyển vào cao đẳng, trung cấp.
Cũng theo quy định, những đối tượng này không được quá 22 tuổi để đảm bảo thời gian công tác hợp lý sau bố trí việc làm.
Đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào không phải học dự bị ĐH, CĐ
Được biết, học sinh thuộc đối tượng cử tuyển nếu thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ sẽ được ưu tiên cử tuyển?
- Đúng vậy. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng và ưu tiên chọn cử người có tài năng, nâng cao chất lượng đầu vào đối với sinh viên theo học chế độ cử tuyển. Quy định này cũng góp phần giúp học sinh có kế hoạch dài hạn, thúc đẩy động lực học tập và hạn chế việc so bì giữa học sinh khá giỏi và học sinh trung bình (được tuyển thẳng vào học cử tuyển và bố trí việc làm) trên cùng một địa bàn.
Dự thảo mới cũng quy định chi tiết và bổ sung nội dung, chuyển ngay vào đào tạo chính thức người được cử tuyển có kết quả kỳ thi THPT quốc gia đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ theo quy chế tuyển sinh tại năm xét đi học cử tuyển. Đối tượng này không phải học dự bị ĐH, CĐ nữa.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là bố trí việc làm cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Dự thảo Nghị định mới quy định ra sao?
- Dự thảo mới quy định trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc phối hợp với các cơ sở giáo dục quy định cụ thể thời gian tối đa sinh viên cử tuyển phải tốt nghiệp ĐH, CĐ. Điều đó sẽ phù hợp với thực tế từng ngành học, tính chất và đặc điểm dân tộc, đảm bảo hiệu quả, chất lượng đào tạo.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong xây dựng kế hoạch, cử người đi học và tuyển dụng sau tốt nghiệp.
Đặc biệt, phải thông báo công khai kế hoạch cử tuyển trước 12 tháng tính đến thời gian nhận hồ sơ đăng ký cử tuyển trên phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Hàng năm, các cơ sở giáo dục gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển hoặc gửi hồ sơ tới các cơ quan, đơn vị dự kiến sử dụng để xét tuyển vào vị trí việc làm. Thực hiện việc tuyển dụng thông qua xét tuyển đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm theo quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 12 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp.
Người học theo chế độ cử tuyển có những quyền và nghĩa vụ gì? Việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo được quy định ra sao?
- Theo Dự thảo Nghị định mới, người học theo chế độ cử tuyển được thông tin đầy đủ về chế độ cử tuyển; được cấp học bổng, miễn học phí và hưởng các chế độ ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước trong thời gian đào tạo; được tiếp nhận hồ sơ để xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong thời gian học tập, người học phải chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của các cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình đào tạo theo ngành học do cơ quan cử đi học phân công.
Người học theo chế độ cử tuyển cần cam kết trước khi được cử tuyển và chấp hành sự cam kết với cơ quan cử đi học về việc bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Việc bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo áp dụng với người không chấp hành việc xét tuyển và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp theo cam kết, người có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do UBND cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo. Điều này nhằm ràng buộc và đảm bảo ổn định cán bộ ở vùng khó khăn như: Bác sỹ, giáo viên, công nhân viên quốc phòng, an ninh…
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể mức bồi hoàn và cách thức bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người học theo chế độ cử tuyển quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
Xin cảm ơn ông!
Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Dự thảo Nghị định mới xác định nguyên tắc cử tuyển: Đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định; Khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Đảm bảo phải bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Chế độ cử tuyển quy định tại dự thảo Nghị định này bao gồm: tuyển sinh, tổ chức, kinh phí đào tạo cử tuyển; xét tuyển và bố trí việc làm; bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không chấp hành cam kết.
Minh Thu – Trường Giang
Theo vietnamnet.vn
Học sinh Tây Ninh từ mầm non đến THCS tiếp tục nghỉ học phòng dịch Covid-19
Chiều 13.3, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh đã có thông báo về việc cho học sinh từ mầm non đến THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 28.3 để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha đã trở lại trường từ ngày 2.3 - ẢNH: GIANG PHƯƠNG
Riêng đối với học sinh THPT, giáo dục thường xuyên, sinh viên, học viên các trường trung cấp, cao đẳng, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh sẽ đi học bình thường.
Trước đó, học sinh THPT, giáo dục thường xuyên tại Tây Ninh đã chính thức trở lại trường từ ngày 2.3, sau khi được nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định lùi thời điểm thi THPT Quốc gia
Học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đo thân nhiệt học sinh - Ảnh: Giang Phương
Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, trường học chỉ đạo các tổ chuyên môn hướng dẫn, nhắc nhở học sinh ôn tập, tự học ở nhà trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, nghiên cứu vận dụng hệ thống VNPT E-learning, Viettel study và các phần mềm ứng dụng khác trong việc hỗ trợ học sinh ôn tập.
Các trường tiếp tục cập nhật tình hình diễn biến dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, các văn bản hướng dẫn liên ngành của Sở GD-ĐT đã ban hành trước đó.
Theo thanhnien.vn
Linh hoạt dạy và học Sau khi Bộ GDĐT quyết định toàn bộ các trường học nghỉ tới cuối tháng 2/2020, nhiều trường ĐH, CĐ, Trung cấp trên địa bàn TP HCM đã có thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh. Các trường ứng phó linh hoạt với lịch nghỉ dài ngày. ThS Trần Thành Đức - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quốc tế Khôi Việt...