Học sinh chọn ngành ra sao?: Trầy trật những ngành học khó tuyển sinh
Thí sinh chọn lựa ngành học theo thực tế xã hội, theo số đông khiến bên cạnh những ngành thời thượng thu hút người học vẫn có một số ngành học dù rất cần thiết cho xã hội nhưng không tuyển sinh được.
Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Trường này cũng có 2 ngành khó tuyển sinh – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Ngừng tuyển sinh
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM dừng tuyển sinh 2 ngành là công nghệ vật liệu và khoa học thủy sản do thí sinh (TS) đăng ký vào 2 ngành này quá ít. Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, các năm trước, 2 ngành này đều tuyển sinh khó khăn.
Ngành khoa học thủy sản mới tuyển sinh 2 năm nhưng không thu hút được TS. Ngành công nghệ vật liệu tách ra từ khoa hóa học, những tưởng sẽ được TS quan tâm nhưng cũng lâm vào tình trạng tương tự. Ban đầu, trường dự tính chỉ tạm dừng tuyển sinh năm nay nhưng từ tình hình thực tế, có thể phải ngưng tuyển sinh luôn.
“Sinh viên học ngành công nghệ vật liệu ra trường không thiếu việc làm. Các doanh nghiệp đều rất quan tâm. Tuy nhiên, có thể công việc ở xa thành phố nên các em ngại đăng ký học. Đóng cửa ngành này là một điều rất đáng tiếc!”, thạc sĩ Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Những ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp
Video đang HOT
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2019, có 5 nhóm ngành ĐH tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất trong toàn hệ thống gồm: nông lâm nghiệp và thủy sản (tỷ lệ nhập học đạt 32,6%), khoa học tự nhiên (34,58%), môi trường và bảo vệ môi trường (45,28%), dịch vụ xã hội (45,71%) và khoa học sự sống (50,04%).
Trước mùa tuyển sinh năm 2020, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã công bố ngừng tuyển sinh 5 ngành, gồm: khoa học môi trường, kỹ thuật điện, điện tử – viễn thông, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, thiết kế công nghiệp. Thay vào đó, trường tuyển sinh mới các ngành y đa khoa, hộ sinh, cử nhân sức khỏe răng miệng, digital marketing, quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật y sinh, quản lý công nghiệp, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật hạ tầng đô thị. Theo lãnh đạo nhà trường, việc dừng tuyển sinh các ngành là do TS ít quan tâm trong những năm gần đây.
Thí sinh thờ ơ
Theo thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, trong đợt xét tuyển vừa qua có 2 ngành của trường tuyển được ít sinh viên là địa chất học và hải dương học (mỗi ngành tuyển được khoảng 20 người).
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết các ngành tại trường có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm đầu tiên là những ngành rất “hot”, có TS đăng ký đông và tỷ lệ chọi rất cao như nhóm ngành liên quan công nghệ, kỹ thuật, thú y, công nghệ sinh học… Thứ hai là nhóm có các ngành lấy mức điểm vừa phải. Thứ ba là một số ngành khó tuyển như lâm nghiệp, chế biến lâm sản, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng, khoa học môi trường.
Theo thạc sĩ Phùng Quán, trước đây 2 ngành địa chất học và hải dương học được nhà nước hỗ trợ về kinh phí để đào tạo. Tuy nhiên, từ năm nay, trường không nhận được kinh phí hỗ trợ nữa. Mặc dù ít sinh viên, lãnh đạo nhà trường vẫn quyết giữ lại 2 ngành này vì đây là những ngành khoa học cơ bản rất cần thiết, xã hội vẫn cần.
Sinh viên các ngành này sẽ học chung với sinh viên các ngành khác trong giai đoạn đại cương. Đến khi vào giai đoạn chuyên ngành, trường sẽ có cách sắp xếp đào tạo hợp lý. “Một lý do khác để duy trì ngành học là trong trường ĐH, không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà còn nghiên cứu”, thạc sĩ Phùng Quán chia sẻ.
Học sinh đang chọn ngành ra sao?
Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo ĐH năm nay thể hiện rất rõ xu hướng chọn lựa ngành học của học sinh, phản ánh cái nhìn về thực tế của xã hội; và dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn này.
Những ngành liên quan đến công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo thu hút sự quan tâm của học sinh - ĐÀO NGỌC THẠCH
Vì dịch Covid-19, nhiều ngành học "lên ngôi"
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), trong năm nay, thí sinh (TS) của trường chọn học nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Nếu so với năm ngoái, TS đăng ký 2 ngành này tăng lên khoảng 10 - 15%. Ngành TS lựa chọn nhiều kế tiếp là cơ khí ô tô.
Tiến sĩ Hải nhận định: "Ngoài 3 ngành này có lượng TS đăng ký đông, điều bất ngờ tại năm nay, số lượng TS đăng ký ngành du lịch ít hẳn đi. Xu hướng chọn ngành học như vậy liên quan đến cả dịch Covid-19. Ngành du lịch giảm sút vì bị ảnh hưởng dịch. Ngược lại, trong đợt dịch vừa qua, ngành công nghệ thông tin cho thấy đây là nền tảng của xã hội ngày nay, là xu thế tất yếu của hiện tại và tương lai".
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nhìn chung, lựa chọn ngành nghề của TS tại trường đang gắn với nhu cầu xã hội. Các nhóm ngành thu hút số lượng nguyện vọng lớn, có điểm chuẩn tương đối cao là kinh tế - quản trị và công nghệ thông tin.
Điều bất ngờ khác là theo thạc sĩ Dung, năm nay ngành thương mại điện tử có sức hút lớn. Dù năm đầu tiên tuyển sinh với chỉ tiêu hạn chế nhưng số lượng nguyện vọng đăng ký lại khá cao.
Ở các ngành còn lại, bên cạnh nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ luôn có số lượng nguyện vọng ổn định trong các năm qua thì việc các ngành kiến trúc, thiết kế thời trang có được TS chọn đăng ký là một điều khá bất ngờ.
Chọn ngành phù hợp xu thế
Năm nay, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM có ngành học có điểm chuẩn cao nhất các trường ĐH ngoài công lập là logistics và quản lý chuỗi cung ứng với 24 điểm. So với chỉ tiêu tuyển của trường thì ở ngành này, TS đăng ký cao hơn gấp 3 lần chỉ tiêu. Ngành kinh doanh quốc tế cũng có số TS đăng ký tương tự.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho rằng việc lựa chọn ngành nghề của TS tại trường năm nay cũng tương tự các năm trước, thiên về khối ngành kinh tế rất lớn. Điều này cũng phù hợp với xu thế kinh tế mở của hội nhập. Xu thế này cũng giải thích cho việc chọn lựa của TS với các ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh quốc tế...
"Xu hướng chung của TS khi chọn ngành học tương lai là có thể làm việc trong mọi hoàn cảnh, linh động, thích ứng với sự thay đổi của hoàn cảnh. Những ngành học thuộc các lĩnh vực như truyền thông, digital marketing, thương mại điện tử... sẽ là xu hướng. Tuy nhiên, theo tôi, còn một xu hướng ngược lại là ngành ngôn ngữ Anh sẽ có thể giảm sức hút", bà Ngọc Bích cho biết.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ: "Mức độ "hot" của một ngành học, đôi khi còn phụ thuộc vào chính xu thế phát triển của xã hội. Ví dụ như học công nghệ thông tin, an toàn thông tin, hệ thống thông tin quản lý trong thời đại 4.0, học thương mại điện tử khi nhu cầu mua sắm online tăng mạnh và dự báo sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới"...
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết năm nay, tại trường, ngoài các ngành có số lượng cao ổn định, nhóm ngành quản lý đất đai - bất động sản được quan tâm nhiều hơn. Điều này phản ánh xu thế phát triển của xã hội.
"Tuy nhiên, có thể lưu ý qua cách đăng ký ngành học năm nay là TS không chọn các ngành học thuộc nhiều nhóm ngành khác biệt nhau như trước nữa. Thay vào đó, đa số TS có xu hướng chọn ngành cùng nằm trong một lĩnh vực, nhóm ngành. Điều này cho thấy các em đã có sự tìm hiểu, cân nhắc về ngành nghề tốt hơn trước", tiến sĩ Trần Đình Lý nhận định. (còn tiếp)
Ứng dụng công nghệ mùa nhập học: Lợi đôi đường Thời điểm này, các trường đại học đang căng mình đón tân sinh viên làm thủ tục nhập học. Để giảm tải và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, nhiều trường đã không ngừng ứng dụng thành tựu của công nghệ vào các khâu trong quá trình nhập học. Chuyên viên của Trường ĐH Tài chính - Marketing hỗ trợ tân...